Trên miền đất di sản xứ Nghệ, nơi “chiếc nôi đời ngọt lịm lời ru” tôi đã lớn khôn, mảnh đất quê hương yêu dấu có biết bao địa danh xao xuyến lòng người. Đó là đền Đức Hoàng cổ kính, linh thiêng, nhộn nhịp hội tháng giêng; là đầm sen Diệu ốc – một trong tám cảnh đẹp của Đông Thành nhị huyện xưa kia; là phủ thờ Trần Đăng Dinh hiển hách lịch sử; là lèn Vũ Kỳ với chùa Thiên Tạo huyền ảo, hoang sơ…
Thế nhưng có những thứ đã đang tồn tại, hiện hữu ngày ngày bên ta; vừa có giá trị vật chất, vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị tinh thần thì chúng ta lại lãng quên. Đó là giếng làng.
Vùng đất quê tôi có rất nhiều giếng làng. Những xóm làng định cư từ lâu đời đều có, thậm chí còn có 2 – 3 cái. Giếng Giai của làng Yên Bang to rộng nhất, giếng Nam làng Nam chính sâu nhất, giếng ông Đương Phú nước ngọt nhất, rồi giếng làng Liên Sơn, giếng làng Yên Trung, giếng làng Đông Tây Hồ… nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là giếng Đình làng Thọ.
Phải công nhận rằng các thầy địa lý ngày xưa rất giỏi. Giếng được đào ở vị trí đầu làng, sâu chưa đến 6 mét mà lúc nào nước cũng đầy ăm ắp, trong xanh, ngọt mát. Dẫu mùa hè nắng hạn, giếng các hộ gia đình tuy đào sâu mà vẫn hết nước thì giếng Đình vẫn đủ nước cho cả làng dùng.
Chất liệu chủ yếu cấu tạo nên giếng được làm từ đá lèn xanh (giếng cùng với cầu đá Thượng Thọ bắc qua bàu Rằn là hai di tích bằng đá còn sót lại cho đến ngày nay ở trong vùng). Không biết giếng được khởi công khi nào nhưng được hoàn thành vào năm 1941 (theo số liệu được đục khắc trên thành giếng). Giếng có đường kính là 3m, sâu chưa đầy 6m.
Bờ thành gồm 13 phiến đá lèn xanh dựng đứng với trung bình mỗi phiến dày 20cm, cao 65cm, rộng 70cm, nặng khoảng trên trăm kg. Khắp cả bờ thành là dấu vết mòn lõm của những sợi dây gàu kéo qua năm tháng thời gian. Bên dưới bờ thành, lòng giếng được ghép khéo léo lớp đá động xuống tận đáy giếng (sở dĩ dùng đá động là có tác dụng ổn định thành vách khỏi lở và khử các tạp chất của nước, làm nước ngọt trong hơn). Mặt nền của giếng gồm có 17 phiến đá hình chữ nhật có bề dày khoảng 5 – 7cm, dài 70, rộng 40 cm ghép lại với nhau theo hình rẽ quạt ôm vào thành giếng (về sau dân làng mới đổ nền rộng ra bằng lớp bê tông). Nghe người già trong làng bảo đá làm giếng được lấy từ lèn Vũ Kỳ, mỗi tảng như thế thợ đục hàng tháng trời và phải 4 thanh niên lực lưỡng dùng dây gióng gánh về. Quả thực rất kì công.
Trước đây, khi làng quê chưa có điện, cuộc sống đang bó hẹp sau lũy tre làng, giếng chính là trung tâm sinh hoạt của cả làng bất kể mùa nào trong năm. Tôi nhớ đặc biệt những ngày hè, suốt sáng trưa chiều tối, giếng lúc nào cũng tấp nập những người. Các bà, các chị thì ra giặt đồ; các anh thì gánh nước về đổ vào chum, thùng cho cả nhà dùng dần; trẻ con tranh nhau gàu múc tắm. Bờ thành được thợ đục tạo ra thành chỗ kì lưng (mát – xa) tuyệt vời nhất. Cả làng dùng, nước có cạn đi nhưng qua sáng hôm sau lại đầy ăm ắp . Trời nắng nực, đi làm đồng về, ghé vào giếng múc gàu nước lên mà uống mới đã khát làm sao. Nước giếng cũng đặc biệt ngon khi om chè xanh.
Không biết có phải vì nằm nơi vị trí long mạch, là hồn vía của làng, hay bởi đã lâu đời hay không mà giếng rất linh thiêng. Bà nào, chị nào lỡ mang đồ bẩn của phụ nữ ra giặt thì kiểu gì hôm sau cũng phải mang lễ ra cúng. Trẻ con yếu bóng vía đi qua nhìn vào giếng, về nhà khóc ngằn ngặt cả đêm. Thằng bạn tôi lỡ câu con cá người ta bỏ để làm sạch giếng cũng bị quở khiến mẹ nó phải mượn thầy cúng giải mấy hôm liền…
Náo nhiệt là thế, linh thiêng là thế mà giờ đây giếng nằm lặng lẽ, lọt thỏm trong sự lãng quên. Đúng như quy luật: “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa một mình”. Giờ nhà nào cũng có giếng khoan sâu hoáy để lấy nước sinh hoạt, có cả bể nước mưa cả chục khối để ăn uống; nhà nào cũng công trình khép kín nên chẳng ai buồn đi xa nữa. Giếng Đình vẫn nước đầy ăm ắp nhưng đặc quánh rêu xanh. Di tích một thời nằm im lìm như phế tích. Nước không còn ngọt mát bởi ô nhiễm từ những bể phốt, hầm cầu của người dân. Giếng thui thủi chẳng bóng người qua lại.
Ta thảng hoặc đôi khi lần tìm kỉ niệm, ra soi bóng mình xuống mặt giếng, thấy lăn tăn bóng sủi vỡ vụn cả kí ức ấu thơ !