Các nhà khoa học thiên tài với sự thông minh xuất chúng, có nhiều phát minh vĩ đại cho lịch sử nhân loại như Nikola Tesla, nhà bác học thiên tài Albert Einstein, nhà toán học Pythagoras… đều có những thói quen rất quái gở, kỳ quoặc khác người.

Sơn móng tay màu hồng, không ăn đậu… là một số trong những thói quen lập dị của các thiên tài thế giới.

1. Cuộc chiến tranh về xương giữa Edward Drinker Cope – Othniel Charles Marsh

Cơn sốt khủng long hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã khiến hai người bạn thân thiết là nhà cổ sinh vật học Edward Drinker Cope tại Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên ở Philadelphia, Pennsylvania và Othniel Charles Marsh tại Bảo tàng Peabody ở Đại học Yale trở mặt với nhau. Họ đã dùng mọi cách để qua mặt nhau trong các cuộc săn lùng hóa thạch khủng long.

Marsh đã đút lót những người giữ hố đào hóa thạch để có được cái ông mong muốn trong một chuyến đi săn hóa thạch. Thậm chí, Marsh còn cài gián điệp tham gia một trong các đoàn thám hiểm của Cope.

Và để cản trở khám phá của người kia, hai người họ đã cho đặt thuốc nổ vào hố hóa thạch của nhau. Họ công khai làm bẽ mặt, kết tội nhau là tham ô tài chính và không có năng lực trên các bài báo.

Nhưng, cả hai nhà nghiên cứu đều có đóng góp quan trọng cho lĩnh vực cổ sinh vật học. Nhờ nỗ lực của họ, các loài khủng long mang tính biểu tượng như Stegosaurus, Diplodocus, Triceratops và Apatosaurus được khai quật.

2. Nhà vật lý vui tính Richard Feynman

Richard Feynman (1918 – 1988) là một trong những nhà vật lý lỗi lạc nhất và nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ông giành giải thưởng Nobel về vật lý năm 1965 và được đánh giá là 1 trong 10 nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại. Feynman đã tham gia dự án Manhattan của Mỹ để tạo ra một quả bom nguyên tử.

Feynman còn là người yêu nghệ thuật, thích du lịch và khá nghịch ngợm. Khi thực hiện dự án Manhattan, ông thường dành thời gian rỗi của mình để “chơi” với các khóa an ninh, cuối cùng ông có thể mở hầu hết các tủ chứa tài liệu mật.

Ngoài ra, Feynman hay đi chơi với các cô gái biểu diễn ở Las Vegas trong quá trình phát triển lý thuyết mang lại cho ông giải Nobel về động lực học lượng tử.

Ông còn là chuyên gia về ngôn ngữ của người Maya, học hát Tuavn bằng cổ họng và nắm vai trò chỉ đạo trong việc điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ nổ của tàu con thoi vũ trụ Challenger vào năm 1986.

3. Oliver Heaviside – nhà khoa học kỳ cục nhất

Oliver Heaviside (18/5/1850 – 3/2/1925), là một nhà khoa học, nhà vật lý, nhà toán học và kỹ sư điện người Anh. Ông là người đã phát triển các kỹ thuật toán học phức tạp để phân tích mạch điện và giải phương trình vi phân.

Là một thiên tài hiếm có nhưng ông cũng là “người kỳ cục nhất”. Heaviside luôn sơn móng tay màu hồng chói, thiết kế nhà ở của mình bằng các khối đá granite khổng lồ, thậm chí ông chỉ uống sữa để tồn tại trong vài ngày.

Heaviside thích làm việc một mình và ghi chép rất nhiều ý tưởng trong những cuốn sổ ghi. Ông nghĩ rằng những ý tưởng đó không thể công bố nhưng đó đều là những nghiên cứu vô cùng quan trọng.

Nhà khoa học này bị mắc chứng bệnh hypergraphia, một bệnh ở não khiến người ta ham viết lách quá độ.

4. Nhà toán học vô gia cư Paul Erdős

Paul Erdős (26/3/1913 – 20/9/1996), là nhà toán học người Hungary và được đánh giá là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thể kỷ 20. Ngoài ra ông còn nổi tiếng với tính cánh lập dị của mình. Ông không kết hôn, sống phiêu bạt cùng một chiếc vali, thường xuất hiện trước cửa nhà các đồng nghiệp mà không bao giờ báo trước và nói rằng “bộ não của tôi rất thoải mái”. Sau đó, ông sẽ làm việc giải toán liên tục trong suốt 1, 2 ngày.

Về sau, ông nghiện cà phê và dùng các chất kích thích để tỉnh táo nghiên cứu toán học suốt 19 đến 20 giờ mỗi ngày. Trong suốt cuộc đời, ông đã công bố khoảng 1.500 bài báo quan trọng.

5. Nhà vật lý Robert Oppenheimer

Robert Oppenheimer (22/4/1904 – 18/2/1967) là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ. Ông thông thạo 8 ngôn ngữ và am hiểu nhiều lĩnh vực bao gồm triết học, ngôn ngữ học và thơ. Chính điều này khiến Oppenheimer đôi khi gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác.

Ví dụ, năm 1931, Oppenheimer nhờ đồng nghiệp Leo Nedelsky từ trường Đại học California Berkeley chuẩn bị bài giảng cho ông. Ông đã đưa cho Leo Nedelsky một cuốn sach và lưu ý rằng việc làm này không khó vì nội dung có sẵn trong sách đó rồi. Nhưng cuốn sách đó hoàn toàn viết bằng tiếng Hà Lan nên người đồng nghiệp không biết phải làm thế nào và buộc mang trả lại Oppenheimer. Phản ứng của ông là: “Nhưng tiếng Hà Lan dễ thế kia mà“.

6. Buckminster Fuller và nhật ký cuộc đời

Buckminster Fuller (12/7/1895 – 1/7/1983) là nhà khoa học và kiến trúc sư người Mỹ nổi tiếng thế giới. Buckminster Fuller chính là người đã sáng tạo ra các kiến trúc mái vòm.

Fuller cũng là người lập dị, mọi thứ diễn ra xung quanh đều được ông ghi lại và cập nhật 15 phút một lần. Chính vì vậy, từ năm 1915 tới năm 1983 khi ông qua đời, các sổ nhật ký của ông chất đống cao tới 82 mét.

Ông còn nổi tiếng với sở thích đeo ba chiếc đồng hồ cùng lúc để xem giờ ở ba khu vực khác nhau khi ông bay khắp trái đất: một chiếc xem thời gian nơi ông sống, một chiếc dành cho múi giờ nơi ông vừa rời khỏi và chiếc cuối cùng là để xem giờ tại nơi ông sắp đến.

7. Giáo sư đãng trí Werner Heisenberg

Werner Heisenberg (5/12/1901 – 1/2/1976) là một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đã giành giải thưởng Nobel vật lý năm 1932.

Nhưng ông cũng nổi tiếng với cái đầu lúc nào cũng để trên “mây”. Ông đã trượt kỳ thi bảo vệ luận án tiến sỹ do gần như không biết một chút về kỹ thuật thực nghiệm. Ông đã không trả lời được câu hỏi “Pin hoạt động như thế nào?” của một giáo sư phản biện trong ban thẩm định luận án của mình.

8. Tycho Brahe – chết vì nhịn đi tiểu

Tycho Brahe (1546 – 1601) là nhà chiêm tinh học, nhà thiên văn học và là một nhà quý tộc người Đan Mạch nổi tiếng với cuộc sống lập dị và cái chết khác thường.

Trong một trận đấu kiếm ở trường đại học ông bị mất mũi và phải đeo một chiếc mũi giả làm bằng kim loại. Tycho Brahe thích những bữa tiệc, ông hay mời bạn bè đến lâu đài vui chơi, hành động phiêu lưu, hoang dã trên hòn đảo của riêng mình.

Năm 1601, trong một buổi tiệc ở Prague, Brahe nhất quyết không rời khỏi bàn khi cần đi tiểu, vì rời khỏi bàn đồng nghĩa với kém cỏi và thua cuộc trong một trò chơi. Sau đó 11 ngày, ông bị chết do nhiễm trùng thận và bị vỡ bàng quang.

9. Anh hùng thầm lặng Nikola Tesla

Nikola Tesla (10/7/1856 – 7/1/1943) là một nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư điện và kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia. Ông di cư đến Mỹ vào năm 1884. Nikola Tesla làm việc cho Thomas Edison, và có nhiều bước đột phá quan trọng trong đài phát thanh, người máy và điện học.

Khi còn sống, Tesla luôn coi số 3 là một con số linh thiêng, ông đi bộ xung quanh một tòa nhà 3 lần trước khi bước vào, rửa tay 3 lần liên tiếp vì sợ vi khuẩn. Trước khi ăn, ông dùng tới 18 khăn sạch để lau bóng dụng cụ ăn, không bao giờ sử dụng một chiếc khăn 2 lần và luôn đeo găng tay khi dùng bữa.

Ngoài ra, Tesla còn bị mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ông không chạm vào bất cứ thứ gì hơi bẩn, tóc, bông tai ngọc trai, những vật thậm chí là các loại quả tròn tròn.

10. Pythagoras – nhà khoa học không ăn đậu

Nhà triết học người Hy Lạp Pythagoras (sinh khoảng năm 580 đến 572 TCN – mất khoảng năm 500 đến 490 TCN) là người phát minh ra những định lý hình học cơ bản, nổi tiếng nhất là định lý Pythagore. Pythagoras được mệnh danh là “cha đẻ của ăn chay” nhưng ông tuyệt đối không ăn các loại đậu, thậm chí cấm các học trò của mình động vào chúng.

Theo các tài liệu, chính đậu là một phần nguyên nhân gây ra cái chết của Pythagoras. Khi bị kẻ thù tấn công, trong quá trình chạy trốn ông đã gặp một cánh đồng trồng đậu, Pythagoras chọn thà chết chứ không chạy vào đó và bị kẻ tấn công nhanh chóng cắt cổ.