Kiểm là món ăn chay truyền thống của đồng bào Phật tử ở Nam Bộ. Trong những ngày rằm hay mồng một, mỗi nhà đều nấu món này như là thức ăn chính. Tại các chùa hay tu viện, trong các dịp lễ tế lễ hay giỗ Tết, nhà chùa cũng thết đãi khách thập phương đến tham gia lễ bái món canh Kiểm. Kiểm có thể ăn riêng như một món hay ăn với cơm, bún, bánh mì.
Nguyên liệu để chế biến món canh Kiểm thường là những sản vật có ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nó có đủ hương vị của bột nếp, đậu phộng, dừa khô, khoai lang, bí đỏ, mướp…, đặc biệt nhất là bông trang đỏ, tất cả hòa quyện vào nhau nhưng vẫn giữ được cả hương sắc và vị của từng loại, nhờ đó Kiểm có vị béo của dừa, ngọt dịu của khoai, mướp…
Ngày trước để chế biến một nồi Kiểm, người ta chẳng theo một công thức nhất định nào về nguyên liệu, vì đây là món ăn mang tính cộng đồng sâu sắc nên được biến thể theo mùa, theo từng nơi, theo từng lúc. Tuy nhiên ở các chùa, cũng như tại tư gia khi nấu món Kiểm thường theo một cách thức chung; trong đó nguyên liệu cơ bản gồm dừa tươi dày, dừa khô, bột nếp, hạt sen, đậu phụng, đậu đũa, mướp, khoai lang, khoai mì, khoai môn, nấm mèo, bí đỏ, mít, bông trang đỏ..
Về cách nấu thì dừa tươi lấy nước, cơm dừa cắt thành sợi; dừa khô lấy nước cốt và nước dão; mít cắt sợi, nấm mèo cắt sợi nhỏ; các nguyên liệu còn lại cắt vừa dùng, đậu phộng một phần ngâm nước, một phần rang bỏ vỏ, bột nếp nhồi cho dẽo rồi bao bên ngoài hạt đậu. Lấy nước dừa tươi và nước dão, thêm nước nếu chưa đủ, cho muối vào, rồi các nguyên liệu tiếp theo theo thứ tự loại nào lâu chín cho vào trước…Sau khi moị thứ đã chín, cho nước cốt dừa vào nấu sôi, nếm lại là có thể bài trí để cúng dường và dùng. Khi bày lên tô rải bông trang đỏ lên trên.
Ngày nay để nấu món Kiểm người ta thường thêm tàu hủ, cà rốt, khoai tây, nấm đông cô, nấm tuyết…nhưng lại thiếu bông trang đỏ làm mất nét duyên khi bài trí, và thiếu hương thơm nhẹ của món ăn nhiều hương sắc này.
Kiểm là món ăn mang tính tâm linh, văn hóa và nhân văn sâu sắc, thể hiện nhân sinh quan của những người con Phật ở đồng bằng Nam Bộ.Trong món Kiểm, không có nguyên liệu nào là chính, tất cả cấc nguyên liệu đều hòa quyện vào nhau, tạo hương vị chung nhưng vẫn giữ được dư vị của từng loại. Mặc dù chỉ là món ăn nhưng có thể coi đó là hình ảnh biểu tương của miền Tây sông nước, nơi đó các cộng đồng dân tộc Kinh, Kh’mer, Hoa…chung sống không có sự phân chia nhiều nhiều-ít; cùng nhau xây dựng một môi trường sống trong sáng, nghĩa tình mà mỗi cộng đồng đều giữ được những tinh hoa của riêng mình. Đó là tinh thần bình đẳng và vô ngã trong giáo lý nhà Phật; là tâm nguyện truyền giáo của chư Tổ đạo Phật, muốn mang ánh sáng từ bi-trí huệ đến với mọi người.
Về tên gọi món ăn là Kiểm, không thấy ghi trong sách vở, tuy nhiên có người cho rằng nó được biến âm từ tên gọi “Cẩm” mà ra. (vần âm thành im hay iêm: tâm – tim; nhậm- nhiệm…). Cẩm có nghĩa là “thập cẩm”, nghĩa là nhiều món ăn được nấu chung; Cẩm cũng có nghĩa là “gấm” vì khi trang trí màu sắc phối hợp như gấm hoa. Hơn nữa, Cẩm còn có nghĩa là mang tới. Ngay xưa khi đi chùa, người ta mang theo những sản vật tốt tươi mà mình thu hoạch được để cúng dường chư Phật. Nhà chùa dùng các nguyên liệu đó nấu món Cẩm. Như vậy mọi người đều dâng được tấm lòng thành của mình lên chư Phật, chư Tăng trong cùng một món ăn mà không hề phân chia chính phụ…Dù nó có xuất xứ từ đâu, thì cái tên Kiểm đã trở thành tên gọi dân gian và gần gũi với người dân quê mộ Phật ở các vùng sông nước.
Khi đất nước ngày càng phát triển, sự giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, có những tinh hoa văn hóa dần dần mai một, Giờ đây khi mỗi độ cúng lễ hay ngày rằm, mồng một, món Kiểm đã vắng bóng ở nhiều chùa, hoặc có mà thiếu đi cái hồn của nó .
Món Kiểm truyền thống chỉ còn trong hoài niệm của những người tha hương xa xứ. Trong tâm tưởng của họ, hình ảnh của tô Kiểm vừa béo, ngọt thơm, gắn liền quê nhà với mái chùa xưa bên sông thấp thoáng sau rặng trăm bầu, những cội dương già lơ thơ trong ánh ráng chiều, tiếng chuông chùa ngân nga theo gió đùa lá dừa xào xạc…