Đời người, nếu có thể đạt được đến cảnh giới “thanh tĩnh” thì liền sẽ thấy rõ được vạn vật và trong tâm sẽ luôn luôn vui mừng, thản đãng. Nhưng cuộc đời luôn có những trắc trở, những điều không vừa ý xảy đến. Làm sao để có thể sống vui vẻ, tự tại?

(Hình minh họa: Unsplash)

 

Câu chuyện xưa kể rằng, có một thanh niên trẻ tuổi luôn sống trong lo nghĩ, ưu sầu. Anh ta mang vẻ mặt ưu sầu tìm đến một ngôi chùa cổ thỉnh giáo vị thiền sư già đang tĩnh tu trong đó.

Người thanh niên trẻ tuổi hỏi vị thiền sư: “Thưa thầy! Một người như thế nào mới có thể biến bản thân trở thành người vui vẻ, khoái hoạt và có thể mang lại niềm vui cho người khác nữa?”

Vị thiền sư nhìn người thanh niên trẻ tuổi rồi, trong lòng thầm nghĩ: “Cậu tiểu tử này có thể dạy bảo được, tuệ căn không tồi!” Sau đó, ông chậm rãi nói: “Ở tuổi của con mà có thể hiểu được như vậy là đáng quý nhưng cũng khó đạt. Rất nhiều người trưởng thành lớn tuổi hơn con, cũng không đạt được đến cảnh giới ấy. Thậm chí cho dù có giải thích cho họ bao nhiêu thì họ vẫn không hiểu được đạo lý chân chính.”

Thấy thiền sư nói vậy, cậu thanh niên chăm chú lắng nghe với vẻ mặt thành kính. Lúc này, vị thiền sư mới nói tiếp: “Nếu con muốn làm được điều mình đang mong muốn thì hãy nhớ kỹ 4 câu này là có thể làm được. Câu thứ nhất là: Hãy đặt bản thân mình trở thành người khác. Con có hiểu hàm nghĩa của câu này không?”

Người thanh niên trả lời: “Có phải là khi mình khổ sở, nếu như coi bản thân mình là người khác thì nỗi khổ sẽ tự nhiên giảm bớt đi. Còn khi mình vui mừng quá mức mà coi mình là người khác thì mình sẽ bình tĩnh trở lại và thản nhiên hơn không?”

Vị thiền sư khẽ gật đầu rồi nói tiếp: “Câu thứ hai là đặt người khác trở thành bản thân mình.” Nói xong, vị thiền sư tĩnh lặng chờ lời giải thích từ người thanh niên.

Người thanh niên suy nghĩ một lát rồi đáp: “Có phải là khi đặt người khác trở thành bản thân mình, mình có thể hiểu được niềm vui nỗi khổ cũng như những nguyện vọng của họ để thông cảm và giúp đỡ họ khi cần thiết?”

Vị thiền sư cảm thấy rất hài lòng rồi tiếp tục nói: “Câu thứ ba là xem người khác là chính bản thân họ.”

Người thanh niên trả lời: “Thưa thầy, câu này có phải có ý là cần phải tôn trọng sự riêng tư của mỗi người, dù ở tình huống gì đi nữa thì cũng không nên xâm phạm vào không gian riêng của người khác.”

Rất nhiều khi trong cuộc đời, không phải là con đường đã đến cuối cùng mà là đến ngã rẽ
(Ảnh minh họa: Unsplash)

Nghe đến đây, vị thiền sư đưa tay lần chuỗi tràng hạt và nói: “Tốt lắm, con thật là có duyên với Phật Pháp. Ta muốn nói cho con câu cuối cùng chính là xem bản thân mình chính là bản thân mình”.

Người thanh niên lúc này như đã ngộ ra điều gì, anh ta lập tức trả lời: “Thưa thầy! ý tứ của câu này có phải là nhắc nhở mỗi người phải tôn trọng nội tâm của chính mình, không để bản thân bị ảnh hưởng bởi ngoại giới hay sự ràng buộc và thành kiến của người khác. Người không bị quấy nhiễu mới có thể sống được thong dong, tự tại?”

Vị thiền sư cười và nói: “Con quả là cậu thanh niên thông tuệ. Những câu nói này, lý giải thì có vẻ không quá khó, nhưng để đạt được những cảnh giới ấy thì cần phải dùng cả đời để tu hành mới có thể đạt được.”

Nghe thiền sư nói vậy, người thanh niên không hỏi thêm nữa mà quỳ gối cáo biệt. Sau nhiều năm, người thanh niên ấy trở thành một người trưởng thành, rồi trở thành một ông lão sống vui vẻ, tự tại. Ông cũng thường mang bài học này và kinh nghiệm của bản thân chia sẻ cho những người trẻ tuổi quanh mình.

Đến cuối cùng, ông cũng hiểu được ý nghĩa chân chính bốn câu nói của vị thiền sư khi xưa đúc kết đó là:

1. Khi đặt bản thân mình là người khác để đối đãi thì chính là vô ngã.

2. Khi đặt người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi.

3. Khi đặt người khác chính là bản thân họ để đối đãi thì đó chính là trí tuệ.

4. Khi đặt bản thân mình là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là tự tại.

Trong cuộc đời, nếu một người có thể chân chính hiểu và đạt được bốn loại cảnh giới này thì họ không chỉ sống được vui vẻ, tự tại mà còn là người đã đắc đạo giữa đời thường rồi!