Vào khoảng đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, ký giả Trần Tấn Quốc – chủ nhiệm báo Tiếng Dội (sau tái bản có tên báo Đuốc Nhà Nam) cho ra đời giải Thanh Tâm, giải thưởng này chỉ trao giải thưởng cho những nghệ sĩ bên lĩnh vực sân khấu cải lương, vì thời gian đó sân khấu cải lương đang hưng thịnh hơn cả ngành điện ảnh và sân khấu ca nhạc kịch. Giải Thanh Tâm là giải thưởng nghệ thuật tôn vinh tài năng nghệ sĩ với mục đích phát huy nền văn hóa nghệ thuật nói chung và sân khấu cải lương nói riêng.

Đến thời Đệ Nhị Công Hòa, từ cuối năm 1972, thời kỳ này lĩnh vực điện ảnh và tân nhạc đã phát triển mạnh mẽ, nên tờ nhật báo Trắng Đen đã thực hiện giải Kim Khánh Nghệ Thuật, nhưng hình thức tổ chức lại khác biệt so với giải Thanh Tâm của báo Đuốc Nhà Nam.

Tờ Trắng Đen có chủ trương mời đọc giả tham dự cuộc thi bằng hình thức điền tên nghệ sĩ mà mình hâm mộ yêu thích vào phiếu tham dự để đề cử, rồi gửi về tòa báo chờ kiểm phiếu. Nghệ sĩ nào có số phiếu cao nhất sẽ được trao tặng từ Huy chương vàng đến huy chương bạc và đồng. Riêng đọc giả dự đoán trúng hoặc gần trúng với tổng số phiếu tham dự, được nhận giải thưởng bằng hiện kim.

Giải Kim Khánh có danh hiệu dành cho các nghệ sĩ đoạt giải là Ảnh Hậu và Ảnh Đế (đối với lĩnh vực điện ảnh) giống như tên gọi mà điện ảnh Hong Kong sử dụng. Với lĩnh vực Tân nhạc có danh hiệu Giọng ca vàng. Ngoài ra có những giải trao cho Quái kiệt sân khấu, nhạc phẩm đang thịnh hành, phim Việt Nam hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, và các tài năng mới được ưa chuộng nhất…

Lúc đó tôi là thư ký thường trực của Giải Kim Khánh Nghệ Thuật, trong một Hội đồng Giám Khảo nhưng không có chức năng Giám khảo. Ngoài Chủ khảo – tức chủ nhiệm báo, còn có các vị khác gồm các ký giả như Thiên Hà, Quỳnh Như, Ngọc Hoài Phương và các người viết phụ trách Điện ảnh – Tân nhạc; ký giả Trọng Viễn, Huy Trường, soạn giả Trần Hà, thi sĩ Cẩm Thi Lý Dũng Tâm phụ trách về cải lương; ký giả Phong Vân, Hoài Ngọc làm phụ tá cho chủ khảo, cùng với soạn giả Duy Lân và ông Tam Mộc – nguyên chủ nhiệm báo Buổi Sáng – làm cố vấn.

Tôi được ông chủ khảo phân công dự kiến các nghệ sĩ sẽ đoạt giải như vòng sơ tuyển, sau đó Ban Giám Khảo sẽ bình chọn như vòng chung kết. Cuối cùng danh sách cũng đã có, nhìn chung có giá trị về chất lượng khi công bố giải thưởng cho các nghệ sĩ trúng giải.

Sơ lược danh sách đề cử là:

Các giải về điện ảnh:

– Ảnh hậu: Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga

– Ảnh đế: Trần Quang, Huỳnh Thanh Trà, Hùng Cường, Thành Được.

– Nữ tài tử nhiều triển vọng: Lệ Hoa, Như Loan

– Đạo diễn: Lê Dân, Bùi Sơn Duân, Lê Mộng Hoàng. Lê Hoàng Hoa

– Phim được yêu chuộng nhất: Như Giọt Sương kKuya, Loan Mắt Nhung, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Anh Yêu Em.

Các giải về tân nhạc:

– Nữ ca sĩ: Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Lệ Huyền

– Nam ca sĩ: Elvis Phương, Nhật Trường, Thái Châu

– Bài hát được yêu thích nhất: Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh), Bao Giờ Biết Tương Tư (Phạm Duy, Ngọc Chánh), Mai (Quốc Dũng), Rước Tình Về Với Quê Hương (Hoàng Thi Thơ).

– Ban nhạc được ưa thích nhất: Shotguns, Phạm Mạnh Cương, Phượng Hoàng, Mây Trắng.

Các giải về thoại kịch:

– Nam kịch sĩ: La Thoại Tân, Vân Hùng, Ngọc Phu

– Nữ kịch sĩ: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng

Các giải sân khấu cải lương & hồ quảng:

– Nữ nghệ sĩ cải lương: Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Thanh Nga, Phượng Liên.

– Nam nghệ sĩ cải lương: Hùng Cường, Thành Được, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm

– Nữ nghệ sĩ Hồ Quảng: Bạch Lê, Thanh Thế, Bạch Mai

– Nam nghệ sĩ Hồ Quảng: Thanh Bạch, Bửu Truyện, Đức Lợi

– Quái kiệt sân khấu: Thanh Việt, Phi Thoàn, Tùng Lâm, Văn Chung, Bảo Quốc

– Nữ quái kiệt sân khấu: Kim Ngọc, Kiều Mai Lý, Mỹ Chi, Diễm Kiều

Trong danh sách đề cử này đều là những nghệ sĩ “kẻ tám lạng người nửa cân”. Nhưng vì giải thưởng cho mỗi đề mục có giới hạn về huy chương vàng, bạc, đồng nên chỉ có từ một đến ba người đoạt giải cho mỗi bộ môn.

Kết quả các giải thưởng được trao tặng như sau:

Về Điện ảnh:

– Ảnh hậu: Thẩm Thúy Hằng, Ảnh đế: Trần Quang

– Tài tử nhiều triển vọng: Lệ Hoa

– Phim được ái mộ nhất : “Như Giọt Sương Khuya” của hãng Việt Ảnh của Bùi Sơn Duân giám đốc sản xuất kiêm đạo diễn, với tài tử Bạch Tuyết, Trần Quang.

– Đạo diễn xuất sắc: Bùi Sơn Duân

Trần Quang nhận giải Diễn viên xuất sắc và được ái mộ nhất 

Về Tân Nhạc:

– Nữ ca sĩ: Thanh Thúy – Nam ca sĩ: Elvis Phương

– Ban nhạc được mến chuộng: Ban Shotguns do Ngọc Chánh làm trưởng ban, cùng Cao Phi Long, Hoàng Liêm, Đan Thọ, Tuấn trống.

– Nhạc phẩm được ưa thích nhất: Mai của nhạc sĩ Quốc Dũng

Về Thoại kịch:

– Nữ nghệ sĩ : Kim Cương – Nam nghệ sĩ : La Thoại Tân

Về Quái kiệt :

– Bên thoại kịch: Thanh Việt – Mỹ Chi

– Bên Cải lương: Văn Chung – Kim Ngọc

Về Cải Lương:

– Nam nữ “Cải lương chi bảo”: Hùng Cường – Bạch Tuyết

– Nam nữ nghệ sĩ Hồ Quảng: Thanh Bạch – Bạch Lê

Đây là danh sách giải thưởng căn cứ theo cuộc bỏ phiếu của công chúng, được trao cho những nghệ sĩ hiện đang thành danh nhất lúc đó, chỉ có một vài giải có hơi chệch choạc, như ca khúc Mai của “nhạc sĩ trẻ” Quốc Dũng không nổi tiếng bằng những nhạc phẩm của các nhạc sĩ danh tiếng Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Mạnh Phát, Hoàng Thi Thơ lúc bấy giờ. Hay phim Như Giọt Sương Khuya của Bùi Sơn Duân đã chiếu cách đó vài năm không xứng đáng bằng phim Xóm Tôi của đạo diễn Lê Dân, vì các phim của Lê Dân lúc đó đang rất ăn khách. Nhưng Ban Giám Khảo đã tôn trọng tuyệt đối ý kiến của độc giả đã bình chọn.

Giải Kim Khánh Nghệ Thuật tổ chức được hai lần. Năm 1973 là lần đầu tiên trao giải thưởng tại rạp Quốc Thanh trên sân khấu của đoàn cải lương Hùng Cường – Bạch Tuyết (năm đó Phượng Liên cũng ở trong đoàn, đoạt Huy Chương Bạc nhưng không ra nhận giải vì cô cho rằng mình nổi tiếng nhưng chỉ về nhì); năm thứ hai 1974 được tổ chức làm hai buổi, đêm đầu ở nhà hàng Champions góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Khắc Nhu bây giờ. Đêm sau trao giải Huy chương vàng tại nhà hàng Maxim’s nằm trên đường Tự Do.

Tượng vàng và các loại huy chương trao cho các nghệ sĩ giải Kim Khánh được họa sĩ Nguyễn Tăng của đoàn Dạ Lý Hương thiết kế tạo mẫu, được mạ vàng 24K rất giá trị. Nói chung giải thưởng này có tiếng vang, từ các giới nghệ sĩ điện ảnh, tân nhạc, thoại kịch và cải lương cho đến người hâm mộ các bộ môn nghệ thuật bấy giờ.

Những năm đó báo Trắng Đen còn tổ chức các giải thưởng khác như Giải Kim Khánh Khiêu Vũ tại các nhà hàng khiêu vũ trường Nam Đô của ông Võ Văn Ứng (một mạnh thường quân trong làng thể thao) đang do Phương Hồng Quế khai thác, đến Tự Do của ông Nguyễn Văn Cường, Maxim’s của ông Diệp Bảo Tân, International của Ngọc Chánh – Thanh Thúy, QueenBee của ông Tuất…

Giải thưởng khiêu vũ này rất được mọi người đăng ký tham dự cũng như khán giả đến thưởng ngoạn đông đảo để nhìn từng cặp lã lướt trên sàn nhảy qua những điệu nhạc từ slow đến samba đầy sôi động, hoặc nhìn những cặp biểu diễn khiêu vũ tung ném (acrobatic) qua các điệu tango, chachacha, bebop… từ một đến hai ba đào. Hai người con của vũ sư Nguyễn Trọng là Nguyễn Hưng – Ánh Mai cũng biểu diễn không kém những đàn anh đàn chị, hay những “nam nữ đệ tử” trong lò dạy nhảy của bà Jackie khiến mọi người luôn phải khen ngợi…

Sau khi phát giải Kim Khánh năm 1974, ban tổ chức có cho sản xuất một băng nhạc lấy tên “Đại hội Phát Thưởng Giải Kim Khánh” qua hai loại băng lớn và nhỏ.

Nghe lại băng thu âm giải Kim Khánh 1973

Cuốn băng nhạc này do cơ sở Nguồn Sống của nhạc sĩ Ngọc Chánh – ban Shotguns thực hiện, tại phòng thu âm của Pat Lâm trên đường Á Nam Trần Tuấn Khải Q5 gần chợ Hòa Bình, sản xuất mỗi loại 1.000 băng, do kiosque Khai sáng nằm ở 91 ter Công Lý (dưới nhà hàng vũ trường International Quốc Tế) độc quyền phát hành, mà chủ nhân là bà Phúc – vợ nhạc sĩ Ngọc Chánh phụ trách.

Theo dư luận bấy giờ, cuốn băng này được nhiệt liệt tán thưởng, chuẩn bị được tái bản thì do biến cố năm 1975 nên mọi sinh hoạt đều ngưng hoạt động.

NHỮNG GIẢI THƯỞNG KHÁC

Năm 1974 nhóm Thân Hữu Ký Giả Điện Ảnh Tân Nhạc cũng tổ chức giải thưởng điện ảnh lấy tên cố tài tử lão thành Lý Quốc Mậu, hình thức tổ chức như Giải Thanh Tâm, tức thành lập một hội đồng duyệt xét các giải thưởng nhằm trao cho các nam nữ tài tử đang hoạt động, gồm các ký giả chuyên mục điện ảnh kịch trường trên các báo như Huy Vân, Văn Lương, Thiên Hà, Quỳnh Như, Đặng Tường Vi, Trần Quân, Phạm Hồng Vân, Nguyễn Toàn, Tương Giang, Huy Trường, Phi Sơn, Ngọc Hoài Phương, Trọng Minh… cho hai bộ môn điện ảnh và tân nhạc

Giải thưởng Lý Quốc Mậu đặt dưới sự bảo trợ của Nghiệp đoàn khai thác điện ảnh VN (lúc đó nghiệp đoàn này có nhiệm vụ chia quota xuất nhập phim ảnh cho các hãng phim có môn bài 13 – thời chính quyền cũ ngành xuất nhập cảng được chia thành 18 ngành, nơi nào được cấp loại môn bài nào thì được chia quota theo tỉ lệ loại đó qua vốn đã đăng ký, để không dẫm chân hay tranh thương lẫn nhau). Ngoài ra còn có sự bảo trợ của hãng phim Mỹ Vân của ông Lưu Trạch Hưng, hãng phim Lido của Quách Thoại Huấn.. việc bảo trợ của các nơi trên được thỏa thuận mang tính không vụ lợi.

Tiếc rằng giải thưởng đã hình thành được cái sườn, chỉ chờ dịp lễ lớn trong năm 1975 thì công bố, nhưng đã dừng lại vì biến cố lịch sử.

Nguồn: Nguyễn Việt