Nhiều người cho rằng tiếng Việt dễ nói, dễ học, dễ viết. Có đúng như vậy không? Khó trả lời. So với nhiều tiếng khác thì văn phạm tiếng Việt tương đối dễ, nhưng tiếng Việt lại có nhiều cái khó khác như phương ngữ, cách phát âm, nhất là có nhiều “nguyên tắc uyển chuyển”. Lại còn thêm mấy cái dấu hỏi, dấu ngã ngả nghiêng, quàng xiên lẫn lộn… Rắc rối lắm.
Một thí dụ vui vui là xui (động từ) của miền Bắc là xúi của miền Nam. Xui (tính từ) của miền Nam lại là xúi của miền Bắc. Quả mận, trái đào, ba miền đều có nhưng đừng hấp tấp kẻo lại ông nói gà, bà nói vịt.
Trầu của miền Trung, miền Nam là giầu của miền Bắc. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ai cũng biết trầu với giầu là một. Nhưng, mụ trầu của miền Trung, miền Nam có phải là mụ giầu của miền Bắc không?
Mụ trầu khác mụ giầu như ngày với đêm, như “con nhà lành” với gái mại dâm!
Mời các bạn cùng dòm ngó đời tư của mụ trầu và mụ giầu.

Một phụ nữ gần 60 tuổi đang "làm bậy” tại ngách 56/34 Hoàng Cầu thì bị bắt quả tang

Ảnh minh hoạ

Mụ trầu của miền Nam… 
Ngày xửa ngày xưa, vào những năm 1920-1945, cô V.A. bỏ quê lên tỉnh. Cô chọn cuộc sống bay nhảy, trác táng với giới thượng lưu Sài Gòn. Khi thì với công tử bột này, lúc thì với đại gia kia. Trúng mối thì về làm vợ quan lớn nọ. Bất kể là Tây, ta, hay Tàu. Về già, bà V.A. qua sống bên Pháp. Viết hồi kí.
“Nếu tôi cứ ăn ở theo sách, cứ lấy chồng trong làng, cứ an phận tuỳ duyên, củi lục làm ăn, gánh nước nấu cơm, giũ mùng giặt áo, thì bất quá về già trở nên một mụ trầu, nếu may mắn lắm, chồng là con thầy Cai tổng, thì nay lên mặt bà xã, bà hương, tốt phước hơn nữa, ông cai có đất điền, thì tôi sẽ nối giữ ruộng vườn, làm bà chủ điền (…). Tột bậc đi nữa, chồng là học trò giỏi, thi đậu làm ông này ông kia, lên đến tột phẩm nhơn thần trong này là đốc phủ, chủ quận. Chi cho bằng trốn cha trốn mẹ, một khi sấn bước giang hồ, thế mà được ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa một lúc, nay chễm chệ trời Tây một ghế, hỏi ai hơn ai?” (1).
Dựa theo ý nghĩa đoạn văn thì có thể hiểu mụ trầu là một bà già miền Nam bỏm bẻm nhai trầu.
Sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển kể chuyện:
“Một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay “dọn bàn” tứ chiếng làm cho Tây, chồng là tụi “nấu ăn” “ba rọi ” của Pháp. Hai người đụng nhau chung lưng làm nghề bán đồ lâm vố (do Pháp ngữ rabiot tức đồ dư) (…).
Dè đâu, cuộc làm ăn vừa khá thì anh chồng biến chứng sanh sứa chuyện nọ kia, mèo mỡ bê tha, bỏ gánh lại cho một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Tức quá, chị nghĩ ra câu hát như vầy để tỏ tình:
Thượng thơ, Phó soái, Thủ Ngữ treo cờ (hò lơ)
Bu-don (bouillon), ỏm-lết (omelette), bí-tết (beefsteak), xạc-xây ờ (sacré).
Mũ-ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ !(hớ hơ).
Thân làm một mụ già trầu, một chị bếp dốt nát, ngờ đâu khi tâm hồn bị kích thích quá độ, lại sản xuất mấy câu bất hủ làm vầy, vừa lâm ly thống thiết, vừa tế nhị, bình dân. Đố ai sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào?” (2).
Mụ trầu còn được gọi là mụ già trầu. Hai bà là một.
Miền Trung có bà già trầu…
Bàn về ngôn ngữ của người Quảng Nam, Hồ Trung Tú có nhận xét:
“Trường hợp Trịnh Công Sơn cũng là một ví dụ hay để ta nhận ra lượng vốn từ của người Quảng Nam. Nếu người Huế nói riêng và cả khu 4 nói chung dùng những từ khá “điệu đàng” của Trịnh Công Sơn một cách tự nhiên, dễ dàng với cả nhà thơ, nhạc sĩ cho đến em bé quê, bà già trầu, nhưng người Quảng Nam thì không hề biết đến như  : xác xơ, phôi phai (…)” (3).
Bà già trầu miền Trung hay mụ trầu, mụ già trầu miền Nam chỉ là một. Một bà già có thú vui ăn trầu (trầu cau). Miền Bắc không có mấy bà này. Nhưng lại có một bà khác là mụ giầu.

Mụ giầu của miền Bắc…
Mụ giầu xuất hiện trong phóng sự Lục xì (1937) của Vũ Trọng Phụng (4). Trong tiểu thuyết Làm đĩ (1937) Vũ Trọng Phụng viết là mụ giàu (5).
“Phía ngoài, ngay chỗ cửa vào (của dispensaire, nhà chữa bệnh, ngày xưa dân Hà Nội quen gọi là nhà Lục xì), độ chừng mười ba bà mụ giầu đương chuyện trò ầm ĩ chung quanh người gác cửa (…). Cứ trông đến thái độ khép nép rất có lễ độ, luôn luôn sợ hãi của họ và cái màu đen nghiêm trang đứng đắn của y phục họ, người không biết dám chắc không ai tưởng họ làm cái nghề ghê gớm là nghề chủ nhà thổ”.
Mụ giầu, mụ giàu hay mẹ giầu (Từ điển Gustave Hue, 1937) của miền Bắc là chủ nhà thổ (tiếng Pháp là tenancière de maison publique, là proxénète). Mụ giầu là Tú bà tân thời, thời Pháp thuộc.
Phóng sự Lục xì mổ xẻ, phơi bày đời sống của các cô gái mại dâm mắc bệnh hoa liễu. Thế giới Lục xì có nhiều nhân vật có tên gọi mới lạ:
“Theo những điều mách bảo đến tai tôi (lời ông Coppin) thì bọn mụ giầu được quyền tính tiền rất cao và cách đi ăn mảnh ấy; có lẽ do thế mà ở đây không có hạng đàn ông đỡ đầu (souteneur) cho họ, cái hạng ma cô đặc biệt trong tất cả mọi cách mại dâm mà ta thấy ở Tây phương”.
“Muốn thủ tiêu nạn mại dâm thì phải trừ bỏ những cái gì trở ngại cho sự tự do của phụ nữ, đại khái như  : đóng cửa các nhà thanh lâu hoặc bất cứ những nơi nào gây ra truỵ lạc  ; bài trừ bọn người sống về nghề hoa nguyệt (chủ săm, mụ giầu, ma cô, bồi dắt gái v.v…)”.
Ma cô là tiếng Pháp maquereau được Việt hoá, chỉ bọn đưa dẫn gái điếm cho khách làng chơi để kiếm tiền.
Mụ giầu, mụ giàu hay mụ dầu (Từ điển Gustave Hue, người miền Bắc phát âm lẫn lộn âm đầu gi và d. Giầu bị nhầm thành dầu) là người đàn bà đứng chủ nhà đĩ, nhà thổ.

Tên giầu từ đâu đến?
Tiếng Việt miền Bắc có nhiều từ có âm đầu gi tương đương với âm tr của tiếng Việt miền Trung và miền Nam (thí dụ: giầu cau-trầu cau, ông giời-ông trời, mặt giăng-mặt trăng, gio bếp-tro bếp, giồng cây-trồng cây, giao việc-trao việc, v.v…).
Vậy thì… Mụ giầu và mụ trầu là một người hay hai người khác nhau? Câu hỏi rất hay. Câu trả lời phải thận trọng, vì đụng tới vùng cấm… nhạy cảm!
Trước hết, tiếng Việt có giầu sang (hay giàu sang) và giầu cau (trầu cau). Hai giầu này không dính dáng gì với mụ giầu.
Mụ trầu (bà già ăn trầu) dứt khoát không phải là mụ giầu (chủ nhà thổ). Chữ nghĩa sai một li đi một dặm!
Gốc gác của mụ giầu Tú bà ra sao? Mụ là người đàn bà (thí dụ: chùa Thiên mụ, bà mụ đỡ đẻ…). Mụ của miền Bắc thường được dùng với ý coi thường (thí dụ: mụ hàng xóm, con mụ hàng cá…). Còn giầu?
Mọi người đều biết rằng “chồng” mụ giầu là thằng ma cô (maquereau). Cần phải xem qua lí lịch của thằng ma cô.
Maquereau của tiếng Pháp có 2 nghĩa:
1- một loại cá biển, lưng màu xám xanh, có nhiều vệt đen.
2- là biến âm của từ makalâre, tiếng Hoà Lan, có nghĩa là courtier (người môi giới). Maquereau được dùng như một tiếng lóng, để chỉ kẻ làm môi giới, dẫn gái điếm cho khách làng chơi.
(Thông thường thì sách báo, văn chương dùng từ proxénète hay souteneur).
Maquereau, nghĩa thứ hai, được người Việt nói trại thành ma cô. Có cô thì phải có cậu cho cân xứng. Giới bình dân bèn nhào nặn thằng ma cô tạo ra thêm thằng ma cậu. Ma cậu vặn vẹo một hồi thành ma cạo. Ba con ma ăn bám đĩ điếm.
Còn “vợ” thằng ma cô?
Người đàn bà làm nghề chứa hay dẫn gái mại dâm tiếng Pháp là maquerelle hay mère maquerelle. Nhưng tiếng Việt không dịch là mẹ ma cô hay mụ ma cô. Người tạo từ cho tiếng Việt thời xưa đã dịch (cá) maquereau là (cá) tràu.
(Lê Khả Kế dịch maquereau là cá thu. Có người dịch là cá ngừ, cá song).
Cá tràu là thứ cá nước ngọt, tròn mình, mà nhỏ con (Tự vị Huỳnh Tịnh Của).
Theo Trần Văn Thông, Giám đốc trường Hậu bổ (1908), thì cá tràu bông của tiếng Trung kỳ, là cá chuối của tiếng Bắc kỳ (6).
Từ điển Hoàng Phê định nghĩa cá tràu (phương ngữ) là cá quả (hay cá chuối). Tự điển Khai Trí viết sai: “Tràu: miền Nam gọi là cá lóc, miền Bắc gọi là cá tràu”. Miền Bắc không có cá tràu.
Truyện Trê Cóc có cá Triều Đẩu:
Xa nghe Triều Đẩu anh hùng
Đưa tin hoàng tước hỏi cùng phải chăng.
Triều Đẩu được chú thích là cá quả (7).
Nguyễn Nghĩa Dân sưu tầm được nhiều bài đồng dao trong đó có con cá tràu:
Cá biển, cá đồng
Cá song, cá ruộng
Dân yêu dân chuộng
Là cá tràu ổ
– Ru hồ ru hột
Cơm sốt, cá nhảy lờn bơn
Cá sơn, cá liệt
Cá giếc, cá tràu…
– Bạo lặn bạo lội
Con cá tràu đô
Ăn nói hồ đồ
Là cá óc nóc
– Một bài đồng dao khác của miền Trung (có nhiều phương ngữ như con nghịt (con vịt), trôốc (đầu), nôốc (thuyền), côi trời (trên trời), chấm dứt bằng mấy câu:
Tổ ong trong nhà
Cai đà (kì đà) ngoài nương
Chàng cương (ễnh ương) dưới bàu
Cá tràu trong hang…
Nguyễn Nghĩa Dân cho biết: cá tràu của miền Trung là cá lóc của miền Nam hay cá quả của miền Bắc (8).
Tự vị Huỳnh Tịnh Của viết chữ nôm Tràu (cá tràu, cá tràu đô) bằng chữ Hán Triều. (Từ điển Génibrel viết Tràu = Ngư + Triệu).
Nói tóm lại:
Maquereau là thằng ma cô, đồng âm với maquereau là con cá tràu. Maquerelle là “vợ” thằng ma cô, được dịch sang tiếng Việt theo nghĩa là “con cá tràu cái”, nôm na là mụ tràu. Mụ tràu là người đàn bà làm nghề dẫn gái.
Mụ tràu tổng hợp cả hai nghĩa của từ maquereau.
Kết quả nghiên cứu của Lý Tùng Hiếu cho biết có nhiều từ tiếng Việt Trung bộ và tiếng Việt Nam bộ có gốc Chăm như: cù lao (palao), cà rá (karah), ghe (ke), cái lu (plu), mụ (muk), ôông (ông) v.v. (9).
Mụ là từ có gốc Chăm. Cá tràu là cá của miền Nam (Huỳnh Tịnh Của) và miền Trung (Trần Văn Thông). Do đó, có thể nói được rằng Mụ tràu là phương ngữ của “đàng trong”. Mụ tràu ra đời dưới thời Pháp thuộc. Sớm nhất phải là tại Sài Gòn. Khi ra tới miền Bắc thì mụ tràu trở thành mụ giầu, hay mụ giàu và được Vũ Trọng Phụng đưa vào văn học, được Gustave Hue đưa vào từ điển (bà giầu, mẹ giầu, mụ dầu).
Đúng ra thì phải gọi là mụ giàu vì tràu chuyển thành giàu đúng hơn là giầu.

***
Ma cô, mụ giàu, gái mại dâm, nước nào cũng có, thời nào cũng có.
Một số nước cho bọn này hoạt động công khai, miễn là đóng thuế cho đầy đủ. Có cửa hàng đàng hoàng. Khách làng chơi thoải mái chọn món đồ bày trong tủ kính. Có nước chọn giải pháp né tránh, một mặt cho gái điếm hoạt động, đóng thuế, nhưng mặt khác lại tìm cách phạt khách hàng của các cô. Có nước ngầm cho phép “cái nghề xưa nhất của loài người” làm ăn trong bóng tối. Vừa xoa dịu được cơn bệnh “hot” của xã hội, vừa nắm đằng chuôi, muốn lùng bố lúc nào cũng được. Bên ngoài vẫn bảo vệ được cái vỏ truyền thống đạo đức.
Ma cô, mụ giàu ngày nay hầu như chẳng còn ai nói đến. Chết hết rồi sao? Hết sao được. Chỉ đổi tên thôi.

Chú thích
(1)- Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Văn Hoá, 1997, tr. 12.
(2)- Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Xuân Thu tái bản, tr. 108.

(3)- Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, NXB Đà Nẵng, 2016, tr. 174.

(4)- Vũ Trọng Phụng, Lục xì, Văn Học, 2004, tr. 113, 183.

(5)- Vũ Trọng Phụng, Làm đĩ, Hội Nhà Văn, 2006, tr. 24-27.

(6)- Trần Văn Thông, Ấu học quốc ngữ tân thư, IDEO, 1908.

(7)- Truyện ngụ ngôn Việt Nam, Văn Học, 1986, tr. 18.

(8)- Nguyễn Nghĩa Dân, Đồng dao Việt Nam, Văn Hoá Thông Tin, 2005.

(9)- Lý Tùng Hiếu, Ngôn ngữ Văn Hoá vùng đất Sài Gòn và Nam bộ,
NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2012, tr. 62-67.