Thật ra, stress cũng có stress “this”, stress “that”. Nhưng, dù là stress tốt hay stress xấu, hãy bắt đầu suy nghĩ về chuyện giải tỏa nó ngay khi thấy có biểu hiện.

Người khôn ngoan giỏi kiểm soát cảm xúc nơi công sở: 4 cách giải toả stress trong công việc

Đầu tiên hãy định nghĩa nhanh một chút thế nào là “stress công việc”? Thật ra cũng không khó để định nghĩa lắm nhỉ: Nếu Chủ Nhật bạn nghĩ đến ngày mai thứ 2 mà thấy ngán ngẩm, mỗi sáng phải cố gắng lắm để lết ra khỏi giường đi làm với tâm trạng chán chường, thì thế là stress rồi còn gì.

Thật ra stress thì cũng có cái tốt cái xấu. Đã đi làm thì không tránh khỏi những lúc deadline xoay vần, ‘mùa thở oxy’ – và những điều đó thúc đẩy chúng ta làm việc tốt hơn, tạo nhiều sản phẩm hơn, kiếm nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu để những điều đó gây áp lực quá nhiều và quá mạnh, thì chúng ta sẽ lăn đùng ra đó và không làm được gì cả. Dù là stress tốt hay stress xấu, hãy bắt đầu suy nghĩ về chuyện giải tỏa nó ngay khi thấy có biểu hiện bạn nhé.

Để có một ngày làm việc giàu năng lượng và hiệu quả, đây là một số cách mà tôi đã áp dụng.

1. Làm việc theo phương pháp Pomodoro

Pomodoro là phương pháp làm việc tập trung trong 25 phút, sau đó nghỉ 5 phút. Phương pháp này giúp cho những người thường bị mất tập trung, ham chơi có thể giải quyết công việc tốt hơn. Cứ 25 phút thì được gọi là 1 Pomodoro. Ngày nào hứng thú, bạn có thể làm tới 8-10 Pomodoro, còn hôm nào cơ thể uể oải mệt mỏi thì cố gắng làm 1-2 Pomodoro là đủ rồi.

2. Thiền nhanh trong giờ làm việc

Kết hợp với phương pháp ở trên, trong mỗi khoảng nghỉ 5 phút hoặc bất cứ khi nào thấy đầu óc hơi quay quay khi đang làm việc, tôi sẽ tạm dừng công việc lại và thiền. Nếu bạn tạm dừng công việc mà check Facebook, thì đầu bạn vẫn quay như vậy thôi – chỉ khác chủ đề quay. Việc cần làm là tạm dừng và đừng làm gì cả, chỉ đơn giản là ngồi im và hít thở sâu. Các bạn có thể lên YouTube gõ từ khóa “Meditation in 5 minutes” hoặc sử dụng ứng dụng Headspace hoặc đơn giản là tập theo 5 bước dưới đây:

– Bước 1: Ngồi thiền trên mặt phẳng trong tư thế xếp bằng truyền thống (khoanh chân, ngồi thẳng lưng, hai tay thả lỏng đặt trên đầu gối). Nếu không có điều kiện áp dụng tư thế này, bạn có thể lựa chọn ngồi trên một chiếc ghế trong tư thế thẳng lưng, hai chân buông thõng sao cho chân chạm đất. 

– Bước 2: Hít một hơi thật sâu, tập trung vào hơi thở để cảm nhận mình đang hít vào. 

– Bước 3: Thở ra toàn bộ trong một hơi, tập trung vào hơi thở để cảm nhận mình đang thở ra.

– Bước 4: Tiếp tục lặp lại quá trình hô hấp theo trình tự như trên. 

– Bước 5: Cảm nhận sự luân chuyển của dưỡng khí từ mũi, xuống ngực, xuống eo và đi ra khắp cơ thể. 

3. Giãn gân giãn cốt, đi bộ vòng vòng

Cái này cũng kết hợp được với Pomodoro ở phương pháp số 1, và phù hợp cho bạn nào không thích ngồi một chỗ. Cứ mỗi khoảng nghỉ, bạn nên đứng dậy đi vòng vòng một tí, vươn vai hít thở, nhún chân nhún vai, xoay cổ tay cánh tay bàn tay – nói chung là vận động một chút.

Tôi thấy dân văn phòng hay dính các bệnh về béo bụng, đau lưng, đau cổ tay, đau vai… – tất cả chủ yếu đến từ việc chúng ta ngồi sai tư thế hết đấy.

4. Viết Reflective Journal trước và sau giờ làm việc

Việc viết xuống các mục tiêu và suy nghĩ của mình vào đầu ngày và cuối ngày tạo cho chúng ta cảm giác là ta đang kiểm soát được mọi thứ. Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đầu ngày và cuối ngày mình vẫn có người bạn là cuốn sổ và cây bút. Tôi sẽ viết như thế này:

Trước khi bắt đầu làm việc – Bắt đầu làm việc?

Nếu chọn ra 3 việc quan trọng nhất bạn muốn hoàn thành hôm nay, đó là gì? Giá trị công việc nào khiến bạn bắt đầu công việc tại nơi mình đang làm? Công việc hiện tại của bạn có đang mang đến giá trị đó? Một việc hôm nay có thể làm cho bạn vui vẻ là gì?

Sau giờ làm việc – Nhìn lại

Tôi đã hoàn thành 3 mục tiêu đặt ra sáng nay chưa? Nếu đã xong, tôi cảm thấy sao? Nếu chưa xong, lý do vì sao?

Điều gì trong ngày hôm nay tôi đã làm tốt? Điều gì tôi làm chưa tốt?

Tôi biết ơn điều gì trong công việc của mình ngày hôm nay? Một điều tôi có thể làm ngày mai để tốt hơn là gì?

Đây là 3 việc cá nhân tôi làm mỗi ngày tại công việc. Tôi chia sẻ lại hi vọng các bạn cũng có thể áp dụng thành công.