Hồi mới về Sài Gòn sống, tôi ít có cảm nhận mình là dân ngụ cư, đơn giản vì khu phố tôi ở có mấy người là dân Sài Gòn chính gốc đâu. Hỏi ra, toàn là người quê Long Xuyên, Châu Đốc, Bến Tre, Bà Rịa, Thái Bình, Hà Nội, Huế…
Hàng ngày, tôi gặp đủ giọng nói, đủ loại trang phục: xườn xám người Hoa, áo dài của các bà các cô đi nhà thờ, xà-rông của người Khme, váy áo khăn quàng cổ kính người Chăm… Trong căn nhà trọ, tôi miệt mài làm việc, tha hồ đi sớm về khuya, chẳng mấy ai để ý đến mình, nếu như mình chân chất làm ăn, đóng đủ tiền nghĩa vụ: dân phòng, khu phố, khuyến học… Ngay từ ngày đầu tiên về thành phố này, tôi cảm nhận xứ này rất dễ sống, nếu mình là người lương thiện.
Tôi nhận ra một Sài Gòn thân thiện và năng động qua các tờ báo. Nhà văn Sơn Nam từng mách nước “Làm thế nào để có một cây (vàng)”. Ngẫm ra, cách đây vài thập kỷ, kiếm “một cây” bằng nghề viết lách không khó. Hồi đó (những năm 1990), báo Sân Khấu trả nhuận bút một truyện ngắn hơn một chỉ vàng. Kịch bản một phim truyện mua được hơn 20 lượng vàng.
Giam mình trong căn phòng trọ nóng bức, chật chội hết mấy năm ròng rã, tôi viết truyện phim Người đẹp Tây đô, được TFS trả nhuận bút 14 lượng vàng. Vậy là người ngụ cư như tôi có được nhà, dù là căn hộ chung cư tận tầng 5. Ngày nhận nhà, tôi ngơ ngác: “Con nhỏ tỉnh lẻ, dân ngụ cư này có nhà sao?” Tôi nhận ra Người Sài Gòn không chỉ thân thiện mà Đất Sài Gòn tiếp nhận mọi tính cách, nếu nỗ lực ai cũng có thể sống được (cho tôi được phép viết hoa hai từ Người và Đất).
Nhiều doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn là dân ngụ cư. Chị Trần Thị Lâm – bà chủ của Việt Nam Thương Tín, chủ tịch khu Y tế kỹ thuật cao, năm 1990 đã dũng cảm rời quê hương Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp. Chị từng trải qua những ngày lang thang trên đường phố, sống trong căn phòng trọ chật hẹp, vẫn không nản lòng khi nhìn ra một tiềm năng to lớn của Sài Gòn.
Và cứ thế, kiên trì, nỗ lực từng chút một, người phụ nữ bé nhỏ từng bước một đã vươn đến những mơ ước thật đáng trân trọng. Hàng ngày, tôi đi qua những chiếc xe cóc, ổi, bánh mì, hủ tíu… lòng tự hỏi, ngày mai của những người ngụ cư ấy sẽ ra sao? Ai trong số đó sẽ vươn lên trở thành những ông chủ, bà chủ lớn và ai trong số đó bị đẩy vào những hố thẳm cuộc đời? Sài Gòn phồn hoa, sẽ cuốn bao nhiêu con người vào dòng xoáy khốc liệt của cơ chế thị trường nhưng cũng là mảnh đất tạo ra nhiều cơ hội cho những ai biết kiên trì, nỗ lực. Tôi tận mắt chứng kiến chị bán bánh ướt trước nhà từ một xe đẩy bé nhỏ, nở nòi thành quán đông đúc bởi bánh chị rất ngon, do nước chấm chị pha chế thật tuyệt vời. Tôi cũng chứng kiến những đại gia có hàng ngàn lượng vàng trong phút chốc bay biến vì một trận cá cược.
Sài Gòn là vậy đấy, chẳng mấy khi phân biệt dân ngụ cư hay nhập cư. Cư dân Sài Gòn chỉ hỏi: “Thằng nhỏ (con nhỏ) đó chơi được hôn?”
Theo nhà văn Trầm Hương