Những vị nào đi ngang qua Quảng Tín (một phần Quảng Nam xưa) từ Tam Kỳ lên Cẩm Khê, nhìn về một phía đồi cao, đã thấy sừng sững một cây da (đa) dù tán tròn, xanh tốt giống như cây dù, cây lọng che, sẵn sàng mời khách tới ngồi đàm thoại dưới bóng lá xanh um.
Thời kỳ tản cư, ký giả đi qua vùng ấy vẫn thường nhìn lên nơi có cây dù lý tưởng kia thì được người địa phương cho biết:
Chỗ cây da dù là nơi mà ông Phan Châu Trinh và ông Huỳnh Thúc Kháng lúc trẻ thường đến đàm đạo với nhau.
Chuyện này, tôi nghe cả những người trẻ tuổi, chưa sống qua thời các ông, kể lại. Nhưng thế chắc là đã được truyền miệng do cha anh. Và nó đã thành huyền thoại. Thật vậy, sau này khi đi qua một số vùng khác có núi đồi cao, đồng bào lại cũng bảo đó là nơi hai chí sĩ ngồi đàm đạo việc nước lúc thiếu thời.
***
Từ Cẩm Khê (Phú Nhiêu) lên ngả Đại Đồng thì đến Tây Lộc. Tới đây, sau khi băng qua những khe suối, đồi dốc, rừng sưa, cây lạ đầy vẻ hoang vu chúng ta chờ đợi đi vào những hang, những động huyền bí. Thế mà lạ lùng! Vào cái buổi trưa hè chói chang giữa khu dày đặc những sâu sốt rét, khách bỗng thấy hiện ra trước mắt một miền đất rộng mênh mông, màu mỡ, đẹp như tranh vẽ. Rồi giữa khu vực đó, một cái hồ rộng với muôn nghìn đoá hoa sen rực rỡ hiện ra như có phép lạ, như một sự vô lý khó tin, như thôn đào hoa nào ở bên Trung Quốc. Không ai có thể tưởng tượng những loài hoa kiều diễm ấy đến mọc ở vùng này để biến khu vực núi non xa lạ thành một nơi thanh tú đến thế.
Đó chính là Tây Hồ. Nhà ông Phan Châu Trinh ở tại ngay trước hồ và khu vực màu mỡ này gọi là xứ Bồ Lúa và thuộc về một trong những tộc to họ lớn tại đây. Vùng này là vùng giàu đất ruộng, đời sống nhân dân tương đối sung túc hơn nhiều vùng khác. Nó cũng như các khu vực lân cận khác thường do một đôi tộc họ lớn chiếm lãnh rồi đương nhiên họ trở thành những thổ hào, gần như có toàn quyền quyết định địa phương mình… Và đó là lý do phát sinh những Lê Lợi, Tây Sơn, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh…
Phan Châu Trinh đã sinh ra, đã lớn lên trong vùng. Ông trải qua những ngày thiếu thời hoạt động như tất cả những thanh niên hiếu động ở địa phương. Ông có vợ và ba con. Người con trai lớn, anh cả Phan Châu Dật qua Pháp rồi về chết ở Huế. Hai cô gái, cô Đậu, đã là bà Đốc Ấm (vợ ông Lê Ấm), cô Mè thường gọi bà Tham Hợi (vợ ông Tham tá Nguyễn Đồng Hợi /Người La Kham, Điện Bàn, Quảng Nam/ thân sinh Nguyễn Thị Bình) đã biệt cư trong Nam. Đây, chúng ta nghe ái nữ nhà ái quốc kể qua vài dật sự, vài giai thoại của người cha “rất nhiều chuyện” của bà /bà Lê Ấm hiện nay ở nhà thờ Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng/:
Tôi lớn lên gần như không có cha. Những giai thoại, dật sự hình ảnh về cậu tôi (tức cha) lúc trẻ, tôi chỉ còn giữ lại một cách mang máng, hoặc nghe mẹ tôi hay chú bác tôi hoặc chính người ngoài kể lại. Suốt thời tuổi ấu thơ, tôi còn giữ lại một vài kỷ niệm và thấm thía nhất là lần bị cậu tôi rầy la vì nhác học. Tôi chỉ nhớ là cậu tôi nghiêm lắm, đối với vợ con, đối vói mọi người.
***
Nhưng không phải bao giờ cậu tôi cũng nghiêm nghị. Trái lại cả nhà nhiều lần cười ngất vì những hành động cậu tôi đã có ngay thời đó hoặc được bà con kể lại.
Trước hết tôi phải nói là cậu tôi bền chí lạ lùng. Làm việc gì thì làm cho tới nơi, tới vãn cuộc mà vẫn chưa thôi. Tỷ như việc câu cá mà cậu tôi rất sành sỏi. Nguyên trước nhà chúng tôi có cái hồ lớn thả sen. Lúc nhỏ, cậu chuyên môn theo lũ trẻ bắt cá, thả lờ. Lớn lên thì câu cần, câu ống. Câu ống là cách ném một lưỡi câu vào những nơi có ổ cá tràu con (cá lóc); nơi lưỡi có móc con ếch sống, ếch sẽ khuấy động ổ cá và cá mẹ tức giận sẽ xông ra đớp ếch (cũng có khi móc con ốc trong lưỡi câu, buộc dưới chân con vịt). Người câu khi được cá thì quay cái ống kéo con cá về. Nói thì dễ, song câu loại này phải mưu trí, biết rõ chỗ ẩn của cá, hiểu tâm lý cá, phải thành thạo, mà nhất là kiên trì, thật kiên trì. Cậu tôi câu luôn từ lúc trẻ cho tới khi đậu phó bảng về, cả làng bàn nhau đem cái hồ đẹp nhất vùng đó kỉnh cậu tôi, gọi là mừng ông tân khoa. Thế là cậu tôi lấy tên làng (Tây Lộc) đặt cho tên hồ: Tây Hồ; rồi cũng dùng luôn làm hiệu sau này. (Khi còn nhỏ, tôi được nghe làng cúng tế thường mở đầu bài văn tế giới thiệu vùng tôi ở như sau: Quảng Nam tỉnh, Tam Kỳ phủ, Hà Đông huyện, (sau đổi ra Tiên Phước) Trung tổng, Tây Lộc xã, Bồ Lúa xứ; thời 1945, lại lấy hiệu Tây Hồ gọi tên làng thay cho Tây Lộc). Cậu tôi ham câu kỳ lạ. Cho đến nỗi khi có việc kiện tụng, quan huyện đòi xuống hầu về việc mắng lại viên huấn đạo, định bỏ tù mà cũng xách cần câu theo và hẹn chắc với bạn sẽ ra ngay để đi câu! /trong quyển “Phong trào duy tân” có kể về vụ nầy/ Thời đó, vào cửa quan là ai cũng run sợ mà cậu tôi coi như chuyện… đi câu. Sau này ra Côn Lôn rồi sang Pháp, cậu tôi vẫn đi câu. Có lần, một hội câu lớn ở Pháp mời cậu tôi tới câu, họ rất phục tài rồi sau đó bầu cậu làm huynh trưởng.
Cũng nhân chuyện câu, tôi có nhớ việc này:
Sau nhà tôi, có ông Đỗi, chúng tôi thân mật gọi chú Đỗi. Chú ở xóm Rừng, nhà rất khá, ham nói chuyện chữ nghĩa, chuyện cách mạng, rất ghiền đàm luận với cậu tôi. Một hôm chú Đỗi câu được một con cá tràu khá lớn thì vừa có khách đến chơi. Cậu tôi liền sai đem làm con cá tràu để nấu cháo đãi khách. Thế rồi chú Đỗi mang cá ra sau cứ vật lộn ì ạch mãi mà không giết được con cá. Cho tới lúc khách ra về, cậu tôi tức giận, gọi chú Đỗi Khòm (chú bị khòm rất nặng) và cự nự:
– Chú tệ quá. Có một con cá tràu mà vật nó cũng không nổi. Chú yếu tới vậy sao?
Chú Đỗi cười:
– Không làm, chứ không phải không làm được.
– Tại sao vậy?
– Vì có mỗi con cá tràu để anh em mình nhậu nói chuyện chơi. Việc chi mà đem ra đãi khách!
Thì ra, chú Đỗi Khòm chỉ muốn dành cá để cậu tôi với chú “lai rai” trò chuyện cho hả. Chú tốt lắm. Sau này, khi cậu tôi bị bắt, chú lập tức mang anh Phan Châu Dật về nuôi bên nhà, giấu không cho mật thám biết. Anh Cả tôi – Dật – sống với chú một thời gian trong “Xóm Rừng” cho tới khi chính biến 1908 tạm yên.
Cũng nhân chuyện say mê của cậu tôi, người ta có kể thêm câu chuyện mà đến nay, cả tộc còn kể, còn cười:
Vùng tôi ở, có giếng lầy, đàn ông khi tắm thì cỡi truồng, còn đàn bà thì cởi trần (ký giả đã từng thấy nhiều nơi ở vùng này, đàn bà cũng “sẵn đúc một toà thiên nhiên” khi tắm, như ở Nhật Bổn!) Cậu tôi cũng theo tục ấy. Năm đó cậu đã đi học, đi thi tức là khá lớn rồi. Bấy giờ gần nơi giếng có một tổ ong, tôi không rõ là ong gì. Cậu tôi quyết bắt cho được con ong Chúa để làm chủ tổ ong nên lấy đất vụn vãi vào ổ cho bầy ong bay ra mà bắt ong Chúa. Song con ong Chúa lại lập tức cùng bay theo ra cùng đồng bọn cuối cùng. Cậu tôi bỏ tắm, chạy theo bầy ong, cứ lấy đất vãi mạnh cho chúng phải mệt mỏi tê bại. Nhưng bầy ong cứ quây quần nương đỡ nhau, bay từ vùng này sang vùng khác, qua những đám ruộng mênh mông, không cây cối. Cậu tôi cứ cương quyết lấy đất vãi kỳ cho con Chúa phải đầu hàng, nhưng con chúa cũng nhất định dẫn cậu qua các ruộng làng An Tráng, Phú Thị (đến 5, 6 cây số) xa xôi… cho tới khi chợt nghe tiếng kêu, tiếng cười, tiếng chế diễu!
– Ê! Lêu lêu mắc cỡ!
– Ê! Lớn mà tồng ngồng
– Ê! Quần đâu? Anh kia?
Cậu tôi mới nhớ là mình… truồng như nhộng, đành bỏ cuộc trở về. Có lẽ đó là một trong những lần ít ỏi mà cậu tôi đành bỏ cuộc nửa chừng. Vì chẳng lẽ một anh học trò thi mà có hành trang chướng kỳ như thế khi đi qua những làng có tiếng là văn vật hay sao?
***
Nhưng anh học trò thi là cậu tôi sẽ không bỏ cuộc những lần khác, khi đã đủ áo quần. Cậu tôi hay tìm cách giáo hóa mọi người dù phải vất vả tới đâu. Nhiều người ở xa xôi, trong những vùng hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc, cậu cũng tìm tới kết giao, trò chuyện và thuyết phục.
Muốn chơi với tất cả mọi người thì phải biết những cái ham thích của mọi người. Bởi thế, không chỉ giỏi võ, cậu tôi còn biết hết tứ đổ tường: trai gái / Xin xem thêm: Phong Trào Duy Tân và bài Phan Châu Trinh và tiếng tơ lòng, Bách Khoa số 379/, cờ bạc, môn gì cũng chẳng kém ai. Nhưng khi cần dừng lại vì thấy nguy hiểm là dừng lập tức / Xin xem thêm: Phong Trào Duy Tân và bài Phan Châu Trinh và tiếng tơ lòng, Bách Khoa số 379/ không chút do dự.. Vì lẽ đó, cậu tôi kết giao rất đông và với đủ hạng người. Còn những người không giáo hóa được như các quan lại, lính tráng, người Pháp (sau này) các nhân viên giáo huấn v.v… thì cậu tôi chống lại một cách ngang nhiên, mạnh bạo, bất ngờ / Xin xem thêm: Phong Trào Duy Tân và bài Phan Châu Trinh và tiếng tơ lòng, Bách Khoa số 379/. Không chỉ với người trên mà với kẻ dưới, những kẻ gọi là bất trị, không cách gì giáo hoá nổi, cậu tôi cũng tìm cách giáo hoá cho được mới nghe.
Đó là một lần qua vùng nọ, nghe tiếng có chị lái đò quá hỗn, không biết nể mặt một ai, dù hạng cha chú mình, cả làng trên xóm dưới đều nể mặt và cam chịu nhục; cậu tôi hơi bất bình. Ngày kia, ra bến đò thì quả đúng như người ta nói: chị lái đò hỗn một cách không tả được. Ngay đối với cậu tôi, chị cũng chẳng cần biết là ai, cứ chửi càn. Cậu tôi lấy lời khuyên bảo:
– Này, chị. Chị cần phải biết…
– Biết cái ông bà tổ cố tụi bay…
– Chị không được hỗn nghe.
– Tau chửi đó, cha đứa mô dám ra miệng.
Khuyên bảo chi cũng không nghe, cậu tôi phải hạ tới mức đấu khẩu:
– Nè, tôi dạy chị bằng lời tử tế mà chị không nghe thì tôi dạy cho chị chửi nghe.
– Chửi đi.
Tức thì cậu tôi đổi lại ngôn ngữ. Cuộc chửi lộn kéo dài giờ này sang giờ nọ, không ai nhất định thua ai. Cuối cùng, chị kia bỏ về, cậu cũng đuổi theo chửi tới tận nhà. Chửi cho tới độ chị kia phải hạ mình khuất phục, thề từ nay không bao giờ dám hỗn nữa mới thôi.
Cái lối giáo hoá này cậu tôi chỉ dùng có mỗi một lần mà về sau trở nên kiến hiệu hơn bất kỳ lối nào: chị lái đò nọ hết hỗn láo và đổi tánh. Trước đó, cả một vùng nơi bến đò thật hết sức khổ sở với chị, nay mọi người thoát khỏi tai ách của con mẹ lắm điều, lắm lời, bất trị.
Ở trong gia đình, đối với những ai hỗn hào, ngạo ngược, cậu cũng thẳng tay trừng trị, cho tới lúc nào phải giác ngộ mới nghe. Như trường hợp cô em gái thứ năm của cậu vì hỗn với bà gia, cậu tôi la hoài không được liền dẫn về bắt nằm và đánh cho một trận. Từ đó cô không dám có thái độ coi thường bà gia nữa.
***
Cậu tôi không phải cho tới khi học Tân thơ rồi mới bỏ tính mê tín. Thật ra, khi còn trẻ, cậu cũng đã chống sự cúng cấp, bói toán nhảm nhí hết sức kịch liệt. Mẹ tôi thường quen lệ là hễ có việc gì liền cúng việc đó: đi học, đi thi, dọn nhà, sửa ngõ… Tỉ dụ như việc đi học: đáng lẽ ngày mai tôi mới phải ra đi, nhưng hôm nay tốt ngày, mẹ tôi đã làm lễ cúng đường sá, lễ kỉnh ông, coi giò gà rồi dời gói; nghĩa là đưa cái gói đồ đạc của tôi ra gởi nhà trước ngõ, làm như tôi đã ra đi. Thế rồi hôm sau khi ra đi, có người chờ sẵn nơi ngõ trao lại cái gói cho tôi và trong trí tưởng tất cả những người hiện diện đều yên trí là tôi đã đi hôm qua rồi, ông đã nhận lễ và vui lòng phù hộ cho tôi từ hôm qua…
Lễ kỉnh ông luôn luôn diễn ra với con gà; gà úp trên bộ lòng đặt trên cổ bồng xôi và để giữa trang. Việc cúng nào cũng do mẹ tôi lo liệu, vái lạy, cậu tôi không bao giờ biết tới. Một hôm, mẹ tôi cúng xong, xuống nhà dưới lấy nước cúng thì cậu tôi liền leo lên ghế, nhón tay lấy bộ lòng gà rồi tìm chỗ chén ngay. Bộ lòng gà bao gồm những mề, gan, tim, cật không phải nhỏ nên khi mẹ tôi bưng xuống thấy nó bay đâu mất, liền trở lên gọi cậu:
– Này, ông ơi! nguy quá, không biết tại sao?
– Cái gì mà bà sợ dữ vậy?
– Không biết tại sao bộ lòng gà biến mất.
– Thế bà để đâu?
– Thì tôi làm lễ kỉnh ông, tôi để trên trang.
– Vậy thì tôi biết ai ăn rồi!
– Ai? Mèo à?
– Không. Thì ông chớ ai?
– Ông nào?
– Cúng ông mà còn hỏi ông nào nữa.
– À…
– Thằng cha ông ni ăn hỗn thiệt! mình cúng là cúng giả mà ông ăn là ăn thiệt. Chán chưa.
Mợ tôi cũng không rõ là cậu tôi ăn. Cho tới khi cụ Huỳnh Thúc Kháng xuống chơi, cậu tôi mới bật mí, kể lại đầu đuôi cho cụ Huỳnh nghe và kết luận:
– Mấy chị đàn bà tin bá láp!
***
Ông Huỳnh Thúc Kháng giao thiệp với cậu tôi ra sao, các sách đã nói tới. Song cái lý do thì ngoài việc học hành, còn việc sau này: vợ ông Huỳnh và bác tôi là chị em ruột, con gái ông Bá Trứ; nhà ông Bá Trứ ở Tú Cẩm, ngay phía trước vùng tôi. Bác Phan Cừ, con trai đầu ông nội tôi cũng là rễ ông Bá Trứ, nghĩa là bạn cột chèo (cùng bạn rể) với ông Huỳnh. Bởi lẽ đó, khi nào ông Huỳnh đi làm rể thì lại có ghé nhà cậu tôi. Trước khi ông đến, chúng tôi đã nghe tiếng cười ròn từ ngoài rồi. Ông cùng cậu tôi nói cười ầm ĩ rất tương đắc. Mợ tôi làm đồ nhắm cho các ông nhắm rồi đánh kiệu. Tôi ngồi bên cạnh để xem. Về sau, tôi được ở gần ông nhiều hơn là ở gần cậu tôi.
Trở lại câu chuyện chống mê tín, tôi còn nhớ chuyện này.
Hồi đó, bà chị đầu cậu tôi có thờ Tổ săn. Những nhà khá giả thường có sắm lưới, khí giới, chó săn nên có thờ tổ và sự cúng lễ rất trọng vọng. Có lẽ họ sợ núi rừng linh thiêng có thể gây nên tai hoạ. Cậu tôi cũng là một tay săn giỏi, nhưng không tin gì cả. Một năm đi thi rớt về muốn ăn thịt heo, thịt gà mà không săn được, cậu lại chọc bà chị chơi. Một lần đêm tối, trên cây đa, cạnh miếu ở sau nhà nơi rất linh thiêng, có tiếng cú kêu. Bà cô tôi hay mê tín liền chạy ra sau vái:
– Như thiệt là cú, xin kêu ít tiếng nữa, tôi xin sẽ làm gà mà cúng.
Tức thì mấy tiếng cú rợn người phát ra từ trên cây thăm thẳm. Sau tiếng cú, lại có nắm cát sạn trên cây cao ném sào sạo xuống nhà. Cô tôi khấn:
– Như thiệt ngài thì xin ném cho lần nữa.
Tức thì cát sạn lại ào ào đổ xuống.
Rồi mọi tiếng động tan biến khi cô vào nhà.
Lát sau, cậu tôi sang chơi, cô liền nói:
– Nè, chú Ba nè, khi nãy tôi sợ quá.
– Việc chi mà sợ?
Bà cô tôi kể lại đầu đuôi. Cậu tôi hỏi:
– Vậy bác khấn là sẽ cũng lễ những chi.
– Tôi khấn heo gà.
– Vậy thì mình phải làm ngay. Chuyện quỉ thần đâu phải chuyện chơi! Phải làm ngay, chị à.
Thế là mười bốn cái bàn được nhắc ra sân để cho mười bốn con gà lên nằm trên mười bốn cổ bồng xôi…
Mãi về sau, cô tôi mới biết cậu tôi phá. Nhưng bấy giờ, có lẽ cậu tôi đã ở Côn Đảo hay bên Pháp rồi.
***
Cậu tôi bị bắt giam ra sao? Tôi không biết. Tôi không bao giờ nghĩ là mình có cha suốt một thời gian khá dài (có lẽ 1905 – 1908 – 1910, nghĩa là suốt thời ông Phan hoạt động Phong Trào Duy Tân và ra Côn Đảo, bấy giờ bà mới năm, sáu tuổi)(5). Những truyện tôi kể trên kia là nhờ người lớn kể lại hay giúp tôi hồi tưởng có mạch lạc. Còn trong dĩ vãng, tôi chỉ nhớ mang máng là thỉnh thoảng có một người được gọi là ông Nghè về nhà với bà Nghè là mợ tôi. Người ta bảo ông đó là cha tôi. Tôi không có thân mật, kỷ niệm âu yếm nào với cha. Tôi chỉ thấy ở ông một người nghiêm nghị và rất hay nói chuyện… Thế thôi.
Rồi cậu đi biền biệt. Cho tới một hôm, có người báo là Cậu ra khỏi Côn Lôn và sắp qua Pháp. Rồi ông Trần Đình Phiên (anh bác sĩ Trần Đình Nam) làm ở công ty Liên Thành tới dẫn mợ tôi đi. Chị em tôi hỏi:
– Mợ đi đâu?
– Mợ vô Sài Gòn cho gặp cậu.
– Mợ đi với ai?
– Với anh Cả (Dật)
– Rồi anh Cả đi đâu?
– Đi với Cậu sang Pháp.
– Sang Pháp? Xa không.
– Xa lắm. Xa lắm
– Bao giờ cậu và anh cả về.
– Mợ cũng không biết
Đến bấy giờ, tôi mới biết rõ là tôi có cha. Cũng là lúc tôi được biết cha tôi vượt trùng dương xa tít mịt mù. Mẹ tôi mang gởi hai chị em tôi nơi nhà ông Thiệp ở Cẩm Khê để vào thăm chồng… lần cuối cùng. “Ai hay vĩnh quyết là ngày chia tay”
***
Khi Cậu tôi sang Pháp, có gởi thư về. Được một thời gian thì không thấy thư từ gì nữa. Thay những bức thư, chúng tôi nhận được những tập sách lớn, đủ những quảng cáo về áo quần, dày, dép, xe cộ, máy móc; sau này lớn lên, tôi mới biết đó là những sách ca ta lô, quảng cáo các món hàng của một doanh nghiệp lớn ở Pháp. Cứ mỗi năm, người phu trạm lại mang vào một một cuốn dày như thế. Mẹ tôi nhận và hỏi:
– Có thơ không.
– Thưa bà không.
– Sao không có thơ mà chỉ toàn sách vẽ cả?
– Tôi cũng không biết. Nếu có thơ thì tôi đã mang lên cho bà. Tôi nghĩ có lẽ thư từ của ông đã bị…
– Sách này chúng tôi cũng không biết dùng làm chi.
Không dùng, song vẫn cứ nhận, vẫn cứ mong mỏi, vì còn sách gởi về là tin cha chúng tôi còn về. Người phu trạm từ trạm Nam Phước xa xôi, trải qua mấy chục cây số mang vào. Mẹ tôi đãi một quan tiền để thưởng công. Mỗi năm một cuốn, quyển này chồng lên quyển kia…
Năm tôi lên chín tuổi, ông cử Lương Trọng Hối mới dẫn tôi ra học ở Huế. Còn em gái tôi xuống Hội An với ông Trần Đình Phiên nơi công ty Liên Thành(6) (gần nhà dây thép) để đi học.
***
Thời kỳ học ở Huế, có biết bao nhiêu chuyện thăng trầm. Sau này tôi mới biết là tôi được nhận vào, được lên lớp, bị đuổi học, bị gọi học lại, đều không phải do cá nhân tôi mà thực sự do tình hình chính trị nước Pháp đối với cậu tôi ra sao thì tôi phải chịu hậu quả như thế của nó(7)
***
Sau này, năm 1925 cậu tôi ở Pháp về với ông Phan Văn Trường do Nguyễn An Ninh sang mời. Bấy giờ tôi đã có chồng con rồi. Cô em gái tôi (tức cô Mè hay Phan Thị Châu Lang; bà Lê Ấm là Phan Thị Châu Liên) đã được phép cậu tôi gả cho Đồng Hợi, đám cưới cử hành thời kỳ cha tôi về. Nhà tôi vào thăm cậu tôi trước /kể từ đoạn này có thêm lời kể của ông Lê Ấm – N.V.X. chú/ khi cậu tôi diễn thuyết ở Sài Gòn (hai bài: Đạo đức và luân lý Âu châu, Quân trị và dân trị chủ nghĩa) thì ông Bùi Công Trừng (sau theo Cộng Sản) đem hai bài diễn thuyết đóng thành tập ra Huế. Có bản phát không, có bản bán ở tiệm sách 10 xu, rất chạy. Cậu tôi dặn tôi chưa cần vào vội.
(Thời kỳ cậu tôi về nước, tiếp theo sau là cụ Phan Bội Châu về, gây nhiều xúc động cho toàn dân. Bài diễn văn của cậu tôi cũng gây phong trào diễn thuyết. 1927 có nhà văn Bửu Đình (sau là tác giả Mảnh Trăng Thu, Cậu Tám Lọ) cũng nổi lên diễn thuyết ở nhà cụ Phan Bội Châu. Ông người thấp, đẹp trai, hoàng phái mà chửi Khải Định một cách công khai và mạnh dạn; cả chính phủ Nam Triều bị ông điểm mặt, đả kích tơi bời. Hôm ấy, nữ sinh trường Đồng Khánh bị cấm đi coi mà các cô cứ đi. Bửu Đình tuy nói hăng, song ban đầu người ta vẫn nghi là người của Pháp. Ông làm việc ở sở Bưu điện Sài Gòn. Sau ông bị đày đi Côn Lôn, người ta mới hết nghi. Ông có tư tưởng dân chủ cực mạnh. Về sau chết ở Côn Lôn.
Thời kỳ cậu tôi diễn thuyết và hoạt động ở trong Nam, chúng tôi thường nhận được tin tức vào ra luôn. Và các thanh niên cũng bắt đầu ý thức được trách nhiệm nên luôn luôn bàn tán việc lập báo, lập đảng và nhờ đó đã có một lực lượng tại hầu khắp các tỉnh Trung Kỳ.
Nhà tôi vào Sài Gòn thì cậu tôi mệt nặng. Bác sĩ khuyên phải đi đổi gió. Do lẽ đó cậu tôi đi Trà Vinh với ông Trương Văn Bền, ông Nguyễn An Ninh và một số thân hữu. Việc đi này còn có mục đích là để trốn tránh. Vì khách ngày nào cũng đông nghẹt. Người Bắc, Nam, Trung, già, trẻ, trai, gái… quá đông! Nhiều bữa không ăn cơm. Vì cậu tôi nói rất mạnh, rất thẳng, không úp mở bất kỳ vấn đề gì. Đi xe buýt nói chuyện, người ta xúm lại nghe. Ra đường dạo chơi, nói chuyện, là người ta xúm lại nghe. Chỗ nào cũng như đám hội. Mật thám (lính kín) mà giở trò gì ra là cậu tôi gọi lại, hoặc giáo dục, hoặc đuổi mắng. Bấy giờ Varenne sang làm Toàn quyền mà Varenne ở đảng Xã Hội, vốn có liên lạc với cậu tôi, nên Tây cũng có phần nhẹ tay đối với phong trào ái quốc Việt Nam. Cô-Nhấc là Thống đốc Nam kỳ cũng mời cậu tôi. Cậu mới bước vào, chưa kịp bắt tay vị chúa miền Nam, uy danh khét tiếng, là đã la lên bai bải:
– Các ông vô lý lắm. Đến bây giờ mà các ông chưa thả cho dân Việt Nam đi là lẽ làm sao?
Cô-Nhấc cười:
– Chính phủ Pháp cũng muốn mở mang cho dân Việt Nam chớ không bó buộc.
Cậu nộ:
– Các ông coi dân Việt Nam như cái xe bò, có kéo mới chạy, chớ không để tự do cho nó. Các ông cứ thả cho nó đi. Mà có kéo lại cũng không được nào. Thế thì tại sao không thả?
Nguyễn An Ninh quấn quít bên mình cậu tôi. Hai người đánh bài Tây làm trò vui. Có lúc ông Ninh đòi làm con trai cậu tôi thay cho anh Phan Châu Dật, cậu tôi cười:
– Làm con trai cũng vậy thôi. Cốt yếu là làm sao cho ích quốc lợi dân là quí hơn hết.
Ninh xem cậu tôi như cha mà cậu cũng thương yêu Ninh hơn hết. Cậu thường bảo với nhà tôi:
– Nguyễn Ai Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền là ba người khá nhất. Còn “thằng” Ninh là người linh hoạt, nói năng đúng, mạnh mẽ, không uỷ mị. Con nên bỏ lối rụt rè, quan cách, bắt chước “thằng” Ninh cho có phách khí. Mình cư xử với Tây mà lễ phép quá cũng không được. Xem Ninh mà bắt chước.
***
Bệnh cậu tôi mang từ Pháp về là bệnh đau mũi (sinusite). Thời ấy chưa có thuốc trụ sinh nên bệnh này, các lương y Pháp cũng bó tay. Tôi không rõ cậu tôi có bị mổ không. Nhưng rồi cậu tôi không phải chết vì sưng mũi mà vì phổi. Bịnh phổi đó bác sĩ cho là không lây và sau biến chứng kiết lỵ rồi làm cho sức khoẻ mỗi ngày một nguy kịch.
Tôi liền vào Sài Gòn. Cùng đi với tôi có ông Quyến và cụ Giải nguyên Lê Văn Huân, vốn ở Côn Lôn về, nay vào gặp cậu tôi để bàn chính trị. Bấy giờ nhân sĩ miền Trung, sau một thời im lặng khá lâu dài vì bị bắt giam ở Lao Bảo, Côn Lôn, đã lục tục trở về và muốn tiếp tục hoạt động lại. Ông Huân vào chuyến này có hai mục đích: bàn chính cương đảng Tân Việt và mời cậu tôi làm đảng trưởng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng vào nhưng đi đường thuỷ, còn chúng tôi đi đường bộ. Cụ Huỳnh vào bàn việc xây dựng dân chủ.
Khi chúng tôi tới Sài Gòn thì cậu tôi lên nhà ông Nguyễn An Cư trên Hóc Môn dưỡng bệnh. Nguyên lúc mới về cậu tôi ở nhà bà cô ruột mà cũng là “mẹ nuôi” Nguyễn An Ninh, gọi là bà Chiêu Nam Lầu, em Nguyễn An Khương, chị của ông Cư mà ông vẫn gọi một cách thân mật là: “Chị Năm tôi”. Bà bấy giờ đã trên sáu mươi tuổi già hơn cậu tôi. Bà vốn là người ở tổ chức Duy Tân, rất tích cực hoạt động. Nhà ở Boulevard Charner, phía dưới có bán hàng. Cả một gia đình ông Ninh, trai như gái, đều có liên quan tới chính trị và bà Chiêu Nam Lầu thật đáng mặt là “đàn bà dễ có mấy tay”.
Chúng tôi lên Hóc môn, nhà ông Nguyễn An Cư. Cậu tôi nghe tin, liền đi ra. Mới xuống các bậc cấp, cậu nói với ông Lê Văn Huân:
– Tôi đau.
Bấy giờ, tôi mới thấy rõ mặt “người cha” của tôi. Ông Lê Văn Huân hỏi:
– Cụ đau nặng thế à?
-Tôi đau đã mấy năm rồi. Anh ở Côn Lôn về rồi làm chi?
– Tôi có làm chi ở mô?
Cậu tôi cười:
– Không làm thì lấy cứt chi mà ăn?
Ông Huân cười:
– Không làm chính trị chớ làm ăn thì đương nhiên rồi.
Cả hai ông già cười ha hả. Lối nói có pha thêm những tiếng thô tục ấy, ở quê tôi thường có luôn. Tôi không ngờ qua Pháp mười bốn năm, cậu tôi chưa quên “tục” cũ. Tôi cảm thấy cậu tôi không quá xa lạ, thần thánh như tôi nghĩ. Cậu tôi gần gũi mọi người, và có ai ngờ, đây là cuộc nói chuỵên của lý thuyết gia Dân chủ với đảng trưởng Đảng Dân chủ đầu tiên của Việt Nam!
***
Săn sóc cậu tôi bấy giờ có các bác sĩ Nguyễn Văn Thinh và Trần Văn Đôn. Hai ông này do anh em trong nhóm cắt ra để lo cho cậu tôi. Các bác sĩ này đều có tham gia chính trị và ông Thinh sau là đảng trưởng một đảng Dân chủ ở Sài Gòn rồi ông tự tử vì bị Pháp gạt sau biến cố 1945. Ông Trần Văn Đôn quen cậu tôi lúc ở Pháp.
Suốt thời kỳ cậu đau, cha ông Nguyễn Ai Quốc là phó bảng Nguyễn Sinh Huy (hay Sắc) tới luôn. Thời kỳ cậu tôi đau, ban đầu ở Hóc Môn, sau xem chừng nặng quá thì các bạn về kiếm nhà ở Sài Gòn cho tiện việc săn sóc và lo lỡ có mệnh hệ nào… Nhà này ở đường Pellerin, số 54, người ta bảo là của ông Huỳnh Đình Điển, nhưng không phải. Nó là nhà thuê.
Tới lui với cậu tôi thời kỳ này, có đủ thân sĩ khắp ba kỳ: ông Nguyễn Văn Đính, Trần Huy Liệu (Bắc, bấy giờ chưa qua Việt Nam Quốc Dân Đảng để rồi trở thành Cộng Sản), Nguyễn Trọng Hy (Huế), Ngô Châu Danh (Hội An), Hoàng Phò (giáo sư, mới từ Huế vào), Trần Đình Phiên, Hồ Tá Bang (cha bác sĩ Hồ Tá Khanh, Phan Thiết), Bùi Công Trừng v.v… và hầu hết nhân sĩ Nam kỳ. Lúc ấy đảng Tân thiếu niên do các thân hữu đã lập (thường gọi đảng Jeune Annam; Trần Huy Liệu có viết sách nói về đảng này) nên đã có những người hoạt động hăng hái [ Bấy giờ có tờ Jeune Annam của Lâm Châu Hiệp, tờ La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh đã giao cho Phan Văn Trường kể từ 26.11.1925 rất hăng hái, bên cạnh một tờ báo tiếng Việt sôi động dám nói, là Đông Pháp thời báo (Diệp văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá…)]
Những bạn thân của cha tôi ở Pháp về thì có Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, sau đó là Nguyễn Thế Truyền. Ông Phan Văn Trường, luật khoa tiến sĩ, người Bắc, đẹp trai, đã trên bốn mươi tuổi. Thời bấy giờ ông vẫn còn rất thân với cậu tôi, song có chuyện lạ này. Là cậu tôi đau nặng, ai cũng lo lắng tới lui. Ông cũng tới luôn, song chỉ đứng ngoài dòm vô. Mà lạ lùng: hễ cậu tôi ngó ra thì ông lại tránh né lập tức, như không muốn gặp cậu tôi. Mà thật thế. Hễ cậu tôi gặp ông là cự nự liền:
– Anh chỉ lo ngày đêm dạy Tây. Sao anh không lo dạy người Nam mình.
Ông Trường hình như có ý rất nể nang song cũng bất bình… Sau cậu tôi mất, ông có đi một xe kéo toàn giấy tiền, vàng, bạc, giấy ngũ sắc của thợ mã. Tôi gọi lao công, cho họ đem đi bán.
Ông Nguyễn Thế Truyền, kỹ sư, năm sau mới về, ông có bà vợ người Ý Đại Lợi, dẫn theo bốn đứa con. Ông biểu bà thắp hương lạy cậu tôi, bả bụm miệng cười, bị ông la gắt. Sau ông xuống đò ở với cụ Phan Sào Nam. Gia đình xem ra rất thanh bạch.
Còn ông Nguyễn An Ninh bấy giờ trẻ lắm. Mới trên hăm mấy tuổi. Mặt mày ông tươi sáng, nói cười rất có duyên; giới nữ mê lắm. Nghe nói ông diễn thuyết rất hấp dẫn. Hỏi ông làm ăn ra sao, ông bảo:
– Tôi à? Tôi nghèo lắm. Không có gì hết. Đi tới chỗ nào thì ăn chỗ đó thôi.
Bà vợ ông Ninh rất dễ thương. Hình như bà có nhiều hột xoàn nên cậy tôi mua. Tôi cười:
– Tôi đâu có tiền.
(Khi cậu tôi mất, bà có xuống để tang như con trong gia đình)
Ông Ninh thì cứ quấn quít bên cậu tôi mãi. Nhưng trước ngày cậu tôi chết, vào buổi chiều, tôi thấy ông bị bắt, bị trói, giải đi trên xe điện qua nhà. Tình trạng cậu tôi bấy giờ nguy kịch quá. Nhưng tôi cũng phải cho biết:
– Cậu ơi, cậu! Nó bắt ông Ninh dẫn đi rồi.
Cậu tôi bảo, rất bình tĩnh:
– Thì làm chánh trị là nó bắt bớ hoài. Nay bắt, mai thả. Ăn thua gì.
Lát sau, tôi lại thấy bắt Trương Cao Động cũng dẫn qua đấy, như ông Ninh. Động người ở Cây Trâm, Quảng Nam, một tay giảo hoạt đã từng lừa phỉnh cả Khải Định nữa. Ông ta chống Pháp, song cũng hơi “lung tung”. Tuy vậy, cái việc ông bị bắt cũng làm cho dư luận Sài Gòn xôn xao một dạo.
Người ngoài, khi nghe nói cậu tôi sắp chết, tưởng đâu cậu đã phì phèo, không cựa nổi. Thật ra, cậu vẫn còn nói và nói hăng. Tôi còn nhớ ngày đó, có hai người Bắc, gọi là hai ông Tham, đi xe ô tô sang trọng, bóng loáng tới thăm:
– Thưa cụ, chúng cháu nghe danh cụ, từ Bắc vào đây thăm cụ. Chúng cháu xin chúc cụ mau mạnh dậy để hoạt động hộ cho con dân nhờ.
Tức thì cậu tôi nổi giận:
– Tôi hộ cái chi? Các anh trẻ trung to lớn. Các anh không làm chi. Các anh chỉ trông ngóng ở một thằng già gần chết. Trông ngóng cái chi.
Cậu tôi la bai bải. Hai ông khách đỏ mặt, tía tai, chạy ra không kịp.
Tôi phải lật đật chạy theo xin lỗi họ.
Lúc tôi trở lại, cậu bảo:
– Vô ích. Chúng nó thân dài vai rộng không lo việc nước mà bảo mình phải lo để chúng mạnh khoẻ đi làm việc cho Tây. Đuổi đi!
Tính cậu tôi không biết mất lòng những người cậu thiếu thiện cảm. Như trước đó, Khải Định sai Lê Bá Cử, thầu khoán làm lăng tẩm, rất thân thiết với nhà vua, vào kiếm chuyện nói tốt cho Khải Định (trước khi vua chết). Cứ thêu dệt lắm việc, trình bày những nết hay, tính tốt của nhà vua và kết luận:
– Ngài cũng là người thương dân, thương nước lắm.
Thế là cậu tôi mắng luôn một trận, đuổi ra không kịp như trước kia đuổi Khải Định bằng thơ Thất Điều vậy.
Người bạn cũ thân nhất của cậu tôi: cụ Huỳnh Thúc Kháng vào hơi trễ. Nhưng cũng đủ để cùng cậu tôi trao đổi cái cười lần cuối cùng.
Trong đêm cuối, cậu tôi bảo thay ra cho cậu nằm rồi cậu vĩnh biệt hết bạn thân.
Tôi không nói gì thêm. Vì nhiều sách báo, hình ảnh đã nói về cái chết của cậu tôi. Cái chết được mô tả là Quốc tang…
***
Tôi chỉ nhớ lần cuối cùng tôi đến từ biệt bà Chiêu Nam Lầu, cô của Nguyễn An Ninh. Bà bảo:
– Cậu con có gởi cô 300đ. Bây giờ nói thật con có lấy, cô cũng không có. Có điều là hàng của cô còn nhiều, con muốn lấy gì cũng được.
– Con muốn coi không cũng không được. Con phải lấy hàng đi. Cô để giá nhẹ lắm.
– Để con về ngoài đó hãy hay.
– Con về ngoài đó thì báo đã đăng cô bị khánh tận, hàng bị tịch thu cả rồi còn gì mà lấy.
Bà Tham Đồng em gái tôi bảo:
– Cô đã nói vậy, chị cứ lấy đi.
– Em ở đây lúc nào lấy không được. Chị lấy đi.
Tôi lấy một ít hàng may…
Rồi tôi cùng chồng con trở về Trung trong tiếng vang vọng không ngừng của đám quốc tang kéo theo những cuộc bãi khoá của học sinh trong nước.
Cho tới ngày kia Đông Pháp thời báo đăng tin bà Chiêu Nam Lầu, đã nuôi Nguyễn An Ninh và đã giúp cậu tôi đến phút cuối cùng, bị khánh tận, tài sản bị tịch thu hết.
Tôi thở dài, ngẫm nghĩ: “Đàn bà dễ có mấy tay” [Dật sự và giai thoại về Phan Châu Trinh, xin đọc thêm trong bài Giai nhân kỳ ngộ (sđd) phần “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử” và “Phan Dật sự” do Huỳnh Thúc Kháng biên soạn và bà Phan Thị Châu Liên sao lục.]
————–
(5) Năm nay 1974, bà cũng 74 tuổi.
(6) Công ty do Phan Châu Trinh hướng dẫn thành lập 1906 ở Phan Thiết; về sau có chi nhánh khắp nơi. Nay vẫn còn hoạt động.
(7) Xin xem Nguyễn Văn Xuân Chính trị nước Pháp và cô gái nhỏ, Phổ thông tháng – 1973.
Rút từ bản thảo bộ sách “Tác phẩm Nguyễn Văn Xuân”, do Nxb. Hội nhà văn, chi nhánh miền Trung tại Đà Nẵng thực hiện.
(Tài liệu do Lại Nguyên Ân cung cấp)