Nhật Bản – đất nước ít tài nguyên và từng hứng chịu hai quả bom nguyên tử trong chiến tranh – đã đứng lên và ngày càng phát triển, trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.

Hãy đặt yếu tố tập thể lên hàng đầu nếu bạn làm việc theo nhóm.

Để làm được điều phi thường đó, không chỉ dựa vào những nỗ lực không mệt mỏi mà người Nhật còn dựa vào tác phong làm việc – một trong những yếu tố làm nên nước Nhật “kỷ luật” nổi tiếng thế giới.

1) Tôn trọng quyết định của nhóm

Nhật Bản là một xã hội luôn nhấn mạnh tính tập thể – “chúng tôi” thay vì tính cá nhân “tôi”.
Các quyết định quan trọng thường được thảo luận và chỉ khi có sự nhất trí thì mới được đưa ra.
Cũng vì mọi kết quả đều là nỗ lực của cả tập thể nên sẽ không phù hợp khi bạn ngợi khen một cá nhân cụ thể.

Chúng ta học được gì từ đó?

Người Nhật quan niệm thành công không thể chỉ do một người tạo dựng nên mà đó là công sức của cả một tập thể.
Do đó họ ý thức được tầm quan trọng của cách làm việc theo nhóm.
Và một khi đã là thành viên của một nhóm, bạn hãy tôn trọng quyết định của số đông, đừng bao giờ đặt cái “tôi” lên tất cả. Đó là sự công bằng.

2) Học cách nói giảm nói tránh

Người Nhật luôn chủ động hạn chế những tình huống đối đầu. Họ không thích và không bao giờ nói “không”.
Mọi lời nói và phép tắc giao tiếp của họ được phối hợp nhằm tránh gây hiềm khích nơi người nghe.
Thay vì đi thẳng vào vấn đề, người Nhật thường gợi ý nhẹ nhàng, nói bóng gió.
Đôi lúc, họ nói một cách rõ ràng hơn nhưng rất cẩn trọng để không làm người khác bị phật ý hay tức giận.

Chúng ta học được gì từ đó?
Chúng ta học được sự tôn trọng và nhã nhặn không những đối với đối tác mà cả đồng nghiệp.
Không gì tệ cho bằng khi chúng ta miệt thị nhau hay tức giận đến “đỏ mặt tía tai” trong các cuộc họp.
Tính tự chủ cao của người Nhật giúp cho họ luôn bình tĩnh và không áp đặt ý chí của bản thân lên người khác.
Đây cũng chính là một trong những bài học quý báu trong giao tiếp mà ngoài công việc, ta có thể áp dụng nó trong cuộc sống.
Để đạt được khả năng này, bạn cần dành thời gian lắng nghe cẩn thận lời người khác nói và suy nghĩ thật kỹ những điều mình sắp nói ra.
Hãy thận trọng và khôn khéo nếu bạn không muốn làm cho các mối quan hệ trở nên tồi tệ.

3) Đúng giờ là thể hiện sự tôn trọng

Giới công sở xứ hoa anh đào đặt nặng giá trị của “kao”, tức là thể diện.
Khái niệm “thể diện” bao gồm niềm tự hào cá nhân, danh tiếng và địa vị xã hội. Bất kỳ một hành động nào có thể khiến cho họ bị mất mặt sẽ bị coi là độc hại trong môi trường công sở, và sẽ bị cực lực phản đối.
Để giữ được thể diện, bạn phải học cách thể hiện lòng tôn trọng cao nhất.
Cách đơn giản nhất là đến đúng giờ đối với bất kỳ cuộc hẹn nào.
Người Nhật thường đến sớm một chút.

Chúng ta học được gì từ đó?
Đúng giờ là một thói quen tốt để chúng ta được người khác tôn trọng. Không có gì bất lịch sự bằng việc để người khác phải chờ đợi bạn.
Đặc biệt trong quan hệ làm ăn, nếu để đối tác của bạn phải chờ đợi thì rất có khả năng bạn sẽ đánh mất một hợp đồng tốt.
Vì vậy hãy biết cân nhắc mọi thứ, tốt nhất là nên đến sớm hơn một chút để chờ đối tác của bạn.
Khi đó họ sẽ nhận thấy sự tôn trọng, lòng hiếu khách và nhất là tầm quan trọng của họ đối với bạn.

4) Duy trì liên lạc

Ở Nhật Bản, gọi điện và hẹn gặp trực tiếp được đánh giá cao hơn rất nhiều so với gửi thư, fax hay email.
Dành thời gian để tiếp xúc trực tiếp với đối tác được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng họ.
Người Nhật rất coi trọng các mối quan hệ làm ăn lâu dài, vì vậy khi làm việc ở đây, bạn cần biết cách duy trì liên lạc qua lại, gián tiếp hoặc trực tiếp.

Chúng ta học được gì từ đó?

Người Nhật đưa việc làm quen và tạo dựng mối quan hệ lên một tầm mới bởi họ hiểu được giá trị của chúng.
Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc tiếc thời gian khi giữ liên lạc với người khác.
Chúng ta hạn chế việc trao đổi thư từ nhưng điều đó thể hiện sự thiếu bền chặt của các mối quan hệ.
Hãy noi gương người Nhật bằng cách quan tâm hơn tới việc luôn “giữ ấm” cho mọi mối quan hệ công việc của mình.
Đơn giản, chúng ta có thể mời họ đi ăn, dự tiệc thân mật nhằm nhắc họ luôn nhớ tới chúng ta và góp phần củng cố mối quan hệ giữa đôi bên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác lâu dài.
Trên đây là một vài quy tắc tuy đơn giản nhưng không phải cá nhân nào cũng làm được, tập thể nào cũng làm được, đất nước nào cũng làm được.
Đối với người Việt Nam thì những quy tắc trên vẫn chưa trở thành chuẩn mực và thói quen.
Do đó, không cần đi đâu xa, bạn hãy thực hành những quy tắc đó ngay trong cuộc sống, ngay trong công việc của mình để trở thành một con người có tác phong hiện đại và đáng được người khác tôn trọng!