Chỉ ít lâu sau buổi chiếu khai sinh ra điện ảnh thế giới do anh em Lumìere tổ chức ngày 28/12/1895 tại quán Grand Café ở Paris, điện ảnh đã được đưa tới Việt Nam khi đó còn là một thuộc địa nằm trong lãnh thổ của “nước Pháp hải ngoại”.

Theo những tài liệu, báo chí, hồi kí, chuyện kể của những người lớn tuổi, những buổi chiếu phim đầu tiên được chính quyền thuộc địa tổ chức trong các đơn vị quân đội viễn chinh Pháp, tại các nơi công cộng trong các ngày hội, chợ phiên, quay sổ xố… nhằm những mục đích tuyên truyền cổ động. Cá nhà tư bản Pháp cũng tổ chức các buổi chiếu phim tại các nhà hàng, khách sạn lớn nhằm mục đích kinh doanh. Từ 1898, trên báo chí Việt Nam đã đăng quảng cáo những buổi chiếu phim bán vé tại một số địa điểm công cộng. Rồi các rạp chiếu bóng được xây dựng. Tại Hà Nội, rạp Pathé bắt đầu hoạt động từ 1920, rạp Tonkinoi – từ 1921…

Để thiết lập độc quyền khai thác mạng lưới chiếu bóng, năm 1923 người Pháp thành lập hãng Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma) và năm 1930 – Công ty Chiếu bóng Đông Dương (Socíeté des cinéthéâtre d’Indochine). Ngoài ra, một số Hoa Kiều cũng bỏ vốn xây dựng một số rạp nhỏ chủ yếu chiếu phim thuê của người Pháp và một số ít phim của Hồng Kông, Trung Quốc. Đến năm 1927, tại Việt Nam có 33 rạp chiếu bóng ở các đô thị như Hà Nội: 4 rạp, Hải Phòng: 2 rạp, Huế: 2 rạp, Chợ Lớn: 4 rạp, Sài Gòn: 4 rạp, Cần Thơ: 2 rạp…

Về mặt làm phim, đầu tiên là những mẫu thời sự do người Pháp tại Việt Nam quay sử dụng để trong những cuốn phim giới thiệu sinh hoạt ở các thuộc địa của Pháp được hãng Pathé xuất bản từ 1897 ngay sau khi hãng này bước lên vũ đài thay thế nh em Lumìere. Tiếp đó là những phim tài liệu khai thác phong cảnh (Phong cảnh tại Kinh đô Huế), phong tục, hội hè, đình đám (Hội Kiếp bạc, Đám ma bà Thiếu Hoàng) hoặc các nhân vật thời thượng trong xã hội đương thời (Bé Tý – Cô gái Bắc Kì) …

Trong thời gian 1916-1918, đoàn Điện ảnh quân đội Pháp đã quay 20 phim tài liệu về kinh tế và du lịch, tổ chức các buổi chiếu phim ở các vùng nông thôn, thành thị, biên giới, tuyên truyền cho sức mạnh của người Pháp, vận động dân thuộc địa đi lính sang Pháp, mua công trái đóng góp cho nước Pháp tiến hành chiến tranh.

Những phim truyện đầu tiên quay ở Việt Nam do các nhà tư sản Pháp và Hoa kiều thực hiện nhằm mục đích kinh doanh. Trong một bài quảng cáo, rạp Place giới thiệu “Một tuần lễ chiếu bóng rất đặc biệt” từ 15 đến 21/10/1924 trong đó phim truyện Kim Vân Kiều Truyện được giới thiệu là “Bộ phim Đông Dương đầu tiên được thực hiện với diễn viên, trang trí, phục trang hoàn toàn bản xứ” do E.A.Famechon thực hiện.

Từ 1929 do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, việc đầu tư bị giảm sút, việc sản xuất phim truyện hầu như bị đình đốn.

Những mầm mống đầu tiên

Việc làm phim ở thuộc địa được các nhà kinh doanh Pháp coi như một loại hoạt động khai thác nguyên liệu của bản xứ mang về chính quốc chế biến, do đó họ không xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật, không đào tạo người làm chuyên môn tại chỗ. Tuy vậy, một bộ phận trí thức Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật thứ bảy không chỉ thụ động tiếp nhận phim ảnh của nước ngoài làm mà còn chủ động tìm hiểu điện ảnh với tư cách một thành quả cao của nền văn minh thế giới với hoài bão xây dựng bằng bàn tay và khối óc của con người Việt Nam.

Ngay từ giữa những năm 1920, chủ hiệu ảnh Hương Kí đã thành lập hãng phim Hương Kí, sản xuất được những phim tài liệu Linh Lăng (tức Đám ma vua Khải Định) và phim Lễ tấn tôn vua Bảo Đại chiếu trên màn ảnh từ ngày 1/5/1962, tiếp theo đó là phim truyện Một đồng kẽm tậu được ngựa.

Khi phim nói ra đời, để thực hiện ước mơ có được phim truyện dài nói tiếng Việt do người Việt làm, năm 1937 nhóm Đàm Quang Thiện kí hợp đồng với Công ty Hương Cảng Việt Nam Ảnh Nghiệp (The South China Motion Picture Co.) gọi tắt là hãng Nàm Duỵt, xây dựng bộ phim Cánh Đồng Ma theo kịch bản của Nguyễn Văn Nam (bút danh của Đàm Quang Thiện). Bộ phim được mang đi quay ở Hồng Kông cùng 22 diễn viên Việt Nam.

Nhằm mục đích dùng một số bộ mặt diễn viên Việt Nam, làm phim để thu lợi ở Việt Nam, hãng Nàm Duỵt đã thực hiện Cánh Đồng Ma và tiếp đó là Trận Phong Ba. Những phim này được thể hiện khá ấu trĩ thô sơ. Tuy vậy, với câu chuyện một giáo sư Việt Nam chữa bệnh tâm thần cho một sinh viên có mặc cảm hận thù đã bóp cổ chết những kể lừa bịp, lang băm, gái điếm diễn ra tại Việt Nam, do diễn viên Việt Nam diễn tả bằng tiếng Việt Nam, Cánh Đồng Ma thu hút được lượng người xem khá đông và cũng giúp những người yêu điện ảnh có thêm kinh nghiệm để đi những bước tiếp theo.

Cũng trong thời điểm này, một số người Việt Nam vận động lập các Hội, các Nhóm làm phim. Hội Ateacinéa (Assotiation des Techniciens et Artistes du cinéma annamite) chủ trương thành lập một studio để làm phim và cho những người thích làm phim thuê máy móc, nhưng chưa kịp hoạt động đã bị chính quyền thuộc địa cấm. Nhóm Asia-Film của ông Nguyễn Văn Đinh – chủ hãng đĩa Asia – có sự tham gia của nghệ sĩ Tám Danh sản xuất được các phim truyện nói: Trọn với tình (1937 – có tài liệu cho là 1939), Khúc khải hoàn (1940), Toét sợ ma (1940). Nhóm Việt Nam Phim do Trần Tấn Giàu (Antoine Giau) chủ xướng, có sự tham gia của Khương Mễ, Đỗ Hữu Thơm (Géo Thơm)… sản xuất được trong năm 1939 phim tài liệu Bà Huyện Thanh Quan trên Đèo Ngang (có tài liệu ghi: Đèo Ngang tức cảnh) và các phim truyện Một buổi chiều trên sông Cửu Long và Thầy Pháp râu đỏ. Các phim trên được coi như những bộ phim nói đầu tiên do người Việt Nam thực hiện toàn bộ từ đầu đến cuối trên đất Việt Nam. Bộ phim được thu tiếng vào một đĩa hát và cho chạy theo hình ảnh trên màn ảnh.

Các hãng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn vì thiếu vốn đầu tư, thiếu kĩ thuật và bị các nhà tư sản Pháp độc quyền mạng lưới chiếu bóng và chính quyền thuộc địa gây nhiều khó khăn.

Sang năm 1940, quân Nhật tiến vào Đông Dương, người Việt Nam không còn ai đứng ra làm phim. Các rạp chỉ còn chiếu chủ yếu phim Nhật và các nước đồng minh của Nhật.

Mặc dù những điều kiện khắc nghiệt của chế độ thuộc địa không cho phép hình thành một ngành điện ảnh hoàn chỉnh, ổn định nhưng những mầm mống đầu tiên của điện ảnh Việt Nam do người Việt Nam gây dựng cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của một số người làm điện ảnh nước ngoài. Đầu năm 1939, giám đốc hãng Pathé Nathan là Georges Faure và đạo diễn là Thomasset đến gặp một số người đóng phim và kịch Việt Nam, đưa ra một bản kế hoạch dài hạn mời họ đóng hai bộ phim: Người chèo thuyền trên vịnh Hạ Long (The sampanier de la baie dAlong) và Đồn biên phòng (Postes frontiers). Họ mời Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Tuân và một số người khác tham gia xây dựng phim. Nhưng đến tháng 9/1939, G.Faure báo tin ông ta bị động viên vào quân đội Pháp, do đó phim không thực hiện được. Năm 1945, một người Pháp tên là Bévy lại tìm đến Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Tuân điều đình thực hiện một bộ phim lấy cốt truyện từ cổ tích Việt Nam, sau đó cũng phải bỏ dở vì Nhật đảo chính Pháp…

Phải đợi đến sau ngày cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 thành công, trên đất nước Việt Nam độc lập mới có được những điều kiện để hình thành và phát triển nền Điện ảnh Dân tộc.