Tiếng tăm lừng lẫy của họ trong lịch sử Trung Hoa khiến cho rất nhiều người đều phải ngưỡng mộ, những hồng nhan này, thực sự đã cho thấy một câu nói: Ai bảo nữ tử không bằng nam tử! Thế nhưng vận mệnh của họ lại không được tốt đẹp…
Dải đất Trung Hoa từ xưa đến nay phong lưu tài tử nhiều vô số, giai nhân mỹ nữ như hoa như ngọc, nhưng bạn có biết còn có những tài nữ nổi danh nào trong lịch sử không?
1. Thái Văn Cơ
Thái Văn Cơ tên thật là Thái Diễm, tự là Văn Cơ, là người huyện Trần Lưu (nay là phía nam Khởi Huyền, Hà Nam). Bà có học thức uyên bác, có tài ngôn luận và rất am tường âm luật. Cha của bà là Thái Ung – học giả nổi tiếng vào những năm cuối thời Đông Hán, tinh thông văn học, thuật số, thiên văn và âm nhạc. Một đời của Thái Văn Cơ đầy sóng gió và thống khổ. Đầu tiên bà được gả làm thê tử cho một người ở phủ Hà Đông tên Vệ Trọng Đạo, nhưng chẳng bao lâu thì chồng bà bị bệnh qua đời, Thái Văn Cơ đành phải trở lại nhà mẹ đẻ ở Trần Lưu (nay thuộc Hà Nam).
Không lâu sau là thời Đổng Trác gây loạn kinh thành, sau khi Đổng Trác chết, Thái Diễm bị các tướng của Đổng Trác bắt, vào năm Hưng Bình thứ 2 thời Đông Hán (năm 195) người Hung Nô xâm lược Trung Nguyên, Thái Văn Cơ bị người Hung Nô bắt đi. Bất quá so với những bách tính khác bị bắt đi mà nói, Thái Văn Cơ vẫn còn được xem là may mắn, hoặc cũng có thể là do tướng mạo xuất chúng cùng với học thức hơn người của bà đã được thủ lĩnh Tả Hiền Vương – người chỉ đứng sau Thiền Vu – nhìn trúng. Vậy là bà trở thành phu nhân của Tả Hiền Vương. Mặc dù đã lập gia đình ở nơi đất khách quê người và còn sinh hạ được hai hài tử cho Tả Hiền Vương, nhưng Thái Văn Cơ vẫn không cách nào quên được người thân, làng xóm tại Trung Nguyên.
Vào năm Kiến An thứ 12 (năm 207), do Tào Tháo cùng với cha của Thái Văn Cơ là Thái Ung có chỗ quen biết, thấy Thái Ung vì không có con cháu mà cảm thấy khổ sở, cũng lại đồng cảm với cảnh ngộ của Thái Văn Cơ, nên đã sai người mang một số tiền lớn tới chuộc bà về, thu xếp cho bà tái giá cùng với một người đồng hương ở Trần Lưu, tên gọi là Đổng Tự. “Văn Cơ quy Hán” cũng trở thành giai thoại nổi tiếng của Trung Quốc.
Sau này Đổng Tự cai quản đồn điền, phạm tội chết, Thái Văn Cơ tự mình tới gặp Tào Tháo để cầu tình, trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt, khi ấy Tào Tháo đang mở đại tiệc cùng công khanh danh sĩ từ phương xa tới, liền giới thiệu Thái Văn Cơ với tất cả khách dự tiệc. Lịch sử ghi chép khi Thái Văn Cơ tiến vào thì đầu tóc rối bù, khấu đầu thỉnh tội, âm từ biện luận rõ ràng, biểu hiện vô cùng chua xót, mọi người đều vì vậy mà thương cảm. Tào Tháo cuối cùng đồng ý đặc xá tội chết cho Đổng Tự.
2. Lý Thanh Chiếu
Lý Thanh Chiếu là người Tề Châu, Bắc Tống (nay là thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông), là nữ văn nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cha của Lý Thanh Chiếu, Lý Cách Phi, cũng là một học giả nổi danh ở vùng Tề, Lỗ lúc bấy giờ, làm quan tới chức Lễ bộ viên ngoại lang. Thuở nhỏ, Lý Thanh Chiếu vô cùng thông minh, dưới sự bồi dưỡng giáo dục của cha, vừa có tài thơ ca, biết làm văn, vừa giỏi hội họa, chữ viết cũng vô cùng đẹp.
Năm Kiến Trung thứ nhất, Lý Thanh Chiếu 18 tuổi, gả cho Triệu Minh Thành. Sau khi thành hôn, hai vợ chồng vô cùng ân ái, tình cảm sâu đậm, cùng nhau nỗ lực sưu tập và chỉnh lý thư họa trên đá và kim loại, cùng chứng kiến những năm tháng phồn hoa của Biện Lương, Đông Kinh. Khi quân Kim chiếm cứ vùng Trung Nguyên, khoảnh khắc phồn hoa cứ thế mà bị nghiền nát. Cuộc sống gia đình tốt đẹp và yên tĩnh của Lý Thanh Chiếu cùng Triệu Minh Thành cũng theo đó mà bị phá hủy, họ bắt đầu cuộc sống nửa đời sau lưu lạc khổ cực ở vùng đất phía nam. Năm Kiến Viêm thứ 3, Triệu Minh Thành 49 tuổi bất hạnh mắc bệnh qua đời khi đang bôn tẩu trên đường, chỉ để lại cho Lý Thanh Chiếu – khi đó đã 46 tuổi – 15 xe sách cổ, văn vật cùng với nửa cuốn “Kim thạch lục” còn dang dở. Sau đó Lý Thanh Chiếu một thân cô độc, sống trôi dạt khắp nơi.
Tháng 3 năm Thiệu Hưng thứ nhất, bà đi tới nước Việt (nay thuộc Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang), ở trong nhà của một người địa phương họ Chung. Không may vào một đêm nọ, toàn bộ thư họa đều bị trộm mất. Nghĩ đến những kim thạch sách cổ mà năm đó cùng với chồng vất vả thu thập, bây giờ tất cả đều đã tiêu tán, khiến cho bà chịu đả kích sâu sắc.
Lý Thanh Chiếu sống trong cảnh chiều đơn độc thê lương, cũng từng cô quả tái giá với một quan viên tên Thừa Vụ Lang, và quan viên cai quản việc giám sát tổ chức quân binh Trương Nhữ Thuyền, nhưng chẳng được bao lâu liền lập tức ly hôn, thậm chí còn vì việc này mà gây náo loạn trên công đường. Trong những tác phẩm sau này của bà, đa số đều diễn tả sự hoài niệm về người chồng đã khuất cùng với tình cảnh nước mất nhà tan của bà, mỗi lời thơ của Lý Thanh Chiếu đều tràn ngập nỗi sầu thương sâu sắc.
3. Thượng Quan Uyển Nhi
Thượng Quan Uyển Nhi, họ Thượng Quan, tên gọi là Uyển Nhi, còn có danh xưng là Thượng Quan Chiêu Dung, là người Thiểm Châu, Thiểm Huyền (nay thuộc Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam), nguyên quán ở Lũng Tây, Thượng Khuê (nay là huyện Thanh Thủy, tỉnh Cam Túc) là một nữ quan, nhà thơ, hoàng phi dưới thời Đường.
Theo ghi chép trong “Tân Đường thư”, trước khi Uyển Nhi được sinh ra, mẹ bà là Trịnh thị đã nằm mơ thấy mình gặp một người khổng lồ cao lớn, người khổng lồ này đưa cho Trịnh mẫu một cái cân, nói rằng “cầm cái cân này có thể bình lượng nhân sĩ trong thiên hạ”. Vì Thượng Quan tổ phụ bị hạch tội mưu sát hoàng hậu mà Thượng Quan Uyển Nhi phải theo mẹ là Trịnh thị vào nội đình làm nô tì. Năm Nghi Phụng thứ hai, Võ Tắc Thiên triệu kiến Thượng Quan Uyển Nhi, ra đề tại chỗ để khảo sát tài năng của cô. Uyển Nhi đối đáp lưu loát, văn chương hoàn thành trong tức khắc khiến Võ hậu vô cùng yêu thích, bèn ra lệnh xóa bỏ thân phận nô tì cho Uyển Nhi, lệnh cho nàng làm chưởng quản phụ trách chiếu mệnh trong cung.
Thượng Quan Uyển Nhi trong thời đại mưa gió phiêu diêu, trở thành “nữ hoàng không vương miện” của thời kỳ Thịnh Đường. Những điều này cũng đủ thể hiện ra trí tuệ, khí chất, tài hoa, v.v. của Thượng Quan Uyển Nhi. Cũng vì thế mà Thượng Quan Uyển Nhi thường xuyên qua lại giữa các trọng thần trong triều đình, còn có cái tên là “Cân quắc tể tướng”. Sau này bởi vì Lâm Truy vương Lý Long Cơ khởi binh phát động Đường Long chính biến, Thượng Quan Uyển Nhi cùng Vi hậu đều bị phản thần sát hại.
4. Trác Văn Quân
Trác Văn Quân, tên thật là Văn Hậu, là người vùng Tây Hán, con gái của Trác Vương Tôn – một thương nhân lớn ở vùng Lâm Cùng, Tứ Xuyên. Trác Văn Quân tư sắc kiều mỹ, tinh thông âm luật, giỏi cầm ca, nổi danh về văn học. Mười sáu tuổi nàng xuất giá, nhưng chỉ vài năm sau thì chồng nàng qua đời nên Trác Văn Quân phải quay về ở góa tại nhà mẹ đẻ.
Trong một lần Tư Mã Tương Như đến dự tiệc tại nhà Trác Vương Tôn, biết được Trác Văn Quân vừa mới góa chồng, liền lấy đàn tấu một khúc “Phượng cầu hoàng”, thổ lộ ra tình cảm ái mộ của mình. Văn Quân nghe xong tiếng đàn của Tương Như, đêm đó liền cùng Tương Như bỏ trốn, chạy suốt đêm tới tận Thành Đô.
Trong “Tây Kinh tạp ký” có viết: “Sắc lông mày như dải núi xa xăm, sắc má thường như hoa phù dung, da thịt mềm mịn như thoa phấn”. Ở Thành Đô, phu phụ hai người vô cùng nghèo túng, đành phải trở về Lâm Cùng mở một khách điếm nhỏ mưu sinh, Trác Văn Quân bán rượu, Tư Mã Tương Như rửa chén, cuộc sống kham khổ, bần hàn.
Sau khi cha của Trác Văn Quân là Trác Vương Tôn biết chuyện, nhờ có bạn bè hết lời khuyên can Trác Vương Tôn mở lòng giúp đỡ, mới có thể khiến cho cuộc sống của phu phụ hai người họ được cải thiện. Tương truyền sau này Tư Mã Tương Như cùng với Trác Văn Quân sinh hạ được một người con gái, họ là Tư Mã, tên gọi là Cầm Tâm.
Đáng tiếc sau này khi Tư Mã Tương Như được tiến cử ra làm quan, lại làm ra chuyện ruồng bỏ vợ mà nạp thiếp. Thế nhưng khi ấy Trác Văn Quân đã lấy một đạo “Oán lang truyện” để vãn hồi lại người chồng của mình, cuối cùng chính là một kết thúc viên mãn sau khi đã trải qua nhiều đau khổ, đắng cay.
Theo Sound Of Hope
Trường Lạc biên dịch