Thời Hậu Lê và thời Nguyễn, điều lệ dự thi Hội phần nhiều đại khái cũng như thi Hương nghĩa là không hạn tuổi tác nhưng cấm phụ nữ, con cháu ba đời những người phạm tội làm giặc, làm phản, trộm cắp hay theo nghề “xướng ca vô loài” v.v… đều không được đi thi (1). Nếu gian dối đi thi mà đỗ thì bị xóa tên trong sổ và bị phạt.
Khác thi Hương ở chỗ từ 1486 phải có chân Hương cống (2) hoặc đặc cách trải qua một kỳ khảo hạch, có đỗ mới được thi, trước kia những quan viên chưa đỗ thi Hương cũng cho thi Hội không phải thi Hạch. Thời Nguyễn cũng có những ngoại lệ : khoa 1847 Phan Dưỡng Hạo chỉ có Tú tài mà thi đỗ Thám hoa, khoa 1904 Học sinh Thượng hạng Trần Quý Cáp đỗ đầu Tam giáp Tiến sĩ…
Số người dự thi, thời Hậu Lê, trung bình từ 2000 đến 3000 người, song năm 1449 có tới trên 5000 thí sinh, năm 1640 trên 6000, còn năm 1442 chỉ có 450 người dự thí. Thời Nguyễn sĩ số giảm hẳn, chỉ từ 100 đến 700.
Hồ Ðắc Khải viết rằng đi thi Hội thời Nguyễn không phải mang lều chõng chỉ mang ống quyển, song phải mặc áo thụng lam, mang đai ngồi thi, coi như đã làm quan (3). Tuy nhiên, theo Phan Huy Chú, lệ năm 1664, sĩ nhân được mặc hai áo đơn nhưng cấm mặc áo kép (sợ giấu bài làm sẵn trong áo), có nghĩa là thời ấy sĩ tử chưa phải mặc áo triều phục ngồi thi.
I – LUẬT LỆ TRƯỚC THỜI NGUYỀN
A- TRƯỚC THỜI HẬU LÊ sử sách ghi chép rất sơ lược:
Ðời Lý, con cháu những người làm nghề thợ nhuộm không được đi thi như “Ðô Nhiễm Hoành” gồm những người có tội bị đầy làm hoành để phục dịch nghề nhuộm (4).
Ðời Trần, năm 1374 thi Trạng nguyên có định lệ những thuộc quan (quan nhỏ) ở Tam quán, Thái Học sinh, Thị thần Học sinh, Tướng phủ Học sinh và người có tước phẩm được vào thi cả (5).
B- LUẬT LỆ THỜI HẬU LÊ
Những người được thi phải là người đã đỗ Hương cống (Cử nhân) hoặc những quan viên không đỗ Hương cống nhưng đã đỗ những kỳ sát hạch hàng năm, trình độ như thi Hương, vào tháng giêng.
Sau đây là một số luật lệ thi Hội thời Lê:
1449 Khảo thí ngày 20 tháng giêng, đỗ thì đưa lên bộ Lễ thi Hội.
1462 Cho quan viên dẫu chưa đỗ Hương cống cũng được thi Hội.
1486 Từ thời Hồng-đức về trước, các quan viên chưa đỗ thi Hương cũng cho thi Hội. Sắc chỉ : Từ nay quan viên chưa đỗ thi Hương mà tình nguyện thi Hội, ở Kinh thì đến phủ Phụng-thiên, ở ngoài trước hết phải qua phủ huyện sát hạch đỗ mới đến Ty Thừa chính / Thừa tuyên sở tại thi như thể lệ thi Hương của bách tính, có đỗ mới cho thi Hội. Ðến thời Lê Trung Hưng vẫn thế.
1664 Ðịnh lệ sĩ nhân vào trường thi Hội phải xét ba lần, chỉ được mặc hai áo đơn, không được mặc áo kép. Làm trái phải đuổi ra.
Hương cống không muốn thi phải làm giấy cáo. Quan tỉnh phải khai tên những người đi thi đệ bộ Lễ để bộ cấp cho hộ chiếu khi tới Kinh trình bộ Lễ.
Trước một ngày, bộ Hộ tư giấy cho các quan hai Ty Thừa, Hiến, chuyển báo cho các phủ huyện trong hạt : Những Giám sinh, Nho sinh, Sinh đồ về nhà để tang, tới ngày thi phải đến nha môn phủ mình khai tên để điểm mục, người nào vắng mặt đều xét hỏi trị tội (để ngăn mốt tệ đi thi hộ, làm gà, đổi quyển).
Tuyết Huy kể rẳng đời Lê, các hưu quan và Hương cống tại quán đến ngày thi phải trình diện tại tỉnh. Có Nguyễn văn Quang trúng cách thi Hội, đã yết bảng, chỉ vì ngày thi Hương không ứng điểm mục nên bị tước tên, không được thi Ðình (6).
II – LUẬT LỆ THỜI NGUYỀN
Thời Nguyễn, muốn thi Hội phải có chân Hương cống / Cử-nhân. Các Tôn sinh (họ hàng của vua), Ấm sinh (con quan to), Giám sinh (do địa phương tiến cử thi vào học ở Quốc tử giám), tất cả đều phải qua ít ra là một kỳ sát hạch đặc biệt ở Quốc tử giám, có đỗ mới được thi.
Cấm các Học quan (Huấn đạo, Giáo thụ) từ lục phẩm, các quan viên từ thất phẩm trở lên (cùng thất phẩm nhưng Tư vụ được thi mà Kinh lịch bị cấm), các Tri huyện phẩm nào cũng cấm, sợ vì luyện thi sao lãng việc công.
* SÁT HẠCH THI HỘI Ở QUỐC TỬ GIÁM
Kỳ hạch này dành cho những người không có chân Cử nhân, nhưng đã đỗ Tú tài, qua một kỳ sát hạch đặc biệt ở Quốc tử giám (trình độ tương đương với thi Hội), và đỗ loại Thượng hạng (ưu, bình) mới được thi Hội.
Tổ chức trước thi Hội một vài tháng. Thi trong bốn ngày. Những người thi phải ghi tên như thi Hương, cung khai tam đại…, lý trưởng chỉ chuyển đệ lên phủ, huyện rồi tỉnh chứ không phê bình. Phải nộp 4 quyển thi cho bộ Lễ, bộ làm danh sách gửi cho các khảo quan cùng với những quyển thi.
Ban giám khảo gồm 4 người : 1 người thuộc bộ Lễ, 1 người thuộc Ngự sử đài và hai ông Chánh và Phó Tế tửu Quốc tử giám (7).
1832 Ðịnh lệ khảo hạch thi Hội : Trước kia, các Giám sinh do quan ở Giám sát hạch rồi cho thi Hội, sợ chưa kỹ. Vua sai hai quan Thượng thư làm Chánh khảo, hai Tham tri làm Phó khảo, 6 Phân khảo, họp ở nhà Tả Triều đường sát hạch lại danh sách do quan ở Giám dâng lên, chia những người thi đỗ ra từng hạng :
ưu, bình được thi cùng các Cử-nhân
thứ phải ở lại nhà Giám học tập
liệt bổ làm vị nhập lưu thư lại ở lục bộ.
1856 Ðến khoa thi Hội, quan ở Giám đã khảo hạch, chia hạng, lại theo lệ sai Ngô Bình Ðức, Lê Bá Lân hạch lại, so với kết quả của quan ở Giám khác nhau. Vua cho là quan sát hạch có một ngày không bằng được quan ở Giám biết rõ trình độ học trò hơn. Ðịnh từ nay hễ quan Giám chấm ai ưu, bình thì cho vào thi ngay không phải phúc hạch lại nữa. Nếu có vết xấu thì cứ quan Giám mà hỏi tội.
* LUẬT LỆ THI HỘI
1822 Ðây là khoa đầu triều Nguyễn. Ðịnh lệ cho những người được ứng thi là Hương cống các khoa trước của triều Nguyễn và Hương cống triều Lê chưa ra làm quan (8). Danh sách do bộ Lễ làm.
Các Giám sinh đã sát hạch và đỗ thì do các quan ở Quốc tử giám làm danh sách.
1825 Sau lễ Tiến trường, sức cho các lại phòng theo số học trò đi thi viết tên lên những mảnh giấy nhỏ, trộn đều rồi chia ra từng phần, dán lên bảng, đem yếr một ngày trước cửa trường thi. Kỳ đệ nhị lại đổi.
1826 Lệ trước, Hoài hiệp văn tự (mang sách có chữ vào trường thi) chỉ bị đuổi ra. Bộ Lễ xin từ nay thi Hội mà phạm tội thì đóng gông một tháng, hết hạn đánh 100 trượng và cách bỏ tên trong sổ Giám sinh.
1829 Hành tẩu bộ Công Trần Công Tốn, trước theo họ mẹ và quê mẹ để thi. Ngày thi Hội xin đổi họ. Ðược trúng ngạch bổ dụng, Tốn xin đổi lại quê quán. Vua chuẩn nhưng đình việc cho đi nhậm chức, đưa vào Quốc tử giám học tập hai năm có tấn tới mới lựa dùng. Dụ rằng :”Từ nay không được đổi tên họ, quê quán để đi thi. Nếu phạm tội dẫu đậu Tiến sĩ cũng truất đi”.
1831 Từ nay những Giám sinh đợi bổ mà chưa được bổ, ai tình nguyện sát hạch đáng thì cho thi cùng các Cử-nhân. Năm trước chỉ những Hành tẩu làm ở bộ, Cử-nhân còn học ở quê quán và Giám sinh trúng hạch mới được thi.
1838 Vua Minh-Mệnh ngự xem thi, gập hôm trời mưa rét, ban rượu cho quan trường cùng lò sưởi, đệm cỏ cho thí sinh.
1841 Ðịnh lệ từ nay mỗi kỳ đều ban cơm rượu cho sĩ tử để tỏ sự ưu đãi của triều đình đối với sĩ phu. (Trước khi ăn cơm vua ban phải làm lễ tạ ơn gọi là “Bái tứ”).
1844 Các Giáo thụ, Huấn đạo xuất thân Cử nhân, Tú tài, Giám sinh đều được thi Hội. Viên nào trước bổ chức quan rồi thì không được thi Hội.
1847 Trước có Cử nhân Toạ Giám Trần Xuân Thực, Vũ Duy Quang đã án bổ Kiểm thảo viện Hàn lâm sung việc biên tập “Thiệu-Trị văn quy”, đến kỳ thi xin vào thi. Vua quở :”Chức quan vào thi không phải là lệ. Bọn Thực nếu quả quyết chí học để chiếm Ðại khoa sao không nói trước khi chưa bổ, nay đã nhận chức, nhân cớ để tránh việc, không khỏi có bụng xảo trá. Có điều ta một lòng quý nhân tài, mở rộng đường Khoa cử, có tiếc gì ?”. Sai bỏ chức hàm Kiểm thảo, lui về nguyên ngạch Tọa Giám, chuẩn cho nộp quyển vào thi. Khi yết bảng Thực và Quang đều không đỗ. Sai cách cả Cử nhân án bổ vị nhập lưu thư lại ở nha môn.
1855 Lệ cấp tiền tuất cho người ứng thi Hội, tùy chức phận, người nào bị ốm chết thì cấp cho từ 10 quan tiền và 2 tấm vải đến 20 quan tiền và 4 tấm vải.
Bắt đầu đặt ngạch Học sinh ở các tỉnh miền biên giới : chọn người có tư chất, ham học, mỗi tỉnh từ 3 đến 6 người, bổ làm Học sinh, chước cho khỏi đi lính, tạp dịch. Khảo hạch và cấp cho ăn học.
1874 Hiệp ước 15-3-1874 định rằng những người theo đạo Thiên chúa sẽ được đi thi và làm những chức vụ công cộng mà không bó buộc phải có những hành vi gì trái với tôn giáo của họ (9).
1877 Các quan dự thi mà phạm húy thì phạt 90 trượng, giáng ba cấp, đổi đi nơi khác.
1883 Ðịnh lệ cho các Giáo thụ, Huấn đạo, Tú-tài xuất thân và các quan viên từ lục, thất phẩm trở xuống mà muốn thi Hội : Nguyên lệ Giáo thụ, Huấn đạo và cửu phẩm chính ngạch Dục thiện lại mục điển ty và Tú-tài xuất thân, tình nguyện thi Hội, ở Kinh do bộ, ở ngoài do Tỉnh cấp bằng cho vào Kinh Hội thí kỳ thứ nhất cùng với Giám sinh Thượng hạng là bọn Tôn sinh, Ấm sinh (nhiêu) do Quốc tử giám sát hạch, trúng hạng ưu, bình mới được thi.
1919 Khoa cuối thời Nguyễn, Tú tài do quan đầu tỉnh sát hạch, có học lực thì làm tờ tâu lên, cũng được dự thi. Có 5 người chân Tú tài thi đỗ Phó bảng.
Tóm lại, những người được dự thi Hội thời Nguyễn là :
1- Hương cống / Cử-nhân mới và cũ (đã đỗ từ những khoa trước, kể cả từ thời Lê) ;
2- Các Tôn sinh đã đỗ kỳ Hạch ở Giám ;
3- Ấm sinh đã đỗ Hạch ở Giám ;
4- Các Huấn đạo, Giáo thụ từ 1844 ;
5- Tú-tài được đặc cách vào làm việc ở Hàn lâm viện ;
6- Tú-tài tứ thập (40 tuổi trở lên) và đã thi Hương hỏng hai lần, chọn mỗi phủ một người, muốn thi lại phải qua một kỳ sát hạch nữa ở Quốc tử giám trình độ như thi Hương, có đỗ mới được thi.
7- Những người không có chân Cử nhân chỉ có Tú tài, qua một kỳ hạch ở Quốc tử giám, đỗ hạng ưu, bình, mới được thi Hội, gọi là Tú tài Thượng hạng. Ðều phải nộp đơn xin quan trên : ở tỉnh xin với Ðốc học, ở Giám xin quan Giám, các Tôn sinh nộp đơn ở Tôn nhân phủ ;
8- Học sinh (đã đỗ Tú tài, xuất sắc, được lựa chọn ở địa phương để tiến vào Kinh học ở Quốc tử giám sau một kỳ sát hạch) và đã đỗ Hạch ở Giám.
III – NỘP QUYỂN VÀ VĂN BẰNG CỬ NHÂN
Khi có khoa thi bộ Lễ tư cho các quan Tổng đốc để thông báo cho ai muốn đi thi phải nộp quyển và nộp văn bằng Cử nhân để quan tỉnh lập danh sách chuyển lên bộ Lễ, bộ theo danh sách cấp giấy hộ chiếu cho từng người. Khi tới Kinh phải đến trình bộ Lễ. Cũng có khi quyển do của công cấp cho như những năm 1843, 1853.
1822 Trước kỳ thi độ 10 ngày, các thí sinh ở ngoài phải nộp 4 quyển ở phủ, huyện, phủ huyện chuyển lên quan tỉnh không phê bình nhưng có quyền không nhận đơn nếu thí sinh là can phạm chẳng hạn. Ở kinh thi nộp thẳng cho bộ Lễ.
Những quyển văn của thí sinh viết mực (đen) và những quyển son do thư lại chép đều dùng giấy quan lệnh in hồng cách (10). Trang đầu cũng cung khai lý lịch, tên họ, quê quán, tên họ ông cha ba đời, chức nghiệp, phải có giấy chứng nhận của lý trường… như thi Hương.
Thí sinh nào ốm đau hay có tang không đi thi được đều phải trình quan Ðốc học ở tỉnh, hay quan ở Quốc tử giám để trình lên bộ, các Tôn sinh không học Quốc tử giám thì trình với Tôn nhân phủ. Ở trong trường thi mà đau ốm thì trình với khảo quan (11).
1843 Lệ cũ quyển thi dùng giấy kẻ dòng đỏ, chỗ hai trang giáp nhau đóng một dấu kiềm, khi làm bài trong trường bó buộc không khỏi giảm mất sức làm văn. Xin từ nay quyển thi Hội kỳ 1 và 2 mỗi quyển 6 tờ, kỳ 3 và 4 mỗi quyển 15 tờ viết mực và giấy lệnh của công cấp cho. Chỗ đề tên ở mặt quyển và chỗ tờ 1 và 2 giáp nhau đều dùng một dấu miếng kiềm, mặt dấu có chữ “Hội thí chi ấn”, duy quyển chép bằng son của lại phòng và quyển thi Ðình xin theo lệ cũ dùng giấy kẻ đỏ. Vua y.
1853 Quyển thi viết mực đen và quyển chép bằng son, cả 4 kỳ đều dùng giấy lệnh của công.
1855 Từ nay khi nộp quyển dự thi, trước hết phải chua rõ tên trên mặt quyển, khai lý lịch, đỗ Cử-nhân khoa nào, minh định làm bài Kinh nào. Mỗi kỳ nộp hai quyển ở dinh Phủ doãn, Thừa-thiên.
CHÚ THÍCH
1- Xin xem chương “Thí sinh”, Thi Hương, của Nguyễn thị Chân Quỳnh.
2- Nhà Nguyễn lúc đầu còn giữ những tên Hương cống, Sinh đồ thời Lê, đến 1828 mới đổi gọi Hương cống là Cử nhân, Sinh đồ là Tú tài. Ngược lại, nhà Lê trước kia cũng dùng danh Cử nhân đến 1462 mới đổi ra Hương cống.
3- Hồ Ðắc Khải, BAVH số Juil-Sept. 1916. Có thể nhà Nguyễn muổn tổ chức thi Hội long trọng nên bắt sĩ tử mặc áo thụng ngồi làm văn bài, nhưng cũng có thể Hồ Ðắc Khải đã nhầm thi Hội với thi Ðình.
4- SKTT I, tr. 341. Ðô là đon vị công nô (thợ thủ công thân phận nô lệ).
5- SKTT, I I, tr. 165.
6- Tuyết Huy, Nam Phong số tháng 5-1919.
7- R. Schneider tr. 76-7 ; E. Luro tr. 150 ; R. de la Susse.
8- Theo danh sách những người đỗ khoa này thì chỉ thấy có Hương cống thời Nguyễn (các khoa 1819 và 1821) chứ không thấy có Hương cống thời Lê ứng thi.
9- Nguyễn Xuân Thọ, tr. 475.
10- Hồng cách = đường kẻ đỏ để viết chữ cho đều, mỗi trang tám dòng, mỗi dòng 20 cách tức là khoảng trống giữa hai chữ ở trên và ở dưới. Ðăng Khoa Lục tr. 26.
11- R. de la Susse.
Thông tri của quan Tổng đốc gửi cho Hoàng Ðình Tá hạn kỳ đến kinh đô thi Hội
Phiên âm
Lãnh Hà-ninh Tổng-đốc, Tân Phước Hầu, Phạm Thự Hà-nội Tuần phủ Nguyễn
Vi cấp dẫn văn sự tư tiếp Lễ bộ tư tự thử thứ cung ngộ thời diên cự điển, kỳ bản niên Hội thí ân khoa tiền kinh nghị chuẩn, sĩ hồi loan hậu, tấu thỉnh cử hành.
Ðẳng nhân tư chiếu thuộc hạt ứng nhập Hội thí, chi Cử nhân kế trình bằng cấp. Cai đẳng tựu đạo yếu ư tứ nguyệt thượng tuần nhất tề để kinh do bộ Trữ hậu đính quyển dĩ cập ứng thí, đẳng nhân hợp cấp dẫn văn, nghi do lục thượng kinh, hạn lai nguyệt thượng tuần. Hiện do Lễ bộ đường quan Trữ hậu sở, hữu đới (đái) tùy tùng giả tam danh, định thính thông hành tu chí cấp giả.
Hữu cấp dẫn Cử-nhân Hoàng Ðình Tá chuẩn thử.
Thiệu-Trị nhị niên, tam nguyệt, nhị thập nhật
Dịch nghĩa
Lãnh chức Tổng-đốc Hà-ninh, tước Tân Phước Hầu, họ Phạm và Thự Tuần-phủ Hà-nội họ Nguyễn
Theo hướng dẫn về việc văn, nay tiếp thông tư bộ Lễ nói, lần này kính gập theo thời gian trong cự điển, năm nay có ân khoa thi Hội, trước đây qua bàn bạc, đợi sự chuẩn y sau khi nhà vua hồi loan, tâu xin cử hành.
Nhân chiếu theo thông tư cho thuộc hạt thống kê trình độ, văn bằng đã cấp cho những Cử-nhân được vào thi Hội và nói, đến thượng tuần tháng tư, nhất loạt phải gửi về kinh do Bộ cho đính quyển để kịp kì thi Hội, nhân tập hợp cả các văn bản hướng dẫn gửi về Bộ và do đường bộ về kinh, hạn cho thượng tuần tháng sau có mặt. Hiện công việc này do Trữ hậu sở (1) của đường quan bộ Lễ đảm nhiệm. Ðược kèm theo ba người tùy tùng, nghe lệnh thông hành, cùng đến với người được cấp bằng này.
Văn bằng bên hữu, chuẩn cấp cho Cử-nhân Hoàng Ðình Tá.
Ngày 20, tháng 3, năm Thiệu-Trị thứ 2 (1842)
Thông tri của quan Tổng đốc gửi cho Hoàng Ðình Tá nộp văn bằng Cử nhân để thi Hội
Phiên âm
Lãnh Hà-ninh Tổng-đốc, Tân Phước Hầu, họ Phạm
Vi cấp dẫn văn sự tư tiếp Lễ bộ đường tư tự, bản niên tam nguyệt, chính giới Hội thí ân khoa kì chiếu hạt nội tùng tiền chư Cử-nhân đẳng cấp bằng. Cai đẳng tựu đạo hạn nhị nguyệt thượng tuần hiện dĩ để kinh, do Bộ hội tề đính quyển. Ðẳng nhân hợp hành cấp dẫn. Nghi do lục lai kinh, hạn lai nguyệt thượng tuần. Hiện do Lễ bộ đường quan Thính hậu sở, hữu đới (đái) tùy tùng giả tam danh, tịnh thính thông hành vô dung trì vi khả dã tu chí cấp giả.
Hữu cấp dẫn Cử-nhân Hoàng Ðình Tá chuẩn thử.
Thiệu-Trị nguyên niên, chính nguyệt, nhị thập bát nhật
Dịch nghĩa
Lãnh Tổng-đốc Hà-ninh, tước Tân Phước Hầu, họ Phạm
Căn cứ hướng dẫn về việc văn, nay tiếp thông tư bộ Lễ nói, tháng ba năm nay là đúng đến kì ân khoa thi Hội. Xét các khoa những người đỗ Cử-nhân đã được cấp bằng trước đây trong hạt, báo cho họ biết, hạn đến thượng tuần tháng hai sẽ tới kinh, do Bộ nhất loạt đính quyển. Nhân đó tập hợp các văn bằng đã cấp về Bộ và theo đường bộ về kinh, hạn cho thượng tuần tháng tới (có mặt).
Hiện công việc do Thính hậu sở (1) của đường quan bộ Lễ đảm nhiệm, được kèm theo ba người tùy tùng đều nghe lệnh thông hành cùng với người được cấp văn bằng này. Chớ có nấn ná, chậm trễ coi thường vậy !
Văn bằng bên hữu này cấp cho Cử-nhân Hoàng Ðình Tá.
Ngày 28, tháng giêng, năm Thiệu-Trị nguyên niên (1841)
(1) “Thính hậu sở” : Nhà chờ để nghe các qui chế thi Hội.
(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)