Theo tích xưa, Ngọc Hoàng trên trời cũng uống rượu, thế nên mới có chuyện các tiên nữ lỡ tay làm rơi chén ngọc bị đày xuống trần gian làm người. Các đệ tử Lưu Linh cũng có thể coi mình là ông Trời con vì có câu: Hiu hiu gió thổi đầu non, mấy thằng cha uống rượu là con ông Trời.

Rượu bia đã có lịch sử từ sáu ngàn năm trước tại Ai Cập. Chữ “cồn” – alcool tiếng Pháp, alcohol tiếng Anh – có nghĩa là làm cho êm dịu. Chữ “spirit” nghĩa là linh hồn cũng được dùng cho chất nước lên men này. Các danh từ như sâu rượu, bợm rượu, con gái rượu, túy ngọa, túy ca, túy quyền… được xài thường xuyên.

Tương truyền vua Kiệt đổ rượu thành ao rồi cho thuyền đi lại trên ao để ngắm cảnh. Vua cũng cho dùng bã rượu đắp thành núi để mong thấy bảy ngôi sao Bắc Đẩu trên trời.

Rượu luôn có trong các lễ nghi phong tục Việt Nam, người ta thường mời nhau: Xin vui lòng đến dự tiệc Rượu, chung vui cùng gia đình chúng tôi.

Uống thì say, say xỉn mức độ và ảnh hưởng như thế nào, mời bạn cùng tôi “tiêu khiển một vài chung lếu láo”(thơ Cao Bá Quát) nhé.

Đầu tiên là chuyện say trong lịch sử Việt Nam: Vua Đinh Tiên Hoàng vì say rượu đã bị Đỗ Thích ám sát lúc đang ngủ. Kế tới là vua Lê Long Đỉnh khi lâm triều phải nằm vì tiệc tùng rượu chè quá sức, nên được gọi là Lê Ngọa Triều. Long Đỉnh rất ác, chẳng hạn tìm vui khi róc mía trên đầu nhà sư, rồi giả bộ lỡ tay hạ dao vào sọ. Sử ghi rõ Lê Ngọa Triều chết năm 24 tuổi vì say mê tửu sắc.

Đời nhà Lý chấm dứt với Lý Huệ Tôn năm 1225 khi nghe lời em vợ là Trần Thủ Độ, truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng. Cô bé công chúa được dạy nhường lại ngôi cho chồng là Trần Cảnh mới tám tuổi. Trước cơ đồ ngả nghiêng, Huệ Tôn say sưa điên dại rồi tàn đời trong tăm tối.

Riêng nhà Trần đã để lại những trang sử vẻ vang đánh bại quân Tàu xâm lược, nhờ tinh thần đoàn kết và cũng nhờ nghe theo hịch Trần Hưng Đạo: “Chén rượu ngon không làm cho giặc say chết”, một số dân đã theo lời khuyên đó bỏ rượu để lo chiến đấu.

Đến thời Pháp thuộc, toàn quyền Doumer ép ta uống rượu theo chiến dịch mê dân và ngu dân để làm hại thể xác lẫn tinh thần. Nhà yêu nước Phan Bội Châu lúc đó đã bày tỏ uất ức: “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu, muối ta làm nó bảo muối gian”. Cũng may 100 năm nô lệ giặc Tây rồi cũng qua.

Một trong Ngũ giới của Phật giáo mà Phật tử phải tránh là không được uống rượu. Với đạo Công Giáo, có thể uống rượu nhưng không được say sưa. Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm là hóa nước thành rượu trong tiệc cưới tại Cana. Buổi tiệc cuối cùng của Chúa theo tục lệ Do Thái cũng có rượu và sau này trong các Thánh Lễ, người tín hữu Công giáo tưởng nhớ việc Chúa chết qua nghi thức truyền phép của Linh Mục để bánh rượu thành thịt và máu Chúa.

Qua thơ văn xưa, Lý Bạch được coi là thi tiên, ông say rượu nên nhảy xuống sông ôm bóng trăng chết đuối.

Lưu Linh đời Tam Quốc cũng được nhắc đến nhiều với tài uống hàng trăm chén mà không say. Lưu Linh là bạn chí thân với Trương Tịch. Tịch cũng thường uống say khướt vì cho rằng cuộc đời đáng chán, công danh sự nghiệp chỉ là phù vân. Chẳng biết có phải nhờ uống nhiều rượu quý hay không, mà Trương Tịch có đôi mắt rất lạ: khi tiếp người quân tử thì mắt ông xanh đen; khi gặp người tầm thường đáng ghét thì mắt ông toàn tròng trắng.

Những mồi nhắm của các vị này là thịt rồng, thịt phượng: “Phanh long, bào phượng ngọc chi khấp” (Hãy xẻ thịt rồng, nướng thịt chim phụng cho mỡ trắng như ngọc trong nồi phải khóc than), riêng thời nay người ta biết chế biến nhiều món mồi nhậu rất khoái khẩu. Thế nhưng nếu thiếu mồi cũng chẳng sao, như lúc ở rừng có thể rút dao quắm rồi liếm lưỡi dao để lấy mùi tanh mà cạn ly. Hoặc có khi chỉ cần trái khế, miếng ổi, lát chuối xanh rồi làm hớp rượu cũng “đã” lắm!

Trước khi uống rượu phải cụng ly chúc tụng nhau, người nhỏ tuổi không nên đưa chén rượu của mình cao hơn người lớn tuổi để tỏ lòng kính trọng.

Trong bài Lạc nhật, Đỗ Phủ đã ca tụng thần ma men:

Rượu kia ai chế ra mày
Uống xong một cuộc tan ngay nghìn sầu.

Sầu tan, nhưng có khi mất mạng như Trương Phi vì say xỉn mà để thành Từ Châu lọt vào tay Lữ Bố, rồi cũng do say mà họ Trương bị kẻ yếu sức hơn mình cắt mất đầu thật đáng tiếc.

Trong chuyện chưởng Kim Dung, hầu như nhân vật nào uống rượu cũng đều có tâm hồn phóng khoáng như Lệnh Hồ Xung, Kiều Phong, Hồng Thất Công, Đan Thanh … Đoàn Dự khi đi tìm Vương Ngọc Yến, thấy Kiều Phong ngồi uống rượu ở Tùng Hạc lâu nên chung chén rồi kết thành huynh đệ.

Bang chủ Hồng Thất Công do ham nhậu nhẹt nên bị Hoàng Dung lừa phải truyền Thập bát chưởng cho Quách Tĩnh. Ngay cả một tên dâm tặc như Điền Bá Quang cũng đã lên đỉnh Hoa Sơn cùng đối ẩm với Lệnh Hồ Xung, ly rượu của họ lúc này là phương tiện để tỏ ra ý hợp tâm đầu.

Nhưng thật ra tình nghĩa mới là quan trọng chứ không phải vì chất rượu, như Kiều Phong trong Lục Mạch Thần Kiếm ngồi tại quán nghèo không có rượu, nghe A Châu thổ lộ tâm nguyện suốt đời muốn theo mình, ông thật sự cảm động nâng chén không lên cao, ngửa cổ thưởng thức chén tình nồng, và có lẽ ông đã say dù không giọt rượu.

Trong văn chương Việt Nam, nàng Kiều của cụ Nguyễn Du đã phải hầu rượu vì cái ghen của Hoạn Thư:

Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi

Thúc Sinh đau lòng lắm, uống rượu với Hoạn Thư mà ngậm đắng nuốt cay chẳng làm được gì để bảo vệ Thúy Kiều. Điều này làm tôi nghiệm lại chuyện nhiều ông ngon ngọt tán gái rất hay, nhưng thực tế khi đụng chuyện thì khép re, sợ vợ chẳng dám lên tiếng cho tình yêu. Vậy các chị, các em nhớ cẩn thận đừng nghe lời dụ dỗ của những ông có vợ nhé, mà nếu “chửa vợ” thì cũng phải coi chừng, chớ khá hiến thân trước khi chín chắn “nắm đằng chuôi”!

Kim Trọng sau khi tái hợp với Thúy Kiều, đã bất chấp những thành kiến để cùng nàng chung sống chuỗi ngày hạnh phúc: Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên…
Riêng nhà thơ Nguyễn Công Trứ thì vui vẻ tuyên bố:
Còn trời, còn nước, còn non
Còn cô bán rượu ta còn say sưa
Thi hào Nguyễn Khuyến biết rõ chính mình hơn ai hết:
Hé miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang!

Khi nghe tin bạn là cụ Dương Khuê từ trần, Nguyễn Khuyến đã khóc:

Rượu ngon không có bạn hiền…

Thật vậy, uống rượu mà không có bạn bên cạnh thì ly rượu nhạt nhẽo không mùi vị gì.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Thi sĩ Tản Đà đưa ra triết lý sống:
Trời đất sinh ra rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa

Và ông tự bào chữa cho mình:

Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thì hư vậy, say thì cứ say,
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?

Tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương là tập Thơ Say xuất bản năm 1940. Họ Vũ không cần trăng để say như Lý Bạch:

Không trăng có hề chi!
say sưa tràn miệng cốc

Hoặc:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?

Tuy hỏi vậy nhưng ông vẫn uống dù không có nàng bên cạnh, rồi ông “quắc cần câu” mà than rằng “đất trời nghiêng ngả mà thành sầu không sụp đổ”.

Một số nhà thơ, nhà văn thường phải mua chịu rượu, sổ nợ là cái cột nhà, mua một lít gạch một nét, gạch nát cả gốc cột như nát cả tâm can mà nỗi buồn vẫn chưa cạn, ấy vậy mà vẫn không bỏ được tật ham uống.

Riêng hơi rượu trong thơ Hàn Mặc Tử thì khác lạ:

A ha hả! Say sưa chê chán đã
ta là ta hay không phải là ta?
….hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ

Trong Mê Hồn Ca của Đinh Hùng, thơ mang một âm điệu quyến rũ lạ lùng:

Ta bắt em cười nói, bắt em say…
Ôi! Ly rượu em dâng toàn huyết đỏ

Rồi tới Cung Trầm Tưởng trên nước Pháp mộng mơ:

Mùa Thu Paris,
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ,
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly…

Ôi vị của rượu gồm đủ cả những chua, chát, đắng, ngọt của cuộc đời, như đàn bà với đủ sắc thái hờn ghen, giận dỗi, âu yếm, nũng nịu làm chơi vơi bao đấng mày râu, một nỗi đau dịu dàng, muốn bỏ mà không bỏ được.

Nhà thơ Thâm Tâm đã nhủ lòng:

Người đi! Ừ nhỉ, người đi thực …
Em thà coi như hơi rượu cay

Nguyễn Vỹ cũng đã nói lên cái uất hận của mình:

Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa …
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!

Riêng Nguyễn Bính uống say và đã thấy:

Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Anh uống cả em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say…

Trong nhạc thì có lẽ ai cũng thuộc bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi.. Tết mà thiếu rượu, thiếu lời chúc Xuân thì còn gì là Tết.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong Phôi Pha cũng thú thật: Chén rượu cay một đời tôi uống hoài. Có lẽ ông uống hoài để quên đi lầm lẫn lớn của đời mình là theo Cộng Sản, mà nhiều lần tỉnh rượu ông đã thất vọng tràn trề phải an ủi chính mình: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng!

Hãy nghe triết lý của Giao Tiên trong nhạc phẩm Say mà rất nhiều ca sĩ đã hát: Uống rượu mà không say nào hay. Xin mời anh nâng ly cùng tôi. Nào ta cùng uống…

Bây giờ tôi xin điểm qua vài chai rượu mắc nhất thế giới, như Vodka Diva – Giá hơn $1 triệu đô Mỹ, trông giống như một lọ nước hoa. Rượu được chưng cất đặc biệt, lọc qua các loại đá quý, vỏ chai cũng chạm ráp kim cương ngọc thạch lấp lánh quyến rũ.

Mắc hơn là chai Cognac Henri IV Dudognon khoảng hai triệu đô Mỹ. Rượu phải 100 năm tuổi, rồi ủ trong thùng sấy khô không khí 5 năm trước khi sử dụng. Vỏ chai được nhúng trong vàng và bạch kim kèm với 6500 viên kim cương chạm trổ. Uống ly cognac này vào bảo đảm tối tăm mặt mũi, trời đất lăn quay vì không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ.

Một vài kỷ lục khác là dân Cuba đã cho trình làng ly cocktail Daiquiri khổng lồ 275 lít.

Một trong những chai rượu whisky lớn nhất do hãng Glenturret làm nhân dịp kỷ niệm 107 năm công ty thành lập cao 1.7 mét, nặng 50 ký, chứa trên 200 lít rượu.

Bia Vieille Bon Secours là là loại bia mắc nhất hiện nay, bán tại Bierdrome ở thủ đô Luân Đôn. Chai bia rất to, 10 năm tuổi, khoảng một ngàn đô Mỹ một chai. Mua chai này về phải mời bạn bè anh em đến uống chung, chứ một mình không biết có xơi nổi 12 lít không?

Bia Samuel Adam’s Utopias mắc thứ hai, với nồng độ là 25%, trong khi các bia thông thường chỉ 5%. Kỳ lạ hơn là bia làm từ tinh hoàn con bò của hãng Wynkoop ở Mỹ có tên Rocky Mountain Oyster Stout, uống vào có lẽ sẽ mạnh như… bò!

Công ty rượu tại Đức mang tên G-Spirits gần đây đã cho ra mắt một sản phẩm rượu được đổ xuống ngực của các phụ nữ trẻ đẹp trước khi đóng chai.

Alexa Varga – một cô gái gợi cảm được giải trong cuộc thi Playmate of the Year 2012 – Hungary là một trong 3 người mẫu xinh đẹp sẽ đổ rượu lên ngực của mình. Chai rượu Tửu Sắc hòa hợp này giá chỉ khoảng 150 đô Mỹ, bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, nếu bạn muốn thử thì dễ thôi phải không? (Xin nhớ cho biết hương vị ra sao)

Sách Guinness cũng ghi nhận bộ sưu tập rượu vang và champagne lớn nhất thế giới cho bà Sophia Vaharis, ở Athens Hy Lạp với hơn 15 ngàn loại rượu khác nhau.

Chai rượu vang Screaming Eagle Cabernet đời 1992 đã được bán đấu giá nửa triệu đô Mỹ tại California vì mục đích từ thiện.

Những chú bò Pháp đang phê vì được uống hai chai rượu vang đỏ mỗi ngày nhằm tạo ra loại thịt bò ngon nhất châu Âu qua công nghệ chăn nuôi Vinbovin.

Một cuốn sách vừa xuất bản có tên “Những hầm rượu đẹp nhất thế giới” cũng bán rất chạy.

Tại Luân Đôn nước Anh, chai bia Lowebrau còn sót lại sau tai nạn nổ khinh khí cầu Hindenburg – Đức năm 1937 đã được bán với giá $16,000 đô, coi như chai bia mắc nhất thế giới. Tại Tustin – Mỹ, quầy rượu Auld Dubliner Irish đã làm ra một chiếc ly cao gần 2 mét rưỡi để đựng 1500 lít bia.

Vỏ chai rượu hiệu Chambord mắc nhất thế giới khoảng 2 triệu đô vì có gắn 1100 viên kim cương quý, làm với mục đích quảng cáo cho Tuần lễ Thời trang Luân Đôn.

Đã có quán rượu làm bằng băng nước đá ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Mặc dù nhiệt độ bên ngoài lên tới hơn 30 độ C, những du khách vào quán đều phải mặc áo ấm bởi nhiệt độ bên trong lạnh tới -5 độ C. Toàn bộ những thứ trong quán rượu cũng đều làm bằng nước đá như bức tường, quầy, bàn, ly uống rượu… Chúng tôi ở Canada mùa đông lạnh buốt, chẳng cần trả tiền cũng được cảm giác uống rượu trong băng giá này, như vậy cũng không nên than phiền phải không bạn?!

Theo An Ninh Thế Giới, một chuyện khá hy hữu đã xảy ra khi Chủ tịch Quốc hội Bỉ quyết định hủy buổi ăn trưa với phái đoàn ngoại giao Iran, khi bên Iran từ chối không uống rượu mà cũng không muốn thấy rượu trên bàn tiệc. Đối với người Hồi giáo uống rượu là một trong những điều cấm kỵ, do đó Iran đã yêu cầu Bỉ tôn trọng tín ngưỡng của họ. Nghĩ cũng lạ, không uống thì để người khác uống, mình muốn người khác theo quy luật mình, nhưng chính mình lại không tôn trọng thói quen sở thích của người khác, ngoại giao như vậy có khôn ngoan không?

Theo Guiness thế giới, Steven Petrosino đã chiến thắng cuộc thi khi uống cạn 1 lít bia chỉ trong vòng 1.3 giây. Tài thật, cho tôi đổ bia xuống ống cống cũng chưa biết có nhanh được như vậy hay không!

Loại bia mạnh nhất 55 độ được bán với giá 765 đô, có tên là The End of History (Tận cùng của lịch sử).

Một người đàn ông Trung Hoa đã tạo ra kỷ lục đặc biệt khi lái chiếc xe hơi trên hai hàng vỏ chai bia dài hơn 60 mét trong hơn 8 phút.

Tháng 6 năm 2010, John Evans đã làm thành chuyện lạ khi giữ thăng bằng được với 237 ly đầy bia trên đầu.

Mới đây lễ hội bia lớn nhất thế giới Oktoberfest đã chính thức khai mạc vào ngày 22.9.2012 tại thành phố Munich (Đức) và kéo dài suốt 16 ngày, thu hút hàng triệu lượt người từ khắp thế giới tham dự.

Lễ hội Oktoberfest lần đầu tiên được tổ chức cách đây 202 năm, và đã phát triển rộng tại Trung Hoa, Ba Tây, Canada, Mỹ, Nga và Úc. Riêng tại Kitchener/Waterloo, Canada những năm vừa qua đã có sự góp mặt của cộng đồng Việt Nam tại lễ hội Bia này. Cờ Vàng và các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng như giới trẻ đã góp mặt trong buổi diễn hành Oktoberfest với xe hoa hình cô gái Việt ba miền, làm hãnh diện người Việt tị nạn tại Canada.

Bacardi là loại rượu Rum sử dụng hình con dơi làm logo vì Rum làm từ mía, mà dơi có công diệt các côn trùng làm hại mía.

Cocktails là thức uống rất phổ biến trên thế giới, do pha chế các loại rượu và nước trái cây chung với nhau theo các công thức đặc biệt, vừa ngon ngọt vừa nghệ thuật với các tên hấp dẫn như Angel’s Kiss, Sex on the beach (Cái hôn của Thiên thần, Yêu nhau trên biển) …

Ly đựng cocktails cũng phải đẹp và đúng, thí dụ không thể lấy ly cao của Singapore Sling mà đựng cho Daiquiri được. Sambuka phải rót trong chung cao và nhỏ, trước khi uống đốt lửa trên mặt rồi lấy ống hút cả lửa và rượu vào cho ấm cõi lòng. Cái đặc biệt của rượu cần, rượu Sake chắc ai cũng đã biết.

Mới đây hãng Coca-Cola đã bị tố cáo là có pha rượu vào coke dù dung lượng rất nhỏ, tuy nhiên hãng đã đính chính rằng nếu có – thì rượu này được phát sinh sau quy trình sản xuất, chứ công ty không hề có chủ ý pha rượu vào coke, chứng minh hùng hồn là vài loại trái cây cũng có chứa sẵn một lượng rượu thiên nhiên, đâu có ai “quởn” mà thêm rượu vào!

Uống chút rượu vang khi ăn tối sẽ làm dễ tiêu, tốt cho sức khỏe. Hải Thượng Lãn Ông đã khuyên “Bán dạ tam bôi tửu, lương y bất đáo gia” nghĩa là nửa đêm uống ba ly rượu, thầy thuốc không phải đến nhà. Ly này là cái chung bé xíu, không phải ly cối to tướng đâu bạn nhé!

Vợ ông Tô Ðông Pha được tiếng là hiền đức cũng vì đã biết để dành vò rượu ngon đem ra thết đãi bạn bè.

Thế nhưng uống quá độ sẽ hại cho sức khỏe và tinh thần rất nhiều. Nhiều người đã say sưa đánh vợ đợ con, tuyên bố lung tung mất lòng nhiều người, hay ít nhất lái xe bị phạt, có khi mất bằng lái hoặc ngồi tù vì “drink & drive”.

Cái chết bất ngờ trong bồn tắm của nghệ sĩ nổi tiếng Whitney Houston vì ma túy và rượu có lẽ ai cũng xót xa. Ca sĩ người Anh Amy Winehouse cũng rơi vào cảnh nghiện ngập và mất mạng vì ngộ độc rượu. Tại Mỹ từ năm 1920 tới 1933 luật pháp đã cấm uống rượu, bán rượu vì những tiêu cực của say xỉn.

Bạn tôi sau đám cưới mua vé đi hưởng tuần Trăng Mật, được bao ăn uống thả cửa. Anh chị có thích rượu đâu, nhưng thấy rượu “free” không uống cũng uổng nên làm vài ly cho vui. Vui thì vui thật, nhưng uống vào lơ tơ mơ không nhớ mình đã làm gì, chỉ biết là sau khi honey moon về bị bể kế hoạch hóa gia đình – thất kinh nàng chửa – làm chương trình học thêm và để dành tiền mua nhà bị tan tành vì phải lo cho con nhỏ. Anh chị này tức những ly rượu free đó quá sức.

Cũng có chuyện ngụ ngôn kể rằng anh kia bị quỉ dữ đòi mạng, thấy anh van xin khẩn thiết quỉ đồng ý tha nếu anh chọn một trong ba điều kiện: uống rượu, đốt nhà hoặc giết vợ. Dĩ nhiên anh ta chọn uống rượu vì xem như dễ dàng vô hại. Tiếc thay khi uống quá say không làm chủ được mình, anh đã cãi nhau với vợ, nóng giận đốt nhà rồi giết luôn cả vợ. Khi tỉnh rượu thì đã muộn, hối hận cũng không kịp.

Câu chuyện khác kể nhóm người có “máu mặt” trong làng tổ chức họp mặt đón Xuân, ai cũng phải mang theo chai rượu quý cùng đổ vào chum lớn để chia sẻ. Một ông mánh mung quyết định tráo nước lạnh vào, như thế chum rượu sẽ nhạt đi một chút nhưng ông ta sẽ còn rượu quý để uống riêng. Ngày khai tiệc, ai nấy tái mặt vì tất cả chất uống trong chum chỉ là nước lã, vì ai cũng tính toán như ông kia muốn để dành rượu thật cho mình. Thì ra nếu bạn muốn uống rượu, bạn phải cho rượu; muốn đón nhận điều tốt từ người khác, chính bạn phải mang hạnh phúc cho họ trước.

Trong Gia Huấn Ca Nguyễn Trãi đã viết:

Đua chi chén rượu câu thơ

để căn dặn chúng ta đừng tranh đua say sưa làm hại gia đình. Goethe – đại văn hào Đức vào thế kỷ 19 nhận xét: “Nhân loại có thể đạt tới những thành tựu vô song nếu tỉnh táo hơn, không uống rượu”. Jack London – nhà văn Mỹ cũng đã viết: “Thật khủng khiếp, rượu thọc bàn tay vào để tha hóa tâm hồn, không còn sót lại một chút gì cao thượng, tinh hoa trước đây cả”.

Về mặt sức khỏe, rượu làm xơ gan, chảy máu dạ dày và nhiều bệnh thần kinh khác. Biết bao triệu người đã chết vì rượu. Rượu không màu nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự.

Ca dao Việt Nam có câu:

Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ người say rượu nói dai nói khùng

Đó là còn chưa kể đến những thủ thuật xấu đang được áp dụng tại Tàu và Việt Nam để thêm lợi nhuận mà làm ngộ độc chết người, như dùng phân đạm để ủ men rượu cho nhanh hơn, dùng thuốc trừ sâu chấm vào để tăng nồng độ, thậm chí còn có cả công nghệ sản xuất rượu đế bằng cồn khô methynol pha vào nước để có rượu bán với giá rẻ. Xã hội ngày nay lừa đảo dối gian, đạo đức không có, người cầm quyền chỉ biết thủ lợi, say máu, say danh lợi bán nước hại dân, chẳng biết rồi đây dân tộc sẽ đi về đâu.

Hiện nay, thống kê cho thấy dân tại Việt Nam đã uống nhiều bia rượu nhất nhì thế giới, có lẽ vì khí hậu quá nóng, mà cũng vì quá chán chế độ, bất lực trước thời thế muốn buông xuôi. Như thế nhà nước lại càng mừng, càng say xỉn tìm quên họ càng dễ cai trị, ngu gì mà giáo dục sửa đổi!

Lúc còn ở trung học, tôi đã thích và thuộc bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc, âm hưởng và nỗi niềm của tác giả khiến tôi suy tư mãi. Bây giờ tóc đã phai màu, tôi vẫn thích và thuộc bài thơ này, nhưng tâm tư có nhiều thay đổi. Đã 30 năm lưu vong, gần 40 năm mất nước, trên 50 tuổi mà vẫn chưa làm được chút gì cho quê hương. Người đồng cảm hiểu mình, nặng nợ nước non còn được bao nhiêu? Mà có còn thì cũng đã làm được gì, thực tế vẫn mãi quá khó khăn, tàn nhẫn. Nhiều đêm trăn trở thương dân, giận mình thân nữ nhi yếu đuối tài hèn, muốn khóc mà không khóc được, muốn uống cho quên sầu mà cũng không biết uống! Thôi thì cũng như Kiều Phong, tôi xin nâng ly trống mà hỏi bạn rằng:

Trời đất mang mang ai người tri kỷ,
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?

Tôi cũng ước rằng:

Có rượu Trung Sơn cho ta uống
Tỉnh ra hỏi đã thái bình chưa?

Thật vậy, phải chi có rượu Trung Sơn uống vào để say rồi thức giấc được thấy cuộc sống bừng dậy tươi đẹp, thấy thanh bình yêu thương triển nở trong hồn người, khi ấy tôi chắc cũng ráng tập uống để bên ly rượu đỏ tràn trề, hân hoan chia sẻ niềm vui của ngày Hội lớn.