Home/Kiến thức/Nghiên cứu - Tìm hiểu/Các nước Ngô, Việt và văn hóa tộc Việt

Các nước Ngô, Việt và văn hóa tộc Việt

2021-12-02T13:08:06-05:00

Ngô, tên đầy đủ là Câu Ngô; Việt, tên đầy đủ là Ư Việt, là hai nước của người Bách Việt nổi tiếng nhất thời Xuân Thu-Chiến Quốc.

Xưa, người Ngô và người Việt nói cùng một ngôn ngữ, cùng dùng một dạng chữ hình chim và hình sâu (Điểu Trùng Văn) khắc trên mâu đồng của vua Ngô và kiếm đồng của vua Việt. Nay, dân hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, vùng trung tâm của hai nước Ngô-Việt xưa vẫn nói chung một phương ngữ Ngô.

Theo Luo (1999:105) các di vật khảo cổ ở vùng trung tâm của hai nước có những khác biệt dễ thấy vào thời Thương và Tây Chu, nhưng hoàn toàn giống nhau vào thời Đông Chu (771-256 TCN).

Theo Henry (2007: 3) tổng hợp tư liệu thư tịch thời Chiến quốc, thời Hán và tư liệu khảo cổ cho thấy người Ngô và người Việt có ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, âm nhạc, văn hóa dân gian, cách ăn, mặc, ở, đi lại, tang ma, cách làm thuyền, chế vũ khí, đánh trận và tính cách đều khác người các nước Tề, Sở láng giềng đã Hoa hóa.

Tóm lại, người Ngô và người Việt đã có chung một nền văn hóa, giờ đây thường được gọi là văn hóa Ngô-Việt. Tuy nhiên, nguồn gốc của hai nước Ngô, Việt lại khác nhau và là các vấn đề còn gây tranh cãi.

1. Lịch sử nước Ngô

Quan điểm truyền thống dựa trên Sử Ký cho rằng nước Ngô ra đời khi Thái Bá, bác của Chu Văn Vương (1090-1050) đến đất Ngô, tự cắt tóc xăm mình theo tục Ngô, từ đó trở thành vị vua đầu tiên sáng lập nước Ngô. Những học giả có quan điểm này đưa bằng chứng là minh văn trên một đồ đồng, theo đó nước Ngô là đất phong của nhà Chu cho hai anh em Thái Bá ở vùng hạ lưu Dương Tử.

Tuy nhiên, nhiều học giả, nhất là các học giả phương Tây, lại coi điều Sử Ký viết là không đáng tin cậy và là một biểu hiện của quan niệm lấy Hoa Hạ làm trung tâm từng thống trị trong sử học Trung Quốc. Henry (2007: 2) mạnh mẽ phủ nhận quan niệm trên, đưa bằng chứng là các tên vua Ngô (cũng như vua Việt) đều không có miếu hiệu (tên được đặt sau khi chết) như vua các nước đã Hoa hóa cùng thời. Werner (1993:102-104) lưu ý tên 17 vị vua Ngô đều là phiên âm các tên gọi của phương ngữ Ngô có liên quan tới tiếng Nam Đảo và coi phần lớn những gì cổ thư viết về nước Ngô là truyền thuyết và hư cấu. Tư liệu khảo cổ cũng cho thấy văn hóa vật chất của nước Ngô mang bản sắc Ngô rõ nét. Shaugnessy (1989) chứng minh đồ đồng có minh văn viết chuyện phong đất cho anh em Thái Bá là đồ giả. Một số học giả cho rằng việc các vua Ngô nhận có gốc Chu, có họ Cơ như vua Chu chỉ là một sách lược ngoại giao của nhà Ngô với nhà Chu, đồng thời nâng cao vị thế của nước Ngô với các nước chư hầu khác, có ý nghĩa tương tự việc các vua Việt nhận là con cháu nhà Hạ.

Luo (1999:23,107) cũng cho biết: một số học giả, dựa trên những di vật mới phát hiện có ghi nhiều địa danh có từ Ngô ở Thiểm Tây, lại nêu giả thuyết hai anh em Thái Bá đã lập ra một nước Ngô không phải ở vùng Dương Tử, mà là ở Tây Thiểm Tây, sau đó mới dần chuyển nước Ngô đó về Giang Tô.

Gần đây, một số học giả Trung Quốc, dựa trên các phát hiện khảo cổ mới nhất lại chứng minh văn hóa Ngô có gốc từ văn hóa Ngô Thành, tức nước Ngô có gốc từ nước Việt Chương ở Giang Tây. (1)

Tôi không có trong tay nghiên cứu của các học giả Trung Quốc trên, nhưng lại có một số bằng chứng ủng hộ quan điểm của họ. Đó là:

– Người Cám, cư dân bản địa vùng sông Cám, chủ nhân của văn hóa Ngô Thành, cũng được gọi là người Can/Cán/ Hàn, sau được đồng nhất với người Ngô. (2)

– Không ngẫu nhiên, tên Ngô cùng xuất hiện trong tên gọi Ngô Thành và Câu Ngô. Ngô (Wu) chính là một phiên âm khác của Ya/Yu và là một tên gọi khác của Việt.

– Theo Keightly (1999:173) não bạt Tân Can có kích cỡ và hoa văn tương tự não bạt ở vùng hạ lưu Dương Tử chứng tỏ văn hóa Ngô Thành có sự kết nối với văn hóa của toàn bộ vùng hạ lưu Dương Tử.

– Theo Lafftev (2011:99): một chiếc bát đồng Ngô-Việt có hoa văn xoáy ốc giống hệt hoa văn trên một chiếc bát Tân Can.

– Sử ký viết nước Ngô ra đời vào đầu thời Chu, đó cũng chính là thời kinh đô Ngô Thành bị bỏ hoang, hoàng tộc Việt Chương phải di tản tới Nam Xương, An Huy dựng nước mới (tên cổ của Nam Xương là Dự Chương=Việt Chương).

Như vậy, vào thời Thương, vùng đất sau là nước Ngô đã là vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ngô Thành. Nước Việt Chương sau khi phải di dời lên phía Bắc tới Dự Chương đã mở rộng về phía Đông tới Giang Tô, nơi có vùng đồng bằng cửa sông rộng rãi màu mỡ hơn. Dự Chương trở thành vùng đất phía Đông của nước Ngô. Câu thành ngữ “Đầu Ngô mình Sở” có gốc từ câu “Đất Dự Chương là đầu nước Ngô-đuôi nước Sở”.

Dù ra đời vào đầu thời Chu, nhưng nước Ngô chỉ có quan hệ ngoại giao với nhà Chu vào năm 576 TCN, khi Ngô đã trở thành một nước mạnh làm nòng cốt của liên minh các nước Bách Việt ở Nam Dương Tử chống lại sự bành trướng của Sở.

Năm 506 TCN, Ngô bất ngờ tấn công và chiếm kinh đô Sở, vua Sở phải chạy về nước Tùy, nước Sở suýt diệt vong… Năm 494 TCN, Ngô thôn tính Việt, nước anh em gần gũi với mình. Thật trớ trêu, chính cuộc chiến Ngô-Việt huynh đệ tương tàn đó đã khiến hai nước trở nên nổi tiếng. Năm 489, quân Ngô đại phá quân Tề, chiếm miền Nam Tề, một nước mạnh ở Sơn Đông. Năm 487 TCN, Ngô thôn tính Lỗ. Năm 485 TCN, Ngô đánh bại Tề. Nhưng khi đang mải miết với tham vọng bá chủ, Ngô lại bị Việt tấn công và cuối cùng, năm 473 TCN, Ngô rơi vào tay Việt. Câu Tiễn bắt vua Ngô Phù Sai đi đày, cho ăn lộc 100 nhà. Phù Sai hối hận vì đã không nghe lời Ngũ Viên, uất ức tự vẫn. Nước Ngô mất, vua Ngô chết, khiến những ai nặng lòng với vua Ngô, có thù với vua Việt, đặc biệt những người trung thành với Ngũ Tử Tư, phải di tản muôn nơi. Nước Ngô có hơn 1000 km bờ biển nên người Ngô đã di tản chủ yếu theo đường biển tới Nhật Bản, Triều Tiên và nhiều nơi khác ở ĐNA. Chính di dân Ngô đã lập ra các nước Lâm Ấp, Phù Nam, Champa trên đất Việt Nam nay (Phụ lục 4 D).

Hòn đảo gần Ngô nhất chính là đảo Nhật Bản. Hiện có những bằng chứng cho thấy di dân Ngô đã tới Nhật và góp phần quan trọng tạo nên văn hóa Yayoi và dân tộc Nhật sau này. Đó là:

– Sứ giả các nước Ngụy, Tấn (265-420) khi đến Nhật nghe người Nhật nói rằng họ là con cháu Thái Bá, tức có tổ tiên là người Ngô. (3)

– Người Nhật cổ có tục nhuộm răng, nhổ răng, xăm mặt, mình, ngồi xổm, địu con sau lưng, trang phục như người Ngô.

– Di cốt tại một số mộ Yayoi ở Kuyshu có sọ, xương đùi, dấu tích tục nhổ răng và DNA tương đồng với di cốt người ở Giang Tô thời Hán, là con cháu người Ngô.

– Các tên gọi cổ của người Nhật (Wo/Wa=Oa/Hòa/Nô/ Na), tộc danh và địa danh Yayoi, tên nước Yamatai đều tương ứng với Ya, từ gốc của cả Ngô lẫn Việt.

– Từ chỉ nước Ngô và muối trong tiếng Ngô và tiếng Nhật gần như nhau.

– Người Yayoi có tục chôn mộ gò và mộ chum là tục gốc từ nước Ngô.

– Một số dạng nhà, thuyền, đồ đồng, đồ sắt thời Yayoi tương đồng với nhà, thuyền, đồ đồng Ngô-Việt (Chương 12). (4)

2. Lịch sử nước Việt

Sử Ký viết nước Việt ra đời khi vua Thiếu Khang nhà Hạ phong đất Việt cho con thứ Vô Dư để hương khói cho Đại Vũ, vị vua đầu tiên của nhà Hạ đã chết và được chôn ở Cối Kê-Chiết Giang.

Ít nhất, có 3 cách lý giải điều mà Sử Ký viết như sau:

– Đó là một sáng tác của sử gia Hoa phản ánh thuyết Hoa Hạ là trung tâm, “người Nam nhìn về phương Bắc”.

– Đó là một sáng tác của chính hoàng tộc Việt để dễ quan hệ với các nước đã Hoa hóa, cụ thể đề cao uy thế của Câu Tiễn với nhà Chu và các nước chư hầu.

– Đó là một truyền thuyết nhưng phản ánh mối liên hệ nguồn gốc thực sự giữa hoàng tộc nước Việt với nhà Hạ (Chương 7, Phụ lục 2 B)

Sử Ký viết vua Sở Hùng Cừ đánh Dương Việt phong cho con út đất Việt Chương; Quốc Ngữ, Thế Bản viết vua Việt Câu Tiễn có họ Mị và cùng ông tổ với vua Sở, dựa vào đó, học giả Pháp Anrousseau (1923) cho rằng vào thế kỷ 9 TCN, một hoàng tử Sở đã lập ra nước Ư Việt.

Nhưng các nghiên cứu gần đây đã chứng minh việc vua Sở phong con út làm vua nước Việt Chương chỉ là phong khống (Chương 6). Chúng ta cũng sẽ thấy, không chỉ hoàng tộc Sở mà hoàng tộc La cũng có họ Mị (Chương 7). Vì thế, việc hoàng tộc Việt họ Mị gợi khả năng có mối liên hệ cội nguồn giữa hoàng tộc La và hoàng tộc Việt.

Khả năng đó rất cao, bởi chúng ta đã có một loạt bằng chứng cho thấy một nhóm hoàng tộc La cũng đã lập ra nước Ư Việt sau khi nước La bị Sở diệt năm 690 TCN. Sau đây là các bằng chứng đó:

– Tên nước Việt thời Thương, tức nước La thời Chu, được ghi bằng dạng chữ Việt hình rìu Việt trong văn giáp cốt Thương. Tên nước Việt cũng được ghi bằng dạng chữ Việt đó.

– Người La là người Lạc Việt. Người Việt cũng là người Lạc Việt. Tên đầy đủ của nước Ư Việt chính là một tên gọi khác của Lạc Việt (Chương 12).

– Vua La có ông tổ là Chúc Dung và họ Mị. Dân La có họ La=Lạc. Vua Việt cũng được coi là con cháu Chúc Dung, cũng có họ Mị và họ Lạc (Chương 12).

– Vật tổ và biểu tượng của người Lạc Việt Diêm Thôn – Tổ tiên người La – là chim Lạc (cò) và rìu Việt, gốc của hai chữ Lạc Việt. Dạng chữ trên kiếm đồng của vua Việt Câu Tiễn có cả hình chim và rìu, rõ ràng có liên hệ cội nguồn với với dạng nguyên thủy của hai chữ Lạc Việt trên thạp Diêm Thôn (Chương 4). Cò cũng là một vật tổ của người Ngô-Việt (Chương 12).

– Người La có tài bắt, thuần dưỡng và huấn luyện chim (cò, cốc). Người Việt ở Chiết Giang cũng có truyền thống thuần dưỡng và huấn luyện chim cốc bắt cá nổi tiếng nhất và lâu đời nhất ở Trung Quốc (Laufer 1931; Jackson 1997).

– Về thời gian ra đời của nước Việt, Peters (1990:2) dựa vào Tả Truyện, cuốn sử sớm nhất của Trung Quốc về thời Xuân Thu cho biết: nước Việt xuất hiện ở Bắc Chiết Giang từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 4 TCN. Henry (2007:8) nói cụ thể hơn, Tả Truyện lần đầu tiên nhắc đến nước Việt trong phần nói về năm 601 TCN. Blackeley (1999: 14) không nói rõ nguồn tư liệu nhưng cho hay: năm 622 TCN, Sở đã ký một hòa ước với Ngô và Việt, hai nước mạnh thời này ở Giang Tô, Chiết Giang. Như vậy, nước Việt ra đời sau năm 690 TCN, năm Sở diệt La.

– Đào Duy Anh (2010:253) cho biết: cổ sử Hoa có hai thuyết về đất gốc của người Dao. Một thuyết cho rằng tổ tiên người Dao hoặc từ vùng trung nguyên (Hà Nam), hoặc từ Nam Thiểm Tây dần di dời đến vùng quanh hồ Động Đình. Một thuyết khác, dựa trên tên gọi vua Mân Việt là Dao Vương, tên thành của vua Ngô và vua Ư Việt là Dao Thành, cho rằng đất gốc của người Dao là vùng Chiết Giang, Phúc Kiến, Đông Giang Tây, người Dao chính là người Ngô-Việt.

Theo tôi, hai thuyết trên không loại trừ mà tương thích với nhau. Do La=Lạc= Việt=Dao=Giao (Chương 4), thuyết đầu phản ánh cuộc thiên di của người Việt hay La từ Hà Nam -Nam Thiểm Tây tới Hồ Bắc, Hồ Nam vào thời Chu, còn thuyết sau phản ánh cuộc thiên di của người La từ Hồ Bắc-Hồ Nam tới Chiết Giang sau khi nước La bị Sở diệt.

– Eberhard (1968:453) từ tư liệu thư tịch xác định một trung tâm của văn hóa Lão (một tên gọi khác của La/Việt/Dao) là ở phía Nam Tràng An – trung tâm của văn hóa Chu. Đó chính là vùng có kinh đô của nước Việt ở Lão Ngưu.

– La Polla (2001:229) xác định vào thế kỷ 7 TCN đã có một cuộc thiên di lớn từ vùng sông Vị tới vùng hạ lưu Dương Tử là đất gốc của người Bách Việt. Vùng sông Vị chính là vùng của nước Việt thời Thương hay nước La thời Chu. Vùng hạ lưu Dương Tử chính là vùng đất của nước Việt. La Polla không nói rõ tộc người nào đã thiên di và vì sao phải thiên di, nhưng trong mối liên quan với các bằng chứng đã nêu, có thể xác định cuộc thiên di đó là của người La – Lạc Việt.

– Sử Ký viết và học giả La Hương Lâm (1955) từng chứng minh nước Việt có liên hệ cội nguồn với nhà Hạ. Đã có giả thuyết coi nước Hạ chính là nước Việt thời Thương (Phụ lục 2B). Như sẽ chứng minh nước Việt thời Thương chính là nước La thời Chu (Chương 7). Từ đó, có thể suy ra nước La có liên hệ cội nguồn với nước Việt.

– Truyền thuyết Hồng Bàng kể trước khi chia ly, Lạc Long gặp Âu Cơ ở đất Tương, sau đó, Âu Cơ dẫn 50 con lên vùng núi, Lạc Long đưa 50 con xuống vùng biển. Từ việc địa điểm cuộc chia ly được ghi cụ thể là đất Tương, tức Hồ Nam và với những bằng chứng đã nêu trên về mối liên hệ cội nguồn La- Việt, theo tôi, cuộc chia ly huyền thoại đó đã phản ánh sự phân ly của hoàng tộc La, một nhóm theo sông Tương đi tới vùng núi Quảng Tây và trung du Bắc Bộ dựng nước Văn Lang, một nhóm xuôi Dương Tử xuống vùng ven biển Chiết Giang lập nước Việt, tức Ư Việt hay Lạc Việt.

Tóm lại, những bằng chứng nêu trên cho phép xác định: sau khi nước La bị Sở diệt, hoàng tộc La di tản khắp nơi. Một nhóm đã xuôi dòng Dương Tử trở về vùng đất tổ Chiết Giang, với truyền thống chính trị- quân sự lâu đời, hoặc đã dựng nên một nước Việt mới tương tự nước Văn Lang ở Bắc Việt Nam, hoặc đã lập ra một vương triều mới tương tự vương triều Khai Minh ở nước Thục.

****

Nước Việt ra đời vào thế kỷ 7 TCN, nhưng chỉ khi cuộc chiến tranh Ngô-Việt nổ ra, nước Việt mới chính thức bước vào vũ đài chính trị Trung Quốc.

Sau khi Việt diệt Ngô năm 473 TCN, Câu Tiễn dời đô về kinh đô cũ của Ngô là Cô Tô. Năm 468 TCN, Câu Tiễn lập kinh đô thứ hai ở Lang Nha ở Sơn Đông, gần hai nước Tề, Lỗ, một dấu hiệu cho thấy Câu Tiễn, cũng như Phù Sai, muốn Việt trở thành một nước mạnh ở phía Bắc. Năm 416 và 415 TCN, Việt thôn tính hai nước ở gần Lang Nha là Đặng và Đàm. Nhưng đến năm 379 TCN, bị thất bại ở Sơn Đông, vua Việt lại dời đô về chốn cũ. Năm 333 TCN, Sở đánh bại Việt, giết vua Việt Vô Cương. Hoàng tộc và quí tộc Việt di tản khắp nơi. Sử Hán ghi nhận thời Hán, người Việt đã phát tán thành nhiều nhóm gọi chung là Bách Việt ở từ Cối Kê (Chiết Giang) đến Giao Chỉ (Bắc Việt Nam) với các tên gọi và phong tục khác nhau. Con cháu Câu Tiễn kẻ làm hầu, người làm vua ở các vùng đó.

Nhà Sở phong cho con thứ hai của Vô Cương làm Âu Dương Đình hầu ở Ngô Thành (Bắc Chiết Giang). Sau khi Tần diệt Sở, con cháu lấy họ là Âu hay Âu Dương. Chúng ta đã biết, Âu là một tên gọi khác của Việt.

Một nhóm hoàng tộc Việt lập ra nước Việt Đông Hải ở Nam Chiết Giang, sau là nước Đông Việt hay Đông Âu. Một nhóm khác lập ra nước Mân Việt ở Phúc Kiến. Sau cả hai nước đều bị Tần thôn tính, vua bị giáng cấp xuống thành quân trưởng (dưới vương). Quân trưởng hai nước sau lại tham gia đánh Tần và giúp Hán diệt Sở, nên lại được phong vương. Đến thời Hán Vũ Đế (141-87 TCN), người Mân nổi dậy chống Hán, bị đàn áp và ép di dời lên phía Bắc, vùng nội địa giữa sông Dương Tử và sông Hoài.

Theo Eberhard (1968: 432), đến thế kỷ 3, khi tên nước Việt biến mất khỏi thư tịch Hoa, một bộ phận dân Việt trở thành dân chuyên sống trên thuyền, đi biển ở khắp vùng ven biển phía Nam, tức thành người Đản. Một bộ phận khác hoàn toàn bị Hoa hóa. Vào thời Tần-Hán, người Việt đã đóng một vai trò to lớn và ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của văn hóa Hán. Một bộ phận nữa bị di dân Hoa dồn ép lên núi, vào rừng, trở thành các nhóm Dao ở Quảng Đông, Quảng Tây hiện nay.

Henry (2007:13) cho biết thêm, sau năm 333 TCN, nước Việt vẫn tồn tại. Trúc Thư viết năm 312 TCN, một vua Việt đã sai một người mang tặng nước Vệ 300 chiến thuyền, 5 triệu mũi tên cùng sừng tê và ngà voi để liên minh với Vệ chống Sở. Một số đoạn trong Chiến quốc sách cũng cho thấy cho tới thế kỷ 3 TCN, Việt vẫn là một mối đe dọa đối với Sở, thậm chí với cả Tần. Việt Tuyệt Thư viết Sở lại thôn tính Việt ở Lang Nha vào thời Sở Khảo Liệt vương (262-238 TCN). Các sách khác viết cho đến thời kỳ 235-225 TCN, Việt vẫn là một nước hùng mạnh và đã tích cực liên minh với các nước khác để chống Tần. Sử Ký cũng viết một tướng Tần đã ép một vua Việt đầu hàng và chuyển Cối Kê thành quận vào năm 222 TCN. Sau khi bị Tần thôn tính, người Việt mới di tản và lập ra nước Đông Việt hay Đông Âu ở Nam Chiết Giang. Âu chính là một trong những tên gọi sớm nhất cho tổ tiên người Việt Nam. Theo Hoài Nam Tử người Tây Âu ở vùng thượng nguồn sông Tây (Quảng Tây) đã đánh bại nửa triệu quân Tần.

Cuối cùng, Henry ( 2007:26-27) kết luận: “Do hàng rào ngôn ngữ, các sử gia Hoa ở vùng Đông Nam Trung Quốc đã không ghi nhận được nhiều về vai trò địa-chính trị, sự tồn tại của sức mạnh và truyền thống Việt ở các nước do người Việt lập ra ở đây. Một ít tư liệu vượt qua được hàng rào ngôn ngữ đó nhưng thường rời rạc, bị xuyên tạc và đôi khi mâu thuẫn với nhau. Một lý do nữa là tính thiếu cố kết hay manh mún của các nhóm Việt khiến việc tìm hiểu  lịch sử của người Việt, ở bất kỳ nhóm nào, vào thời nào cũng rất khó. Người Việt cũng thiếu sự thống nhất về mặt chính trị, vốn là một đặc trưng nổi bật của người Hoa.”

Dù sao, sự xuất hiện nhiều nước do hoàng tộc Việt di tản lập ra sau năm 333 TCN làm chúng ta nhớ tới sự xuất hiện một loạt nước do hoàng tộc La-Lạc Việt di tản lập ra sau năm 690 TCN, trong đó có chính nước Việt ở Chiết Giang.

3. Văn hóa Ngô-Việt-một số thành tựu tiêu biểu

· Nghề làm kiếm

Hai nước Ngô-Việt đều nổi tiếng với nghề đúc đồng, nhất là đúc kiếm đồng. Năm 1965, trong một ngôi mộ Sở đã bị ngập nước hơn 2400 năm ở Hồ Bắc, người ta đã tìm được một thanh kiếm đồng trong một bao kiếm bằng gỗ phủ sơn, lưỡi kiếm không hề bị rỉ. Trên kiếm có khắc 8 chữ “Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm(Kiếm do vua Việt Câu Tiễn tự làm để dùng) chứng tỏ chủ nhân đầu tiên của thanh kiếm là Câu Tiễn.

Các nhà khoa học xác định thành phần chính của kiếm là đồng, thiếc, chì, ngoài ra còn có sắt, lưu huỳnh, nhôm, crome, nickel và asenic. Thân kiếm chủ yếu bằng đồng nên dẻo và bền, lưỡi kiếm có nhiều thiếc hơn nên cứng và sắc, kiếm có lưu huỳnh nên đẹp và khó han rỉ.

Năm 1983, các nhà khảo cổ lại khai quật được một lưỡi mâu đồng trong một ngôi mộ Sở ở Hồ Bắc. Trên mâu khắc chữ 8 chữ “Ngô Vương Phù Sai tự tác dụng mâu” với cùng kiểu chữ “điểu trùng văn” như trên kiếm Câu Tiễn.

Hình 1: Kiếm Câu Tiễn và Mâu Phù Sai (Nguồn: stnn.cc; hk.epochtimes.com)

Theo Werner (1993: 111) kiếm, việc làm kiếm và nghề luyện kim nói chung là một chủ đề trung tâm trong văn học dân gian Ngô-Việt, điều không thấy trong văn học dân gian Sở và các nước phía Bắc.

Đào Duy Anh (2010:77) cho rằng văn hóa đồ đồng Ngô- Việt, với những chiếc kiếm đồng, chuông đồng nổi tiếng là nguồn gốc trực tiếp của văn hóa đồ đồng Đông Sơn. Bình Nguyên Lộc (1971:744) cũng cho rằng di dân Lạc Việt từ Chiết Giang, Phúc Kiến là tác giả của trống đồng.

Chúng ta sẽ thấy, trống Đông Sơn có nhiều hoa văn gốc Ngô-Việt, đặc biệt là hình nhà-chim và thuyền-chim (Chương 12).

Theo Werner (1993:131), đồ đồng Ngô-Việt thường chứa nhiều chì, sắt và lưu huỳnh hơn đồ đồng phía Bắc, riêng chì có tỷ lệ trung bình là 12, 05%, cao nhất là 63, 78%. Trong khi đó, theo Bezacier (1972:285), các trống đồng sớm ( Heger I) có tỷ lệ đồng thấp-chì cao ( tỷ lệ chì từ 14,25% đến 26,69 %), các trống đồng muộn (Heger IV) có tỷ lệ đồng cao-chì thấp ( tỷ lệ chì từ 3,78% đến 14,8%).

Chúng ta biết, tỷ lệ đồng, thiếc, chì của mỗi loại đồ đồng khác nhau tùy theo chức năng của chúng. Chì có tác dụng làm hạ độ nóng chảy và làm hợp kim dễ ăn khuôn, vì thế, các đồ có nhiều chi tiết và hoa văn tinh tế như trống đồng Đông Sơn thường có tỷ lệ chì cao. Như vậy, tỷ lệ chì cao ở đồng đồng Ngô-Việt và đồ đồng Đông Sơn gợi ra mối liên hệ giữa kỹ thuật và nghệ nhân đúc đồng của hai nền văn hóa đó.

· Nghề luyện gang rèn sắt

Trong cuốn Sắt và Thép ở Trung Quốc xưa, Werner (1993: 80-81) xác định nước Ngô chính là quê hương của nghề rèn sắt ở Trung Quốc. Bằng chứng sớm và chắc chắn nhất, có niên đại tin cậy nhất là hai di vật (chưa rõ chức năng), một bằng gang, một bằng sắt rèn được tìm thấy trong hai ngôi mộ ở huyện Lục Hà, Giang Tô có niên đại khoảng 500 TCN. Dao sắt và lưỡi liềm sắt có niên đại đầu thế kỷ 5 TCN cũng được phát hiện ở di chỉ Yên Thành, Thường Châu, Giang Tô. Các truyền thuyết về tài đúc kiếm của người Ngô-Việt cũng thường nói về việc đúc kiếm sắt.

Nhưng trong một bài viết năm 1999, từ những tư liệu mới, Werner thừa nhận kỹ thuật rèn sắt đã có ở phương Tây và được những người du mục mang đến Tân Cương từ thế kỷ 8 TCN. Dù vậy, nước Ngô vẫn là quê hương của kỹ thuật đúc gang rèn sắt ở vùng đất phía Nam Dương Tử. Điều này bắt nguồn từ việc các mỏ đồng ở nước Ngô có trữ lượng nhỏ và phân bố rải rác, mỏ thiếc và chì lại hiếm hoi, vì thế nông cụ bằng đồng ở đây khá đắt đỏ. Khi nông nghiệp phát triển và phụ thuộc nhiều hơn vào nông cụ kim khí, người Ngô có nhu cầu tìm một kim loại rẻ hơn. Bằng cách nào đó, họ đã phát hiện rằng sắt có thể đúc như đúc đồng. Vào khoảng đầu thế kỷ 5 TCN, từ truyền thống đúc – rèn liềm đồng và kiếm đồng nổi tiếng, với dạng lò nấu đồng cỡ lớn, người Ngô đã phát triển thành kỹ thuật nấu gang ở nhiệt độ cao (1130 độ C) và phát minh ra kỹ thuật đúc gang bằng khuôn cho phép sản xuất nông cụ hàng loạt với nguyên liệu sẵn có hơn đồng. Cùng thời gian đó, họ cũng tiếp thu kỹ thuật rèn sắt từ phương Bắc.

Theo Eno (2010:5), Ngô là nước có kênh đào sớm nhất ở Trung Quốc. Năm 486 TCN, nhà Ngô đã cho đào một kênh lớn nối sông Dương Tử với sông Hoài, sau 4 năm, con kênh đã thông tới hai nước Tống và Lỗ ở tận Sơn Đông.

Có thể suy đoán rằng, việc đào một con kênh lớn, dài trong thời gian ngắn như trên chắc chắn phải dựa vào công cụ sắt.

· Nghề đóng tàu- tài thủy chiến và đi buôn

Hai nước Ngô-Việt nằm sát biển và có nhiều sông hồ, đầm lầy. Dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá nên thạo tàu bè và giỏi bơi lội. Vì thế, người Ngô-Việt có nghề đóng tàu, tài thủy chiến và óc buôn bán rất nổi trội.

Hoài Nam Tử viết: người Hồ giỏi cưỡi ngựa, người Việt giỏi đi thuyền. Việt Tuyệt Thư (5) kể chuyện khi Câu Tiễn về nước được 6 năm, để đánh Ngô đã sắm thuyền lớn và cho quân luyện tập thủy chiến trên biển.

Theo Eberhard (1968: 397), Ngô-Việt chính là hai cường quốc trong ngành đóng tàu và đã tiến hành các trận thủy chiến đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Người Ngô-Việt đóng nhiều loại thuyền, từ thuyền độc mộc đến thuyền nhiều tầng và có nhiều truyền thuyết về thuyền đồng liên quan đến trống đồng. Theo truyền thuyết, thần rắn, thần biển Đông hoặc thần trống đồng đã phát minh ra thuyền. Từ chỉ thuyền lớn trong tiếng Việt là hsu lu (tu lự), có thể họ hàng với từ chỉ cá. Truyền thuyết kể vua-cá sống ở Tô Châu, Giang Tô, nhưng tất cả các đền thờ vua lại nằm ở Chiết Giang và có đền kết hợp thờ vua cá với Đại Vũ.

Tương tự, các vị thần của người đi biển và các huyền thoại về nghề đi biển cũng chỉ xuất hiện ở hai nước Ngô-Việt. Nếu Ngũ Tử Tư là thần thủy triều của người Ngô thì Văn Chủng là thần thủy triều của người Việt. Các truyền thuyết về Trương Đại Đế, vị thần-lợn ( vật tổ của người Ngô) thường gắn liền với các mô típ về tốc độ thuyền bè.

Người Ngô-Việt còn có các nữ thần biển, nổi tiếng nhất là Thiên Hậu, Thần Mẹ bảo hộ dân đánh cá và đi biển, được thờ ở khắp vùng ven biển Trung Quốc và ĐNA những nơi có di dân gốc Ngô-Việt định cư.

Việt Tuyệt Thư cho biết: người Việt còn có một loại thuyền có cắm mũi qua nhọn ở dưới đáy để trị thủy quái. Tam Quốc Chí kể chuyện Đô đốc Đông Ngô Chu Du trong trận Xích Bích dùng thuyền Mông đồng chở củi cỏ khô tẩm dầu điểm hỏa đột nhập thuyền quân Tào Tháo. Đó là loại thuyền dài và hẹp, đầu có mũi nhọn, có thể cắm vào thuyền địch. Một sách thời Đông Hán cho biết thuyền được bọc da trâu, trừ lỗ cắm chèo để phòng hỏa, có cửa để bắn nỏ và lỗ để chọc mâu; tốc độ nhanh, tấn công và phòng ngự đều rất hiệu quả.

Có vẻ, dạng thuyền Mông đồng Đông Ngô là gốc của dạng thuyền Mẹ Con trong một cuốn sách về vũ khí thời Thanh mô tả: thuyền chuyên dùng để đánh hỏa công gồm thuyền Mẹ- bao bọc một thuyền Con. Thuyền Mẹ có chứa đồ dễ cháy, mũi thuyền có vật nhọn. Khi xung trận, thuyền nhỏ lao nhanh để mũi thuyền Mẹ cắm vào thuyền địch rồi đốt đồ cháy trên thuyền Mẹ để thuyền địch cháy theo. Thuyền con rút về (Nguyễn Việt – Vũ Minh Giang – Nguyễn Mạnh Hùng 2012:95).

Toàn Thư cho biết năm 808, thời Đường, Đô hộ Giao châu Trương Chu cho đắp thêm thành Đại La, đóng 300 thuyền Mông đồng (loại ngắn) mỗi thuyền có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, đi nhanh như gió.

Tiếp đó, trong lịch sử, thuyền Mông đồng cũng là dạng thuyền chiến chính của thủy quân Việt Nam từ thời Ngô Quyền đến thời Nguyễn.

Hình 3: Thuyền Mông đồng Việt Nam: Thời Trịnh (mô hình Bảo tàng Lịch sử ; Thời Nguyễn (khắc trên Chương đỉnh ở Huế).  (Nguồn: lichsuVN.info/; covathue.com)

Sử sách thường nói tới thuyền Mông đồng, vậy Mông đồng là gì?

Nhờ Schafer (1967:242), chúng ta mới biết Mông đồng là tên một loài chim mỏ sừng (Dichoceros bicornis hay Buceros bicornis, tên Việt Nam: Hồng hoàng). Thuyền có tên Mông đồng bởi thuyền giống chim Mông đồng, thân thuyền giống mỏ chim, mui thuyền giống mũ trên mỏ chim. (6)

Hình 2: (1) Chim Mông đồng; (2) Thuyền chiến hình chim Đông Sơn; (3) Thuyền Mông đồng Đông Ngô. (Nguồn: http://web.61166.com/wly/zl/26706.html)

Cần nói thêm, loài chim này được người Nam Việt thời Đường coi là “Vua của các loài chim Việt” và được ví với Triệu Đà. Người Katu ở Việt Nam gọi là chim Tring và đưa chúng lên đầu nóc nhà làng (gươl). Người Dayak cũng coi chúng là vua các loài chim, là Ông tổ – Thần chiến tranh – Thần nông nghiệp, thường lấy mỏ và lông của chúng để trang điểm cho các chiến binh và thủ lĩnh. Con thuyền hồn Dayak chở người chết về với tổ tiên cũng mang hình hài và tên gọi của loài chim này (Phụ lục 16 B).

Việc lấy tên chim đặt cho thuyền là một truyền thống lâu đời ở hai nước Ngô- Việt, nơi có dạng thuyền-chim (cùng với thuyền rồng) xuất hiện và là tổ tiên của các con thuyền-chim trên trống đồng Đông Sơn.

Maspero (1963:422) cho biết: người Việt đặt tên cho con thuyền chiến có tốc độ nhanh của mình là Hải Âu; người Ngô đặt tên cho con thuyền hình chim diệc của mình là Diệc.

Việc đặt tên chim cho thuyền vừa theo nguyên tắc “trông mặt đặt tên”, vừa là một dạng ma thuật mô phỏng, thể hiện mong muốn thuyền có tốc độ nhanh và tính năng chiến đấu mạnh như chim Mông đồng.

Không rõ thuyền mang tên Mông đồng xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn, dạng thuyền Mông đồng Đông Ngô là sự phát triển dạng thuyền chim của hai nước Ngô- Việt xưa kết hợp với dạng thuyền có mũi qua găm ở đáy thuyền.

Nếu Mông đồng là dạng thuyền chiến hình chim thì có thể xác định dạng thuyền Mông đồng cổ nhất ở Việt Nam chính là dạng thuyền chiến trên trống đồng Ngọc Lũ.

Sử Hoa cũng ghi nhận nước Việt là quê hương của nhiều lái buôn rất thành đạt. Nổi tiếng nhất là Phạm Lãi, sau khi rút khỏi chính trường đã đến đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công, trở thành một thương gia giàu có, đặc biệt trong nghề bán thuốc Bắc.

Schafer (1967:52) cho biết, tên tuổi Phạm Lãi gắn với nghề đóng thuyền, nuôi cá và buôn bán. Ông được coi là thần bảo hộ cho người Đản, tộc người có những thủy thủ và nhà buôn lão luyện trên biển.

Phạm Lãi cũng được coi là tác giả của hai cuốn sách Trí Phú kỳ thư Kinh Thương bảo điển nêu các nguyên tắc vàng trong nghệ thuật làm giàu và buôn bán Cuốn sau nay vẫn là sách gối đầu của nhiều thương gia. Phạm Lãi chính là một nguyên mẫu của Thần Tài được mọi thương nhân thờ cúng.

· Nghề làm gốm sứ

Một đặc trưng nổi bật của văn hóa Ngô-Việt là đồ tùy táng chủ yếu là đồ gốm gồm 3 dạng có tỷ lệ gần như nhau: gốm đỏ có phụ gia cát, gốm cứng ( sành) in hoa văn hình học và sành có tráng men, tức đồ sứ nguyên thủy có màu xanh ngọc nên cũng được gọi là gốm men ngọc nguyên thủy (proto-celadon). Điều đó cho thấy người Ngô- Việt chuộng và sản xuất nhiều đồ gốm, sành, sứ.

Sứ nguyên thủy đã ra đời trong văn hóa Ngô Thành, văn hóa gốc của văn hóa Ngô. Thời Thương-Chu, gốm men ngọc nguyên thủy được sản xuất chủ yếu ở vùng Nam Dương Tử và là đồ quí được xuất khẩu tới các nước phương Bắc.

Đồ sứ của nước Việt được gọi là sứ Việt châu và được coi là gốc của sứ celadon Tống. Từ thời Đông Hán, gốm men ngọc xuất hiện và được chế tác chủ yếu ở Chiết Giang. Chúng ta đã biết, đồ gốm men ngọc ở Thanh Hóa thời Lý-Trần có gốc từ những tù binh và di dân Tống từ Long Tuyền, Chiết Giang.

Hình 4: Đĩa men ngọc Việt châu, thế kỷ 10; Đĩa men ngọc Lý thế kỷ 11-13 (Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Yue_ware; http://baotanglichsu.vn/)

Long Tuyền cũng là nơi sản xuất dạng gốm men ngọc mang màu xanh thực sự, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc thời Tống, Nguyên, Minh.

Tại Giang Tây, vùng đất gốc của văn hóa Ngô, đến thời Hán xuất hiện lò gốm sau này là lò Cảnh Đức, nổi tiếng với gốm hoa lam. Trấn Cảnh Đức được gọi là thủ đô của đồ sứ ở Trung Quốc.

· Nghề dệt vải-lụa

Từ truyền thống quay tơ dệt lụa có từ thời Hà Mẫu Độ và Lương Chử (Phụ lục 2B), hai nước Ngô-Việt cũng có nghề dệt rất phát triển.

Cây lanh được trồng nhiều ở Chiết Giang đến mức có nhà ngôn ngữ học từng cho rằng tên gọi Việt có liên quan tới từ chỉ cây lanh.

Theo Eberhard (1968:102, 361) vua Việt Câu Tiễn đã trồng lanh lấy sợi làm dây cung và may quần áo. Từ nước Việt, vải lanh phổ biến khắp Nam Trung Quốc và xuất hiện ở một số vùng phương Bắc làm trang phục mùa hè. Dạng áo một lỗ chui đầu (poncho) gốc từ áo làm bằng vỏ cây là dạng áo đặc trưng của nước Việt. Kiểu cắt dạng áo này lại là gốc cho kiểu cắt mọi dạng áo của người Hoa sau này.

Thompson (2000:22) cho biết: nho sĩ Việt thường viết chữ trên lụa hơn là viết trên thẻ tre, chứng tỏ người Việt sản xuất nhiều lụa và ưa dùng lụa.

Người Trung Quốc có câu thành ngữ: Ăn Quảng Châu, mặc Tô châu, chơi Hàng Châu…” Nhưng thực ra, cả Tô Châu, Nam Kinh ở Giang Tô lẫn Hàng Châu, Thiệu Hưng ở Chiết Giang đều là các trung tâm sản xuất tơ lụa nổi tiếng ở Trung Quốc. Hiện ở Hàng Châu có Bảo tàng tơ lụa lớn nhất thế giới.

· Tục chôn mộ gò

Theo Henry ( 2010: 4) các tư liệu khảo cổ học gần đây cho thấy, nước Ư Việt là trung tâm của văn hóa mộ gò phổ biến khắp vùng Đông Nam Trung Quốc từ 2000- 300 TCN. Các nhà khảo cổ học đã xác định được hơn 20.000 mộ gò và đã khai quật được hơn 1000 mộ ở vùng này.

Mộ gò xuất hiện đầu tiên ở quanh núi Thiên Thai, Chiết Giang rồi dần lan tỏa lên phía Bắc. Dưới mỗi gò mộ là một phòng mộ bằng đá, trên có mái che làm bằng những xà gỗ nhọn bắt chéo. Dạng mái nhà mồ này là một đặc trưng Việt không thấy ở các nơi khác ở Trung Quốc. Một số mộ gò lớn được khoét vào núi thành hang.

Chúng ta đã biết, mộ Tân Can của vua quan nước Việt Chương – nước Xích Quỉ thời Thương cũng là mộ gò (Chương 5).

Cho đến nay, ngôi mộ gò hoành tráng nhất là mộ của vua Việt Doãn Thường trên đỉnh núi Ấn (trông xa như hình cái ấn) ở huyện Thiệu Hưng, Chiết Giang. Mộ có hình vuông, mỗi cạnh dài 350 m, rộng khoảng 1000 m2, cao 28m. Hang mộ ở giữa, được tạc vào vách đá, hình cong lồi, dài 54 m, rộng 14m. Phòng mộ dài 30m, rộng 5m, cao 4m, gồm 3 gian, làm bằng gỗ. Phòng mộ được che phủ bằng những cây gỗ đầu nhọn bắt chéo. Quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, trông như con thuyền, dài 6,1 m, rộng 1,1m, lòng cao 0,4m, ngoài được phủ sơn đen, treo lơ lửng, kiểu chưa từng thấy ở Trung Quốc trước đó.

Các học giả Trung Quốc cho rằng: các yếu tố Ngô-Việt đặc trưng của ngôi mộ là: kiểu gò-mộ lớn, phòng mộ không tường, nhà mộ có mái dốc, quan tài hình thuyền độc mộc treo lơ lửng.

Điều làm các nhà khảo cổ ngạc nhiên là dù có tuổi 2500 năm, về cơ bản khu mộ vẫn giữ được kết cấu hình hài ban đầu. Nhiều chuyên gia đoán rằng, người Việt xưa đã dùng những phương pháp bảo quản rất hiệu quả bằng than củi và vỏ cây ( trên nóc phòng mộ, có hơn 140 lớp vỏ cây, dày 20cm, trên có một lớp than củi dày 1m).Mặc dù mộ đã bị đào trộm ngay từ thời Chiến Quốc, vẫn có hơn 40 cổ vật được phát hiện gồm đồ ngọc (đầu rồng, mũi tên, kiếm,vật che mặt người chết), đồ đồng (chuông), đồ gỗ (chày) và đồ đá.

Từ hai nước Ngô-Việt, mộ gò cũng lan tới nước Sở.

Peters (1999:106) cho biết: trong hơn 3000 mộ thời Sở ở vùng Kinh châu, Hồ Bắc có 800 mộ gò, 40 mộ có gò cao hơn 6m, đường kính ít nhất 40m. Độ cao lớn của gò phản ánh vị thế của chủ nhân mộ.

Wagner (1993:119) cho rằng nguồn gốc của mộ gò là dạng mộ không quan tài, không đào huyệt. Người sống đặt người chết cùng đồ tùy táng trên đất (trên một thạch sàng-giường đá hoặc trong một huyệt nông), rồi đắp đất lên, vun vào, nhỏ thành nấm, to thành gò. Trong Việt Tuyệt Thư có đoạn nói về việc chôn vua Ngô Phù Sai theo tục cổ này: mỗi người một giỏ đất đổ lên xác đắp thành gò lớn.

Từ vùng hạ lưu Dương Tử, mộ gò cũng lan tới nước Thục ở vùng thượng lưu.

Hoa Dương Quốc Chí viết: đất Vũ Đô có một người con gái đẹp. Vua Thục lấy nàng làm vợ. Nhưng vì không quen thủy thổ, chẳng bao lâu nàng chết. Vua Thục đời Khai Minh thứ 5 sai Ngũ Đinh đến Vũ Đô gánh đất đắp gò mộ cho vợ, đắp đất cao, là gò Vũ Đảm ở phía Bắc Thành Đô sau này.

Từ thời Hán, người Hoa bắt đầu tiếp thu tục chôn mộ gò của người Bách Việt, có lẽ do Hán Cao Tổ Lưu Bang là người ở Giang Tô, đất Ngô-Việt xưa.

Kết luận

Hai nước Ngô-Việt đã từng là hai cường quốc thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Văn hóa Ngô-Việt có nhiều thành tựu đặc sắc, tiêu biểu cho nền văn minh Bách Việt có lịch sử rạng rỡ, lâu đời. Với truyền thống đó, di dân Ngô Việt đã có vai trò đặc biệt trong việc phát triển văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam.


Chú thích: 

(1): www. baike.baidu, Ngô Thành văn  hóa.

(2): www.baike.baidu,  Can Việt.

(3) Lưu ý: quan điểm chính thống coi người Ngô là con cháu Thái Bá cũng phổ biến trong người Nhật.

(4) http://en.wikipedia.org/wiki/Wa_(Japan); http://en.wikipedia.org/wiki/Wu_(state); http://heritageofjapan.wordpress.com/yayoi-era-yields-up-rice/who-were-the-yayoi-people/; http://en.wikipedia.org/wiki/Yayoi_period;

(5) Việt Tuyệt Thư có người dịch là Sách về những điều đã Mất của nước Việt, nhưng Henry ( 2007: 17, 28) dịch là Sách về những điều Tuyệt vời của nước Việt. Tên gốc của của nó là Việt nữu lục tức Ghi chép về những điều bí ẩn của nước Việt. Đó là một dạng địa phương chí viết vào thế kỷ 1 SCN của hai nho sĩ gốc Cối Kê, Chiết Giang.

(6) Phan Cẩm Thượng, trong Văn minh vật chất của người Việt (2011:90) chú thích cho hình thuyền khắc trên Cửu Đỉnh (Huế): Mông đồng thuyền (=) thuyền bịt đồng (?!).

Tạ Đức
Trích sách: Nguồn gốc người Việt – người Mường, phụ lục 6A

Dành cho quý vị