Con người thế gian hầu như ai ai cũng có nỗi khổ. Người giàu có nỗi khổ của người giàu, và người nghèo cũng có nỗi khổ của riêng mình. Không ai nói rằng tôi không khổ cả. Vậy nguyên nhân thực sự phía sau đó là gì? Hãy cùng đọc câu chuyện cổ Phật gia được trích trong “Pháp cú kinh” dưới đây.
Một ngày nọ, A Na Luật cùng 4 vị đồng tu mới quây quần ngồi bên nhau. Họ đàm luận về chủ đề: Nỗi khổ nào là lớn nhất của đời người?
Một vị nói: “Đời người khổ nhất là lòng tham. Bởi vì một khi lòng tham không được thỏa mãn thì sẽ thống khổ vô cùng. Không có từ ngữ nào diễn tả hết cho được”.
Một vị khác liền nói: “Tôi lại thấy đời người khổ nhất là không được ăn no. Một khi không được ăn no thì bụng đói cứ kêu réo mãi. Như thế thật sự là thống khổ không gì bằng!”
Một vị lại cất giọng: “Con người sống trên đời khổ nhất chính là tức giận, oán thù. Bởi vì một khi phát tiết lên, tức giận sẽ khiến lửa từ mắt bốc lên, lúc ấy trong lòng quả thật là quá khổ!”
Vị còn lại cũng đàm luận rằng: “Tôi lại thấy rằng, con người khổ nhất là sự nhát gan, trước sợ lang sói, sau sợ hùm beo, không có một giây phút nào cảm thấy bình an cả. Như thế thì thật là thống khổ!”
Đúng lúc này, Phật Thích Ca Mâu Ni đi qua, nghe thấy cuộc đàm luận sôi nổi bèn đưa ra lời giáo huấn:
“Các con đều chưa nói được nguyên nhân thật sự của cái khổ. Tất cả những điều các con nói ra đều chỉ xuất phát từ thành kiến trong những thói quen của tiền kiếp dưỡng thành mà thôi.
Trong số các con, có người từng là chim bồ câu kiếp trước sống phóng túng quá nhiều chuyển thế, vì vậy mà cho rằng dục vọng, tham lam là khổ nhất. Có người kiếp trước là con chim ưng đói chuyển thế nên cho rằng đói khát là khổ nhất. Có người là rắn độc chuyển thế nên cho rằng tức giận, oán thù là khổ nhất. Còn có người kiếp trước là con thỏ nên luôn cảm thấy sợ hãi là khổ nhất. Tất cả những điều khổ nhất trên thế gian này, đều là xuất phát từ thân thể. Làm người chính là phải chịu khổ. Vì thế, nếu thực sự muốn thoát ra khỏi bể khổ thì chỉ có cách duy nhất là tu luyện.”
Phật gia giảng: “Nhân thân nan đắc” (tạm dịch: Thân người khó được). Bởi vì họ cho rằng, con người chết đi không phải là hết mà phải trải qua lục đạo luân hồi, tức là đời này là người, đời sau có thể là cỏ cây, súc vật, ngạ quỷ… Tất cả đều là căn cứ vào “Đức” và “Nghiệp lực” của người ấy mà định đoạt tương lai. Người nhiều đức, kiếp sau sẽ giàu sang phú quý, người nhiều nghiệp lực thì phải chịu tội dưới địa ngục.
Phật gia cũng giảng rằng, chỉ có thân người mới là trân quý nhất, bởi vì không chỉ thân người khó được mà còn vì chỉ có con người mới được phép tu luyện thoát khỏi kiếp luân hồi. Cho nên, chúng ta nhất định phải trân quý mỗi sinh mệnh, còn như ai có thể gặp được cơ duyên tu luyện chính Pháp thì đời này đã là may mắn nhất rồi!