Nếu Đại Việt dưới thời nhà Trần có 3 lần đánh Nguyên toàn thắng gây tiếng vang khắp thế giới, thì Đại Nam dưới thời nhà Nguyễn cũng có 3 lần đánh bại Xiêm La (Thái Lan), khiến Cao Miên (Campuchia) và Ai Lao (Lào) phải thần phục, lãnh thổ rộng lớn gấp đôi ngày nay.

Xiêm La xuất quân đánh Việt Nam lần thứ nhất

Vào đầu thế kỷ 19, Cao Miên nằm giữa hai quốc gia hùng mạnh là Xiêm La và Việt Nam, vua Nặc Chăn (Ang Chan) phải thực hiện chính sách “chư hầu kép” tức thần phục cả Xiêm La lẫn Việt Nam.

Năm 1807, vua Nặc Chăn quyết định ngả hẳn về phía Việt Nam bằng cách xin vua Gia Long cho được thụ phong và cống nạp, điều này khiến ảnh hưởng của Xiêm La đối với Cao Miên sút giảm đáng kể.

Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại Triều đình ở Gia Định, nhưng rồi bị vây trong thành Gia Định và phải cho người đưa thư cầu cứu Xiêm La. Không bỏ lỡ cơ hội, vua Xiêm là Rama III sai tướng Phi Nhã Chất Tri chia quân làm 5 đạo tiến đánh Việt Nam:

Đạo thứ nhất do Phi Nhã Chất Tri chỉ huy 4 vạn bộ binh tiến chiếm kinh đô Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) của Cao Miên, theo sông Mê Kông đánh chiếm Châu Đốc (thuộc tỉnh An Giang) của Việt Nam rồi đến Gia Định.

  • Đạo thứ hai với 1 vạn quân do Phi Nhã Phật Lăng chỉ huy theo đường thủy qua Vịnh Thái Lan tiến đánh Hà Tiên.
  • Đạo thứ ba theo đường bộ đánh lấy Cam Lộ (Quảng Trị).
  • Đạo thứ tư theo đường bộ đánh lấy Nghệ An.
  • Đạo thứ năm theo đường bộ đánh lấy Trấn Ninh.

Trong đó đạo quân thứ nhất và thứ hai là quan trọng nhất nhằm đánh chiếm Cao Miên và vùng Nam bộ của Việt Nam, ba đạo quân còn lại chủ yếu là nghi binh nhằm phân tán lực lượng quân Việt.

Vua Minh Mạng nhận tin dữ lập tức sai các tướng trấn giữ phòng thủ các nơi.

Khi đạo quân thứ nhất của Phi Nhã Chất Tri tiến sang Cao Miên thì quân Việt Nam đã rút về để đánh quân phản loạn Lê Văn Khôi. Quân Xiêm La chỉ gặp sự kháng cự của quân Cao Miên nên dễ dàng chiến thắng. Vua AngChan II phải rời bỏ kinh đô Nam Vang chạy đến ẩn náu ở dinh Long Hồ (thuộc Vĩnh Long). Sau khi chiếm được Nam Vang, Phi Nhã Chất Tri tiếp tục cho quân tiến sang Châu Đốc của Việt Nam theo đúng kế hoạch.

Đạo quân thứ hai của Xiêm La tiến đánh Hà Tiên, quân nhà Nguyễn hạ được 3 tàu chiến của Xiêm, nhưng được ít ngày thì thành Hà Tiên thất thủ. Quân Xiêm cho một ít quân ở lại giữ Hà Tiên còn lại theo kênh Vĩnh Tế tiến đánh Châu Đốc, hội với đạo quân thứ nhất từ Nam Vang sang.

Bị hai đạo quân chủ lực của Xiêm La tiến đánh, An Giang thất thủ. Quân Xiêm cho dựng nhiều đồn ở hai bên bờ sông Vàm Nao sẵn sàng chống trả nếu quân Việt tiến đánh.

Vua Minh Mạng hay tin vội cho quân tiến xuống phía nam. Cuối tháng 12/1833, quân Việt do Bình khấu Tướng quân Trần Văn Năng, Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân chỉ huy tới An Giang.

Hai bên giao tranh ác liệt trên sông Vàm Nao (tức sông Thuận Cảng), quân Việt phải lùi về sông Cổ Hỗ để ngăn quân Xiêm.

Xiêm La
Bản đồ vị trí sông Thuận Cảng (Vàm Nao) và đồn Cổ Hỗ (nay là chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). (Ảnh từ Bùi Thụy Đào Nguyên – wikipedia.org)

Lúc này quân Xiêm huy động thêm 1 vạn quân từ Vạn Tượng tiến đánh vào vùng Quảng Trị, vua Minh Mạng cho rằng quân Xiêm chỉ phô tương thanh thế nên chỉ đưa quân ra phòng giữ (Quốc sử quán triều Nguyễn).

Vài ngày sau, quân Xiêm lại đánh vào Trấn Ninh (Nghệ An), quân Việt rút về Giăng Màn. Quân Xiêm cho quân tràn vào Hà Tĩnh, quân Việt mang quân ra giữ thì quân Xiêm cũng không tiến nữa.

Vua Xiêm là Rama III cũng cho quân Xiêm và Lào quấy rối vùng biên giới ở Nghệ An và Hà Tĩnh, bắt người dân mang đi nhằm phân tán quân nhà Nguyễn.

Đến tháng 1/1834, thủy quân Xiêm từ sông Nàm Vao tiến đánh quân Việt ở rạch Củ Hủ (nay thuộc xã Long Điền A và Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang). Nếu quân nhà Nguyễn thất bại trận này, quân Xiêm sẽ tràn vào Sa Đéc, Mỹ Tho, vùng Nam bộ có thể bị mất về quân Xiêm, vì thế trận đánh này hết sức then chốt và quan trọng.

Trận Nàm Vao – Củ Hủ

Sông Nàm Vao có chiều dài 6 km nối sông Tiền và sông Hậu, nơi đây có nước xoáy tròn rất hung hiểm. Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê ra kế sách đánh Xiêm tại Củ Hủ và Nàm Vao.

Đoán quân Xiên sẽ dùng hỏa công, thả bè lửa đế tấn công, nên quân Việt thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông.

Theo ghi chép từ lịch sử thì quân Xiêm tấn công, lợi dụng dòng nước thả nhiều bè lửa. Thế nhưng quân Việt nhờ cho các tàu tập trung ở hai bên bờ sông, bè lửa giữa sông xuôi theo dòng không thể lan sang hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua quân Việt mới tấn công cả thủy lẫn bộ.

Quân Xiêm thua to, tử trận rất nhiều, nhà văn Sơn Nam mô tả lại rằng:

“Trận thủy chiến trên Vàm Nao là trận ác chiến, mang tầm chiến lược quan trọng. Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa, theo nước ròng (thủy triều rút ra biển) chảy xiết để đốt chiến thuyền quân Việt. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa mới dứt. Nếu quân Việt không ngăn được, quân Xiêm sẽ xuống Sa Đéc rồi Rạch Gầm, Mỹ Tho…”

Sách “Minh Mệnh chính yếu” thì mô tả rằng:

“Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông để chống lại thuyền của quân ta, lại đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Giặc dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá. Ta chờ quân chi viện, nhưng giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Giặc liền lui…”

Cuốn “Đại Nam thực lục” ghi:

“Trước kia bọn Giảng từ Thuận Cảng lui đóng ở sông Cổ Hỗ, đặt đồn ở hai bên bờ làm thế ỷ giốc. Sau đó vài ngày, Tướng quân Tống Phước Lương lại đến. Giặc Xiêm dẫn hơn 100 binh thuyền từ Thuận Cảng xuống, dàn ngang giữa dòng sông, cầm cự chu sư của ta, lại vây đánh đồn ở bờ bên tả. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm cự chiến, chém được tên đại đầu mục giặc là Phi Nhã Khổ Lạc và hơn 20 đầu giặc. Giặc dựng trại đối diện với lũy ta, ngày đêm bắn đại bác. Quân ta có người bị thương và chết. Bọn Giảng cho rằng thế giặc đương dữ tợn hung hăng, bèn phi tư cho quân thứ Gia Định phái thêm binh thuyền đến tiếp ứng. Bấy giờ vừa gặp Tham tán Hồ Văn Khuê đến quân thứ. Trần Văn Năng liền bàn, uỷ [Văn Khuê] đi giúp việc quân. Lại phái Phó vệ úy vệ Hậu thủy Nguyễn Tiến Khoan đem hơn 300 binh dõng và 7 chiếc thuyền, đồng thời cùng tiến. Rồi đem việc tâu lên”.

Thua trận, quân Xiêm từ sông Nàm Vao rút về Châu Đốc, quân Việt đuổi theo, đến sông Châu Đốc, quân Xiêm đóng ở các đồn trên bờ dồn hỏa lực bắn vào các tàu chiến quân Việt khiến nhiều người bị thương. Quân Việt phải ngưng đuổi theo mà bày trận cả trên bờ lẫn dưới sông.

Quân Việt đuổi Xiêm La, đánh chiếm lại Cao Miên

Các tướng Xiêm La lúc này họp bàn về việc tiến đánh Gia Định theo kế hoạch từ trước. Phi Nhã Phật Lăng cho rằng khả năng chiến thắng là thấp vì quân lính đã mất tinh thần, lương thực và đạn cũng cạn, nên ông đề nghị bí mật rút quân trở về. Tuy nhiên Phi Nhã Chất Tri không đồng ý kế hoạch này.

Phi Nhã Phật Lăng bí mật cho đội thủy quân rút lui, khiến số quân Xiêm còn lại chỉ còn 1 vạn. Tình thế khiến Phi Nhã Chất Tri buộc phải rút lui luôn số quân còn lại theo đường bộ.

Quân Việt liền lấy lại Châu Đốc và Hà Tiên, phối hợp cùng quân Cao Miên tiến đánh quân Xiêm trên đất Cao Miên. Quân Việt liên tục giành chiến thắng, tiến quân đến tận kinh thành Nam Vang. Không ngừng lại, quân Việt tiếp tục truy kích quân Xiêm đến tận biên giới, đồng thời đưa Ang Chan II trở lại ngôi Vua.

Trong khi đó ở Quảng Trị, Vệ úy Lê Văn Thụy ra quân đánh quân Xiêm và liên tục giành chiến thắng. Quân Xiêm tập trung thêm quân tiến đánh nhưng lần lượt đều bị đẩy lui.

Tại Nghệ An, tháng 2/1834, quân Việt và Quân Xiêm đụng độ ở Giăng Màn, quân Việt bị bại trận phải rút lui. Vua Minh Mạng cử Nguyễn Văn Xuân tăng viện cho Nghệ An đánh lui quân Xiêm.

Đại Nam hùng mạnh

Các chiến thắng trên giúp Việt Nam được quyền bảo hộ Cao Miên. Năm 1834, vua Ang Chan II mất mà không có con trai nối dõi, quyền trị vì Cao Miên thuộc về Trà Long (Chakrey Long) và La Kiên, đây là người Cao Miên nhưng nhận chức quan của nhà Nguyễn.

Năm 1835, Trương Minh Giảng xin Vua cho lập Ang Mey (Ngọc Vân) làm Quận Chúa và được chấp nhận.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho sáp nhập Cao Miên vào Việt Nam, đặt tên là Trấn Tây Thành.

Đại Nam
Bản đồ Việt Nam năm 1835 sau khi sáp nhập các vùng đất của Lào và Campuchia. (Ảnh từ lichsunuocvietnam.com)

Lúc này Việt Nam rất lớn mạnh, khiến các nước lân bang đều nể sợ và thần phục, nhiều xứ ở Ai Lao (Lào ngày nay) như Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đều xin trở thành nội thuộc. Nhà Nguyễn cho sáp nhập vùng này vào lãnh thổ, phân thành các châu, phủ thuộc Việt Nam.

Năm 1835, diện tích Việt Nam vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích rộng 575.000 km2 gấp 1,7 lần so với Việt Nam ngày nay.

Trước sự lớn mạnh của đất nước, năm 1839 vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương nam.

Không được lòng dân, Đại Nam phải rút khỏi Trấn Tây Thành

Sau khi sáp nhập Cao Miên vào nước mình và đặt tên là Trấn Tây Thành, Đại Nam cắt cử quan lại tại đây. Tuy nhiên các quan lại người Việt lại có ý miệt thị hoàng gia Cao Miên, lạm quyền nhũng nhiễu dân tình.

Năm 1840, các quan chức người Việt phát hiện Ngọc Biện (chị của quận chúa Ngọc Vân) viết thư cho mẹ mình ở Battambang (là nơi không nằm trong sự kiểm soát của triều đình nhà Nguyễn), ngỏ ý muốn trốn qua đấy với mẹ. Tham tán Dương Văn Phong cho rằng Ngọc Biện định chạy sang Xiêm La mưu phản, phải xử tử. Sau đó Trương Minh Giảng lại bắt quận chúa Ngọc Vân cùng em gái là Ngọc Thu và Ngọc Quyên giam lỏng ở Gia Định.

Việc coi thường hoàng gia và nhũng nhiễu dân chúng tại Cao Miên không được lòng dân Khmer, khiến người Việt khó cai trị Trấn Tây Thành. Cùng lúc, em trai vua Ang Chan là Ang Duong (Nặc Ông Đôn) được Xiêm La hậu thuẫn liền dấy binh làm phản, khiến quan quân nhà Nguyễn đánh dẹp rất vất vả.

Đại Nam
Một góc Hoàng cung Cao Miên tại Nam Vang. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên – wikipedia.org)

Năm 1840, Xiêm La đưa vài vạn quân đến đóng ở U Đông (Kinh đô cũ của Cao Miên), vua Minh Mạng sai Phạm văn Điển và Nguyễn Tiến Lâm tiến đánh nhưng không phá được.

Năm 1841, vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên thay, Tạ Quang Cự liền trình bản tấu xin rút khỏi Trấn Tây Thành về giữ vùng An Giang. Vua Thiệu Trị chuẩn tấu và lệnh cho Trương Minh Giảng rút quân về.

Trương Minh Giảng rút quân về An Giang thì sinh bệnh mà mất. Việt Nam sử lược giải thích rằng: “Bởi vì việc kinh lý đất Chân Lạp là ở tay ông cả, nay vì có biến loạn, quan quân phải bỏ thành Trấn Tây mà về, ông nghĩ xấu hổ và buồn bực đến nỗi thành bệnh mà chết”.

Xiêm La xuất quân đánh Đại Nam lần thứ 2

Thấy quân Việt đã rút, Xiêm La nhân cơ hội này thao túng Cao Miên, đưa Nặc Ôn Đôn về Nam Vang lên ngôi Vua, tướng quân Phi Nhã Chất Tri cũng đưa quân tới chuẩn bị phục thù.

Phi Nhã Chất Tri cho quân dựng đồn lũy ở bờ kênh Vĩnh Tế (nằm tại địa phận An Giang và Kiên Giang). Đại Nam cho quân tiến đánh khiến quân Xiêm bại trận.

Đại Nam
Kênh Vĩnh Tế ngày nay. (Ảnh từ vietnam-tourism.com)

Năm 1842, quân Xiêm kéo vào Đại Nam theo cả hai đường thủy bộ. “Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện” biên soạn năm 1901 mô tả như sau:

“Quân Xiêm đổ bộ lên Hà Tiên, ta chặn giặc tại đồn Vĩnh Thông. Tình thế trở nên căng thẳng, quân Xiêm có thêm cánh quân theo sông Tiền, sông Hậu đổ xuống. Tướng Nguyễn Tri Phương lại tâu về triều đình, nhận định rằng mất sông Tiền là mất An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, nên ta cần đem binh giữ và phòng bị cẩn mật những đồn Thông Bình (Tuyên Bình), Hùng Ngự (Hồng Ngự), Tân Châu, An Lạc.”

Tại kênh Vĩnh Tế, quân Xiêm tập trung 2 vạn quân tại bên hữu ngạn từ Vĩnh Thông đến Tiên Nông, bên tả ngạn từ Vĩnh Lạc đến Tĩnh Biên, rồi đem quân đánh vào các vùng thuộc Hậu Giang và Tiền Giang. Quân Đại Nam không đủ để chống lại phải gửi bản tấu về Triều đình xin thêm quân. Vua không cho mà cử các tướng trấn giữ Nam bộ trợ giúp lẫn nhau.

Quyết đánh dù ít hơn quân Xiêm 4 lần

Tổng đốc Phạm Văn Điển đưa quân của mình đến Hà Âm (thuộc An Giang, nay thuộc tỉnh TaKéo của Campuchia) ở ngay bờ bắc con kênh Vĩnh Tế, quan sát thế trận. Quân Xiêm lập 8 đồn lớn, mỗi đồn có 2.000 quân, số quân còn lại chia làm 13 trại đóng trong rừng sẵn sàng tiếp ứng.

Trong khi đó Đại Nam chỉ có 5.000 quân, tức ít hơn quân Xiêm đến 4 lần. Dù thế Phạm Văn Điển vẫn quyết đánh.

Phạm Văn Điển cho Đoàn Văn Mật và Tôn Thất Nghị cùng 1,5 ngàn quân tiến đánh các đồn bên tả; Nguyễn Lương Nhàn đưa 600 quân đánh phía hữu; Nguyễn Công Nhàn dẫn 1.300 quân đánh 3 đồn ở giữa. Sau khi các cánh xuất phát, Phạm Văn Điển mới dẫn theo 1.600 quân tiếp ứng.

Quân của Mật và Nghị xuất phát trước đánh tan quân Xiêm ở đồn bên tả rồi hợp với quân của Nguyễn Công Nhàn đánh các đồn bên hữu.

Quân Xiêm đóng ở 13 trại trong rừng liền đến tiếp ứng, Phạm Văn Điển đưa quân chặn lại phía trước, Nguyễn Lương Nhàn bất ngờ đánh úp phía sau.

Quân Xiên thua trận bỏ chạy lại vào trong rừng, quân Việt truy kích theo, 13 trại quân Xiêm tan vỡ.

Phạm Văn Điển cho quân vây các đồn quân Xiêm. Trong tháng 3/1842 (âm lịch), quân Đại Nam chiếm được các đồn ở Hà Âm và một phần Hà Dương ven kênh Vĩnh Tế. Quân Xiêm còn lại cố giữ các đồn ở Thất Sơn, Xà Tôn thuộc Hà Dương.

Quân Đại Nam thắng lớn, Vua phong Phạm Văn Điển làm Đô thống phủ Đô thống. Đến tháng 4 (âm lịch) dù tuổi cao vẫn lao lực chống Xiêm, ông bị bệnh rồi mất, thọ 73 tuổi.

Đánh đuổi quân Xiêm

Nguyễn Công Nhàn thay Điển làm Tổng đốc An Hà, Nguyễn Lương Nhàn làm Đề đốc An Giang, Tôn Thất Nghị làm Lãnh binh An Giang tiếp tục bao vây các đồn còn lại cho đến khi đánh bại quân Xiêm.

Đầu năm 1842, quân Xiêm lập 18 đồn trại ngày đêm vây hãm tỉnh Hà Tiên, quân Đại Nam chia nhau trấn giữ vùng biển Kim Dữ, thành Hà Tiên và đồn Chu Nham cùng một số nơi xung yếu khác.

Quân Đại Nam phòng thủ thành công rồi tấn công vào các đồn trại và vùng biển Kim Dữ, quân Xiêm bị vỡ trận, binh tướng phải rút chạy theo đường biển. Quân Đại Nam truy đuổi rồi chốt giữ ven bờ vịnh Thái Lan ở Hà Châu, Hà Tiên.

Đến đây cuộc chiến lần thứ 2 với Xiêm La kết thúc, quân Xiêm bại trận phải rút về, Đại Nam dù thắng trận nhưng phần đất Cao Miên lại để rơi vào tay Xiêm La.

Tiến sang Cao Miên

Vua Thiệu Trị quyết định cho quân tấn công sang Cao Miên, tiến đánh Xiêm La. Quân Đại Nam chia 3 đường tiến sang Cao Miên như sau:

  • Đạo quân thứ nhất từ đồn Tân Châu (An Giang) do Đề đốc An Giang là Nguyễn Văn Hoàng chỉ huy theo đường thủy trên sông Tiền Giang đánh đồn trọng yếu trên sông Mê Kông là Ba Nam (nay là Phumi Ba Nam thuộc thị trấn Neak Loeang huyện Peam Ro tỉnh Prey Veng)
  • Đạo quân thứ hai từ đồn Thông Bình (thuộc Định Tường tức Đồng Tháp ngày nay) do Tuần phủ An Giang là Doãn Uẩn chỉ huy đến sông Tam Ly (Prek Trabeak) rồi cùng đạo quân thứ nhất đánh đồn Ba Nam rồi vào chiếm toàn bộ phủ Ba Nam (sau này đổi tên thành phủ Nam Ninh).
  • Đạo quân thứ ba từ phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định do Nguyễn Công Nhàn và Cao Hữu Dực chỉ huy. Đạo quân này chờ cho hai đạo quân trên chiếm được phủ Ba Nam rồi thì mới tiến sang nhằm hợp quân cùng tiến đánh đồn Thiết Thằng.
Đại Nam
Sông ở Tân Châu, nơi xưa kia thủy quân Đại Nam tiến sang Cao Miên. (Ảnh từ wikipedia.org)

Tháng 6 âm lịch năm 1845, Đại Nam tiến quân, đạo quân thứ nhất do Nguyễn Văn Hoàng chỉ huy từ đồn Tân Châu tiến đánh Tầm Bôn thuộc phủ Ba Nam của Cao Miên (xã Preaek Sambuor thuộc huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng). Dù quân Xiêm xuôi theo dòng sông Tiền bắn vào quân Việt, nhưng quân Việt vẫn tiến đánh và hạ được Tầm Bôn, rồi ngược sông Tiền đánh đồn Ba Nam như kế hoạch.

Quân Đại Nam chiếm được Ba Nam và vỗ yên dân chúng. Tại đây, quân Đại Nam được dân chúng cho biết quân Xiêm đã xây dựng được ở thượng lưu sông tiền một hệ thống quanh đồn Thiết Thằng, án ngữ trên sông Tiền, chặn ngang con đường đến kinh đô Nam Vang. Quân Đại Nam liền tiến đánh trước các đồn ở hạ lưu.

Cùng xuất phát với đạo quân thứ nhất, đạo quân thứ hai do Doãn Uẩn cùng Lãnh binh Định Tường là Nguyễn Sáng đem quân từ đồn Thông Bình tiến sang Cao Miên theo ngả đường qua phủ Ba Nam, liên tục hạ 2 đồn là Thị Đam (xã Cheang Daekhuyện Kampong Trabaek) và Vịnh Bích (thị trấn Kampong Trabaek huyện Kampong Trabaek tỉnh Prey Veng).

Tiến sang Cao Miên
3 đạo quân Đại Nam từ An Giang, Định Tường, Gia Định tiến sang Cao Miên (Ảnh từ wikipedia.org)

Quân Xiêm ở đồn Kha Đốc từ thượng nguồn con sông xuôi theo dòng tấn công quân Việt. Doãn Uẩn đốc quân cầm cự rồi phản công đến tận đồn Kha Đốc. Quân Xiêm phải bỏ luôn cả đồn này tháo chạy.

Trận Sách Sô

Ngày 14/6 âm lịch năm 1845, Doãn Uẩn tiến đánh đồn Sách Sô (nay là Phumi Khsach Sa thuộc các xã Roung Damrei, Reaks Chey huyện Ba Phnum). Quân Xiêm ở sông Sách Sô kết bè mảng trên sông, đào cả hầm hố hai lớp trong ngoài dài hơn ngàn trượng để chặn quân Đại Nam.

Về trận Sách Sô, Doãn Uẩn mô tả trong “Ngoại lãng tướng công niên biểu” như sau:

Ta chia binh làm hai đạo: lãnh binh Hồ Đức Tú và phó lãnh binh Lê Đình Lý cầm một ngàn binh từ phủ Tẩu Đà tiến vào, ta cùng lãnh binh Nguyễn Sáng dẫn hơn ngàn quân từ Ích Đà tiến vào. Bọn giặc dựa vào lũy đông như kiến, bắn ra. Ta thân đốc hai đạo quan binh oanh kích bằng pháo lớn. Ai nấy dũng cảm hăng hái, lên trước bạt lũy, đâm chết nhiều tên. Đảng giặc tan vỡ, vào rừng chống giữ. Quan binh liền đóng đồn trấn giữ ở Sách Sô.

Đúng lúc đó ở Nam Kỳ, Võ Văn Giải (Hậu quân Đô thống) và Tôn Thất Bạch (Thượng thư bộ Binh) đến An Giang, giao cho Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Nghị đưa thêm quân đến Cao Miên, quân Đại Nam dùng thuyền đến Ba Nam.

Khi quân của Nguyễn Tri Phương chưa tới, ngày 26/6 âm lịch, 5.000 quân Xiêm đến vây đạo quân Doãn Uẩn ở Sách Sô. Quân Đại Nam cố thủ bắn hạ được tướng chỉ huy khiến quân Xiêm tan vỡ.

Nút chặn cuối cùng đến kinh thành Nam Vang

Tin thắng trận truyền về Huế, vua Thiệu Trị khen hai cánh quân của Doãn Uẩn và Nguyễn Văn Hoàng, ra chỉ dụ hai đạo quân này cần tiến nhanh hơn nữa để đến được Nam Vang, và yêu cầu đạo quân thứ ba tiến sang Cao Miên như kế hoạch. Nguyễn Công Nhàn liền chỉ huy đạo quân thứ ba tiến sang Cao Miên.

Tháng 7 âm lịch, Nguyễn Tri Phương đưa thêm viện quân đến Ba Nam. Lúc này quân Xiêm phòng thủ Thiết Thằng rất chặt chẽ, lập nhiều đồn lũy, cùng xích sắt chắn ngang sông, lập phòng tuyến vững chắc ở Thiết Thằng ngăn quân Việt đến kinh đô Nam Vang.

Lúc này sĩ khí quân Việt đang rất hăng, Doãn Uẩn cùng Nguyễn Tri Phương quyết định đưa quân tiến đánh Thiết Thằng. Quân Việt có 5.000 quân chia làm 2 cánh, một cánh do Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Nghị chỉ huy 3.000 quân, một cánh do Doãn Uẩn và Nguyễn Văn Hoàng chỉ huy 2.000 quân theo sông Tiền Giang tiến lên.

Quân Xiêm trên sông và các đồn lũy hai bên bờ quyết liệt đánh chặn, hỏa lực dồn vào quân Việt mà bắn. Quân Đại Nam tiến được đến đồn Thiết Thằng, hai cánh quân hợp lại giáp kích. Thế nhưng Thiết Thằng là vị trí quan trọng, quân Xiêm dựa vào đồn lũy được chuẩn bị kiên cố liều chết chống giữ, khiến quân Việt đánh mãi vẫn không sao hạ được.

Lúc này đạo quân thứ ba của Nguyễn Công Nhàn xuất kích đến nơi, các đạo quân cùng hợp sức tiến đánh khiến quân Xiêm không giữ được. Quân Đại Nam chiếm được Thiết Thằng, quân Xiêm thua trận mất một đại tướng cùng nhiều quân sĩ và súng ống, phải bỏ chạy về Nam Vang.

Đến lúc này con đường tiến đến kinh thành Nam Vang đã thông suốt không còn trở ngại

Truy đuổi quân Xiêm

Thừa thắng quân Đại Nam gióng trống tiến thẳng đến Nam Vang, quân Xiêm bỏ thành mà chạy. Đại Nam lấy lại được Trấn Tây Thành.

Nhận được tin thắng trận, vua Thiệu Trị khen thưởng lớn cho các tướng có công, Nguyễn Tri Phương được thăng hiệp biện đại học sĩ, Doãn Uẩn được thăng quyền thượng thư bộ Binh, các tướng khác cũng được thưởng và thăng cấp.

Vua cũng ra chỉ dụ truy đuổi tàn quân Xiêm La và Chân lạp, đồng thời vỗ yên dân chúng. Một số binh tướng của triều đình Cao Miên quy hàng.

Đến tháng 9/1845, quân Việt truy đổi theo quân Xiêm và phát hiện tướng chỉ huy Phi Nhã Chất Tri cùng Hoàng thân là Ông Giun (Ang Duong) đóng quân ở thành Oudong và vùng Vĩnh Long (Kampong Luong). Quân Đại Nam do Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị ngược dòng sông Tonlé Sap tiến đến Vĩnh Long (Kampong Luong).

Quân Xiêm ở hai bên bờ chặn đánh rất quyết liệt khiến quân Đại Nam không sao lên bờ được. Võ Văn Giải mang thêm quân từ Nam Vang đến.

Thế nhưng quân từ Nam Vang chưa đến, quân Đại Nam đã quyết định để Doãn Uẩn giữ thủy quân, còn Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn bỏ thuyền mà lên bờ theo đường bộ tiến đánh.

Doãn Uẩn cho chiến thuyền tấn công thu hút quân Xiêm, trong khi đó Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn cho quân theo đường bộ tấn công, quân Xiêm cho voi chiến ra cầm cự ác liệt. Cuối cùng quân Xiêm không chống đỡ nổi phải rút vào thành Oudong cố thủ.

Tiến sang Cao Miên
Bản đồ Oudong và Kampong Luong (Vĩnh Long) (Ảnh từ cambodiacyclingtour.com)

Bị vây chặt trong thàng, cuối tháng 9, tướng chỉ huy là Phi Nhã Chất Tri nhiều lần gửi thư cho quân Đại Nam xin cầu hòa. Doãn Uẩn cho quân tạm ngừng chiến nhưng vẫn giữ chặt vòng vây, hai bên hẹn đến tháng 10 âm lịch sẽ có hòa đàm.

Thế nhưng đến hẹn quân Xiêm vẫn không đến hòa đàm. Quân Đại Nam liền tấn công đánh thành, Nguyễn Tri Phương từ mặt sông Tầm Nạp (nay khoảng bờ sông xã Samraong huyện Ponhea Leu, phía hạ lưu sông Tonlé Sap, tức phía Đông Nam Oudong) tiến vào, Doãn Uẩn từ mặt sông Vĩnh Long (Kampong Luong, phía thượng lưu sông Tonlé Sáp, tức mặt Đông Bắc Oudong) tiến đánh Oudong.

Sau này Doãn Uẩn viết trong “Ngoại lãng tướng công niên biểu” như sau:

Chất Tri và Sá Ông Đôn (Ang Duong) trì hồi quá hạn. Ngày 28 tháng 9, lại chia binh tiến công ở Vĩnh Long. Binh đạo Khâm sai (tức Nguyên Tri Phương) đánh đường hữu lộ của chúng. Binh đạo Tham tán (tức Doãn Uẩn) đánh đường tả lộ của chúng.

Địa thế thành Oudong rất hiểm trở, quân Xiêm lợi dụng địa hình lập nhiều chiến lũy quanh thành. Quân Đại Nam vừa tiến vừa cho chặt cây vượt qua những nơi xung yếu. Hai bên giao tranh ác liệt, quân số hai bên đều bị thiệt hại lớn. Phi Nhã Chất Tri lại cho người đến xin cầu hòa.

Đại Nam
Tượng Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodindecha) ở Thái Lan. (Ảnh từ wikipedia.org)

Sự việc này được Doãn Uẩn mô tả trong “ngoại lãng tướng công niên biểu” như sau:

Hơn hai tuần (thời xưa một tuần là 10 ngày), quân ta tiến đánh lũy giặc, chỉ hơn 20 trận. Ngày 20 tháng mười, đảng giặc ở trên lũy xin quan quân ngừng đánh đồn phóng pháo, để Chất Tri phái người đến quân thứ xin hòa. Vài ngày sau đó, mới tiếp tục phát gửi tờ tâu đệ tiền kỳ. Trong bản tâu có châu phê (lời vua): Giặc Xiêm thế cùng lực kiệt, vẫy đuôi xin tha, khẩu thỉnh cầu hòa, chẳng phải là không có kế hoãn binh. Mà xem thế chúng, ta đánh thì tất thắng, giữ thì khó, nên sắp xếp thế nào để được thể? Nội trị được vĩnh ninh, biên cương ngoại yên, nhiếp phục được ngoại di. Giao cho các đại thần mau chóng bàn bạc tâu lên. Khâm thử!

Các đại thần văn võ họp bàn, thấy rằng đương lúc này binh uy vang động. Ta đã chiếm thế thượng phong. Hãy tạm hòa với chúng. Cho quân dân được tạm nghỉ sức, thì cũng chẳng đến nỗi không là thượng sách.

Giữ quyền bảo hộ Cao Miên

Tháng 11/1845, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn cùng Phi Nhã Chất Tri và Ang Duong cùng ký hòa ước, theo đó Xiêm La và Đại Nam cùng giải binh.

Nguyễn Tri Phương rút quân về Nam Vang, theo dõi Xiêm La thực hiện hòa ước. Doãn Uẩn viết trong “Ngoại Lãng tướng công niên biểu” như sau:

Ngày mồng 3 tháng mười một, Chất tri dẫn bộ lạc đến quân thứ và dẫn Man tù Sá Ông Đon đến quân thứ thú tội. Sá Ông Đôn tiếp đó lại có thư thỉnh tội, xin giúp đề đạt.

Ta cùng Khâm sai (tức Nguyễn Tri Phương) bàn nhau: Binh pháp nói rằng “bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện; bất chiến nhi khuất nhân binh, viễn vi thiện chi thiện” (trăm đánh trăm thắng không phải là hay nhất trong mọi cái hay; không đánh mà khuất phục được quân của người, mới là hay nhất trong mọi cái hay). Nay dẫu có thể đuổi dài lên bắc, chúng tất thua, nhưng mai kia vị tất chúng chẳng có mưu đồ rửa nhục, chi bằng hẵng cho chúng hòa, để được yên việc, bèn sức cho làm một sớ hội xá, hai bên gặp nhau.

Tháng chạp năm 1846, Ang Duong dâng biểu tạ tội và sai sứ đem đồ phẩm vật sang triều cống, nhìn nhận sự bảo hộ song phương của Xiêm La và Đại Nam.

Tháng 2 âm lịch năm 1847, vua Thiệu Trị phong cho Ang Duong làm Cao Miên quốc vương, phong cho Ngọc Vân làm Cao Miên quận chúa (làm chủ Nam Vang do Đại Nam kiểm soát). Quân Đại Nam và Xiêm La cùng rút hết khỏi Cao Miên.

Cuộc chiến ba lần với Xiêm La ngày nay rất ít được nhắc đến, học sinh cũng không được học trong sách giáo khoa, dù cuộc chiến này giúp Đại Nam giữ quyền bảo hộ Cao Miên, khiến Xiêm La không còn dám quấy nhiễu, các nước lân bang trong khu vực đều xem Đại Nam là cường quốc. Đây là trang sử hào hùng của dân tộc.

(Hết)