Sổ tay văn hoá Việt Nam của Trương Chính và Đặng Đức Siêu (Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1978), trang 324, có viết rằng “trong gần 150 năm, các vua nhà Nguyễn chỉ lo tô sửa cho kinh thành Huế, chẳng chú ý gì đến giang sơn tổ quốc”. Xin cho biết lời khẳng định trên đây có chính xác và khách quan hay không?

Để trả lời, chúng tôi xin dẫn lại ý kiến sau đây của Chu Quang Trứ tại cuộc hội thảo “Một số vấn đề về triều Nguyễn”, tổ chức hồi tháng 10 năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh:

“Nhà Nguyễn khi thay thế nhà Tây Sơn xác lập chủ quyền của vương triều trên lãnh thổ, dù dựa vào thế lực nào đi chăng nữa, thì ở địa vị ông chủ của cả nước tất phải yêu nước, quản lý cả một cộng đồng dân tộc cần phải biết lịch sử dân tộc. So với các vương triều trước ở vào thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã kiểm kê đất nước và lịch sử để nắm tài sản tinh thần một cách hệ thống và có hiệu quả nhất (…)

Trước hết, chúng tôi muốn nói tới ý thức của nhà nước đối với những di tích và di vật của tiền nhân để lại. Ngày nay trong hầu hết các di tích dù của thời nào thì cũng đều tìm thấy dấu vết sửa chữa hoặc xây dựng thêm ở thời Nguyễn (Chúng tôi nhấn mạnh – AC). Tất nhiên ngày ấy, sửa chữa những phần hư hỏng của một di tích kiến trúc chưa mang theo ý thức phục chế, mà được làm mới theo thẩm mỹ đương thời, vì thế ngày nay chúng ta nhận biết được dễ dàng và có thể bóc tách ra từng lớp niên đại không khó khăn, và phần xây dựng lại các di tích cũ cũng thế, vì vậy có nhiều di tích theo truyền ngôn, và thậm chí cả thư tịch nữa, đều khẳng định có rất sớm, chẳng hạn như đền Hùng (Vĩnh Phú) ít ra có từ thời Lý, nhưng quan sát tại chỗ thì rõ ràng là đã làm lại hoàn toàn vào thời Nguyễn. Còn xây dựng thêm ở những di tích cũ, cái hay là không lấn át, không làm méo mó những gì đã có, mà bổ sung, tôn lên cái cũ, tạo ra một toàn cảnh đầy đủ hơn và về sau có bỏ đi những phần làm thêm ấy thì cũng chỉ là trả lại bộ mặt trước của di tích. Điều này thấy rõ nhất là ở các đình làng ngoài Bắc: hầu hết các nhà tiền tế, phần lớn các hậu cung, toàn bộ các dãy tả vu, hữu vu và các cột gạch cổng đình đều làm thêm vào thời Nguyễn (…).

Đối với các anh hùng dân tộc, dù ở dạng truyền thuyết hay lịch sử, triều Nguyễn đều biểu hiện một sự tự hào và có trách nhiệm, muốn phát huy để khai thác. Vì thế, đền thờ cũ nếu hư thì sửa, nếu hỏng thì làm lại, quy mô khang trang và hàng năm tổ chức lễ hội trang trọng. Đền Hùng (Vĩnh Phú), đền hai Bà Trưng (Hà Nội), đền Bà Triệu (Thanh Hoá)… là những bằng chứng cụ thể.

Đối với lăng mộ các vị vua cũ, loại trừ thái độ quá quắt đối với nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã tổ chức điều tra, xác minh và sau đó dựng bia để định vị. Từ thời Trần về trước, ta chưa có lệ dựng bia ở lăng mộ các vua, nếu không có sự định vị bằng bia của triều Nguyễn, ngày nay chúng ta thật khó tìm lại được. Nhưng rất may, từ thuỷ tổ xa xăm là Kinh Dương Vương các anh hùng dân tộc là Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, rồi các vua nhà Lý và các vua nhà Trần đều còn giữ lại được mộ để ngày nay con cháu có thể hành hương đến Hà Bắc, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh để thắp hương tưởng niệm, là nhờ có bia của triều Nguyễn.

Từ thời Lê, các vua khi mất được dựng bia ở mộ, nhưng có khi bị thời gian bào mòn hết chữ, như bia Lê Uy Mục Hà Bắc, cũng được triều Nguyễn cho khắc mấy chữ định vị.

Đi liền với lăng mộ là đền miếu thờ cũng được triều Nguyễn chăm sóc chu đáo. Chẳng hạn đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Hà Bắc, ngay năm thứ hai của triều Nguyễn, nhà nước đã lấy dân sở tại đặt làm phu miếu để trông nom, được miễn những lao dịch khác.

Tuy nhiên, lăng mộ và đền miếu các vị đế vương không nhiều. Phổ biến là đình, chùa, đền, miếu ở khắp các làng xã ngoài Bắc, triều Nguyễn cũng có sự quan tâm nhất định, nhiều lần ban sắc phong thần, xác định sự chứng thực và thừa nhận của Nhà nước. Những sắc này ngày nay chúng ta tìm được vô số, từ những làng quê hẻo lánh nhất, và với số lượng vượt xa của các thời trước cộng lại.

Đặc biệt phải kể đến các di tích mới xây dựng trong thời Nguyễn. Số này không nhiều, vì phần lớn các làng xã đã ổn định hệ thống kiến trúc công cộng, chỉ những làng mới hoặc làng cũ còn thiếu di tích loại gì thì giờ mới xây bổ sung. Không ít những công trình ấy có quy mô rất lớn và chạm khắc trang trí tuy không phong phú nhưng khá tinh xảo, chẳng hạn như đình Yên Đông (Quảng Ninh), đình Tam Tảo (Hà Bắc). Đền Quan Thánh làm lại hoàn toàn và đền Ngọc Sơn (Hà Nội) đều đã giỏi chọn địa thế, lợi dụng môi trường, tạo sự hoà hợp đặc biệt với thiên nhiên, lại được tài trang trí của các nhà điêu khắc tôn lên rất nhiều”(1)

Về các cung điện của vua chúa triều Nguyễn tại Huế, Chu Quang Trứ đã nhận xét như sau:

“Những cung điện ấy, từng kiến trúc riêng không lớn hơn mấy so với một đình làng to ngoài Bắc (như đình Đình Bảng, đình Tam Tảo…), và vẫn theo một “thức kiến trúc Việt Nam”.

Từ cách tạo bộ khung gỗ, xử lý mộng mẹo, tỷ lệ các phần (.) Những cung điện ấy có phần cao sang, song với trung gian là nhà giường của quý tộc, nó rất gần với những đình làng quanh Huế, và do đó không chút kiêu sa, không chút lạ lẫm với người dân (Chúng tôi nhấn mạnh – AC). Cho đến nay, du khách vào thăm cung điện và lăng tẩm Huế vẫn thấy có cả sự trang nghiêm và thân thuộc, dễ dàng hoà nhập với mỗi cảnh”.

Trở lên là ý kiến của Chu Quang Trứ, mà chúng tôi đã dẫn ra để trả lời cho câu hỏi của ông, nghĩa là để trả lời xem có phải trong gần 150 năm, các vua nhà Nguyễn chỉ lo tổ sửa cho kinh thành Huế mà chẳng chú ý gì đến giang sơn tổ quốc, như Trương Chính và Đặng Đức Siêu đã khẳng định một cách hoàn toàn vô căn cứ và vô trách nhiệm, hay không. Tuy nhiên việc “chú ý đến giang sơn tổ quốc” không phải chỉ tập trung ở phương diện kiến trúc. Ai ai cũng biết được rằng đó là một công cuộc lớn lao hơn nhiều và bao gồm rất nhiều phương diện. Chúng tôi lại xin dẫn ý kiến của sử gia lão thành Trần Văn Giàu, cũng phát biểu trong cuộc hội thảo nói trên, như sau:

“(…) Khi nói về sự khủng hoảng dưới triều Nguyễn là nói về chính trị chứ về nông nghiệp vẫn phát triển (…) Không thời nào văn hoá phát triển như thời Nguyễn. Tám mươi năm của nhà Nguyễn, sách vở sáng tác gần bằng hoặc bằng, thậm chí còn nhiều hơn mấy trăm năm trước. Những nhà tư tưởng của thời Nguyễn cao hơn những nhà tư tưởng trước, những nhà văn cao hơn những nhà văn trước, những nhà làm sử, cũng giỏi hơn những nhà làm sử trước. Có thể nói sự phát triển văn hoá dưới thời Nguyễn tương đương với sự thống nhất của quốc gia. Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển về văn hoá rất nhiều. Đó là thành tích của triều Nguyễn.(2)

Tác giả còn nói thêm: “Một phương châm cai trị của các a nhà Nguyễn là “cần chính”, nghĩa là chú tâm lo việc nước (Chúng tôi nhấn mạnh – AC). Buổi làm triều vua phải có mặt trước từ sớm, khi bãi triều vua phải là người đi ra sau cùng”

Để kết luận, xin dẫn ý kiến của học giả Trần Bạch Đằng, cũng phát biểu trong cuộc hội thảo đã nói:

“Chúng ta rất cảm phục phong trào Tây Sơn nhưng không vì vậy mà phủ định toàn bộ các quá trình tiến bộ xã hội mà các vua chúa triều Nguyễn đã thực hiện được có kết quả. Khoa học lịch sử chân chính đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có một thái độ rất khoa học và công bằng trong khi phân tích lịch sử”(3)

  1. “Nhìn lại văn hoá nghệ thuật dưới triều Nguyễn”, trong Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn, Nxb. Khoa học Xã hội, 1992, tr. 149 – 152.
  2. “Vài nhận xét về thời nhà Nguyễn”, sđd, tr. 18.
  3. Nhận thức lại vấn đề đánh giá triều đại nhà Nguyễn”, sđd, tr. 24.