Huế nổi tiếng là xứ mộng xứ mơ, xứ Thơ với sông Hương núi Ngự và bao cảnh đẹp của lăng tẩm đền đài, ngoài những thắng cảnh đã làm say mê lòng du khách, mưa Huế cũng là một thứ “đặc sản” của trời ban cho Huế. Mưa lay phay, mưa tầm tả đến “thúi đất thúi lòng”. Trước không gian u buồn trầm mặc của cố đô, cơn mưa nào cũng làm cho Huế đẹp u trầm hơn, da diết nhớ nhung với người xưa cảnh cũ hơn.

Ca khúc Mưa Trên Phố Huế của nhạc sĩ Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương viết về một chiều mưa phố Huế như vậy:

Chiều nay mưa trên phố Huế.
Kiếp giang hồ không bến đợi.
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai?

Ngày chia tay hôm nao còn đây.
Nước trên sông Hương còn đầy.
Tình đã xa, gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài.

Chiều mưa trên Kinh Đô Huế.
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm.
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không?

Chợ Đông Ba khi mình qua.
Lá me bay bay là đà.
Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua.

Hò ơi! Ơi hò!
Chiều mưa phố buồn.
Chiều mưa phố xưa u buồn
có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô.
Để nhớ với thương một người.

Chiều nay mưa trên phố Huế.
Biết ai đã quên ai rồi.
Hạt mưa rơi vẫn rơi, rơi đều cho lòng u hoài.

Ngày xưa mưa rơi thì sao?
Bây chừ nghe mưa lại buồn.
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn.

Mưa trên phố Huế như mưa trên dòng sông đời. Mưa thường đem đến cảm xúc về “nỗi buồn không tên” bỗng dưng đến cho cả những kẻ đang có cuộc sống ấm êm, huống chi là đối với kiếp sống giang hồ lang thang không biết bến bờ nào chờ đợi bước lãng du? “Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai?” như lời trách nhẹ nhàng cho giọt mưa vô tâm cứ rơi đều trên phố cũ, nơi mà mình mới chia tay nhau ngày nao.

Lời bài ca dành cho nữ ca sĩ hát nên mới có “Gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài”. Mắt lệ vắn dài là nước mắt chỉ dành riêng cho phụ nữ, trong các nhạc phẩm xưa, chưa có nhạc sĩ nào mà cho “đấng nam nhi” của mình khóc trong tác phẩm bao giờ. Giọt mưa hay là giọt lệ tình sầu rơi trên sông Hương vẫn còn đầy màu kỷ niệm:

Chiều nay mưa trên phố Huế.
Kiếp giang hồ không bến đợi.
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai?

Ngày chia tay hôm nao còn đây.
Nước trên sông Hương còn đầy.
Tình đã xa, gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài.

Phần điệp khúc vẫn là giai điệp buồn trầm về chiều mưa Huế, tiếng mưa gợi bóng vương hình ngày mới quen nhau dưới chân chùa Thiên Mụ, thường thì những mối tình gặp nhau ngày đầu ở chùa chiềng thường mang lại hậu vận phước lành đoàn viên, nhưng ở đây thì tình duyên đã ngăn cách, làm sao mà nhân vật nữ trong ca khúc không buồn, không nhắc lại để hỏi “anh còn nhớ không?” Chợ Đông Ba vẫn còn đó, hàng lá me bay là đà trên đường Trần Hưng Đạo soi bóng xuống dòng Hương. Chiều mới quen nhau đẹp quá, thiết tha quá, cứ ngỡ như là giấc mơ:

Chiều mưa trên Kinh Đô Huế.
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm.
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không?

Chợ Đông Ba khi mình qua.
Lá me bay bay là đà.
Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua.

Huế nổi tiếng với những câu hò dân ca Huế Nam Ai, Nam Bằng. Điệu hò ơi vốn là một điệu ru man mác buồn muôn thuở của đất nước từ ngàn xưa, ở đây nhạc sĩ đã đem câu hò để đưa đẩy nhắc nhớ đến một “Chiều mưa phố xưa u buồn”. U buồn là nét đẹp u uẩn muôn đời của Huế, mưa Huế là hương liệu u trầm của ông trời đã ưu ái ban cho đất Thần Kinh. Và nhạc sĩ đã nhờ cơn mưa phố buồn cho cảm xúc thăng hoa nỗi nhớ mong người đã biền biệt ở phương trời nào:

Hò ơi! Ơi hò!
Chiều mưa phố buồn.
Chiều mưa phố xưa u buồn
có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô.
Để nhớ với thương một người…

Điệp khúc cuối cùng vẫn những hạt mưa rơi trên phố Huế. Mưa cũng như người dàn trải tâm sự dưới mưa không hề giận hờn nhân thế. Có chăng chỉ là câu đằm thắm tự hỏi: “Biết ai đã quên ai rồi”. Tiếng mưa trên phố Huế cũng là tiếng mưa trong lòng người khi đứng trước cảnh phố xưa đã từng chứng kiến những lần hẹn hò tha thiết đón đưa nhau:

Chiều nay mưa trên phố Huế.
Biết ai đã quên ai rồi.
Hạt mưa rơi vẫn rơi, rơi đều cho lòng u hoài.

Ngày xưa mưa rơi thì sao?
Bây chừ nghe mưa lại buồn.
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn.

Đã nghe bao nhiêu lần rồi những giai điệu buồn – thơ của ca khúc Mưa Trên Xứ Huế, nhưng nghe hay nhất, ray rức nhất là lần tôi trở về lại Huế trong chiếc xe trắc- xông cũ kỹ loại 6 chỗ ngồi. Hồi đó chưa có đường hầm băng đèo Hải Vân, khi xe từ từ băng lên đỉnh đèo, khi màu sương hay là mây vây phủ trắng xóa ngoài trời thì chú tài xế không biết có “tức tình cám cảnh” hay không mà tự nhiên bật cassette, để dòng nhạc Huế – Mưa Trên Phố Huế cứ lênh đênh trôi theo màu không gian u tịch mơ màng của vùng núi non biển cả biên cương xưa tiếp giáp giữa Đà Nẵng và Huế.

Và “Tiếng mưa trên phố Huế” đã da diết thành “Tiếng mưa trong lòng” của người lữ khách tôi, người tha hương đã từ lâu xa cách cố hương. May mà hồi đó tôi chưa có người nào hỏi “có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô” để cảm xúc buồn lai láng thêm một dòng mưa Huế từng làm “thúi trời thúi đất” một nơi từng là đất kinh kỳ, thiên nhiên đã ban tặng vẻ đẹp u buồn cổ kính khiến cảm xúc thăng hoa cho biết bao nhiêu danh tài nghệ sĩ sáng tác ra những tác phẩm để đời.

–|–

Tác giả sáng tác ca khúc này được ghi tên là Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương. Cho đến nay vẫn còn nhiều thắc mắc xung quanh cái tên Tôn Nữ Thụy Khương, không biết người này là ai. Lúc bản nhạc Mưa Trên Phố Huế mới ra mắt khoảng đầu thập niên 1970, cái tên này làm cho cả làng nhạc miền Nam xôn xao, không biết nàng Tôn Nữ Thuỵ Khương là nàng nào, dung nhan ra sao mà sáng tác được những lời nhạc buồn, lãng mạn đến như vậy. Bút danh Tôn Nữ Thuỵ Khương còn xuất hiện trong một bài hát về xứ Huế khác, cũng đứng tên chung với nhạc sĩ Minh Kỳ, đó là bài Người Em Vỹ Dạ.

Sau này, nhóm Lê Minh Bằng xác nhận rằng Tôn Nữ Thuỵ Khương là 1 trong rất nhiều bút danh mà nhóm này sử dụng khi sáng tác nhạc, bên cạnh những cái tên nữ tính khác như Trúc Ly, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ.

Có lẽ với riêng với các bài hát viết về xứ Huế, nhóm Lê Minh Bằng muốn sử dụng một cái tên nào đó thật đặc trưng cho xứ Thần Kinh, nên đã lấy tên một nàng Tôn Nữ, ghép chung với nhạc sĩ sáng tác chính của bài hát là Minh Kỳ (là một người con của xứ Huế, và là một người ở trong hoàng tộc nhà Nguyễn).