Trên báo Việt Luận (Úc châu), số ra ngày thứ Sáu 28.8.1998, mục Tiếng Việt hải ngoại, có đăng bài ”Đọc lại một bài ca dao cũ” của tác giả Nguyễn Hưng Quốc. Đó là bài ca dao:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã lấy chồng, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.

Tác giả bài viết cho biết, bài ca dao này, cũng như các tác phẩm văn học khác ”được phân tích từ hai góc cạnh: văn học và ngôn ngữ học… đặc biệt tại trường Victoria University of Technology” ở Úc.

tiengvietchuvanghia

Cùng là người xa quê, nên khi đọc thấy mục ”Tiếng Việt hải ngoại” có bài phân tích một bài ca dao Việt Nam, sao không khỏi xúc động, khi được thưởng thức âm hưởng và tình tự ca dao nơi quê người. Nhưng từ lúc đọc bài viết, đến nay đã mười năm, sao vẫn cứ băn khoăn về những điều đã đọc, đã cảm. Vậy nên viết đôi điều. Trong phần ‘‘viết đôi điều” này, chỉ mạn phép đề cập đến phần đầu của bài phân tích của tác giả NHQ, tập trung vào tìm hiểu nội dung qua hình thức kết cấu của bài ca dao.

Về hình thức, tác giả cho rằng bài ca dao trên được ”cấu trúc bằng hai ngôn ngữ: Ngôn ngữ của người con trai và ngôn ngữ của người con gái. Bài ca dao giống như một vở kịch với hai lời đối thoại. Nhưng lời nói của người con trai (bốn câu trên cùng) không hẳn là một lời nói, có vẻ như là lời kể của ai đó, một nhân vật thứ ba, ở ngoài… lý do vì người con trai ”đang ở trạng thái bất ổn, phân thân, hồn một nơi mà thân xác một nơi”. Cho nên, qua cử chỉ ”trèo lên…”, ”bước xuống…”, tác giả cho rằng người con trai lăng quăng lính quýnh… để làm nguôi ngoai một tâm trạng bời bời, đồng thời cũng là một dấu hiệu cho thấy anh không còn tự chủ được mình nữa, anh bị thất lạc tâm hồn. Anh bàng hoàng. Anh thảng thốt. Anh chấn động trước việc người anh yêu thầm đi lấy chồng.

Đó là tâm trạng của người con trai, được tác giả phân tích những cảm xúc của nhân vật qua hình ảnh anh ”trèo lên… bước xuống…”.

Còn tâm trạng người con gái? Tác giả NHQ bình giảng: ”chắc yêu bạn mình lắm… chờ đợi… hoài công vì sự nhút nhát của anh… vừa thông cảm vừa giận… đay nghiến… giọng cứng lại… rồi trầm xuống thổn thức…” khi tác giả thông qua hình thức dùng chữ ”ba đồng… một mớ”… cùng các nguyên âm nửa khép nửa nhẹ ”âu, ơ, ư…” trong bài.

Bài viết rất công phu, chứng tỏ tác giả nghiên cứu sâu về văn học Việt Nam (từ vựng, ngữ âm, ngữ điệu, ngữ pháp, lý luận văn học, thẩm mỹ văn học, phương pháp phân tích văn học…) để từ đó, cảm thụ được cái hay, cái đẹp của bài ca dao trên. Nhưng chính ở phần cảm thụ văn học qua phân tích bài ca dao này, khiến người đọc có đôi điều suy nghĩ.

Ca dao là một bộ phận của văn chương truyền khẩu với tính chất trữ tình là chủ yếu. Do đặc tính truyền miệng nên theo thời gian, có thể thêm bớt vài từ nhưng âm điệu, tiết tấu và nhất là nội dung không bao giờ thay đổi.

Theo các công trình khảo cứu về ca dao, hầu như mọi người đều chấp nhận cách kết cấu của một bài ca dao vào một trong ba thể: thể phú, thể tỉ và thể hứng. Một bài ca dao có thể được kết cấu theo một thể, cũng có thể kết hợp nhiều thể.

Tác giả NHQ đưa ra nhận xét là bài ca dao này giống như một vở kịch. Có thể đây là một ”nhận định rất mới” nhưng hình như đã tự mâu thuẫn khi tác gỉả cho rằng lời nói của người con trai ‘‘có vẻ như lời kể của ai đó, một nhân vật thứ ba, ở ngoài”. Như vậy, trong vở kịch này, chỉ có người con gái một mình độc thoại trên sân khấu.

Trong bốn câu đầu của bài ca dao, chỉ có một cụm từ ”tiếc lắm thay” để bày tỏ tình cảm nhưng lại được tác giả NHQ phân tích rất tỉ mỉ, chi li với những từ chỉ ra những cảm xúc ở nhiều cung bậc khác nhau, như đã được ghi lại ở phần trên.

Phân tích tác phẩm văn học là đi sâu vào lời, chữ, hình ảnh của chính tác phẩm đó, đặt tác phẩm đó trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội đương thời để tìm hiểu nội dung. Có nên dùng óc tưởng tượng quá phong phú và chủ quan để áp đặt vào tác phẩm một nhận định quá xa với nội dung tác phẩm không? Cũng như phân tích tác phẩm thông qua hình thức (kết cấu, cách sử dụng từ, các biện pháp tu từ, hình tượng thẩm mỹ…) mà chỉ bám vào kết cấu nguyên âm của một vài từ để tìm hiểu nội dung, thì liệu có thỏa đáng không? Nhất là bài phân tích ở giáo trình đại học cho sinh viên Việt Nam ở hải ngoại?

Tác giả NHQ phân tích: ”… cái vần ”iếc” trong chữ ”biếc” cuối một câu thơ vốn có thật nhiều nguyên âm mở (đó là các nguyên âm ”â” trong ”tầm”, ”uâ” trong ”xuân”, ”ơ” trong ”nở” và ”a” trong ”ra” và ”xanh”). Nó như một sự khép lại. Nó mảnh. Nó sắc. Như một sợi khói bay lên, xa hút. Nó hình tượng hóa một sự mất mát, một cái gì vuột khỏi tầm tay”.

Tiếng Việt Nam có nguyên âm và phụ âm. Các nguyên âm: a, e, ê, i, o, ô, ơ. u, ư, khi đứng một mình đều có nghĩa. Các nguyên âm ghép (hai hoặc ba như uâ, uơ, uô, ươ…) chỉ có nghĩa, khi ghép thành vần, thành chữ với một phụ âm đứng trước, sau, hoặc cả trước lẫn sau nó. Nếu đọc lại hai câu:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay.

Ta thấy các nguyên âm mở, cái vần ”iếc” mà tác giả dẫn chứng không biểu lộ được tâm trạng của người con trai. Chỉ có một từ thôi. Đó là ”tiếc” và ”lắm thay”, bổ sung cho mức độ của tâm trạng ”tiếc”.

Ca dao là những câu ca, bài hát dung dị, mộc mạc được hình thành trong quá trình lao động sản xuất (lao động sản xuất nông nghiệp hài hòa trong khung cảnh thiên nhiên như qua bài ca dao này). Hiểu bốn câu đầu của bài ca dao trên trong kết cấu bằng thể hứng (từ một hình ảnh nào đó trong cuộc sống, trong thiên nhiên rất thiết thân, để bày tỏ cảnh ngộ, tâm sự nhân vật. Ở dạng kết cấu này, ta nhớ đến:

Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng…

Trở lại bốn câu đầu của bài ca dao được nêu ở đầu bài viết. ”Trèo lên cây bưởi …”, ”Bước xuống vườn cà…”, một hình ảnh sinh hoạt trong lao động thường ngày ở một vùng quê Việt Nam. Thiên nhiên, con người hài hòa trong nếp sống bình dị. Nhưng ở đây, tính thẩm mỹ văn học được nâng cao, cách điệu vì tính cách lao động của người con trai không như thường lệ. Anh trèo lên cây bưởi không phải để hái trái mà ”hái hoa” rồi bước xuống vườn cà nhưng không hái cà mà ”hái nụ tầm xuân”. Như ở một bài ca dao khác:

Hôm qua xách giỏ hái dâu
Hái dâu không hái, nhớ câu ân tình

Hoa bưởi trắng, thanh khiết, hương thoang thoảng, còn nụ tầm xuân xanh biếc đang độ thắm tươi. Đó là những hình tượng ẩn dụ rất lãng mạn khi người con trai nghĩ đến người mình mơ ước. Đẹp thanh khiết, dịu dàng, mộc mạc như hoa đồng cỏ nội. Anh nghĩ đến một ngày, sẽ được cùng cô chung một mái ấm gia đình và anh vui thầm trong công việc thường nhật. Nhưng hoa bưởi trinh khiết và nụ tầm xuân tươi thắm bây giờ không còn thuộc riêng về anh nữa, như vậy chỉ còn là kỷ niệm, nên anh ”tiếc”… ”tiếc lắm thay”!

Tâm cảnh người con trai chỉ dừng lại ở cung bậc đó. Không giải bày thêm, để cho người đọc, người hát trước đây, hiện nay và sau này, khi cùng cảnh ngộ như anh, sẽ cảm nhận riêng cho mình niềm tiếc nhớ, nhưng không thương tiếc, không tiếc nuối, không xót xa… mà mỗi người sẽ ‘‘tiếc” riêng với tâm sự rất riêng của họ.

Bốn câu này ở dạng lục bát biến thể, mà cách phân nhịp ở câu hai và câu bốn được hình thành hết sức tự nhiên qua truyền khẩu, do thuận miệng vì hợp với âm và giọng, làm cho hai câu tương tác nhau, rất nhịp nhàng về thanh điệu.

Và nếu đọc đến câu thứ bảy, sẽ thấy thêm, từ lối nói lặp đi, lặp lại (biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp ý) cho dễ nhớ, dễ thuộc, để truyền miệng, để làm nổi bật ý tình của hai nhân vật.

Người con trai thì ”Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay”.

Người con gái thì ”Bây giờ em đã có chồng”.

Tác giả NHQ cho rằng ”Em có chồng rồi” sẽ hay và đúng hơn, lý do:

a.- chữ ”rồi” đi liền theo sau chữ ”chồng”, âm ”ông” trong chữ ”chồng” cũng bớt mạnh và vang hơn là lúc nó đứng một mình.

Thực ra, vì là truyền khẩu tất có dị bản, nên khi dùng ”đã” hay ”rồi” đúng với trật tự ngữ pháp cũng vẫn giữ được ý chính, còn việc ghép nó gắn liền với âm ”ông” hay bất kỳ một âm nào khác cũng chỉ là cách suy diễn xa lạ trong phân tích văn học.

b. ”cách dùng chữ ” đã”… khiến cho tôi nghĩ đó là cách nói rất mới, rất hiện đại và có thể nói là rất ”Tây”.

Ở chỗ này, thú thật là có vấn đề cần bàn. Từ ”đã” là một từ thuần Việt, đã được nói, được viết từ ngày xửa, ngày xưa rồi. Không cần suy nghĩ lâu lắc, ta có thể nhớ ngay:

– Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? ( Ca dao)
– …Ở thế nhiều phen thấy khóc cười
Năm nay tuổi đã ngoại tư tuần… (Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bài 12O)
– …Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi lọ đến đàn tràng… (Lê Thánh Tông, Đề miếu bà Trương)
– …Tóc đã thưa, răng đã mòn
Việc nhà đã phó mặc dâu con… ( Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân quốc ngữ thi)

– Già đã cao nên khủng khỉnh vương hầu; Mình được nhẹ nên tiêu dao ngày tháng” (Nguyễn Hữu Chỉnh, Trương Lưu hầu phú)

– Nay quyên đã giục oanh già…

– Nay đào đã quyến gió đông… (Đoàn Thị Điểm dịch, Chinh phụ ngâm khúc)

– Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần… (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

c.- Tác giả NHQ cho rằng ”sách ngữ pháp của ta hay bảo chữ ”đã” được dùng để chỉ thì quá khứ. Cách diễn tả đơn giản ấy lại trở thành hàm hồ, khiến cho nhiều học sinh hay sinh viên người Việt có thói quen viết kiểu: ”Hôm qua, tôi đã đi chợ” hay ”Năm ngoái, tôi đã về Việt Nam” mà không biết viết như vậy là ngô nghê… Chúng ta có thể dùng từ ”đã” để chỉ một việc trong tương lai, ví dụ: ”Năm tới, cũng vào tháng này, tôi đã tốt nghiệp”. Thành ra, chữ ”đã” chỉ có nghĩa là một động tác nào đó được hoàn tất trước một động tác khác mà thôi. Chúng ta chỉ dùng từ ”đã” khi có ít nhất là hai sự kiện.

Ví dụ: ”Hôm nay tôi không đi chợ vì hôm qua tôi đã đi rồi” hay ”Năm ngoái tôi đã về Việt Nam, năm nay tôi định đi Trung Quốc”.

Để chỉ tập trung vào từ ”đã”, từ có liên hệ trực tiếp trong bài ca dao, chỉ xin lưu ý, ”đã” từ dùng chỉ thời gian ở quá khứ và luôn đứng trước một động từ như ”em đã có chồng” và trong nhiều ví dụ khác như ”đã đi”, ”đã về”; ” trót đã nặng lời…

Các câu nói và viết như vậy, không hiểu sao tác giả NHQ cho là hàm hồ, ngô nghê. Còn muốn viết, nói đúng ngữ pháp Việt Nam thì khi sử dụng từ ”đã”, phải có ”ít nhất là hai sự kiện” và tác giả kèm theo hai ví dụ minh họa. Lối viết nào hàm hồ, ngô nghê, xin nhường lại cho bạn đọc có ý kiến.

Điều mà tác giả NHQ muốn chứng minh là từ ”đã” dùng để chỉ một việc trong tương lai: ”Năm tới, cũng vào tháng này, tôi đã tốt nghiệp”. Một thí dụ ”độc đáo”.

Thôi thì hãy cứ tin vào luận cứ ngữ pháp và ví dụ mà ông đã đề ra! Bởi vì ở Việt Nam, năm mười năm trở lại đây đã có nhiều kiểm chứng: Tiến sĩ giáo sư, Phó tiến sĩ giáo sư, Thạc sĩ… được mùa bội thu như chưa từng bao giờ!

Trở lại bài ca dao. Từ câu thứ năm đến hết bài, là tâm tình của người con gái. Cũng theo lối phân tích nặng phần suy diễn cá nhân, tác giả NHQ viết:

”Người con gái chắc cũng yêu bạn mình lắm. (khi người con trai chỉ yêu thầm mình!).

Chị đã từng chờ đợi. Hoài công vì sự nhút nhát của anh. Chị vừa thông cảm lại vừa giận. Chị đay nghiến ”ba đồng… một mớ”. Sở dĩ đay nghiến là vì còn yêu, còn thương. Nhưng dù sao thì cũng đã lỡ: chị đã có chồng. Người con gái ý thức rất rõ điều đó, cho nên giọng chị cứng lại: Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng… Vần hai câu thơ rơi vào âm ”ông” sang sảng, ngân vang. Mạnh, rất mạnh. Dứt khoát, rất dứt khoát. Nhưng tôi ngờ là, ở đây, chị chỉ cao giọng để lừa dối chính chị. Bởi, nói chưa hết câu ấy, giọng chị đã trầm xuống, thổn thức: ”như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra”.

”Câu”, ”đâu”, ”gỡ”, ”thuở”: Những chữ kết thúc bằng nguyên âm ”u” và ”ơ”, nửa khép nửa nhẹ, bềnh bồng, rưng rưng, không chừng là một tiếng khóc”.

Có đúng thực sự tâm cảnh của cô gái trong bài ca dao này chăng? Cả đoạn thơ này, không có một từ nào chỉ ra tình cảm của cô. Cô chỉ nói lên hoàn cảnh của mình hiện giờ: Đã có gia đình! Không có gì éo le, gay cấn, cải lương đến nỗi tác giả NHQ phải phân tích một cách khiên cưỡng và cường điệu.

Giáo dục gia đình, tập quán xã hội, lễ giáo phong kiến… thời đó không có chỗ cho quan niệm tự do luyến ái và hôn nhân, ít ra trong trường hợp của một số người phụ nữ như cô (vì thực ra bên cạnh đó, còn có một mảng ca dao với nội dung vượt ra vòng kiềm tỏa của đạo đức, lễ giáo phong kiến lạc hậu). Một hình thức dạm hỏi đơn sơ nhưng rất quan trọng là ”ba đồng một mớ trầu cay”, chỉ một mâm cau trầu thì người con gái đã phải thuận theo ý mẹ cha nhưng cũng không thành, vì sao? Vì đâu? Cô tự nghĩ thế và không có câu trả lời chớ nào phải cô ”đay nghiến” vì anh ”nhút nhát”!

Cô ví thân phận làm vợ, làm dâu ”như chim vào lồng” như ”cá cắn câu”. Đó là hình ảnh so sánh vừa cụ thể, vưa ngầm nói lên bổn phận, trách nhiệm của người con gái đối với gia đình hai bên. Nói một cách khác, cô tự thấy phải ràng buộc vào khuôn khổ của một cô gái đã có chồng. Khổ thơ rành mạch, ý lời trong sáng như tâm tư của cô, không đượm chút nào xúc cảm riêng tư khi biết được đã có một người con trai yêu thầm mình.

Còn như, một người con gái đã có chồng, bây giờ nhắc lại đã từng (đối với một người chỉ yêu thầm mình mà mình vừa mới biết) chờ đợi, hoài công, đay nghiến, rồi giọng cao, giọng thấp để thổn thức… thì không biết cuộc tình này sẽ đi đến đâu.

Mặt khác, tiếng Việt Nam có nhiều từ tượng hình, tượng thanh, phần nhiều là các tĩnh tử như bù xù, chất ngất, lướt thướt, mênh mang, lấp lánh, lao xao, vi vu, ríu rít… giúp cho một tứ thơ gợi được hình ảnh thêm sinh động cũng như gợi thêm cảm xúc. Nhưng các nguyên âm ‘‘nửa khép, nửa nhẹ” mà tác giả NHQ dẫn chứng chưa đủ sức thuyết phục vì nó không phản ảnh đúng nội dung các câu ca dao được phân tích.

Chúng ta thử đọc một vài câu ca dao khác, cũng có các từ có các nguyên âm ”u”; ”ông”, ”âu”:

– Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Bước qua vũng lội, đánh rơi mất chồng
Chị em ơi, cho em mượn cái gàu sòng
Để em tát nước vớt chồng em lên.
– Hôm qua em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn…
– Chồng chài, vợ lưới, con câu
Sông Ngô, bể Sở biết đâu bến bờ…
– Chị kia bới tóc đuôi gà
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu
Nhà em ở dưới đám dâu
Ở bên đám đậu đầu cầu ngó qua…

Cũng rất nhiều âm ”ông”, âm ”âu” đó, nhưng có diễn cảm được tâm trạng như trong bài ca dao mà tác giả NHQ đã cố gắng phân tích không?

Học, dạy tiếng Việt, chữ Việt nhất là ở hải ngoại, xem ra còn nhiều khó khăn!

Tham khảo:

– ”Đọc lại một bài ca dao cũ” – Nguyễn Hưng Quốc, gs tiếng Việt tại Victoria University of Technology , Melbourne, Australìa.
– Văn học Việt Nam (q. thượng)-Phạm Văn Diêu, nxb Tân Việt, Saigon, 1950
– Tiến trình văn nghệ niền Nam-Nguyễn Quang Thắng, nxb Văn Hiến, 1994
– Kinh Thi Việt Nam – Trương Tửu, nxb Liên Hiệp, 1950, Tủ sách Khởi Hành in lại.
– Hoa đồng cỏ nội – Minh Hương, nxb Sống Mới, Saigon. Tủ sách Khởi Hành in lại.