Vua Lý Thái Tổ được biết đến là người quan tâm tới tôn giáo, tín ngưỡng, ông đã cho xây dựng nhiều chùa chiền, ngay sau khi ông lên ngôi được hai năm, ông đã cho xây dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, trùng tu lại nhiều chùa quán ở kinh đô và các lộ;

1. Đức tin vào Trời đất, Thần Phật

Vua Lý Thái Tổ là người xuất thân nơi cửa Phật, từ nhỏ đã gần gũi với chùa chiền, tín ngưỡng, do đó ông rất tin tưởng vào thần phật. Khi lên ngôi vua ông đặt niên hiệu là Thuận Thiên, nghĩa là theo ý trời.

Ảnh: giacngo.vn

Năm 1012, vua Lý Thái Tổ bình định vùng Diễn Châu, khi về đến Vũng Biện trời tối đen, gió sấm rất lớn. Thấy vậy, ông đốt hương và khấn trời: “Tôi là người ít đức, ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét”. Sau khi khấn, trời đất quang đãng trở lại.

2.Tầm nhìn xa trông rộng, tính kế lâu bền cho sự lâu bền của triều đại nhà Lý.

Vua Lý Thái Tổ chính là người có công dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, cho đến nay đã hơn 1000 năm, Thăng Long Hà Nội ngày nay đang phát triển ngày càng giàu mạnh, hoàn toàn xứng đáng là thủ đô của nước Việt Nam hiện đại, điều đó cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của vua Lý Thái Tổ.

Triều đại nhà Lý dưới sự sáng lập của ông, đã trị vì đất nước được tổng cộng 216 năm qua 9 đời vua, đây là thời kỳ thái bình thịnh trị đầu tiên trong lịch sử nước ta sau hơn hai nghìn năm Bắc thuộc và loạn lạc.

Trước khi Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, nước ta trong hơn một trăm năm giành được độc lập từ năm 905 đến năm 1009 đã phải trải qua 5 Triều đại cai trị gồm có 2 triều đại không xưng vương và 3 triều đại xưng vương thay nhau cai trị đất nước, đầu tiên là Họ Khúc(905-930) gồm Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Họ Dương(931-938) Dương Đình Nghệ, Nhà Ngô(939-965), Nhà Đinh(968-980, Nhà Tiền Lê(980-1009)

Các triều đại cai trị này đều rất ngắn ngủi, do đó đất nước rất không ổn định, chiến tranh loạn lạc liên miên, trăm họ lầm than khổ cực.

Việc xây chùa sẽ tạo nền tảng để phát triển phật giáo, qua đó giúp lòng dân hướng thiện, dân là gốc của quốc gia, dân thiện lương đất nước mới ổn định, triều đại mới lâu bền.

3.Tỏ lòng biết ơn và kính ngưỡng Thần Phật

Con người do Thần Phật sinh ra, dân tộc Việt là con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên, Thiên tử được gọi là con trời, do đó một người được làm vua là do an bài của Thần Phật.

Tỏ lòng biết ơn kính ngưỡng tổ tông, gốc tích là điều quan trọng bậc nhất của mỗi người, người làm vua càng nên như vậy, xây dựng chùa chiền cũng là một cách bày tỏ lòng kính ngưỡng Thần, Phật, việc vua Lý Thái Tổ cho xây dựng nhiều Chùa Chiền cũng chính là để thể hiện điều đó;

4.Tạo phúc cho dân và con cháu muôn đời;

Chùa chiền là công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên cũng mang giá trị về văn hóa nghệ thuật, việc xây dựng các ngôi chùa giúp cho phật giáo phát triển, tạo ra sự tôn nghiêm và cảnh quan tươi đẹp cho khu vực xung quanh, mặt khác cũng giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận phật pháp, trong đó nếu ai có duyên sẽ trở thành tăng nhân, còn đa số người dân sau khi tiếp cận những nơi linh thiêng này thường sẽ hồi tâm quy chính, đạo đức được nâng cao, các thói hư tật xấu sẽ được tiêu trừ giảm bớt, người dân sẽ sáng tỏ ra nhiều đạo lý mà trước đó không có cơ hội tiếp cận, qua đó nhiều người sẽ biết kính ngưỡng Thần, Phật, hiểu được đạo lý của sự nhân quả, phân biệt rõ gian tà, thiện ác, từ đó biết lo sợ sự trừng phạt của thiên lý, tránh xa tà ác, như vậy đất nước sẽ an lạc thái bình.

5.Tạo ra công ăn việc làm, phát triển nghề mộc

Việc đầu tư cho xây dựng thời nào cũng vậy cũng là một chính sách rất quan trọng để phát triển kinh tế một đất nước, nên việc vua Lý Thái Tổ cho xây dựng nhiều Chùa Chiền cũng tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhân dân phát triển các ngành nghề liên quan, từ khai thác rừng, sản xuất vật liệu xây dựng, nghề mộc, thương mại…qua đó có thể huy động sức dân, giúp tạo ra công ăn việc làm cho người dân, nhờ đó quốc gia an định.

Vua Lý Thái Tổ không phải là người đầu tiên xây dựng các công trình chùa chiền, tuy nhiên ông chính là người đặt nền móng vững chắc đưa phật giáo phát triển cực thịnh ở Việt Nam trong hai triều Lý, Trần. Ông hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của tín ngưỡng, tâm linh đối với đạo đức và cuộc sống của nhân dân, hướng dân theo con đường chính đạo là điều mà bậc đế vương nhất định phải làm. Chính đức tin và tín ngưỡng mạnh mẽ của nhân dân trong hai thời đại này vào Thần Phật, giúp nước ta trong thời Lý và Trần trở nên ổn định, đồng thời đặt cơ sở vững chắc để hai thời kỳ này trở thành các giai đoạn thái bình và thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc.

Biên tâp: Kiên Chính