Anh đề xuất cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc | VTV.VN

Richard Holden

Hỏi chuyện bất cứ sinh viên quốc tế nào ở trường Đại học Earlham bạn cũng có thể chắc chắn rằng bạn đang tiếp xúc với một người biết nhìn xa trông rộng. Ngôi trường khoa học xã hội nhỏ này hướng tới việc thu hút các sinh viên theo đuổi việc tìm kiếm các giải pháp công bằng và hòa bình cho thế giới nhiều biến động. Và hầu hết trong số họ đều không đợi đến khi ra trường mới bắt đầu gia nhập vào thế giới nhiều biến động. Hai sinh viên cảm thấy sự thôi thúc này nhiều nhất là Jawad Sepehri Joya của Afghanistan và Yvette Issar đến từ Kenya. Cả hai sinh viên này đều đã tìm nhiều cách ứng dụng chuyên môn của mình vào các vấn đề xã hội và chính trị trên toàn cầu.

Thông thường, sinh viên quốc tế đều nếm trải sự bất công ở quê hương của họ khiến họ quyết tâm đem sức mình ra cống hiến. Jawad là một ví dụ sống động về việc hy vọng và làm việc tích cực có thể khắc phục hoàn cảnh tưởng chừng như quá đáng như thế nào. Sống trong sự hỗn độn của Kabul và gắn mình trên chiếc xe lăn do bị bại liệt, đứa con trai của một gia đình Hồi giáo người Shiite ít học và nghèo khó này phải đối mặt với tương lai thật ảm đạm vào cuối thập niên 1990. Chính quyền Taliban cai trị ngăn cản việc học hành, nhất là đối với trẻ em gái và người khuyết tật. Một bác sĩ người Italia làm việc cho một tổ chức Chữ thập đỏ nhận thấy tiềm năng của Jawad đã thu xếp cho cậu một nhóm gia sư bí mật. Jawad học ngôn ngữ rất nhanh và các kỹ năng máy tính cũng vậy. Khi được 13 tuổi, cậu đã là lập trình viên cho tổ chức Chữ thập đỏ ấy và bắt đầu hình dung về một cuộc sống trọn vẹn cho riêng mình.

Tình bạn với vị bác sĩ và một nhà báo người Italia cậu gặp năm 2002, cùng với sự sụp đổ của chính quyền Taliban đã giải phóng Jawad khỏi đất nước Afghanistan bị xâu xé vì chiến tranh và được nhận vào một trường học ở Trieste, Italia. Sau khi nhận bằng tú tài quốc tế ở đây, Jawad nộp đơn vào các trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada. Earlham là một trong những trường rất nghiêm khắc về học tập đã nhận cậu và trao cho cậu ấy một học bổng toàn phần.

Jawad cười thật tươi nói: “Tôi không còn gì để phàn nàn ở đây cả. Tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể làm những điều tôi tin tưởng hơn so với trường đại học lớn”. Giờ đây đang theo học năm thứ hai ở trường Earlham, cậu tập trung vào học khoa học, và thêm một số khóa khoa học xã hội và nhân văn. Cậu giải thích: “Qua những gì tôi đã trải nghiệm, tôi càng ngày càng quan tâm nghiên cứu hòa bình theo quan điểm tự nhiên chủ nghĩa. Trong môn sinh học, có vấn đề về sự cạnh tranh giữa các chủng loài. Vì con người cũng là một trong số các chủng loài đó, nên tôi nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau – tìm những cách chúng ta có thể cạnh tranh theo cách của con người”. Jawad lên kế hoạch theo đuổi mối quan tâm của mình ở bậc sau đại học, mà cậu hy vọng cuối cùng sẽ dẫn tới việc thành lập một trường đại học, tổ chức hay một hệ tư tưởng nào đó.

Luôn năng động trong các hoạt động ngoại khóa và xã hội của khu học xá, Jawad tham gia vào tổ chức Model U.N. (Liên Hiệp Quốc), Câu lạc bộ Hòa bình và Nghiên cứu Toàn cầu, Tổ chức Ân xá Quốc tế, và Hiệp hội Sinh viên châu Á. Để tăng học bổng lên, cậu tham gia thực tập có trả lương vào dự án Hòa Bình và Nghiên cứu Toàn cầu của trường Earlham (PAGS), nghiên cứu xem làm thế nào đề giáo trình của PAGS có hiệu quả hơn.

Mùa hè vừa qua, cậu là một trong 40 đại biểu của các trường đại học ở Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Nhật-Mỹ tổ chức ở Đại học Tổng hợp Stanford, bang California, và tiếp tục làm việc cho Hiệp hội Professionals của người Afghanistan ở Bắc Mỹ, có cơ sở ở Fremont, bang California. Năm nay, công việc đã đem lại cho Jawad giải thưởng hàng đầu dành cho sinh viên của Hiệp hội Hòa bình và Bình đẳng Quốc gia “vì những đóng góp cho công cuộc gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong khu học xá, trong cộng đồng và trên thế giới”. Cùng với vinh dự này là một giải thưởng tương tự của Hội nghị Hòa bình Sinh viên Plowshares tổ chức tại trường Đại học Goshen ở Goshen, bang Indiana.

Giờ đây với ba nền tảng Afghanistan, Italia và Hoa Kỳ, chàng trai 20 tuổi tự gọi mình là “công dân toàn cầu” rồi còn thêm vào: “Bây giờ những gì tôi cần là một tấm thị thực đến khắp nơi trên toàn cầu”.

Yvett Issar là sinh viên nghiên cứu quốc tế năm thứ ba ở trường đại học Earlham. Cô bị cuốn hút bởi những di sản của tín đồ phái giáo hữu (Quaker) và diễn tả nét đặc biệt đó là “không bạo lực, đơn giản và công bằng xã hội”. Yvette sinh ra và lớn lên ở Nairobi, Kenya, ba mẹ người Ấn Độ. Cô nói: “Tôi như được sinh ra ở hai nơi, mặc dù nhìn tôi giống người Ấn Độ hơn”. Cô thừa nhận: “Khi tôi đến đây (Earlham), tôi nghĩ tôi sẽ rất ghét sống ở một thị trấn nhỏ miền trung Tây, nhưng giờ tôi thấy rằng đây là một nơi quá tuyệt vời. Cuộc sống học tập ở đây quả là tuyệt vời, và tất cả mọi người xung quanh bạn đều ý thức được việc phải học tập tận tụy”.

Ở trường Earlham, Yvette tổ chức một chương trình nghị sự Americans for Informed Democracy (Người Mỹ vì nền dân chủ có hiểu biết – AID), tổ chức các cầu truyền hình giữa sinh viên trên toàn thế giới để thảo luận các vấn đề toàn cầu và tìm hướng giải quyết. Ngày nay có 70 chương trình AID do sinh viên quản lý ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài. Cô nói: “Mọi thứ đều đã bắt đầu khi tôi đến một nơi tập trung những thành viên của AID và gặp gỡ những người có ý tưởng rất tuyệt vời về làm thế nào để thể hiện những đất nước khác rõ ràng hơn cho dân chúng Mỹ, và cùng lúc làm cho người Mỹ dễ tiếp xúc hơn với người dân ở các nước khác”.

Năm nay cho đến thời điểm này, Yvette đã tổ chức được bốn cuộc hội nghị, thu hút sinh viên Mỹ cùng sinh viên các nơi khác như Pakistan, Australia, Philippin, Hoduras, Sri Lanka, và nhiều quốc gia khác. Trong số các chủ đề sinh viên khai thác có “Phản ứng của toàn cầu trước thiên tai” và “Hoa Kỳ có nên theo đuổi chế độ dân chủ ở nước ngoài?”

Cũng giống như Jawad, Yvette rất tâm huyết với tổ chức Model U.N. Năm ngoái, cô đại diện cho Li-băng tại hội nghị vùng của Model U.N. tổ chức ở Chicago. Cô nói: “Cần phải đặt mình vào vị trí của người khác khi phải đại diện quyền lợi cho một quốc gia khác. Nhưng trên hết, bạn biết được cách làm việc với những người khác nhằm phối hợp các nỗ lực lại với nhau, để đem đến điều tốt đẹp cho toàn cầu”.

Yvette vẫn dành thời gian cho niềm đam mê âm nhạc của mình khi trở thành thành viên Đội hợp xướng của trường Earlham. Mùa xuân vừa rồi, cô tham gia vào Học kỳ Hợp xướng Vienna của trường đại học. Cô nói: “Đến được với các trung tâm châu Âu và hát trong những ngôi nhà thờ lớn lộng lẫy ấy quả là điều khó tin. Tôi sẽ không bao giờ quên được điều ấy”.

Khi được yêu cầu phát biểu ý kiến về những bài học quan trọng nhất cô đã được học ở trường đại học ở Hoa Kỳ, Yvette ngước mắt nhìn lên trần vẻ suy nghĩ: “Cộng đồng là một trong những điều quan trọng nhất mà người ta có thể có được. Nếu không có sự giao thiệp với những người khác, và tình yêu thương, bạn sẽ chỉ là kẻ cô lập bất hạnh. Tôi biết rằng mọi người nên chăm sóc lẫn nhau, hãy quan tâm đến những người hàng xóm của bạn. Có lẽ trước đây tôi luôn biết như thế, nhưng ở Hoa Kỳ tôi mới thực sự học được điều đó”.