Cảm lạnh có lẽ là một trong những bệnh phổ biến nhất khi một người có thể bị tới vài lần trong năm. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân cảm lạnh bắt nguồn từ đâu để biết cách phòng, giảm số lần mắc phải là vô cùng cần thiết.

Nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh thông thường là một căn bệnh nhiễm trùng do virus xâm nhập vào miệng, mắt hoặc mũi và gây kích ứng đường hô hấp trên. Có tới hàng trăm virus gây bệnh nhưng virus rhinovirus là nguyên nhân cảm lạnh phổ biến nhất.

Ngoài ra, những loại virus khác có thể là nguyên nhân bị cảm lạnh bao gồm virus đường hô hấp hợp bào, virus parainfluenza, adenovirus, coronavirus và enterovirus.

Khi bị virus tấn công, hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu phản ứng chống lại virus, đồng thời gây nên những triệu chứng cảm lạnh rất khó chịu như:

  • Tăng sản xuất chất nhầy: chảy nước mũi
  • Sưng niêm mạc mũi: gây khó thở và nghẹt mũi, hắt hơi do kích ứng ở mũi
  • Lượng chất nhầy tăng dần, sau đó chảy xuống cổ họng và gây ho.

Khi bạn tiếp xúc gần với người đang bị cảm lạnh, bạn có nguy cơ nhiễm bệnh. Vì virus có thể nằm trong những giọt bắn rất nhỏ được tạo ra khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện và lơ lửng trong không khí, chỉ cần hít phải sẽ nhiễm virus.

Ngoài ra, virus có thể bám trên những bề mặt, vật dụng. Khi bạn chạm vào chúng rồi đưa tay sờ lên mặt, hoặc trực tiếp để những đồ dùng này tiếp xúc với mắt, mũi, miệng thì nguy cơ cảm lạnh cũng rất cao. Chẳng hạn như dụng cụ ăn uống, khăn tắm, đồ chơi hoặc điện thoại.

Những ai dễ bị cảm lạnh

Mặc dù nguyên nhân cảm lạnh là do virus, nhưng không phải ai nhiễm virus cũng sẽ bị cảm lạnh. Nếu hệ miễn dịch của bạn tốt thì virus không có khả năng tấn công gây hại. Tuy nhiên, chúng có thể vẫn còn một lượng nhỏ ở trong hệ hô hấp và chỉ cần có điều kiện thuận lợi là sẽ bùng phát. Do vậy, trong một số trường hợp khả năng bị cảm lạnh sẽ cao hơn. Đó là:

  • Tuổi tác: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ bị cảm lạnh cao nhất bởi hệ thống miễn dịch yếu, giảm khả năng chống lại virus gây bệnh.
  • Bệnh lý: Bệnh mạn tính, suy nhược lâu ngày, HIV, bệnh nhân ung thư đang điều trị… với miễn dịch kém cũng là đối tượng rất dễ mắc cảm lạnh.
  • Mùa trong năm. Cả trẻ em và người lớn đều có khả năng bị cảm lạnh vào mùa lạnh (mùa thu và đông, bắt đầu từ cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 năm nay cho đến tháng 3 – 4 năm sau). Thời tiết khô lạnh, độ ẩm thấp khiến đường mũi trở nên khô hơn và dễ bị nhiễm trùng.
  • Hút thuốc lá. Hút thuốc cũng như ngửi khói thuốc lá làm tăng tỷ lệ cảm lạnh và làm triệu chứng nặng hơn, kéo dài hơn.
  • Tiếp xúc nơi công cộng. Nếu ở gần đám đông, nơi công cộng, đặc biệt là trong không gian kín như ở trường học, trên xe bus hoặc trên máy bay,… bạn có khả năng bị nhiễm virus gây cảm lạnh từ người khác.

Phòng ngừa bệnh từ chính nguyên nhân cảm lạnh

Không có vắc xin để phòng ngừa cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn hình thành những thói quen dưới đây sẽ giảm bớt đáng kể việc bị cảm lạnh hoặc lây từ người khác:

  • Rửa tay: Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có cồn chứa ít nhất 60% cồn. Tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng khi chưa rửa tay.
  • Khử trùng vật dụng xung quanh: Làm sạch và khử trùng các bề mặt dễ tiếp xúc, chẳng hạn như tay nắm cửa, công tắc đèn, thiết bị điện tử, mặt bàn bếp và phòng tắm hàng ngày. Đặc biệt là khi trong gia đình có người bị cảm lạnh.
  • Che miệng: Dùng khăn giấy che miệng khi hắt hơi hoặc ho. Sau đó, vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay thật sạch. Nếu không có khăn giấy, hãy hắt hơi hoặc ho vào chỗ cong của khuỷu tay và sau đó rửa tay. Đây là cách để phòng ngừa nguyên nhân cảm lạnh do lây lan từ người sang người.
  • Đừng chia sẻ vật dụng cá nhân: Không dùng chung ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống với người khác, kể cả thành viên trong gia đình.
  • Tránh xa những người bị cảm lạnh: Tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh, đeo khẩu trang nếu bắt buộc phải tới cần và sát khuẩn tay thường xuyên. Cố gắng tránh xa đám đông khi có thể.
  • Chăm sóc sức khỏe bản thân: Bạn nên cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập trung vào những nhóm thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng như rau củ quả; tập thể dục hằng ngày và ngủ đủ giấc.
  • Chọn nơi gửi con: Đối với trẻ nhỏ bạn nên chọn cơ sở giữ trẻ an toàn, đảm bảo vệ sinh và có kế hoạch sắp xếp tốt nếu trong lớp có trẻ khác bị bệnh.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã biết rõ về nguyên nhân cảm lạnh và cách phòng ngừa căn bệnh khá phổ biến này nhé!