Hiểu nôm na Mỹ nhân kế có nghĩa là kế dùng gái đẹp, cùng với Không thành kế (Kế thành trống), Khổ nhục kế, Tẩu vi thượng kế…, Mỹ nhân kế được các nhà chiến lược ngày xưa xếp vào loại Bại chiến kế ! Vì thế nó là một trong những chiêu cuối được xuất ra.

Rất nhiều câu chuyện kể lại rằng trong số các “bại kế” thì kế này là siêu nhất, có thể chuyển họa thành phúc, chuyển bại thành thắng. Trong phép dụng binh, đánh vào tâm lý là phép cao nhất. Áp dụng Mỹ nhân kế tức là cách đánh vào tâm lý, lấy nhu để thắng cương. Ai mà chả yêu “cái đẹp”, con người một khi đã đắm chìm trong sắc đẹp thì sẽ trở nên nhu nhược, bất lực, mềm yếu, không còn ý chí để chiến đấu. Vì thế nên mới nói, Mỹ nhân kế chính là siêu kế!

Để vận dụng kế này, đầu tiên là phải hiểu rõ sở thích của đối phương, mà sở thích của mỗi người đều khác nhau, cho nên cần phải biết đối phương thích cái gì, từ đó, cũng như bác sĩ theo bệnh mà cho thuốc. Nhưng dù không là bác sĩ giỏi thì ai cũng biết, để làm tổn hại đối phương không có gì hay ho hơn là dùng chữ Tình. Mỹ nhân kế thật là một “báu vật” của tạo hóa âm nhu cực điểm, dính vào đó thì cho dù anh hùng hào kiệt cỡ nào đi nữa, cũng mất hết ý chí chiến đấu, dẫn đến tiêu tan sự nghiệp không xa! Ngoài việc làm tê liệt đối phương, nó còn là cơ hội để có thể khống chế đối phương nữa, tuy nhiên dùng mục đích này cần phải cao tay, hết sức cẩn thận và khéo léo, nếu không sẽ không có tác dụng gì.

Đọc Tam Quốc, ta thấy cuối thời Đông Hán, Đổng Trác dùng nhiều âm mưu thủ đoạn để nắm lấy quyền lực cao nhất của triều đình. Khi mục đích đã đạt, lão bắt đầu chuyên quyền, hoang dâm vô độ và còn có ý thoán vị, khiến cho Tư đồ Vương Doãn rất lo lắng nên ngấm ngầm tìm cách diệt trừ tay loạn thần này.

Vương Doãn có nuôi một đứa con hát từ khi còn nhỏ, khi lớn lên nhận làm con nuôi tên là Điêu Thuyền. Điêu Thuyền càng lớn thì càng xinh đẹp, ngày càng lộ rõ nhan sắc khuynh thành đổ nước khiến cha nuôi Vương Doãn đã nghĩ ra một kế: cho gọi Điêu Thuyền vào phòng của mình, đột ngột quỳ xuống lạy khiến cho Điêu Thuyền vô cùng hoảng hốt, hỏi tại sao như thế. Vương Doãn chỉ nói ngắn gọn: “Con hãy giúp cho nhà Hán và muôn dân!”. Ban đầu, Điêu Thuyền chưa hiểu ý đồ của Vương Doãn là gì nhưng vì thương cha nên cũng nghẹn ngào nhận lời. Lúc đó Vương Doãn mới nói ra việc mình cần nhờ.

Nói gì thì nói, cho dù là “kế” của Vương Doãn nhưng nếu không nhờ sự thông minh, cộng với sắc đẹp mê hồn của Điêu Thuyền thì không dễ dàng phân hóa được cha con Đổng Trác và y phải chịu chết dưới tay con nuôi của mình.

Lịch sử cận đại Trung Hoa đã ghi nhận một trường hợp áp dụng siêu kế này, nhưng phải nói là sự trả giá không phải là nhỏ! Số là vào năm Sùng Chính thứ 14, quân Thanh đánh bại quân Minh, bắt được tướng Hồng Thừa Đào làm tù binh. Hồng Thừa Đào là vị quan văn võ song toàn. Vua Thanh rất muốn dùng để thực hiện việc nuốt trọn Trung Hoa, vì thế đã dùng biện sĩ đến khuyến dụ họ Đào đầu hàng. Đào cương quyết không chịu, ông tuyệt thực để tỏ lòng trung trinh của mình. Thái Tôn nhà Thanh rất cảm kích và lại càng muốn tranh thủ Đào, vì thế ban lệnh: Nếu ai khuyên được Thừa Đào đầu hàng, sẽ được trọng thưởng! Rất nhiều các “biện sĩ” nhà Thanh đến gặp Đào nhưng đều ra về trong thất vọng!

Đọ nhan sắc 7 phiên bản hồ ly Đát Kỷ trong phim truyền hình - Phim truyền  hình

Có một vị quan đi theo Hồng Thừa Đào tên là Kim Thăng mới hiến kế Thái Tôn khuyên dùng Mỹ nhân kế. Nhà vua đồng ý, ông hạ lệnh đi tìm mỹ nữ khắp nước về kinh, rồi bố trí đến gặp Thừa Đào, nhưng chẳng có cô nào đến mà không bị Thừa Đào cự tuyệt!

Thất bại, Thái Tôn buồn lắm, thường ở trong cung, thở dài thườn thượt. Hoàng hậu thấy vậy mới hỏi;

– Phu quân đánh bại quân Minh, làm chấn động thiên hạ, mà sao ngài vẫn buồn bã vậy?

Thái Tôn bèn kể lại sự việc tù binh Hồng Thừa Đào cho hoàng hậu nghe. Nghe xong, hoàng hậu bèn thỏ thẻ vào tai Thái Tôn. Bỗng nhiên ông trợn mắt:
Ta làm vua một nước, làm sao có thể chấp nhận điều đó được?

Nhưng sau mấy đêm suy nghĩ, ông cũng đành chấp thuận mưu kế của vị hoàng hậu đáng yêu của mình. Kế của hoàng hậu là như thế nào?
Đêm hôm ấy hoàng hậu ra khỏi cung, một mình đến chỗ Thừa Đào đang bị giam. Cũng như bao nhiêu người đẹp đến ở những lần trước, Thừa Đào đều khước từ tiếp xúc, bất kể đó là ai. Đã có kế hoạch từ trước, hoàng hậu cũng chuẩn bị ra về ra về, nhưng cũng cố nấn ná nói mấy câu:

– Thiếp đến đây cốt để cứu tướng quân. Tuyệt thực phải 7-8 ngày mới chết. Thời gian đó, cơn đói lạnh hành hạ tướng quân. Thiếp vốn là tín đồ Phật Giáo không thể nhẫn tâm nhìn tướng quân khổ sở nên mang một ít độc dược đến đây, nếu như tướng quân chỉ đi tìm cái chết, thì tuyệt thực với phục độc nào có khác gì ? Vừa nói, hai tay nàng đưa đến cho Thừa Đào chiếc bình nhỏ.

Không ngờ, Thừa Đào nhận lấy rồi nói:

– Được lắm, tôi sẽ uống, chết còn chẳng sợ, sao lại sợ thuốc độc?

Nói xong, Hồng Đào vừa cầm lấy bình thuốc độc lên miệng làm một hơi. Lúc đó, hoàng hậu bèn nói:

– Sự thể đã đến nước này, thôi thì thiếp có đôi lời nói với tướng quân lần cuối. Tướng quân muốn vì nước mà tuẫn tiết nhưng sẽ phải chịu chôn thân xứ người, dù người nhà muốn tưởng nhớ cũng chỉ khóc thương vọng mà thôi, biết tìm tướng quân nơi đâu ? Thiết tưởng tướng quân vốn là một người đa tình, làm sao có thể nhắm mắt được .

– Tôi cũng biết lắm chứ, nhưng cớ sự như thế này thì cũng đành thôi, xương cốt tàn của tôi sẽ chỉ là cơn mộng ảo!

Hoàng hậu biết Thừa Đào đã bị dao động, nên nói thêm:

– Ý chí của tướng quân thật là trung nghĩa, nhưng việc ấy như ý thiếp cũng không khỏi bị chê trách là khờ khạo!

– Nàng nói sao? Nếu ta đầu hàng, thất trung mới là hảo hán anh hùng sao?

– Tướng quân đừng vội vã, thiếp muốn tướng quân là trụ cột của quốc gia. Triều Minh trông cậy cả vào tướng quân, nếu chỉ đem một cái xác chết không thôi để đổi lại chút danh dự tầm thường thì có ích gì cho quốc gia đâu. Theo thiếp thì tướng quân nên nhẫn nhục để chờ cơ hội khôi phục, không nên khinh rẻ mạng sống giống như loại thất phu, trẻ nít. Kẻ sĩ mỗi người đều có chí riêng, làm miễn cưỡng không phải là hay. Thiếp nói cũng đã nhiều…Nếu tướng nghĩ lại thì…

Đến đây trong thân thể của Thừa Đào lửa dục đã dâng cao (do uống thuốc kích dục thay vì thuốc độc !) Chàng tự nghĩ chốt lát nữa thôi thuốc độc ngấm vào và chàng chẳng còn ở thế gian này nữa, chỉ mong thuốc độc ngấm chậm để được ở lại trong lòng đóa hoa đẹp này…Chàng lúng túng như muốn nói với hoàng hậu điều gì đó. Hoàng hậu nhà Thanh hiểu ý:

– Tướng quân chớ lo, thiếp đã có thuốc giải độc đây !

Hồng Thừa Đào vội vã:

– Nàng hãy đưa ngay cho ta!

Đêm ấy, Thừa Đào ân ái rất mặn nồng với mỹ nhân. Sáng hôm sau, con người anh hùng “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” ấy đã được hoàng hậu nhà Thanh dắt tay vào triều kiến vua Thanh, cúi đầu xưng Thần với giặc…

Giai nhân từ ngàn xưa đến nay bao giờ cũng là đề tài chính. Tuy là phái yếu, không thể vác gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười xinh đẹp. Có những bức thành kiên cố cả mười vạn quân không hạ nổi, nhưng nó có thể bị sụp đổ bởi ánh mắt mỹ nhân. Sức mạnh của mỹ nhân đặc biệt là có ảnh hưởng đối với người anh hùng, người có quyền thế, bởi thế cổ nhân mới có câu: “Pháo đại bất như nhục đại, xương đầu nan địch chẩm đầu”; nghĩa là: đạn đồng không bằng đạn thịt, cái súng không địch lại với cái gối là vậy !