TỰA

Quyển đầu nói cách riêng về mẫu số chung hơn hết cho văn hóa loài người, đó là Mẹ, là nguyên lý Mẹ mà hai ông Bachofen và Briffault cho là đang thiếu vắng cách trầm trọng trong văn minh ngày nay. Nếu hiểu Mẹ là tình yêu thương thì câu nói tỏ ra đúng hết sức, đã thế lại thêm công trạng làm cho cụ thể thêm, nên đáng được tiếp nối cách nghiêm túc. Vì vậy quyển “Thái Bình Minh Triết” này có thể gọi là bản ca vịnh Minh Triết dưới tên MẸ. Ðây là một việc mới lạ về lối nói chữ về thực chất thì ngay từ buổi sơ nguyên huyền sử thì Mẹ đã được đồng hóa với Minh Triết và mang tên các Nữ Thần như Sophia, Athena, Demeter… Còn Việt nho thì gọi là Nữ Oa, Âu Cơ, Nữ Thần Mộc. Còn nguyên lý Mẹ thì gọi là Khôn (đối với Cha Kiền hay Càn). Chính nền khôn ngoan Minh Triết đã mở đầu trình sử muôn dân với những trang huyền sử u linh man mác và đã từng để lại nhiều ẩn tích như mẫu hệ, mẫu cư, mẫu quyền, hoặc các thần nữ, thần trăng…

Khi con người bước vào thời văn minh với lịch sử, với binh bị, với luật pháp với vương quyền, mà xã hội học gọi là thời Phụ Hệ thì bắt đầu nghiêng mạnh sang bên mưu trí, ngược với mẫu hệ nổi về tâm tình, về nhân ái, Việt nho quen nói là “mẹ non nhân, cha nước trí”. Ðó là thế quân bình siêu lý tiên bồng, và chỉ giữ được khi đặt “non nhân trên nước trí”. Nhưng Phụ Hệ đã đặt “nước trí trên non nhân”, nên “non nhân” bị ngạt, nhiều nơi bị tắt thở trọn cùng với nguyên lý thân tộc nhân trị, nhường chỗ cho các xã hội lý với đường lối thống trị chuyên chính ngày càng chồng chất nô lệ, chiến tranh, bạo tàn.

Năm 1851 ông Bachofen khám phá thấy văn minh nay thiếu nguyên lý Mẹ. Quyển này muốn góp công vào việc lập lại nguyên lý Mẹ bằng cách quang phục nguyên Nho, cũng gọi là Việt nho. Ðây là một thứ đạo còn tàng chứa đầy nguyên lý Mẹ, chỉ việc khai quật tận nền thì sẽ gặp được nền nguyên Nho Minh Triết đầy khả năng đáp ứng mọi nhu yếu thâm sâu của con người. Nền Minh Triết uyên nguyên nọ được Nho gọi ít bằng tên thần nữ mà phần nhiều bằng tên các tổ mẫu của dòng tộc như Nữ Oa, Âu cơ, Vụ tiên…toàn những vị đã làm nên những việc có tầm vóc vũ trụ, như Tổ Mẫu Âu cơ đẻ cái bọc trứng vũ trụ, Nữ Oa thái mẫu thì vá trời, tát bể, mẹ Hi Hòa tắm cho con mặt nhật rồi Mẹ đem phơi trên cây giâu… Ðó là một vũ trụ quan tràn đầy hoạt lực cao sang chất ngất, mà đồng thời vẫn rất thiết thực và thâm tình. Ðó là dấu của Minh Triết là khả năng nối kết hai thái cực lại với nhau.

Ðể điều chỉnh nền văn minh thời mới quá thiếu tình yêu, thiết nghĩ cần một vũ trụ quan đầy yêu thương chí thiết như vậy. Chính vì thế mà chúng tôi hay chỉ Minh Triết bằng vài ba tiếng chất ngất yêu thương, mênh mông như biển cả Thái Bình: Mẹ. Nguyên lý Mẹ. Thái Bình Minh Triết.

CHÚ THÍCH:

1.

Có một vài điều liên quan tới mối liên hệ cải tổ giữa Tàu với Việt thiết nghĩ cần được bộc bạch để tránh những ngộ nhận có thể xảy ra. Ðiều trước hết là trong sách này vai trò Việt coi như quan trong hơn Tàu thí dụ hay dùng chữ Việt nho hơn Hán nho, thì cái đó có đấy nhưng hoàn toàn không hề vì coi nhẹ hay chối bỏ những gì tốt đẹp giữa hai nước, nhưng vì mối liên hệ mới đặt nặng trên văn hóa của đại tộc, thì vai chủ động không còn thể nằm trong tay người Tầu nhiều như trước bởi dù đúng hay sai thì người Ðông nam Á đã quen coi người Tàu như đế quốc chinh phục nên trong việc mưu tính phục hưng Ðạo lý chung toàn miền thì không tiện cho người Tàu đứng đầu cách công khai, mà phải chuyển sang Thái Bình dương, trong thực tế phải là một nước khác, bất kỳ nước nào cũng được và nước này không hề được coi mình là chủ chi cả, mà chỉ như là người đưa thư, một thứ điều hợp viên mà thôi, nhưng là tình nguyện vì chưa có thể chế chi cả.

Chính trong chiều hướng như thế mà mà một số người Việt nam dám đứng ra thử làm, trước hết chỉ nghĩ đến cứu vãn nền văn hóa cổ, sau là may ra có thể cứu vớt một số trẻ em không thân nhân nên không được chính quyền thâu nhận, cuối cùng nhìn ra khả thể lớn lao về phía đại chủng, nên mới nghĩ đến việc thiết lập “Ðạo trường chung cho Ðông Á”, rồi đạo “Thất Thất”, rồi cầu cứu mở rộng, mỗi ngày mỗi rộng, như xem trong dự án Ðạo Thất. nhưng l’homme propose, Dieu dispose. Với ÐNA thì Dieu=Dân, vạn đại chi dân.


CHƯƠNG I: ÐỊA VỊ PHỤ NỮ TRONG VIỆT NHO

1.

Nhiều người cho rằng địa vị phụ nữ Việt quá thấp, có thể ví với con trâu cày. Câu đó sai nhiều đúng ít.

Ðúng ít ở hai điểm: một là Hán Nho đã hạ đàn bà quá đáng gây nên cảnh chồng chúa vợ tôi. Ðấy là điều ngược với nguyên Nho vốn coi âm dương quan trọng như nhau. Hai là do thói tục cổ thời cũng như kinh tế thấp kém thủa xưa thì nhiều việc nặng nhọc cũng đến lượt đàn bà phải gánh vác: đâu đâu cũng vậy chứ không riêng gì xã hội Việt Nho.

Còn sai nhiều là khi ta so sánh với địa vị phụ nữ các nơi, cũng như trải qua các đời kim cổ sẽ thấy địa vị phụ nữ bên Việt còn khả trợ hơn rất nhiều. Ðó là điều ít được nhận ra vì thường người ta quen xét đoán theo thời mới là thời đã được kỹ nghệ làm cho Âu tây trỗi vượt Á châu và các châu khác, chứ còn ở thế kỷ thứ 17 khi Âu Á mới gặp nhau thì Á châu có một số điểm trội hơn, trong đó có nhiều tục lệ nơi cổ Việt dành cho phụ nữ địa vị cao hơn, như nhiều nơi vẫn còn truyền đến tận nay là bà đồng tế với ông, nếu không phải là một mình bà chủ tế.

2.

Bên ta tuy có thói trọng nam khinh nữ nhưng đó không phải do Việt Nho mà do Hán Nho, và dầu sao cũng không có những tục lệ quá khinh nữ kiểu Do Thái sinh con gái không thắp nén, mẹ phải tẩy rửa hai lần(1) hay đàn bà không được trang điểm son phấn, không được đeo ngọc ngà và phải đội mũ để tỏ dấu suy phục(2). Lại còn những tục lệ và cả luật pháp coi đàn bà như nô lệ, kể cả luật Manu bên Ấn độ đã có lúc ca ngợi người mẹ hết cỡ, nhưng nói chung vẫn khinh dễ đàn bà, coi là vật hèn bị kìm kẹp trong bậc nô lệ, không cho đọc sách thánh, không được vào nhà thờ vv… Luật Leviticus ví đàn bà với những con vật của đàn ông nuôi để mang vác đồ nặng (Leviticus likens her to the beasts of burden owned by the patriarch). Luật Solon (Hi lạp) không dành cho phu nữ quyền hành nào hết. Luật Roma đặt đàn bà dưới quyền người quản thúc, vì cho là ngu đần. Luật Coran coi đàn bà đầy khinh rẻ (second sex. p.90). Có những tác giả tây phương cổ thời gọi đàn bà là cống rãnh đô thành “hoặc” trong những con thú vật thì không giống nào đáng hổ ngươi bằng đàn bà (second sex p. 110). Còn vô số câu nói và luật lệ khinh rẻ và hạ nhục đàn bà khiến ngày nay khi đọc đến ta thấy không ngờ trong những xứ văn minh đàn bà đã bị đàn áp khinh khi đến thế và lúc ấy mới nhận ra địa vị phụ nữ trong xã hội Việt Nho thực là cao cả.

3.

Nhiều người trách cứ Nho về chữ “tam tòng” (còn nhỏ theo cha, kết bạn theo chồng, chồng chết theo con). Nhưng có biết đâu rằng nhiều nơi không những tam tòng, mà còn tứ tòng tức thêm người quản thúc.

Riêng việc tam tòng nên nhớ đến nội dung xem nó có chứa đựng cái gì khác hơn là suy phục chăng? Trước hết đối với theo cha thì không có vấn đề: con theo cha là thường tình, gái hay trai cũng thế: không có cha đẻ mà theo mới côi cút khốn khổ. Thứ đến là theo con thì hãy xét xem mẹ theo con phải chịu thiệt những gì? Thưa không phải thiệt gì hết mà trái lại là để đươc phụng dưỡng giữa sự quấn quít của con cháu cách kính trong yêu thương, chả sướng hơn là vào nhà dưỡng lão to vo một mình cô đơn hiu quạnh hay sao. Hãy nhớ lại những truyện Từ Hi thái Hậu nắm chính quyền, hay khi vua Tự Ðưc đi săn về muộn bị me là bà Từ mẫu lập nghiêm không nói với, liền tự ý đi lấy roi để trước mặt mẹ rồi nằm xuống xin mẹ sửa trị. Tuy đó là biệt lệ hãn hữu, nhưng nó nói lên quyền các bà khi theo con lớn kinh khủng khó đâu bằng, vì chữ hiếu được nhấn mạnh rất nhiều bên Ðông Á nên nói được địa vị các bà khi theo con là sướng nhất.

4.

Chỉ còn việc theo chồng thì chịu rằng có sự chênh lệch bất công như chồng được rẫy vợ mà vợ không được rẫy chồng, tức vợ bị khép vào khuôn khổ mà chồng thì mặc sức tự do, nhưng nên nhớ rằng đó là hiện tượng xảy ra hầu khắp nơi, đến nỗi người ta có lý để tố cáo các luật lệ làm cho mối liên hệ bất công. So sánh sẽ thấy bên Việt nhiều công bằng hơn, thí dụ trong lễ cưới có lễ phu thê giao bái= hai bên bái nhau chứ không có lệ riêng vợ bái chồng, xa biết bao với tục lệ bên Nga ngày cưới bố cằm roi đánh nhẹ con gái rồi trao roi cho chàng rể, hàm ý trao quyền chồng làm chúa, coi vợ là mọi tôi (4). Nơi cổ Việt không dùng cả đến chữ phụ (trong phu phụ) mà ưa dùng chữ thê (trong phu thê). Chữ phụ nói lên sự tùy tùng, lệ thuộc không có trong phu thê là ngang hàng: “thê giả tề dã”. Trong quyển Au pays d’Annam, les dieux qui meurent, nơi trang 66 ông Paul Veret nhận xét phong tục và luật lệ Việt nam đặt vợ ngang hàng vơi chóng:”le code vietnamien place l’épouse sur le même rang que le mari”.

Thứ đến đây không nói quyền lợi mà chỉ phân công “nam ngoại nữ nội”, hàm nghĩa bà là chủ nhà gọi là “nội tướng”, chính bà giữ của. Ai gọi vợ là “nội trợ” là tầm bậy theo kiểu Hán Nho rồi. Hán nho phần nào theo du mục coi vợ như tài sản của chồng, nên chồng chết muốn vợ thủ tiết thờ chồng. Nói phần nào vì thủ tiết được đề cao chứ không thành định chế bó buộc, phương chi không đời nào có vụ sutee như bên Ấn độ bắt vợ phải lên giàn hoả chết theo chồng hay ít ra bị coi như tôi mọi như bên xã hội cổ Hi lạp, nơi mà trừ ít biệt lệ còn đàn bà không hơn nô lệ bao nhiêu (5). Nhiều nước bên tây lúc trươc các bà góa không được làm chủ tài sản. Ðàn bà bên Anh mới được giữ tài sản từ năm 1882. Bên Việt nam, tài sản vợ là của chồng, tài sản chồng là của vợ mãi từ xa xưa. Lại còn về tên: đàn bà Việt lấy chồng rồi cũng cứ giữ tên cũ trong giấy tờ. Ðó là điều không có ở nhiều nơi.

6.

Ngoài lệ “phu thê giao bái” còn có vụ “đồng tế” trước bàn thờ gia tiên: bắt buộc phải có sự hiện diện của bà thì lễ mới thành, đến nỗi nếu bà qua đời lúc ông chưa tới 70 tuổi thì bó buộc ông phải lấy vợ khác để có người đồng tế.

Tóm lại địa vị phụ nữ Việt Nam nói chung tuy vẫn còn có những điều phải cải tiến y như các phụ nữ trên khắp hoàn cầu, nhưng khi đối chiếu với các nơi và xét theo luật lệ thì địa vị phụ nữ Việt nam phải nói là cao nếu không nhất thì cũng vào hạng nhất. Ta sẽ thấy điều ấy rõ hơn nữa khi bàn đến tầng triết lý ở triệt sau.


CHƯƠNG II: NGUYÊN LÝ MẸ

7.

Nói đến nguyên lý Mẹ là nói đến đợt sâu xa nhất của văn hóa quen được mệnh danh là triết lý siêu hình. Triết Việt đã tóm siêu hình vào ba loại chân lý nền tảng hơn hết rồi chỉ thị bằng các số 2, 3, 5.

  • Số 2 chỉ sự Thái Hòa giữa Hữu với Vô, giữa động với tĩnh, giữa nhất với đa, giữa tình với lý, giữa Mẹ với Cha… nghĩa là giữa những trái ngược như nước với lửa thế mà Hoà hợp được nên gọi là Thái Hòa.
  • Số 3 Nhân Chủ đưa con ngưười lên đến chỗ cùng cực có thể đó là tự do, tự lực, tự cường cho tới mức vũ trụ: ngang cùng Trời, Ðất.
  • Số 5 Tâm Linh lấy chính tâm mình làm nơi tối cao hầu qui hướng về để tìm điểm móc nối với toàn thể vũ trụ. Như vậy là không thể ước mong đạt gì hơn được nữa. Không thể tiến xa thêm. Tóm lại với những chân lý chỉ thị bằng các số 2,3,5 đã là đi đến cùng cực. Vậy mà ta sẽ thấy Mẹ đã xuất hiện trong cả ba số đó mà còn ở thế thượng phong, thì ta biết có đủ chứng để quả quyết rằng: triết Việt có đầy đủ Nguyên lý Mẹ. Ta sẽ lần lượt chứng minh như sau.

8.

Trước hết là số 2 với biểu hiệu (thái cực viên đồ) thì Âm xuất hiện bên trái và ở trên, tức là âm trước dương, vợ trước chồng, Mẹ trước cha. Kém một bực là thứ tự dương âm: đặt dương trước âm, càn trước khôn, phu trên phụ thì liều mình mất Mẹ. Còn khi đi vào duy nào dù duy âm hay duy dương đều mất nguyên lý Mẹ. Việt đã giữ được thứ tự âm dương hơn Tàu khi nói vợ chồng, nhà nước, vài ba, chẵn lẻ… tức đặt âm trước dương, khôn trước càn. Tàu nói Càn Khôn, phu phụ, quốc gia, tham lưỡng, cơ ngẫu… tức đặt dương trước âm, tuy cũng còn giữ được nguyên lý Mẹ, nhưng đã kém đi nhiều, nên quen gọi là Hán nho, tức là nho đã bị bẻ quặt. Tuy nhiên còn khá hơn những nền văn hóa không còn số 2, đã trở nên cố định một chiều duy âm hay duy dương như sẽ thấy sau. Khi ta nói vợ chồng, vài ba, nhà nước, thì không phải là thói quen suông, mà chính là hậu quả do một nguyên lý có nền móng siêu hình hẳn hoi; chứng cớ là thứ tự đó đã được tôn trọng và quảng diễn ra nhiều hình thái khác nhau như tam tài (số 3) ngũ hành (số 5) hay Việt tỉnh cương (số 9).

9.

Hãy trở lại với hình “thái cực viên đồ đơn” và ta thấy âm trên. Hình này thường thấy đặt lung tung do sự mất ý thức hay do Hán Nho nhưng khởi đầu thì âm phải đi trước, ở bên tả. Có vậy mới ra quẻ Thái * h3.* để đạt sự hanh thông, còn nếu đặt ngược lại Càn trên Khôn thì ra quẻ Bĩ *h4* không ra người nữa, như câu Kinh Dịch nói “Bĩ chi phỉ nhơn”. Với câu đó ta thấy Kinh Dịch quan trọng hóa thứ tự âm dương biết bao, đến độ nói đặt dương trước âm thì không ra người, tức không còn là Nhân Chủ nữa, mà đã ra Vật Chủ tức nghiêng sang bên vật chất, thể gọi là trục vật.

Thứ đến có đặt âm trước dương mới giữ được cổ tục Việt trọng bên tả gọi là “tả nhậm”, tức âm đặt bên tả như được biểu lộ rõ nhất trong hình Nữ Oa Phục Hi. * h5*

Nữ Oa bên tả, Phục Hi bên hữu, do đó ta có tục “nữ tả phòng, nam hữu phòng”. Về sau Tàu đổi thứ tự thành “nam tả nữ hữu” theo thứ tự “Càn khôn” cho con trai sang bên tả như ta quen nghe nói “Ðông cung thái tử”. Ðó là dấu dương lần át âm để dành chỗ tốt.

  • Số 2 còn được quan trọng đặc biệt khi được dùng làm nền tảng cho Kinh Dịch, là quyển Kinh cốt cán của Việt đạo, nhưng vì Dịch có 5 giai đoạn hình thành, mà hai giai đọan sau là của Tàu, nên đặt ngược thứ tự dương trước âm. Nhưng vì chữ âm dương đã quá quen trong dân chúng rồi không tiện đổi lại, nên đổi Khôn Càn ra Càn Khôn. Nói càn khôn là đặt cha trước mẹ để lấn át thứ tự của Việt tộc là Khôn Càn, như còn giữ được ở nước Tống mà Khổng tử đã có lần được nghe (Liki. VI,6) *6

(Chú thích *6) Thứ tự âm dương hay vài ba nói lên chủ quyền đầu trước hết về quyển Kinh Dịch là Việt tộc. Tàu đến sau và làm khác đi bằng đặt càn trước khôn, tham trước lưỡng. Ngũ hành cũng vậy, thứ tự bình dân (tức Việt tộc) nói “kim mộc thủy hỏa thổ”. Ðó là nét ngang trước [kim-mộc], nét dọc [thủy- hỏa] sau, tức đặt âm trước dương: nét ngang là âm, nét dọc là dương. Còn Hán Nho thì dọc trước ngang sau, với thứ tự trong Kinh Thư là: “thủy hỏa mộc kim Thổ”.

10.

Số 3 là Tam Tài: Trời, Ðất, Người, hay là Thiên hoàng, Ðịa hoàng, Nhân hoàng. Nhân hoàng cũng gọi là Oa hoàng. Huyền thoại qui cho Bà công lập ra phép linh phối, tức nối trời cùng đất. Thứ tự bộ ba này được chiếu giải vào ba đầu rau, trong đó có hai ông một bà. Theo luật “quả vi quân, chúng vi dân” (ít làm vua, nhiều làm dân) thì bà làm chủ bộ ba, cho nên số ba cũng là số của các thần nữ, như nữ thần Mộc (hành mộc số 3). Ở số ba ta thấy Hán Nho đưa ra Hòang đế chiếm chỗ của Oa hoàng, thành ra bộ Tam hòang mới là Phục Hi, Hoàng đế, Thần Nông: đẩy Nữ Oa ra ngòai không còn ai cằm Cái Qui tức là đánh mất Minh Triết, vì Nữ Oa chỉ nền Minh Triết hay Nguyên lý Mẹ cũng thế. Tuy nhiên chưa đến nỗi đực rựa như các bộ ba duy thần của nhiều văn hóa khác thí dụ của Aryen bên Ấn độ với ba thần: lửa, sét, nhật (Agny, Indra, Surya. Bộ ba của Ai cập: Shamar=nhật, Namar=trăng, Bel=đất.

Số 5: Ngũ hành thì Hành Thổ cũng là nữ. Do đó Thổ thần là thần nữ. Ðiều đó còn biểu lộ trong vụ bà nữ Oa cằm cái Qui + (số 5 xưa viết là +) dùng để vẽ hình tròn, ngược với cái Củ vuông trong tay Phục Hi. Ta quen nghe nói “Mẹ tròn con vuông” là ngầm đề cao mẹ trên cha. Ông Phục Hi cầm cái Củ là âm trên dương. Huyền thọai cũng theo ý đó khi qui cho bà Nữ Oa công dựng nên người tức sự giáo dục con là do Mẹ hơn cha. Mẹ khởi đầu dậy con từ lúc mang thai gọi là thai giáo, do đó gọi là “mẹ tròn ôm lấy con vuông”. Nói bằng số thì là 5 ôm 4 thành ra số 9. Nữ thần Mộc cũng có tên là “Cửu thiên huyền Nữ”. Chữ huyền đây hiểu là huyền diệu, là ăn thông với Vô cùng.

Ðến đây ta phải nói tới lâu đài rực rỡ cuối cùng là “Việt tỉnh cương”. Theo nghĩa thường thì Việt tỉnh là giếng của Việt tộc chỉ thị nền Minh Triết vô cùng, múc không bao giờ cạn. Phương ngôn nói: “bằng cái sàng ba làng ăn không hết”. Câu ấy cùng nghĩa với Hành Thổ có tính chất vô biên. Việt tỉnh cương phát xuất từ khung chữ Tỉnh #, rồi sau thêm 4 ô ở 4 góc thành ra Cửu Lạc như hình *7*. Sau Cửu Lạc được Nho công thức hóa thành “Hồng Phạm Cửu Trù”, rồi lại biến ra “Thài Thất” để chỉ bản Tính con Người. Vì thế khi hiện thực được Tính thể con người Ðại Ngã tâm linh thì gọi là “nhập ư thất”= vào được Thái Thất. Thái Thất có ba tầng chỉ trời, đất, người.

12.

Muốn hiểu hai chữ Thái Thất thì nên đối chiếu với chữ gia. Gia chỉ con trai. Thất chỉ con gái. Gia kép bởi bộ miên và thỉ. Thất kép bởi miên , công và thổ. Miên là mái nhà chỉ trời, Công (công biến thế) chỉ tác động nên cũng chỉ con người được định nghĩa là tài, là tác, là tác viên. Còn Thổ là đất. Thế là ngay chữ Thất đã hàm tàng 3 yếu tố lớn lao hơn hết làm nên con người (nhân giả kỳ thiên địa chi đức). Vì thế Thái Thất chỉ bản Tính con người. *hình Thái Thất *8*

Nhiều người trách Nho hạ đàn bà quá xá như viết chữ gian với ba chữ nữ . Ðó có thể là Hán nho. Dầu sao đó là ba cái lẻ tẻ xá chi: cần nói tới nền tảng thì chính đàn ông mới bị. Ai đời đàn ông được có chữ miên với thỉ là heo ! Oan quá phải không các cụ? Ấy là chưa kể tới bộ kỳ chỉ linh thiêng thì cũng âm (số 2) ở trên, dương (số 3) ở dưới. Vì thế khi viết chữ diệu (huyền) thì dùng bộ nữ chứ nam có được dự phần đâu.

Tóm lại khi xem bao trùm cả ba số nền tảng 2, 3, 5 thì thấy cả là một bản chói chang về Nguyên lý Mẹ, vì ở cả ba số Mẹ đều ở thế thượng phong. Số 2 thì âm đi trước (ladies first). Số 3 thì Mẹ làm vua ở giưã hai ông đóng vai dân. Số 5 thì Mẹ bao quát hết (Mẹ tròn con vuông) để làm nội tướng cũng gọi là Thái Thất, đẩy ông ra ngòai cằm cái củ vuông 4 góc bé nhỏ gọi là cá (4 số chỉ cái củ của ông).

13.

Bây giờ kiểm soát xem việc làm của Mẹ có được như địa vị tiên thiên vừa kể chăng? Trước hết ta thấy Nữ Oa thái mẫu đội đá vá trời. Bà Hi Hòa tắm cho mặt nhật.

Toàn những việc có tầm kích vũ trụ. Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên núi lập ra nước Văn lang. Việc lập nước là công của Mẹ. Sau này cứu quốc thì công đầu cũng là Trưng nữ vương với bà Triệu, chứ các ông mãi cả nhiều trăm năm sau mới lò dò bò ra. Câu nói: Mẹ Âu Cơ đem 50 con lên núi thì phải hiểu nguyên lý Mẹ dãn đoàn con đến chỗ triệt cùng triệt để, tức là dẫn đến chỗ Minh Triết, nói kiểu siêu hình là đén chỗ phân cực triệt thượng, để đối với Lạc long quân”triệt hạ” ở đáy bể, tức đều là những việc lớn lao có tầm vóc vũ hoàn. So với bà Pandore tò mò mở hộp cho tai ương tràn ra trên mặt đất thì ta thấy rõ văn hóa tây âu bóp chết nguyên lý Mẹ khi đổ lên đầu các bà hết mọi tội lỗi, và thế là nguyên lý Mẹ bị gảy ra khỏi văn hóa. Người ta quen gọi đó là tật ghét đàn bà= misogyni=hatred of women. Tật này lan tràn trong triết tây, có thể tóm vào câu nói sau” mọi tội lỗi trong thế gian này là do đàn bà”. Câu đó được nói ra do rất nhiều người, vì ngày xưa người ta tin như thế, mãi tới nay mới nhận ra rằng niềm tin đó là bởi các đực rựa đưa ra do hậu quả của nền triết học duy lý, thiếu tình người (tình Mẹ, lý Cha). Thái độ đó được chiếu giãi vào huyền thọai Hi lạp kể về nữ thần Hera bị chồng là thần Zeus treo lên mà đánh.

14.

Ta hãy soát lại ba số 2, 3, 5 lần cuối cùng:

  • Số 2 Thái Hòa vắng bóng trong văn hóa duy lý, nơi chỉ có nguyên lý đồng nhất = một là một, không thể có một mà hai, hai mà một kiểu lưỡng hợp (dual-unit). Chỉ có một tuyệt đối chiếu giãi vào chữ vạn + chứ không có chữ Viên (như trong Tản Viên) tản ra hai ngả âm dương: bên Vô bên Hữu như có hàm tàng trong bộ số Quy Thư. (sẽ nói sau)
  • Số 3 Nhân Chủ thì đã bị gảy ra ngoài bằng nguyên lý Triệt Tam=tiers exclu= middle excluded, và bằng đề cao bên hưũ, còn bên chiêu gọi là tay trái. Trời ơi đã làm gì mà bảo là trái. Ðó là triết lý sức mạnh” the right of the might”= nó phải vì nó mạnh, còn yếu thì trài. Ðó là lý luận của duy vật: bắt được quả tang là đã đặt dương trên âm, khiến văn hóa nay lâm vào ngõ bí. Kinh Dịch bảo: “Bĩ chi phỉ nhân”=không còn ra người nữa.
  • Số 5 Tâm Linh cũng không có mà chỉ có tứ tố tức một chiều: vuông bốn góc bánh chưng, làm nền cho cá nhân chủ nghĩa (cá ở bốn góc Thái Thất) chứ không có bánh giầy tròn ở trên, không có Ngũ Hành nên cũng không có Vô thể, thiếu trung cung tức là thiếu liên hệ với linh thiêng sâu thẳm./.

CHƯƠNG III: DƯỚI BÓNG MẸ HIỀN

15.

Bóng Mẹ hiền đây xin được hiểu là dưới ảnh hưởng của nền Minh Triết đầy đủ nguyên lý Mẹ. Ðó là điều họa hiếm. Hầu hết chỉ còn có cha, tức duy dương, duy trí, duy vật.

Nói tơí Mẹ hiền tự nhiên liên tưởng tới cha dữ. Ðó không phải bất công, mà chỉ là kiểu nói bình dân có phần hơi mạnh để tỏ tính của hai đối cực: bên nhu bên cương, bên tròn đầy bên bắt góc. Cương mà không được nhu thấm nhuần thì dễ trở nên bạo hành tàn nhẫn. Vì thế nếu phải chia ra hai cột thì bên Mẹ là yêu thương vô bến bờ, chuyên nâng đỡ đời sống. Bên cha là tăng quyền uy, bắt đi sát kỷ luật nghiêm khắc. Bên Mẹ là hòa bình , bên cha là hiếu chiến. Bên mẹ là tích tụ. Bên cha là phân tán. Bên Mẹ là lệ làng. Bên Cha là pháp nước. Pháp nước thì chung cho toàn quốc, có tính cách trừu tựơng, tự trên áp đặt không hợp cho mọi nơi được. Còn lệ làng là của từng điạ phương hợp tình hợp cảnh vì do dân dựa theo kinh nghiệm mà đưa ra nên có tính cách bình dân hơn hẳn. Bên mẹ là nông thôn đồng ruộng, văn hóa. Bên cha là thành thị, văn minh, thương mại. Bên Mẹ là nhân aí yêu thương. Bên cha là trí mưu tính toán. Nói gọn là: “mẹ non nhân, cha nước trí”.

16.

Tóm lại nếu phân ra được thì ai cũng nhận bên mẹ. Luật Manu nói mẹ đáng mến ngàn lần hơn cha (W. Durant 494). Tuy nhiên không vì mẹ đáng yêu mến hơn mà bỏ cha được. Bởi như đã nói trên: mẹ cha chỉ là đại biểu cho hai thái cực. Kinh Dịch nói “duy dương bất thành, độc âm bất sinh”không được chọn một bỏ một. Lý tưởng là làm sao giữ được cân đối. Theo tiền sử ở thời thái sơ gọi là văn hóa thì điạ vị mẹ nổi vượt nên có an hòa, có cân đối , nhưng đến đời văn minh thì cha lấn mẹ, vậy là mất thế quân bình. Bí quyết giữ thế quân bình ở taị nâng đỡ bên mẹ: nâng đỡ bên yếu, gọi là tinh thần phù yểu, biểu thị bằng tục trọng tẩ (tay tả yếu hơn nên được dùng để chỉ bên yếu cần nâng đỡ) có vậy mới giữ được thế bình quân giữa âm và dương để làm nên cõi người ta.

17.

“Cõi người ta” phải có bầu khí Thái Hòa để đúng với câu: “thiên sinh, địa dưỡng, nhân hòa”. Muốn cho cảu trên trở nên gần gũi và thắm thiết cùng cực thì văn hoá Việt dùng hình ảnh mẹ cha. Thay vì nói thiên sinh mẹ dưỡng” thì nói “cha sinh, mẹ dưỡng”, nội dung như nhau, chỉ khác lối trình bày: nói “cha sinh mẹ dưỡng” là rút cái bao la thiên địa vào tầm mức nhỏ cho con người dễ thâu nhận, chứ chân lý vẫn là một, gọi là “thiên điạ vạn vật nhất thể”. Theo đó thì cái thực cho một phần cũng là thực cho tất cả = một cọng cỏ cũng giá trị như trời đất. Nói thiên sinh địa dưỡng hay nói cha sinh mẹ dưỡng cũng thế: đứa con phải là sản phẩm của một tác hợp tràn đầy ái ân thâm thiết, nên sản phẩm phải được định tính bằng chữ Hòa chữ Hợp. Nói nhân hòa cũng như nói Hòa là con người. Thiếu Hòa không ra người được. “Bĩ chi phỉ nhân”. Muốn ra người phải là quẻ Thái. Có đạt Thái Hòa thì con người mới đạt cùng cực là Ðại Ngã Tâm Linh. Ðó cũng là cứu cánh của con người rồi đó.

18.

Thế nhưng trong thực tế con người chỉ đạt những bước hòa nho nhỏ cỡ lương tri thường nghiệm, nghĩa là những hậu quả bé nhỏ còn đầy mâu thuẫn. Kinh Thánh có câu khuyên người cần hiền lành như chim bồ câu, nhưng lại phải khôn ngoan như con rắn. Câu đó phảng phất lý tưởng tiên rồng, vì cũng có chim chỉ mẹ và rắn chỉ cha. Nơi Việt tộc thì tiên chim và xà long đã gặp nhau trên cánh “Ðồng Tương”. Nói cánh “Ðồng Tương” là nói lên mối Tương quan thân mật cùng cực như thấy được trong Trống Ðồng hình chim Âu đang đưa cái hôn nồng cháy vào tận cửa họng thuyền rồng. Thực không thể tả cảnh ái ân cách thắm thiết táo bạo hơn, nhưng cũng thanh tao rất mực không thể hơn được nữa. Hình ảnh ấy nói lên sự thực hiếm có trên đời là nền Minh Triết tròn đầy gồm cả mẹ lẫn cha mà tiền nhân ta gọi là “Giao Chỉ” với nguyên nghĩa là chỉ trời chỉ đất giao thoa. Giao thoa được cùng chăng là do con người có làm tròn nhiệm vụ “Nhân Hòa” cùng cha ông. Trong thực tế ở khắp nơi tất có nhiều cuộc giao chỉ, nhưng hầu hết đều ở đợt lương tri, chứ chưa đạt đợt triết lý, nên thiếu những lâu đài trường cửu như nơi Trống Ðồng. Lác đác đó đây cũng có gặp chim và rắn, nhưng lại trong thế giao tranh như thần điểu Garuda đang mổ rắn Naga bên Ấn độ, tức là chim rồng không gặp nhau trên cánh Ðồng Tương, mà trên cánh đồng tương tranh tương đố. Bên Perse còn tệ hơn khi cho thần lành diệt thần dữ. Ðó là lấy dương làm(?) tâm, đi đến thuyết nhị nguyên đối kháng, y như vật biểu hầu khắp nơi đều không có chim trời đi với rắn nước, mà nếu có chim thì hầu hết là loài chim ăn thịt thứ dữ, hay toàn loài ác thú 4 chân, nên đều là tương tranh tương đấu, chứ không có tương ái tương hòa.

19.

Ðiều ấy có nghĩa là trong hết mọi chặng con người chưa thành tựu được cảnh Thái Hòa trong “tình lý tương tham, tri hành hợp nhất”. Sâu xa hơn nữa thì ý thức phải hợp với tiềm thức, nói kiểu siêu hình là Hữu phải ôm Vô. Hữu là ý thức là lý trí, còn Vô là tình là Tâm (tâm thuộc tiềm thức): hai diện đó phải hòa phải hợp, nếu không thì gây ra tâm bệnh thường là loại schizophreny có nghĩa là chẻ đôi tâm trí, vì thế cũng gọi được là split personality= bản lãnh chẻ đôi. Người bị chứng đó mắc đầy mâu thuẫn, mảnh mún, rời rạc, thiếu nhất quán. Không có được một bản ngã hùng mạnh. Ðây là đợt cá nhân. Bước sang đợt gia đình thì “phu thê giao bái” đốc ra lối “chồng chúa vợ tôi” theo kiểu luật rừng yéu thua mạnh được.

20.

Thế rồi lên hai cấp trên là “trị quốc bình thiên hạ” thì là thói mạnh lấn yếu, trước là nước lấn nhà: đốc ra độc quyền chuyên chế. Tổ tiên ta quen nói “nhà nước” rồi “làng nước” nối hai lại một, nhưng khi rơi vào tay chuyên chế thì cả làng lãn nhà đều bị lấn át. Ðến chỗ cùng cực thì chỉ còn quốc tế chứ nước cũng bị đe dọa biến luôn dưới sức búa bổ “Tam Vô” là vô gia đình, vô tôn gáo, vô tổ quốc. Vô tôn giáo là diệt tâm tình. Vô gia đ 1nh là diệt tổ ấm nuôi dưỡng xàc thân, diệt luôn tâm hòn với tình âu yếm thiết tha cuả gia tộc. Cuói cùng đến nước là mói tình cao quí giữa đồng bào cũng vô luôn để dành chỗ cho quốc tế. nhưng đó chỉ là cái tên trừu tượng rỗng tuếch được dùng để đày đọa con người, chứ có còn nội dung người đâu. Tất cả tai họa đó đều tại lỗi triết học duy trí đã đánh mất Nguyên lý Mẹ.

21.

Tóm lại bầu khí của nơi giữ được nguyên lý Mẹ là bầu khí Thái Hòa an vui, sống mạnh cả nhà lẫn nước. Plato đã nói được một câu chí lý rằng: “Sự khôn ngoan cùng cực ở tại biết xếp đặt ổn thỏa việc nhà việc nước”. Tuy nói được câu đó nhưng không làm được, vì Plato đã không quan trọng hóa nhà cho đủ. không biết đi một đường tả nhậm để bênh vực bên yếu là nhà, nên nhà đã đã bị nước lấn át. Vì thế văn hóa tây âu đi đế n duy dương, duy trí, mất nguyên lý Mẹ, gây nên thứ văn hóa duy lý, thiếu tình, tức cũng là thiếu vui sống… chuyên về võ công ca và bi kịch mà yếu về thơ trữ tình và sinh thú như bên Ðông Á.

Có hai sự kiện lớn lao trong văn hóa kiện chứng cho tính cách còn Mẹ: một là thần cứu tế Lokesvara bên Ấn độ vốn là thần nam, làm phó đức Adiđà bên tây phương tịnh thổ, thế mà khi xuất hiện trên phần đất Việt nho đã mặc xác nữ trở thành Quan Thế Âm Bồ Tát, lại còn bồng đứa con gọi là Quan Âm tống tử, tức là đi ngược hẳn với bên Tây Trúc diệt dục, diệt sinh: li gia cắt aí”. Sang đông bộ thì nâng tình lên đến độ làm Thần Nữ, lại còn bồng con, cho con (tống tự). Việc thứ hai Ðức Di Lạc hiện thực câu nói: thứ nhất bộ râu thứ nhì bầu bụng. Bầu bụng thì đã phơi ra quá rõ đủ nói lên hạu quả của sự vui sống. Còn cái miệng thì tuy không râu nhưng lại cười tươi như hoa nở rộ. Bỏ râu đây không là diệt sinh mà là để khỏi che mất cái miệng cười tươi vui sống. Hai sự kiện trên minh họa đầy đủ bầu khí văn hóa có nguyên lý Mẹ: “còn Mẹ ăn cơm với cá. mất Mẹ liếm lá gặm xương”./.


CHƯƠNG IV: “ÔI LINH MẪU HÃY ÐƯA CON VỀ CÙNG.”
(Eternal Womanhood leads us on high.)

22.

Ðó là câu hát trong quyển sách thời danh Faustus của Goethe, một thi hào triết gia Ðức thế kỷ 18. Xét về văn tài người ta đặt ông ngang hàng với Shakespeare, nhưng ông hơn về mặt triết. Về mặt này nét đặc trưng của ông là cảm thấy triết học duy lý đói lả tình thương, nên ông đã phất động phong trào lãng mạn: cố đưa tâm tình vào triết. Ðọc Faustus ta cảm thấy ông gần Việt nho hơn hết các tác giả tây âu, vì ông đề cao nguyên lý Mẹ mà có lúc ông gọi là Mater gloriosa = Mẹ vinh quang, coi đó như nguồn gốc sự cứu rỗi. Tiếc rằng cái nhìn thấu thị đó không được tiếp nối để đi vào tâm linh, nên Mẹ vinh quang không đi xa đươc bằng Nữ Oa thái Mẫu với phụ tá là Nữ Thần Mộc dậy các con làm nhà. Thành thử văn hóa tây âu cho tới nay vẫn bị tiếng là thiếu nhà (homeless) tức thiếu nơi qui tụ nhất quán.

23.

Trở về Việt Nho ta cũng hát được như Goethe, nhưng thay vì xin Mẹ dẫn ta đi lên trời thì ta xin Mẹ đưa ta về cùng Mẹ, hay đưa về lòng, nên làm được liền, không cần đợi Mẹ đến đưa đi, mà tự ý đi. Trời được hiểu là Tâm. Về trời có nghĩa là trở lại thân Tâm, nơi có trời cùng đất. “Vạn vật giai bị ư kỷ”. Kỷ cũng gọi là Ðại ngã. Ðó chính là Quê Mẹ: quê Mẹ là chính Mẹ, cho nên nói đi lên có nghĩa là đi vào. Vào đến cùng cực thì gặp Mẹ 9 vũ trụ, mà sách Ðạo Ðức Kinh gọi là “Vũ trụ chi Mẫu”, cho nên cuối cùng thì câu trên đổi ra; “Ôi Linh Mẫu hãy đưa con về cùng.”

Ðó là nội dung con đường Ðạo, vì Ðạo là đem ngoài hợp với trong: đem ngoại vi ý thức hòa hợp với Nội Tâm tiềm thức, mà nho gọi là “hợp nội ngoại chi đạo dã”. Hợp được ngoài với trong là Ðạo. Còn nghiêng về một bên đều không là Ðạo. Kinh Dịch định nghĩa đạo là; “nhất âm nhất dương chi vị đạo”= một âm một dương mới là đạo. Duy dương bất thành, độc âm bất sinh, đều không là đạo.

24.

Việt lý đã mặc cho Ðạo một màu sắc gần gũi thâm tình hơn nữa khi gọi nội âm là Khôn mà ta dịch ra từ ngữ ngày nay là nguyên lý Mẹ (còn ngoại dương là Càn là nguyên lý cha). Huyền sử đặt cho Ðạo toàn những tên Mẹ như Nữ Oa, Âu Cơ, Nữ Thần Mộc, Bà Chúa Xứ v.v. Nữ Oa được xưng tụng là Thái Mẫu vì sinh ra loài người, hay nói khác là có nhiệm vụ linh phối, tức phối hợp trời với đất. Trời đất trong trang huyền sử này gọi là Phục Hi, Thần Nông, thái Mẫu Nữ Oa ngự giữa. Nếu kể có hai thì bỏ Thần Nông, chỉ còn Phục Hi, Nữ Oa và trình bày hai vị đang cuốn lấy đuôi nhau. Thái Mẫu giữ cái Qui, Phục Hi cằm cái Củ. Ðó là điều khó hiểu cho đơi sau như ông Robert Van Gulik phàn nàn trong quyển Vie sexuelle. p 84. Vậy qui chính là thập tự nhai, và cũng là cơ cấu con người đại ngã thành bởi đức trời đức đất. Ðức đất là nét ngang làm hành thổ, nét dọc là đức trời, cả hai làm thành cái Qui, tức là qui tắc cho muôn loài. Còn Phục Hi cầm cái Củ để đo 4 góc gọi là cá (4 góc nhà Thái Thất) Cá chỉ những hiện tượng có giới mốc, nên thuộc vòng ngoài có tính cách hạn hẹp hơn Qui, nên nguyên lý Mẹ phải trội hơn. Ðó là tình trạng chung của văn hóa loài người ở khởi nguyên, đâu đâu cũng như thế: cũng trải qua giai đoạn Mẹ trước cha.

25.

Tình trạng đó gọi là mẫu hệ hay mẫu tộc, đôi khi cả mẫu quyền, mẫu cư… nhưng dần dần chuyển sang phụ hệ với phụ quyền lấn át Mẹ làm cho văn hóa trở nên duy dương. Người ta quen gọi là văn minh đực rựa. Truyện đó xáy ra tự lúc có tư sản, mà tư sản là do óc chiếm đọat của văn minh: Khi một số người mạnh thâu đoạt hầu hết tài sản vào tay để trở nên chủ, bắt mọi người vô sản làm nô, thì đấy từ đấy có giai cấp chủ nô. Khuynh hướng chiếm đoạt đó dần dần mở rộng đến đàn bà từ đó bị coi là tài sản của đàn ông, y như một sản vật có thể mua bán. Trong hôn phối nhiều nơi xưa còn dấu vết mua bán nọ như trong tục thách cưới: đòi bao nhiêu tiền mới gả con… Ðiều này được biểu lộ rõ về mặt xã hội bằng định chế phụ hệ bao cả phụ tộc lẫn phụ quyền, tức đứa con được coi như của cha, chứ mẹ chỉ có công dưỡng dục bên ngoài thôi. Nhưng thực tế với đứa con thì công mẹ lớn gấp cả trăm lần: nào mang nặng đẻ đau, nào bú mớm ẵm bồng. Ngạn ngữ quen nói: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Còn cha chỉ có phát tiêm chốc lát mà đã được đền bù phụ trội trong lúc đó rồi. Thế mà đòi đẩy phụ quyền đến độ gẩy mẹ ra khỏi sổ công lao sinh dưỡng đứa con, thì quả là một sự chênh lệch và bất công thô tục. Bên Việt nho chưa đến nỗi đó, có bị nhưng vừa phải như cháu bà thì gọi là ngoại, cháu ông là nội. Ăn vụng chưa kịp chùi mép.

26.

Ðấy là mới nói về mặt xã hội, chứ về mặt tinh thần thì sự bất công gây nên nghiêng lệch hẳn, làm này sinh tai họa lớn hơn nhiều: đó là tạo ra nền văn minh duy dương, tức là duy lý không biết chi đến tinh người. Vì lý là lý cha, tình là tình Mẹ. Trong con người tình trội vượt hơn trí gấp 9 lần, nên bỏ tình là gây nên sự nghiêng lệch trầm trọng, khiến cho văn minh trở nên tàn bạo, phi nhân như ta thấy rõ nơi các xã hội chuyên chế. Ðó là nền triết duy lý cùng cực, chối bỏ mọi tình cảm: tình người, tình nước, tình nhà, nên đã trở thành phi nhân đến độ xéo đạp lên tự do nhân phẩm con người. Bên các xã hội tự do không đến nỗi tệ như thế là nhờ tình người cũng như tự do nhân phẩm còn được kính nể, nhưng đó là nhờ lương tri săn sóc, chứ không do triết lý hay đạo học. Vì thế bầu khí xã hội vẫn là duy vật, tiếng nay quen nói là xã hội tiêu thụ, là xã hội tranh đoạt, mà không là xã hội tâm linh với tinh thần cộng tác, đùm bọc. Muốn được vậy cần phải lập lại nguyên lý Mẹ, và đến đây ta thấy văn hóa Việt có thể đóng góp phần của mình.

27.

Vì nơi này mẹ vẫn là “Bà Chúa Xứ” tức nguyên lý mẹ vẫn bám sát nền văn hóa của nước như được biểu thị bằng nhiều trang huyền sử, mà nổi hơn cả là tích Âu Cơ tổ mẫu đẻ ra cái bọc trăm trứng. Mẹ sợ liền vất ra ngoài đồng. Thế mà trăm trứng đều nở ra trăm con: và tất cả đều phương trưởng. Câu truyện cũng theo một hướng như Thái mẫu Nữ Oa đội đá vá trời, tức nguyên lý mẹ vẫn nổi vượt, nên hay nói tới mẹ mà ít nhắc tới cha. Chính 50 con theo Mẹ lên núi lập ra nước Văn lang, tức nước được thấm nhuần nguyên lý Mẹ, nên phải là Văn Lang lễ trị, chứ không là Võ Lang hình pháp. Chớ có lo mẹ sẽ đẩy cha ra vì lâu lâu cha cũng còn lẻn về thăm mẹ trên cánh Ðồng Tương, nên hễ có mẹ tất có cha. Còn nếu đặt cha lên trên là sẽ khó lòng cho mẹ. Mẹ đẻ ra con, nuôi con nên người, rồi đưa con đi lập ra nước Văn Lang, tức nước được xây trên mẫu mực gia đình đầy tình thâm thiết. Lại còn luôn luôn theo dõi để giáo huấn con, như trong truyện Nữ Thần Mộc.

28.

Ðây là câu truyện vắn tắt có một dòng mà ý nghĩa bao là như vũ trụ, nên sau Nho gọi là Thái Thất như hình bên, gồm ba tầng chỉ ba đợt con người.

Một là con người chất thể chung với con vật lo về ăn, mặc, ở với làm, cốt để giữ đời sống sinh lý hoàn toàn ngoại vi.

Thứ đến là con người văn hóa lo về lý trí, tâm tình, văn học nghệ thuật: thi, ca, nhạc, họa… Ðây là đợt riêng biệt cho con người.

Ðợt ba con người tâm linh lo đi đến chỗ chí thành như thần. Con người siêu lên đợt trên hoàn toàn nội tâm, con mắt không thấy được nên cũng gọi được là Vô, là Trống, như ta có thể thấy rõ trong Trống Ðồng có ba vòng chỉ thiên, địa, nhân này. Người lý tưởng phải gồm được cả ba. Tuy đợt chất thể là chung với con vật, nhưng không được khinh khi. Văn hóa trọn vẹn phải lo cho mọi người no đủ, vì đói thì chẳng làm được gì về văn hóa, văn học cả, nên văn hóa nào không móc nối với con người sinh lý là nền văn hóa nguy hại nhất làm cho con người mất khả năng mở lên đợt ba thì rõ ràng là thiếu nguyên lý Mẹ, mà nguyên lý Mẹ rất dễ mất, vì là đợt ẩn sâu trong tâm hồn.

29.

Nếu ta đẩy sự nghiên cứu đến cùng tột, đến chỗ nhà Phật gọi là lân hư (lân cận với chỗ hư không) tưc là đến chỗ giáp giới giữa Hữu với Vô, nơi Vô đại diện Mẹ, Hữu đại diện Cha, thì Tây âu là cha, duy dương với siêu hình là Hữu thể học: to be. Ấn độ là Vô nhị (advaita), còn Việt là không có mà cũng không không (to be by not Being). Ðó là chỗ Lão tử gọi là “Hữu Vô tương sinh,” Còn Nho gọi là “Thái cực nhi vô cực”. Nếu lấy vô làm nền thì phải nâng đỡ cái Vô biểu thị bằng những cái yếu ớt bé nhỏ, vì thế mà có tục tả nhậm, mà ý nghĩa là nâng đỡ cái yếu (phù yểu). Trong đường tu tiến thì lấy việc vô tư vô vi làm đầu. “Dịch vô tư dã, vô vi dã” Cố bỏ hết cái có, như không tưởng tượng, không suy lý, không nghĩ gì cả, chỉ sửa soan cho tâm hồn trống rỗng đặng sẵn sàng nhận lấy. Ðó là ý Kinh Dịch khi nói: “Vô tư dã, vô vi dã”. Tại sao nói nhận lấy mà không nói làm ra? Thưa vì làm ra là do lý trí, là nhân vi. Phải là cái gì ban ra cho mới là do thiên, do tiềm thức cộng thông, mà những cái đó mới có giá trị trường tồn.

30.

Chính quẻ Khôn làm nảy sinh phép Thiền. Vì Khôn là chịu lấy, còn Kiền là làm ra. Cái làm ra là do lý trí không sâu xa bằng cái đón nhận tự trời. Chữ Thiền (cũng đọc thiện là lễ tế đất, đi với Mẹ đối đáp với lễ tế phong, là lễ tế trời đi với cha.) người Tàu đọc là shản. Việc làm tiêu biểu thì như nhau vì tế thiện ở tại quét đất cho sạch để làm bàn thờ. Thiền cũng thế phải quét lòng cho sạch, không còn để gì về dĩ vãng hay tương lai, chỉ hướng lòng vào “ở đây và bây giờ”: không cho lòng chạy đi chạy lại giữa dĩ vãng và tương lai, đặng cho lòng dịu xuống, trở nên tĩnh lặng đặng chịu lấy ánh linh quang loé lên trong tâm hồn và làm nảy sinh hiện tượng giao chỉ: là chỉ trời (tiềm thức) giao thoa với chỉ đất (là ý thức) mà gây nên thần thức. Nho gọi là phối thiên phối địa. Và đó là phép đi kém với Tam giáo Ðông Phương, cả ba đều có thiền, đều nhấn mạnh trên Vô, trên nguyên lý Mẹ.

31.

Một tên huyền sử nước Việt có ý nghĩa sát với Thiền là Giao Chỉ, tức chỉ trời chỉ đất giao thoa (tiềm thức giao thoa với ý thức) nên đã được minh hoạ bằng Nữ Oa Phục Hi quấn lấy đuôi nhau. Ðuôi đây phải hiểu là chỗ chí cực của con người, của sự vật, được Trang tử định nghĩa là “Ðạo vật chi cực”. Cùng cực của bất cứ cái gì hay việc gì cũng đưa tới Ðạo. Sách Trung Dung chỉ thị điều đó bằng câu “Chí Trung”trong hết mọi việc và gọi là “Dung” thành ra tên sách là “Trung Dung” nghĩa là tìm cái trung trong hết mọi việc, bất kỳ to hay nhỏ, vì ở bất cứ việc nào to cũng như nhỏ đều có cái trung của nó, hễ tìm ra được độ trung là tìm ra chỗ chí cực. Ðó là câu nói trong quyển Tâm tư: “Tìm cái phi thường trong những cái thường thường”. Vì thế người quân tử làm cái gì, bất cứ to hay nhỏ cũng làm tới chỗ cùng cực: “Quân tử vô sở bất dụng kỳ cực” ÐH2. Lý tưởng của quân tử là “chỉ ư chí thiện” = đạt tới chỗ thiện cùng cực, mà chí thiện là “Chí Trung Hòa” được biểu thị bằng sự giao hợp, vì đó là việc cao cả nhất mà con người có thể làm, vì là tác động tạo dựng, mà không phải tạo dựng việc thường, nhưng là sáng tạo nên con người. Nên đó chính là hình thái uyên nguyên của Thiền tức là của Chí Thiện làm nảy sinh không những hạnh phúc, mà còn là diễm phúc như ta có thể thấy hình ảnh trong trống đồng như sẽ được bàn ở những chương sau./.

Mấy ý tưởng có thể dùng sau:

Bộc châu (là của Việt) có huyện Táo châu ở Tề (1770). Nói khác đời vua Nghiêu thì nước Tàu mới là một huyện (đọc là Ðào) của Việt gọi là Bộc châu. Ðời vua Nghiêu thì toàn cõi nước Tàu nay còn là của Việt trừ có một huyện trong Bộc châu là của Tàu.

Ðông sơn classic expression of préhistoric and protohistoric bronzes metalliques Ðỉnh cao văn hóa. Hòa Bình bao quát toàn vùng cả Thái, Mên, Som rong Sen.

Không có người Tàu chính cống chỉ có Việt hóa Tàu sớm hay muộn. Vua đầu là nhà Châu họ Cơ (Châu Võ vương là Cơ Phát) rồi tới Hán Man quê ở Ngô Việt. Tàu như nay mới có tự năm 221 nhưng chưa hẳn vì vua còn là Man, tên nước còn là Tần. Câu trên giúp cho ta nhận họ với Tàu. Người Việt không có quyền đòi đất nào bên Tàu, vì các đất ấy là của người Việt đã hóa ra Tàu.

Ðông Sơn là một culturel synthesis (228,10) Trang trí Trống Ðồng là maritime tức Ðanê.


CHƯƠNG V: VỀ THĂM QUÊ MẸ – NHỮNG BÓNG DÁNG PHI PHÀM ÐỢT MỘT.

1.

Tìm về nguồn gốc văn hóa Việt mà đi được đến cùng thì sẽ gặp nét đặc trưng nổi bật đó là một thứ huyền thoại rất đặc thù không thể gọi là thần thoại nữa mà bắt buộc phải đặt ra tên mới là nhân thoại. Ở thần thoại thì thần đóng vai chính, thần làm chủ, làm big boss, con người chỉ đóng vai tùy phụ và thường là nạn nhân. Trái lại trong Nhân Thoại chính con người làm chủ, thường không có thần, hoặc có thì chỉ đóng vai khán giả hơn kém. Ðó là phân biệt rất thú vị và có liên hệ mật thiết với Mẹ, mà xưa rầy ít được để ý, là vì nguyên lý Mẹ đã bị chôn vùi, nên người ta cũng không biết đến sự có mặt của nhân thoại nữa. Vậy thì trong việc quang phục nguyên lý Mẹ ta hãy khởi đầu khai thác khía cạnh này. Trước hết hãy kể lại mấy nhân thoại lẫy lừng hơn cả.

2.

Nhân thoại lớn lao cùng cực là Bàn Cổ.

“Hỗn mang chi sơ.
Vị phân thiện địa.
Bàn Cổ thủ xuất.
Thủy phán Âm dương.”

Trong cảnh hỗn mang sơ thái, lúc cả đến đất trời cũng chưa phân thì một mình Bàn Cổ xuất hiện. Mỗi ngày lớn lên chín trượng. Ðầu mất hút vào mây trời, chân lún sâu xuống tận rốn đất. Khóc thì thành các sông, cười thì thành sấm sét, thân xác rã tan thánh ra loài người… Thực là nhân thoại cùng cực không thể đặt được một nhân thoại oai hùng hơn. Quả là mênh mông bát ngát đến độ xuất hiện trước cả trời cùng đất, rồi tự tay phân định âm dương, nhân thoại không thể chê vào đâu được. Chỉ có thể hỏi Bàn Cổ thuộc về phía Cha chứ có phải thuộc phía Mẹ đâu? Thưa gọi ông Bàn Cổ là việc làm về sau, chứ chính ra thì Bàn Cổ chưa phân giống, vì sinh ra tự hỗn mang chi sơ, mới là hình ảnh của Người Uyên Nguyên, chưa phân đực với cái. Trới đất còn chưa phân làm chi đã có giống đực với giống cái đâu mà bảo là ông với bà. Người ta quen gọi thế vì bị ảnh hưởng xã hội phụ hệ về sau, ngay như Nữ Oa thái Mẫu kia mà trước còn bị gọi là ông, mãi đến đời Hán mới nhận ra là bà.

3.

Nếu cần phải nói ông với bà thì Bàn Cổ phải gọi là bà mới đúng tục lệ thời thái cổ luôn luôn là mẫu tộc; trời cũng còn gọi là bà nữa là: Ông Trăng mà lấy bà Trời. Trăng kém Trời nên chỉ được gọi là ông, phải cao cả như Trời mới được gọi là bà. Vì thế ở thời sơ nguyên bà luôn đi trước như thư hùng, thất gia, tị tổ… Sự thực đó là thứ tự của Việt tộc thuộc chi họ Hồng Bàng. Hồng là chim tiên đi trước Bàng là rồng, đúng thứ tự âm trước dương, vợ trước chồng.

Chữ Bàng cũng đọc là Bàn, nên Hồng Bàng cùng họ với Bàn Cổ. Lưu truyền rằng mồ mả Người còn đâu đó trên rừng núi tỉnh Quảng Ðông. Xin nhớ là Quảng Ðông, Quảng tây và Vân nam đều nằm trong cảnh vực của Bách Việt xưa thuộc Văn lang quốc liền trước đời Nam Việt (207-111 BC). Ðây là vùng mà ngày nay khảo cổ đang khám phá thấy là một trung tâm rất lớn của văn minh Ðông Á, và chắc sẽ là đỉnh cao tự thức đầu tiên của loài người như sẽ nói sau.

4.

Truyện thứ hai là Phục Hi.

Phục Hi lập ra Kinh Dịch bằng xếp hai nét đứt liền lên nhau. Nét đứt là âm, nét liền là dương, rồi thêm một hào âm hay dương nữa thành ra quẻ đơn ba vạch. Tất cả có tám quẻ. Lại chồng hai quể đơn lên nhau thì thành ra 64 quẻ kép. Ðó là cơ cấu vũ trụ sinh thành: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng biến hóa vô cùng”. Ðó là sáng thế ký vắn tắt nhất, hợp đường lối khoa hoc hơn cả và nhất là đầy tình người. Chính nó đại biểu cho nền văn hóa có đường dọc đi lên siêu thức. Cho nên chữ Dịch chính tông phải hiểu là biến thể, là đi lên tầng tâm thức mở rộng khác trước, do đó có tên là Phục Hi, nói bóng là Phục Hi thuần phục súc vật, hiểu là vượt đợt vật hình để siêu lên đợt siêu hình Ðại Ngã. Vì thế chữ Dịch cũng như chữ việt có một ý nghĩa sâu thẳm tâm linh làm nên nét lưỡng hợp đặc biệt. Nét này đã có lâu rồi ở Thái Bình Dương như được chứng tỏ về linh lực trong các lễ điểm đạo. Còn quẻ của Phục Hi biểu thị giai đoạn đưa các nét lưỡng hợp lên đợt trừu tượng hơn để dễ trở thành phạm trù phổ biến bao gồm cả trời, đất, người. Kết quả là nét lưỡng hợp trở thành hai hào âm dương. Như vậy nội dung Kinh Dịch đã có trước ngay từ đời Bàn Cổ. Phục Hi chỉ là đợt công thức hóa đầu tiên. Bàn Cổ đưa ra tượng hình, Phục Hi cách điệu hóa tượng hình thành hai nét vạch liền đứt.

5.

Truyện Nữ Oa

Hai nét này sẽ trở nên như cánh cửa mở vào miền đạo học Việt Nho mà đỉnh cao hơn hết là hai lễ Phong Thiện. Phong là lễ tế Trời cử hành trên núi Thái sơn. Thiện là lễ tế Ðất ở Lưỡng Phủ.
Trong đời sống thì hai nét đó trở nên nhịp đôi ăn vào hết mọi sự mọi việc và diễn ra đủ hình thái như tròn vuông, chẵn lẻ, cương nhu, vô hữu… làm nên một thứ tiết nhịp mênh mông chỉ huy toàn thể vũ trụ.

Bạn bảo đúng là nhân thoại nhưng không có Mẹ? Thưa không những có mà Mẹ còn giữ ngôi Nội Tướng trong vai Nữ Oa thái Mẫu theo luật “quả vi quân, chúng vi dân”. Quả là chỉ có một mình như Nội Nữ Oa nên làm vua ngự ở trung cung số 5. Còn chúng là Phục Hi và Thần Nông làm dân chia nhau đóng đồn lính thú hai bên: Phục Hi bên đông số 3, hành mộc, mầu xanh nên cũng có tên là Thanh Tinh (rồng xanh). Thần Nông số 2, phương Nam chỉ hỏa đức, màu đỏ nên có tên là Viêm đế. Cả hai bao quanh Nữ Oa làm thành “Tam Vị Thái Sơ” cân đối cùng cực, kết tinh bằng ba số 2, 3, 5. Như vậy Nữ Oa thái Mẫu chính là bà nội của chúng ta. Nói vắn tắt là Nội. Nội trên các Nội.

6.

Về Nội Nữ Oa còn nhiều điều phải nói. – Trước hết là Nội đội đá vá trời. – Hai là Nội cằm cái Qui (số 5). – Thứ nữa là Nội lập ra phép linh phối. Truyện vá trời phải kể sau truyện Cộng Công húc đầu vào núi Bất Chu Chi Sơn đánh sụt trời phía tây bắc, buộc Nội phải nấu đá Ngủ Hành đội lên vá lại. Ðây chỉ nhắc sơ qua, sau sẽ trở lại phân tích tỉ mỉ.

Ðiểm hai dễ hơn vì có hình vẽ Nội đang quấn đuôi với ngoại Phục Hi. Ban đầu người ta lầm Nội là ông, vì Nội cằm cái qui tròn. Tròn thuộc trời lẽ ra thuộc cha là Phục Hi. Ðã vậy đến lúc xét phía dưới thấy Nội cũng có đuôi y như Ngoại Phục Hi. Thành ra ban đầu loáng quáng gọi Nội là ông. Ðó là tại chưa học luật Giao Chỉ của Kinh Dịch, theo đó thì “thể phương nhi dụng viên” (cái thể trong vuông thì cái dụng bên ngoài phải tròn). Vuông là mẹ nhưng vì ở trong, nên biểu lộ phải tròn. Tròn thì cằm cái qui và là tay trên; Phục Hi chỉ còn có cái Củ kém cái Qui một bậc, nên tục ngữ nói “lệnh ông không bằng cồng bá”. Ðó là tình trạng buổi sơ nguyên thì vậy.

7.

Truyện thứ bốn về cái qui

Truyện thứ bốn về cái qui là khó nhất: cho tới nay chưa sách nào giải nghĩa nổi (như ông Gulich phàn trong quyển Là vie sexuelle en Chine p.81). Không lạ vì trong có những khó khăn vượt tầm hiểu biết của duy lý. Trước hết là vụ tréo cẳng ngỗng (giao chỉ) đã nói trên.

Thứ đến là vì trong cái Qui có phần trống rỗng ở trung tâm là chỗ huyền đồng của mọi đối nghịch, nên nói Nôi lập ra phép linh phối. Nhiều sách viết là hôn phối. Sai rõ rệt vì hôn phối là việc thuộc bình diện hiện tượng ở giai đoạn văn minh. Còn linh phối thuộc siêu hình đặt ở đợt văn hóa thái sơ. Vậy phải viết là linh phối để chỉ sự nối kết các thái cực trong vũ trụ. Và đó là Minh Triết hay là khôn sáng. Khôn là tên nguyên lý Mẹ trong Kinh Dịch má Châu Dịch gọi là Càn Khôn. Còn trước kia gọi là Khôn Càn như trong đạo nho: “Dĩ nhu thắng cương.”

Ba vĩ tích trên chứng tỏ truyện Nữ Oa là nhân thoại cực kỳ cao siêu, cùng một hơi hướng như truyện Bàn Cổ, đồng thời đề cao nguyên lý Mẹ trên nguyên lý cha. Cha mà được đề cao thì sẽ đốc ra vai Cộng Công đánh sụp trời. Ðến lúc cần vá thì lại phải cậy đến Nội, chứ chỉ có cái Củ thì làm ăn được chi đâu, chỉ loay hoay đo với đạc ở hàng ngang hiện tượng, chứ đói với linh phối mới quan trọng thì cái củ vuông lý trí tỏ ra bát lực kinh niên. Chì xem bên trời tây thì rõ: nơi đây cũng xảy ra vụ tương đương với việc làm sụt trời mà Nietzsche gọi là nhát chém chẻ đôi trong siêu hình nhưng thiếu Nữ Oa đội đá vá lại nên nhát chém vẫn nhỏ máu suốt qua 25 thế kỷ cho đến tận nay thì máu không nhỏ nữa mà chảy ồ ạt. (Plato đốt thơ để thấy Socrates cũng kể là húc đầu vào núi không tròn)

8.

Truyện thứ năm là Thần Nông

Truyện thứ năm là Thần Nông mình người, đầu bò có tên khác là Viêm đế. Như vậy là ở vào thời thờ mặt trời. Dân thì gọi là Viêm tộc, nhà Phật dịch là “Nhật chủng” (có thể tên Nhật bản phát xuất tự thời này, vì Nhật thờ nữ thần Nhật). Thần Nông có tiếng lập ra phép canh nông. Hai chữ này chỉ bước cách mạng vượt bực của loài người là đi vào giai đoạn tự làm ra của ăn để thay cho giai đoạn bấp bênh hái lượm săn bắt. Bước sang giai đoạn mới này thì điện tích trước kia chỉ nuôi được một người thì nay nuôi được đến cả dăm chục người, như thế người có giờ rảnh rỗi hơn nên đã làm nảy sinh ra nhiều nghệ thuật cùng nhiều sáng chế khác như làm nhà, dệt vải, sống qui tụ thành thôn làng… Nhưng quan trọng hơn hết thuộc tinh thần là nét gấp đôi, đặc tính dài lâu của văn hóa, được thành hình một cách bền bỉ và được biểu lộ bằng những hình thái, những lược đồ, những đức tính mà ngày nay nhiều người gọi là văn hóa, để đối chọi với văn minh là sự tiếp nối thời săn bắt, đưa cả chinh phục vào văn hóa thành ra văn minh, lấy thị thành làm chủ, lấy chủ nghĩa pháp luật làm mẫu mực. Bỏ nhạc để thay thế bằng luận lý pháp. Tôn tù trưởng lên làm vua thần, làm lãnh tụ, đặt nền nước trên nguyên lý thống trị (principle of domination) ngược với nguyên lý thân tộc (principle of kinship) bên văn hóa nông nghiệp. Tóm lại văn minh căn cứ trên thành thị, trên những cái nhân vi tạo tác, còn văn hóa căn cứ trên đồng ruộng, trên làng mạc thiên nhiên.

9.

Trên thế giới có ba nền nông nghiệp: lúa mì ở Lưỡng Hà, lúa bắp (ngô) ở Mỹ, Aztec, Maya, lúa nước ở Ðông Á. Nông nghiệp lúa Mì sớm bị du mục chinh phục qua Babylon, Assyria. Lúa Bắp bị Aztec chế ngự cũng biến ra du mục. Còn lại có lúa Mễ tuy cũng có pha ít lúa mì như mạch và tắc, nhưng lúa Tắc không lấn át nổi lúa Mễ. Tuy nhà Châu có lập ông Hậu Tắc lên làm điền chủ thay Thần Nông, nhưng cuối cùng thất bại. Nhà Thanh đời Khang Hi còn cho tế Thần Nông mà không tế Hậu Tắc, tức văn hóa Mẹ vẫn thắng thế. Ðiều đó chứng tỏ rằng văn hóa nhà Châu đã ghé du mục và đến sau rồi chỉ thêm vào Việt Nho được chút ít để làm ra văn minh Hán chứ không biến đổi được văn hóa Việt đã có lâu trước. Tóm lại Nông nghiệp đã có mặt khắp nơi trên thế giới: đâu cũng có điền tổ hết, nhưng còn đứng vững đến ngày nay với bề thế đồ sộ thì chỉ thấy có nông nghiệp Thần Nông là còn giữ được tinh thần hơn cả, xứng đáng đứng bên hữu Nữ Oa đối với Phục Hi để làm nên Tam Hoàng thái thượng vượt xa mọi bộ ba khác về đàng nhân chủ tính.

NHỮNG BÓNG DÁNG PHI PHÀM ÐỢT HAI.

10.

Sau Tam Hoàng thì đến Ngũ Ðế thường được kể là: Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Ðế Cốc, Nghiêu, Thuấn. Ðây là đợt hai tiếp theo đợt Thái Nhất, nhưng cũng còn thuộc Huyền sử, nên niên kỷ chỉ có thể ước đoán phỏng chừng vào quãng từ 4 đến 5 ngàn năm tr.tl.

Trong ngũ đế nên chú ý đến đế Chuyên Húc họ Cơ (Cơ Chuyên Húc) được phong đất Kinh Man, tức nước Sở sau này, nhưng trước nữa còn gọi là Kinh với Dương (ở phía Ðông) đều thuộc quyền vua Lạc Việt với tên là Kinh Dương vương mà sử Tàu gọi là Man Di. Ðây còn là lúc thờ mặt trời nên có nhửng lễ về lửa như Nhập hỏa, Cải hỏa, Xuất hỏa… Việc thờ lửa vào thời này ở nhiều nơi kéo theo những vụ thiêu sống người để tế thần như bên Aztec, Veda, Phenicia đều có giết trẻ để tế mặt nhật. Riêng bên Ðông Á nhớ có Nguyên lý Mẹ nên tránh được những dị đoan ghê sợ. Truyện kể rằng trời lúc đó thấp lắm: bò đi vướng sừng, lợn phải oằn lưng xuống mới xê dịch được, con người bị quấy rầy nhiều cách. Chuyên Húc mới sai thần Chúc Dung trước rồi Trùng Lê sau phân định ra việc người với việc trời. Truyện kể là ông chặt cây thông lên trời không cho trời xuống quấy rầy con người nữa. Nên hiểu là có những truyện sát tế như xảy ra ở Phenicia, hay ở Ấn độ củng có tế người như bên Phenicia. Ở Aztec cũng vậy người ta thắp lửa trên ngực nạn nhân.

11.

Còn ở Ðông Á ngay thời ấy đã có nhửng huyền thoại xứng đáng là nhân thoại tức không để cho trời can thiệp quá đáng vào việc người như truyện hậu Nghệ bắn rớt 9 mặt trời không cho phiền não con người. Chỉ có vài trường hợp ngoại lệ như vụ Hà Bá cưới vợ thì sớm bị nho gia phá vỡ. Ðó là tinh thần nhân chủ khiến sau này tránh được tai họa chiến tranh tôn giáo. Các nơi hầu hết nghệ sĩ bị tư tế khống chế, bắt phải theo luật này nọ như luật trán đầy (frontality) bên Ai cập: vẽ mặt nghiêng nhưng mắt phải thấy đủ. Bên Việt vẽ sao tùy nghệ sĩ, nên hình vẽ có đủ tư thế không ai băt phải theo luật nào hết.

Tóm lại với Ngũ Ðế thì dù hiểu đế là chinh phục cũng được vì đây không chinh phục đất đai mà là chinh phục tâm lý nghĩa là tẩy khỏi tâm hồn những ý nghĩ dị đoan đã bị trời cho xâm chiếm tâm thần con người nay cần chinh phục lại cho con người. Khỏi nói thì ai cũng biết có nhiều bảng ngũ đế cũng như bảng Tam Hoàng khác nhau. Ðó là những bảng sử ký hoá huyền thoại cần phải thải bỏ, vì do đấy những chân lý bao là hàm ngụ trong huyền thoại bị rút hẹp, trở thành sai lầm.

12.

Truyện Hồng Bàng

Truyện này thuộc giai đoạn Ngũ Ðế và còn giữ nhiều ần tích thuộc thời Viêm Việt, thời thờ mặt trời. Chữ Viêm kép bởi hai bộ hỏa chỉ mặt trời. Sau đó bước sang giai đoạn thờ Trời với Hồng Bàng thị. Trang huyền sử đầu tiên của họ này kể như sau: Cháu ba đời Viêm đế Thần Nông tên là Ðế Minh tuần thú phương Nam gặp Vụ tiên trên núi Ngũ Lĩnh sinh ra Lộc Tục làm vua hai châu Kinh và châu Dương (kinh Dương vương), đặt quốc hiệu là Giao Chỉ… Ðó chỉ là huyền sử tức hàm chứa ý nghĩa hơn là sự kiện lịch sử. Cái ý nghĩa đó có thể đọc ra phần nào xuyên qua các tên các số.

Trước hết là số 3 trong câu cháu ba đời Viêm đế Thần Nông tên là Ðế Minh tuần thú phương nam. Phương Nam hành hoả nên Ðế Minh (vua sáng) tất phải tìm về đó, về phía có sáng, có lửa. Sau này Nho công thức hóa thành câu “tại minh minh đức”: muốn học làm người thì bước thứ nhất phải là “làm sáng cái đức sáng” của mình. Nói bóng là Ðế Minh tuần thú phương Nam. Phương Nam hành hỏa (minh đức) mang số 2. 2 cộng với 3 (cháu ba đời) vị chi là 5, nên tất gặp Vụ tiên trên núi Ngũ lĩnh (= năm đỉnh núi cao). Ðã là tiên thì phải đạt số 5 (Nữ Oa ở trung cung mang số 5) nên tiên phải ở trên Ngũ lĩnh.

13.

Ở đây nên chú trọng đến chữ Vụ tiên. Vụ là cò trắng (trắng đây phải hiểu là trống trơn) cũng gọi là lộ (Lộ Bàn, Lộ Bộc). Cò là giống chim nước nên là dấu chỉ đang đi vào giai đoạn thờ Trời. Trời chỉ bằng chim dương, nhưng bây giờ đã thờ Trời, mà Trời thì phải đối đãi với đất, với nước, nên phải là chim nước để giao tiếp với rồng ở dưới nước. Trong giai đoạn thờ Nhật duy dương thì các chim thuần dương, mà chim trĩ là chính. Trĩ cũng có tên là Loan, là Ðịch, là Nam chủ. Vì các dương điểu này mà nước có tên là Xích Quỉ. Quỉ là làm chủ, còn Xích có nghĩa là tinh hoa của một cái gì, ở đây là tinh hoa của giai đoạn thờ mặt nhật, sắc đỏ, nên Xích quỉ có nghĩa là làm chủ, là thấu triệt được ý nghĩa sắc đỏ được thể hiện trong chim chu tước tức con trĩ đỏ lửa. Ðó là tên chấm dứt giai đoạn Viêm Việt để bước sang giai đoạn mới thờ Trời thì dương điểu phải được thế chân bằng các chim nước như hồng, hạc, vụ. Vụ tiên lấy Ðế Minh sinh con là Lộc Tục hiệu là Kinh Dương vương tức làm vua cai trị hai miền Kinh Man và Dương châu (vùng sông Hoài, châu Từ, Chiết giang…) cả một miền mênh mông quen gọi là Việt Ðông, mà Việt Chiết giang là một trong những trung tâm một thời nổi tiếng.

14.

Kế đến là truyện mẹ Âu Cơ kết bạn với Lạc Long Quân đẻ ra cái bọc trăm trứng, rồi vất ra đồng, nở ra trăm con mà con nào con nấy đều phương trưởng. Rồi trăm con chia tay: 50 theo cha xuống biển vắng tin, còn 50 con theo mẹ lên núi lập ra nước Văn lang, hiểu là văn hóa vẫn giữ được nguyên lý Mẹ, lấy văn làm nền, võ chỉ là thứ yếu, nên quen nói văn võ tức văn trước võ.

Ðó là tóm ít trang đầu huyền sử Lạc Việt: ý nghĩa thâm sâu mà vẫn thiết thực vì nó tàng ẩn ngay trong những cử chỉ coi như tầm thường, nên con cháu không nhận ra được. Ðó chính lá truyện mẹ Âu cơ đã nhấn mạnh trên nền Minh Triết mà sau được diễn lại trong Kinh Dịch rằng: “Thái cực sinh lưỡng nghi” là cái bọc chia ra hai bè: mỗi bè 50 con, bè lên non biểu tượng trời, bè xuống bể biểu tượng đất. Vì trời đất phải thông hội nên mẹ mang tên chim nước để có đường thông với rồng ở dưới nước. Ðó là chiều kích vũ trụ của câu truyện được áp dụng vào đời sống thường nhật như đẻ cái bọc trăm trứng. Ðẻ kiểu chim (điểu tục) tức đẻ trứng rồi ấp ra con. Truyện kể mẹ vất bọc ra ngoài đồng là theo lối nông nghiệp và con nào con nấy đều phương trưỡng tức theo lối bình sản, là quân phân tài sản ruộng vườn, nhờ đó không con nào vô sản hết, nước mẹ không có vô sản để nảy sinh chế độ nô lệ ca 36n cứ trên vô tài sản với hữu tài sản. (Nói chữ bè để nhớ tục hát trống quân xưa, nơi nào có thể thì tổ chức bên bờ sông có núi: bè nữ tự núi xuống, bè nam tự sông lên)

15.

Còn việc 50 con theo mẹ lên núi thì không là núi cho bằng là một cực cao đối với cực thấp biểu thị bằng biển sâu để chi hai đối cực của bất cứ vật gì, ở đây nó chỉ bên này non nhân, bên kia nước trí, đúng là Mẹ lân tuất yêu thương, Cha mưu trí thao lược, nhưng mẹ vẫn ở thế tay trên, nên 50 con theo mẹ lên núi lập ra nước Văn lang, chứ không phải 50 con theo cha xuống biển. Nước Mẹ lập ra thì nhất định phải là Văn lang quốc, tức văn trị chứ không phải cha đâu để mà võ trị theo lối pháp gia bá đạo. Văn võ trái ngược nhưng trong Văn lang thì hai đàng vẫn hòa hợp, ngầm chỉ bằng cánh Ðồng Tương mà trước đã chỉ bằng cái bọc trăm trứng. Ðó là mối liên hệ ngầm mà nơi Phục Hi Nữ Oa biểu thị bằng hai đàng vãn quấn lấy đuôi nhau. Phải quan trọng điểm này vì nếu đánh mất ý thức về điểm sơ nguyên nọ thì sẽ đọa ra các thứ duy: duy tình hay duy lý, duy cha hay duy mẹ, duy nào cũng là nghiêng lệch và sẽ gây khổ lụy cho loài người như ta thấy nơi duy vật.

Ðẻ con, nuôi con, rồi bây giờ đến dậy con thì mẹ xuất hiện dưới dạng thức Nữ Thần Mộc dậy anh em Lộ Bàn Lộ Bộc biết làm nhá chử đinh. Nữ thần Mộc lá hánh mộc số 3, còn Lộ Bàn Lộ Bộc chỉ Lạc Việt. Chữ Bàn cũng đọc là Bang nên cùng họ với Hồng Bàng. Còn Lộ Bộc là một tên khác của Việt tộc, gọi là Bộc Việt, nên Bách Việt cũng có khi gọi là Bách Bộc. Nhà là nơi ta hướng lòng về, bao nhiêu của quí đều để trong nhà. “Của bay ở đâu thì lòng bay ở đó”. Nơi qui tụ của đạo Việt là Ðạo làm Người, là “Vi Nhân”, nên Mẹ dậy con làm nhà mà không dậy gì khác.

16.

Tại sao nhà chữ đinh? Thưa chữ đinh có nét ngang trên, nét dọc dưới. Nét ngang chỉ người trong xã hội gọi là dân. Nét dọc chỉ người đại ngã tâm linh gọi là nhân. Con người toàn diện phải là người có cả ngang cả dọc, cả nhân cả dân. Nét dọc cũng gọi là đường kinh, nét ngang là đường vĩ. Làm người đầy đủ không những phải có vĩ ngang, mà còn phải có kinh dọc (sách dậy chiều dọc này gọi là kinh điển). Tiền nhân ta nói bóng: “người là hoa đất ngọc nước”. Hoa đất là dân, ngọc nước là nhân. Bài học của Nữ thần Mộc quý vô cùng: ít nền văn hóa có được cả hai. Duy vật thì ngang phè phè đã rõ, nhưng duy tâm cũng không mấy hơn, vì nét dọc của duy tâm thường là giả tạo, thiếu sót, nên gọi là “kinh kinh” cứng ngắc: thiếu sự mềm dẻo vốn đi với cả vĩ lẫn kinh. Thiếu nét lưỡng thê nên không thể có đời tròn đầy viên mãn gồm cả ngang lẫn dọc. Các vị thánh nhân theo nho chính là những người đã thành nhân (thành giả thánh dã), nên ngày tế các vị phải là ngày đinh tháng 2 vá 8: tức xuân thu nhị kỳ. Trước khi hội hè đình đám bao giờ cũng đánh ba hồi trống để nhắc nhở bài dậy của Nữ thần Mộc (Số 3) cũng có tên là “Cửu thiên huyền Nữ (số 9). Cửu là chín chứ không là cựu (cũ) như có người viết thế trong quyển nghệ thuật Việt. Số 3 là số sinh, số 9 là số thành. Vậy phải viết Hùng Vương thứ ba truyền ngôi cho con thứ chín, đừng viết khác, vì đây là huyền số, không phải để đo đếm, mà đem ra đếm với đo rồi quay ra hỏi sao có 18 đời Hùng Vương mà những hơn hai ngàn năm!!!

17.

Hùng Vương là con của Âu Cơ tổ mẫu, cháu của Thái Mẫu nữ Oa, học mẫu giáo tại trường Nữ Thần Mộc nên kể là được học hành đúng cỡ. Ta hãy theo dõi công việc của Hùng Vương. Trước hết là việc xin job được hiện thực trong cuộc thi gia chánh. Vua Hùng vương thứ ba muốn truyền ngôi cho con theo kiểu kén hiền tài (meritocracy) nên ra đề thi con nào làm được món ngon hơn cả thì truyền ngôi cho và Tiết Liêu đã đỗ với cặp bánh vuông tròn, vì cặp bánh hàm ý nghĩa đất trời. Ðó là nhờ Mẹ dậy thì tất phải đỗ và nay đã có giấy mời ra trị nước. Ta hãy xem vua Hùng xoay sở ra sao: ta thấy ngài cai trị nước bằng Huyền Thuật, mà có nơi gọi là Gậy Thần. Gậy Thần có chín đốt, ai biết nắm vào đốt thứ năm thì coi sống chết như nhau tức là tu đến độ đắc đạo không còn sợ chết: coi chết với sống là một. Cắm vào đốt thứ năm là bám sát cái qui của Nữ Oa Thái Mẫu hay cái bọc của Mẹ Âu Cơ, tức hội nhập hai thái cực vào một. Ðó là lưỡng nhất tính. Như vậy Hùng vương là một hiền triết cũng quen gọi là Nghệ tổ nghĩa là có tài cai trị. Tài cai trị được đo bằng trong nước ít có pháp luật, vì cai trị ít bao nhiêu thì tỏ ra giỏi bấy nhiêu. Càng nhiều luật dân càng khổ, gian trá càng nhiều. Văn lang quốc rất ít luật, nên truyền đời được năm ngàn năm mà vẫn êm thắm, con cháu được hưởng ân huệ cho mãi đến đầu thế kỷ này mới mất vào tay ý hệ ngoại lai tràn đầy pháp luật. Trên đây là mấy nhân thoại làm mẫu. Có thể thêm 15 truyện trong Kinh Hùng cũng đều hơi hưởng nhân thoại như vậy.

18.

Quan sát những truyện trên ta thấy tất cả các bộ số đã xuất hiện trước khi có nước Tàu. Tàu xét như một dân tộc mới xuất hiện lối thế kỷ thứ 15 BC. Nơi phát xuất không tìm được ở trên đất Tàu lúc ấy mà phải tìm ở mạn Ðông và Nam mãi về sau mới là của Tàu, tức từ sông Dương Tử trở xuống cho đén Thái Bình Dương. Nơi đây ta mới gặp các huyền số và những dấu đặc biệt của các nhân vật vừa kể trên mà nét lớn lao nhất là vai trò nổi của Mẹ. Như trong bộ ba Tam Hoàng của Nho, ta thấy Oa Hoàng không những nắm cái Qui, lại còn ở giữa Phục Hi và Thần Nông tức là làm chú, nên trong cổ sử chỉ có Nữ Oa đưọc gọi là Oa Hoàng. Ðịa vị đó truyền xuống qua các đời sau, trong đó có tích 50 con theo mẹ lên núi lập ra nước Văn Lang, nơi Mẹ vẫn giữ chức chủ tịch: Bà Chúa Xứ, chứ 50 con theo cha xuống biển thì bặt tin tức. Sự thực đây là trang huyền sử chỉ sự phân cực phổ biến trong vạn sự vạn vật. Nhưng nếu cần cho vào lịch sử thì 50 con lên mạn đất liền là Ðông Á, còn 50 xuống biển là Thái Bình Dương, mà từ trước tới nay không được nhắc nhở đến, vì còn đang thời quẻ Minh Di = Ánh sáng bị thương, nên sách gọi là “Tam phần” có nghĩa mồ chôn = bị chôn giấu./.


CHƯƠNG VI: U LINH ÐẤT MẸ

19.

Nay ta cần khai quật lên bằng đi ngược thời gian quan sát các cư dân ở Thái Bình Dương, để tìm ra những ấn tích của thời các Mẹ. Ðó là giai đoạn mẫu hệ được biểu lộ trước hết trong tục mẫu cư, tức rể về ở nhà vợ. Vậy là đã khác với nguyên thủy lúc con chỉ biết có mẹ. Vai trò của cha không ai biết đến. Thời ấy người ta tin là việc có mang là do thần minh hay hiện tượng nào đó: bên Hi lạp thi tin là do thần Zeus, bên Ấn độ thì do thần Brahma ban đêm phải xuống trần gian mò gái mới có con người. Bên Ðông Á thì các bà Mẹ cổ sơ đều thụ thai kiểu lạ như bà Giản Ðịch tổ tộc Thương có mang do nuốt trứng chim én. Bà Khương Nguyên tổ nhà Châu thì do giẫm vào lốt chân người to lớn mà có mang… Do đó không những có mẫu cư, mẫu hệ, mà nhiều nơi luôn cả mẫu quyền (gynaecocracy). Ðó là sự việc tất nhiên vì không có ai tranh quyền vào đấy cả. Từ Tiểu Nê tới New Guinea, Ða nê, Ấn nê, Thái, Miến, Quí Châu, Vân Nam toàn mẫu cư với mẫu hệ, nhất là về tâm tình thì việc mẹ chiếm trọn vẹn còn truyền lâu sau này. Người Indian ở California hầu không nhận cha, nhưng với mẹ thì quấn quít suốt đời. Người Ðayak (Borneo) cũng thế, cha có thể không kể đến, nhưng mẹ thì vẫn là cái gì linh thiêng đáng tôn trọng, và không một ai dám hé ra lời nói nào chống đối. Con gái vẫn thân tình với mẹ cha hơn với chồng. (Mothers 43)

20.

Ngày nay người ta thấy xem ra đàn ông thông minh hơn đàn bà. Giả như điều ấy có đúng thì cái đó do văn hóa xã hội gây nên, chứ ban đầu không có thế. Quan sát những con thú bị giết hoặc bị bắt lúc săn thì con đực bị nhiều hơn những con cái, nên kết luận được rằng con đực thì khờ khạo, lơ đãng, vụng dại, con mái mới khôn lanh, ý tứ, nhanh trí hơn. Vì thế tạo lập gia đình, một việc to lớn khó khăn phải là tác phẩm của Mẹ, chứ con đực không đủ khả năng lập gia đình. Nếu có thì cũng chỉ đi đến thứ đoàn lũ (herd) thuận lợi cho việc săn bắt, chứ trong đoàn lũ rất hiếm tình người. Mà chỉ đậm tình người mới làm nên gia đình được. Trong đoàn lũ chỉ có người đầu được đề cao với luật pháp nghiêm minh cho dễ bề thống trị. Thêm vào đó là sự sống lâu ngày trong bầu khí săn đuổi đâm chém nó uốn nắn xã hội cha thành xã hội lý có tính cách du mục và tất nhiên đi đến chuyên chế bạo hành. Còn xã hội mẹ là xã hội tình căn cứ trên gia tộc, thì tình chiếm hầu trọn vẹn, tất cả đều được tẩm nhuận lâu ngày trong bầu khi mẫu tử làm toàn bằng yêu thương lân tuất vô bến bờ. Trong gia đình không có tiếng của tôi của you, cùng lắm là tiếng của chúng ta, vì lúc ấy chưa có tư sản. Chế độ tư sản mới ra đời muộn về sau và trở nên điểm làm đảo ngược lịch sử cũng như tư duy của loài người, biến văn hóa mẹ thành văn minh cha. Từ văn hóa thôn làng đi sang văn minh thành thị.

21.

Từ sự thể trên ta đi ngược lên thời thái cổ để xem hôn phối bắt đầu tự đâu? Các nhà nhân chủng mới khám phá ra là ban đầu mọi sự hoàn toàn do mẹ, không ai biết đến cha, y như đàn cá chuối hay đàn gà do mẹ dẫn đàn con đi ăn. Người ta đoán gia đình nguyên thủy hình thành kiểu đó: chỉ có mẹ con. Ðàn ông có xuất hiện thì chỉ là anh em hay chú bác của mẹ. Do đấy mà vai ông cậu rất lớn trong chế độ mẫu hệ.

Còn hôn phối thì đến sau nữa và chia ra nhiều đợt. Ðợt trước tiên là “huyết tộc quần hôn”, ai muốn phối hợp với ai trong gia đình thì tùy ý, chưa có ngoại hôn. Kế đó đến lấy vợ chồng là lấy cả một đàn bà, một đàn ông, người con gái trở nên vợ của hết thảy mọi đàn ông trong gia đình, cũng thế người con trai trở nên chồng của hết mọi đàn bà trong gia đình (có lẽ tiếng đàn ông, đàn bà dính lại từ đó) Lúc ấy chưa có cưới xin chi cả: hễ ở với nhau thì nên vợ chồng. Rồi tới giai đoạn “Bôn phối” trai gái tự do lấy nhau như trong trống quân, hễ ưng ý và ở với nhau thì ra vợ chồng, tương đương với matrimonium gốc mẹ (matri là mẹ). Ðợt ba mới tới hôn phối (Mariage do Mari là chồng) với mai mối cưới hỏi và từ đấy sang giai đoạn phụ hệ xảy ra vào lúc loài người nắm vững sự sản xuất thức ăn đều đặn, rồi được tích trữ để dành lâu. Ðây là lúc thuần phục được con vật, mà Ðông Á chỉ bằng Phục Hi và là lúc biết gieo hạt giống chỉ bằng Thần Nông. Từ đấy cha mới có địa vị trong gia đình và dần dần lấn át mẹ. Phụ hệ mới xảy ra chừng dăm sáu ngàn năm nay. Chứ tự ban sơ trải qua hàng nhiều trăm ngàn năm chỉ có Mẹ con chứ không có cha con, và đó là điều giải nghĩa tại sao nguyên lý mẹ lại nổi bật ở khởi thủy.

22.

Nguyên lý mẹ là nói theo tiếng ngày nay, chứ xưa kia gọi là thời các Thần Nữ. Do đấy ta có được những ấn tích để theo dõi sự tiến triển của hai nguyên lý Mẹ Cha mà Nho gọi là khôn càn.

Nhìn vào xã hội thái cổ ta thấy liền sự trỗi vượt của biểu tượng trăng, mà trăng gắn liền với thần Nữ, nên tôn thờ trăng cũng là tôn thờ Mẹ. Ðiều dễ nhận xét là trăng đi trước Nhật và thường mang dấu đực như ông Trăng còn nhật giống cái (thái dương thần nữ). (Cách gọi ông bà trời không thuần nhất vì tùy vào thời đặt tên là mẫu hệ hay phụ hệ). Dân Eskimo tôn thờ mặt trăng Aningahk được coi là cao cả nhất. Phụ tá coi về thực phẩm có tên là Sed na cũng là trăng. Nhật không có phần nào cả. Với dân da đỏ Tlinkit thì nhật là vợ của trăng và bị coi như bà con nghèo (mothers 333)

Thần Thiên vũ xà = Quetzalcoatle được thờ ở Toltec và Aztec là thần trăng và cũng như quì long và giao long là tiền thân của tiên rồng (chim = quetzal, rắn= coatle). Riêng ở Incas thì phái trưởng giả ép buộc dân chúng thờ nhật, nhưng dân chúng vẫn thờ thần trăng Cons và Pachacama (Mothers 338). Ðó là thoáng nhìn vùng Thái Bình Dương, nhưng có thể nói trên thế giới kể cả vùng Ðịa Trung Hải cũng đều thế. Vì các Nữ thần Isis, Ishtar, Demeter, Artenis, Aphrodite… đều mang phẩm tính của mặt trăng và được tôn thờ như Mẹ Vu 177 trụ, hay là mẫu thân phổ biến (great Mothers) và đã xuất hiện lâu trước các thần mặt trời hay Trời. Việc này chỉ đến sau như dấu khởi đầu du mục phụ hệ ( Mothers 377).

23.

Trăng được thờ như nguồn mạch mọi linh lực (mana) mọi quyền lực phấp môn nên trăng được kể như chủ mọi cuộc biến hóa. Trăng thường được xuất hiện với số 3 và được giải nghĩa là ba thời của trăng: trăng khuyết hai bên, còn giữa là trăng tròn (Mothers 287). Nhiều nơi như Phenicia, Carthage hay Crete thí là ba cây cột mà bên ta thay bằng ba đầu rau: hai ông một bà, cùng một kiểu nữ Oa làm chủ ngự giữa Phục Hi và Thần Nông, nên ba đầu rau được kể là là ba thần nữ (hai ông được tham dự chức tước của bà) Trăng cũng năng xuất hiện với thập tự nhai được giải nghĩa như tứ chi kéo dài của tuần trăng Hina, cũng có khi được giải nghĩa như cây hằng sống. Thập tự nhai hay đi đôi với các vị tế tự mặt trăng cũng như là dấu hiệu của các thần nữ Ishtar hay Aphrodite (Mothers 341). Cứ theo luật chung thì tư tế là các bà. Trăng cũng xuất hiện với con số 14 kiểu như thần Osiris bị thần sét sẽ ra 14 mảnh, được giải nghĩa là hai tuần trăng sóc vọng hay hay là một nửa tháng trăng có 4 tuần, 28 ngày (so với 14 tam giác gốc trong Trống đồng và Hình trang 287 Mothers).

24.

Có một điều nhận xét khác là các con vật được dùng để tế đi với thần nam thường to và là những vật dữ săn trên rừng (cách tế cũng tàn nhẫn: đốt, đóng đanh); còn đi với thần nữ là những con vật nhỏ, phần lớn đã được thuần phục như chim, chó, mèo, thỏ… Trong đó có trường hợp mèo và thỏ thường giẫm chân lên nhau. Theo bảng thập nhị chi miền Ðông Nam Á thì Tàu nhận thỏ cũng như hầu hết các nước khác trong miền, trừ Việt nam là nhận mèo. Xét theo nhân chủng học thì cả thỏ cả mèo đều đã xuất hiện trong thời thờ trăng. Riêng về mèo bên Phi châu mạn tây được tin là có chín đời sống và có mắt sáng ban đêm cũng xem thấy (Mothers 297). Trong sách lễ ký (IX.29) thấy mèo được tế cùng với hổ, còn thỏ thời không. Mèo được Việt nam chọn có lẽ vì hợp với tên Việt hơn, bởi việt là vượt lên trên mà mèo thì trèo mau lắm. Vượt lên như vậy để dọn đường cho rồng bay lên trời.

Nói đến rồng là noi đến xà long tức là rắn vốn nổi bật trong huyền thoại và có đầy truyện là rắn đã đánh tráo khả năng trường sinh của con người. Có nhiều dịch bản hơi khác nhau, nhưng đại khái thì con người xưa có da như da rắn, tức có da cứng rồi từng kỳ thì lột da cũ để có da mới mềm mại hơn, nhờ vậy mà sống mãi. Nhưng sau bị rắn đánh tráo nên mất da có vảy (còn sót được chút xíu ở đầu ngón tay ngón chân). Rắn là tên chỉ loại bao gồm cả giao long, ly long, cẩu long, và ma cà rồng…

Tóm lại các yếu tố triết Việt được thấy đầy đủ trong thời thờ trăng: từ tiên rồng đến vai Mẹ nổi nang, qua tả nhậm, đến các số 2,3,5,9. Và tất cả còn lưu ảnh hưởng bên Việt Nam nhiều hơn bên Tàu./.


CHƯƠNG VII: TỪ THỜI TRỰC PHỤ HỆ – TRỞ VỀ THỜI TRỰC MẪU HỆ.

25.

Thời Mẫu hệ bị phụ hệ đẩy lui thì thần trăng cũng bị thay bằng thần Nhật. Nhật là thần nam, khác thần nữ ở chỗ tìm công chính và gia tăng quyền lực nên lấn át thần nữ. Tuy nhiên thần nữ biểu thị lòng lân tuất yêu thương (Mothers 354) đã có rất lâu đời trước, nên cũng còn để lại được nhiều đức tính cho nam thần. Nhiều lễ thờ nhật được cử hành ban đêm (như mặt trăng). Các phẩm phục mặc khi tế tự thì còn giữ y nguyên kiểu các bà. Nhiều nơi còn đi xa hơn nữa đến độ trong cuộc tế tự có cả màn nhà tư tế lên giường nằm kêu rên như bà để (mothers 276). Có những việc nhảy múa vốn đi với thần trăng, sau này cũng còn giữ lại nơi tế thần mặt nhật. Cái mà ta gọi là cuộc nhảy múa (như trên mặt tróng đồng) chính là cuộc tế tự đó, và nhà tư tế cũng gọi là ca vũ viên (mothers 340) nhảy múa để biểu lộ sự vui sướng tưng bừng vốn đi với thờ mặt trăng hiền dịu và là nền cho nét an nhiên thư thái, sống như chơi sau này mà ta nhận thấy trong Việt Nho. Thần Manitu đầy linh lực (magic power) được đa số dân da đỏ thờ thì có tính tình vui vẻ hay nói đùa và thường trêu chọc và chơi khăm mặt trời (mothers 336) làm liên tưởng đến thần Leela bên Ấn độ và Hóa nhi đa hí lộng bên Ðông Á. Xem ra cả ba là do nền Minh Triết cổ xưa đều đề ra lối sống như chơi của triết Việt.

26.

Nói tóm sự chuyển từ mẹ sang cha đã xảy ra khắp nơi trên hoàn vũ. Nhiều nơi Mẹ hầu bị chôn táng hẳn. Càng văn minh thì mẹ càng mất quyền lực. Những nơi văn minh nhất là các chốn có tụ hội đông như thành thị văn minh hơn thôn quê. Thôn quê thì văn hóa hơn thành thị, tức nhà quê giầu yêu thương, thực tình hơn… Càng văn minh thì quyền cha càng lấn lướt: ấn tích rõ nhất là các thần thọại thay nhân thoại với chủ quyền về tay thần, người chỉ còn là con vật hi sinh.

Xét đến cơ cấu thấy rõ đó là do phụ hệ nghiêng về quyền lực nên các thần thoại đều đặt nổi quyền uy, đều nhấn mạnh trên sự phục tùng với hình phạt ghê gớm dành cho những kẻ không vâng phục. Quyền tuyệt đối được gom vào tay một thủ lĩnh mạnh, gây ra giới vô sản, nhân đó có đẳng cấp, có chuyên chế, có chiến tranh với những nghệ thuật khổng lồ (để tăng quyền uy) nghiêng về sự chết… Tình trạng này xảy ra trong hết mọi nơi, trừ bên Ðông Á có nhân thoại đạt (?) nổi đức tự cường, tự lập của con người, đó là do Mẹ chuyên lo hạnh phúc cho con không phân biệt, nên không có chế độ nô lệ, không có vô sản, không có âm phủ, chỉ có cõi tiên…. Cõi tiên hầu hết là tiên nữ. tiên nam ít thấy (hình như có nhưng ở cả dưới hầm rượu chăng). Nhờ thời Nữ thần kéo dài, nên khi phụ hệ lên thì những nơi hẻo lánh như các đảo Thái Bính Dương, những bộ lạc sống trên núi rừng xa cách còn giữ được hầu nguyên vẹn nguyên lý mẹ. Những nơi đông người như Tàu, Ấn độ, Mã Nê thì nền tảng còn mẹ có thể đến độ 50 hay 60%. Bên Tàu có thể đến 70% nhưng dù không đến thế thì cũng còn hơn bên Âu tây, nơi Nguyên lý Mẹ chìm hầu mất tích.


CHƯƠNG VIII: BA ÐỢT TRỤC

27.

Trong quyển “Dẫn vào lịch sử” Karl Jaspers có nói đến thời Trục (période axiale) xảy ra quãng từ 800 đến 500 năm tr.tl. với những tên tuổi xuất chúng như Socrates, Plato, Aristotle bên Âu tây, bên Ðông Phương thì như Khổng tử, Lão tử, Trang tử. Bên Ấn độ thì như Mahavir, Phật Thích ca Mầu ni… Tất cả chứng tỏ thời kỳ rộ nở của tâm thức con người. Tuy nhiên nói chung thì chưa hẳn là đỉnh cao trí tuệ vì chưa đạt được nhân thoại mà còn để lẫn đầy chất thần thoại (???). Biểu tượng rõ nhất là Promèthèe vì muốn có chút lửa đưa tự trời về soi cho trần gian mà phải ăn trộm, rồi bị bắt và bị đóng đanh trên núi Caucase. Các nhân vật trong Iliade cử động y như những thằng phỗng do thần giật giây, thiếu hẳn nét tự cường, tự lực. Ðây là cung cách mà cho tời nay con người thường đáp ứng như vậy, tức con người thường nép mình dưới bóng thần minh, gọi là thời bái vật. Nếu không thì cũng chỉ lên đến đợt ý hệ của lý trí hàng ngang rồi cuối cùng vẫn bị vật sai sử. Nói khác Thời Trục mà K. Jaspers nói đến chưa đạt nhân thoại, bởi con người vẫn bị vong thân, “cõi người ta” vẫn bị bỏ trống. Triết học tây Âu thì duy lý trừu tượng, hơn kém làm con sen cho thần học. Như thế rõ ràng đó chỉ là Thời Trục hạng thứ, cần tìm ra Thời Trục trên nữa.

28.

Với Ðông Á thì Thời Trục thượng thừa thấy được khá rõ với những tên tuổi lẫy lừng như Bàn Cổ, Hữu São. Toại nhân rồi đến Phục Hi, Nữ Oa, Thần nông. Ðó là đợt cùng cực.

Xuống một đợt thì như Ngũ Ðế hay nhà hiền triết Ta Nê hoặc Hùng vương bên Việt. Bên Án thì như Patanjali với Yoga, Shiva Devi với Tantra, rồi đến Upanishad. Tất cả đều đã đã đạt thành tích vũ trụ, tức vũ trụ quan nhân thoại rất thuận lợi cho nền độc lập của con người, như được chứng tỏ trong máy thực hiện lớn lao là xã hội không có đẳng cấp hay giai cấp, mọi người đều được hưởng tự do nền tảng, dù ta có gọi đây là đệ nhị Thời Trục thì vẫn còn cao hơn Thời Trục mà K. Jaspers nói đến trong quyển “Dẫn vào lịch sử” nhiều lắm. Ðó chỉ đáng tên là Thời Trục hạng ba.

29.

Về những ấn ích hai Thời Trục nhất nhì thì ta có thể lấy văn Thao Thiết làm khu nữu (axe). Thao Thiết được các nhà nghiên cứu coi trọng như đỉnh cao nghệ thuật cổ sơ, mà thể chất nghệ thuật không đâu so sánh nổi, kể cả các đồ đồng trọn hảo của Hi lạp (thua trong nét nhún nhảy, trong thể lượng đồ sộ) nhưng về ý nghĩa của Thao Thiết thì các nhà khoa học đều chịu xếp bút: cho là bí ẩn, y như về nét song trùng Bắc sơn. Nhưng nhờ đối chiếu với các ấn tích của Thài bỉnh Dương tôi cho rằng đó không những là đỉnh cao Mỹ thuật mà còn là một lâu đài văn hóa có thể đặt ngang với trống đồng. Ðó chính là một trong những thần cao cả của Thái Bình Dương đang trong thời kỳ biến thể để sẽ kết tinh ra tiên rồng. Ðó là vật linh mà Việt nam gọi bằng tên Ma cà rồng. Ma cà rồng của Ấn Nê và các Nê khác ở miền New Guinea, New Britain, Rook… gọi là Mako hay là Maka. Việt Nam thêm chữ rồng vào vì Maka chính là giao long (cá sấu) mà mọi người đều coi là linh thiêng cao cả. Cũng có nơi gọi là Kopi ravi và thường đươc nhắc tới bằng chữ Imunu có nghĩa là “Nguyên lý sự sống bởi trời. Ma cà rồng đươc dùng trong nghi lễ điểm đạo tái sinh. Người ta đưa thanh niên tới nơi hành lễ. Những người điểm đạo bịt mắt anh lại rồi vất vào hàm của con giao long đan bằng một thứ cây mềm (cây mây thí dụ) có trang trí lông chim. Lúc đó bên trong có tiếng như bò rống kinh hồn, đang khi cha mẹ đứa trẻ van xin đừng giết con tôi. Bấy giờ chủ tế mới ưng thuận cho nhả mồi ra. Cũng có nơi Ma cà rồng chỉ ngoạm đối tượng vào miệng một lúc (như thấy được trong ảnh Thao Thiết kèm theo). Lễ nghi mỗi nơi có khác chi tiết, nhưng đại để thì Ma cà rồng được trọng kính cùng cực, cũng như khi đối tượng được nhả ra thì mọi người đều cho là đã đầy linh lực (mana). Có thể chữ mana cùng một gồc với Ma cà rồng.

30.

Những trang sách trên là tóm lược từ quyển The Mothers của ông Briffault (trang 322-3) giúp ta khám phá ra ý nghĩa văn Thao Thiết thường dịch là kẻ háu ăn (glouton). Sự thực đó là ăn người trong lễ tái sinh, tức là nuốt vào bụng (làm cho “chết đi”) để rồi tái sinh là lè ra con người mới căng thẳng linh lực. Ngày nay Thao Thiết đã mất ý nghĩa, trở nên đồ trang trí và bị gọi là háu ăn, mà không biết đến chỗ người được ăn để có đầy tràn linh lực. Hai mắt Thao Thiết lồi bật ra ngoài tỏ rõ đó là cặp mắt giao long. Tại sao lại dùng hình dạng quái đản đáng sợ như vậy để chỉ thần linh. Thưa vì người xưa quan niệm thần minh như cái gì u linh đáng kính sợ, quan niệm nguồn mạch mọi sự như cái gì thâm sâu đáng kính sợ. Sự có sinh bởi sự không, sự sống sinh ra từ sự chết, ánh sáng phát ra từ đêm tối âm u, nên nói, quan niệm sự có sinh ra bởi không, âm trước dương và âm gắn liền với dương. Theo đó con người đầy đủ được quan niệm gồm cả quỉ cả thần (nhân giả quỉ thần chi hội). Nay ai gọi ta là quỷ ta giận lắm mà không ngờ rằng quỉ là thành phần nền tảng, bỏ đi thì hết là người. Nói thật chối quỉ trong người thì y như bỏ giây nguội trong điện chỉ giữ có giây nóng: điện đi bương luôn.

31.

Thế là ta biết được nguồn gốc tiên rồng của Lạc Việt là sự thăng hoa của lễ điểm đạo trải ra nhiều đợt biến chuyển, mà vật tổ chứng nhận là Thao Thiết, là Ma cà rồng có trang sức lông chim, bên Mỹ châu nơi Toltec và Aztec là Thiên vũ xà (Quetzalcoatle= bird serpent.) Người da đỏ vào Mỹ trước đây quãng từ 12-31 thế kỷ tr.tl, thề mà đã có yếu tố để thành hình thiên vũ xà thì ta biết gốc tiên rồng có đã lâu đời đến chừng nào. Căn cứ vào Thao Thiết mà trước nay quen quy cho tộc Thương thì rõ ràng là văn hoá Thái Bình Dương đã có mặt ở trên miền bắc đó.

Hoc giả Karlgren đã thâu thập được hơn năm trăm Thao Thiết và phân loại ra nhiều giai đoạn: có Thao Thiết hình bò, có Thao Thiết giải thể, có Thao Thiềt biến ra quỳ long… Hình bò có lẽ thay thế cho một số hình trước coi như hổ (do đó có tiếng Hổ phù?). Thực ra thì con vật không ra bò, không ra hổ, không ra chó, mặc dầu có những tiếng cẩu long, long mã… Ðó là giống đang biến dạng mà ở mạn nam các nhà nghiên cứu gọi là aso-tiger, aso-dog. Còn hình tan rã là thời sửa soạn thăng hoa đợt nữa, đây đang là đợt lý trí phân chia ra những hồi văn gẫy khúc bên tàu, hay hồi văn uốn cong bên Việt Nam để cuối cùng trở thành tiên rồng. Như vậy tiên rồng là kết tinh của một chuỗi diễn đề dài lâu của giao long và chim trĩ mà những hình thức ban sơ là Thao Thiết, là Ma cà rồng và Thiên vũ xà bên Aztec.

32.

Thao Thiết là cái đinh trong lễ Ðiểm Ðạo tái sinh. Lễ này sau được thăng hoa ra lễ Thành Ðinh bên Lạc Việt, rồi lễ Gia Quan bên Khổng giáo. Ở lễ Ðiểm Ðạo đối tượng bị đánh đập hành hạ, nhiều khi cắt xẻo, có cả trường hợp trở nên bất lực, đôi khi có cả chết. Người xưa làm thế vì tin rằng phải có cái gì thực sự chết đi mới có được tái sinh chính cống, mới thâu được nhiều linh lực (mana). Khi nghiên cứu về thời thái cổ ta hay gặp sư 139 khắt khe có khi đến tàn bạo trong việc nên người được chú ý như trung tâm của kiếp người, nên mới có những cuộc đánh đập hay sát sinh mà ngày nay ta không thể tưởng, như việc thiêu chết cả hàng trăm trẻ em. Có thể những cái đó do một thời xa xưa hơn nữa ở giai đoạn còn hoàn toàn bái vật và rất có thể những bạo hành, những sát tế đó đại diện cho ngành thanh giáo, lấy “cương thắng nhu” rất dễ rơi lại thời bái vật, ngược với lối âm nhu của Mẹ lấy “nhu thắng cương” thì nhẹ nhàng thanh thoát để đi lên tâm linh, sẽ bàn đến ở chương V.

Quan sát văn hoá Thái Bình Dương ta thấy sự bạo hành trong lễ Ðiểm Ðạo chỉ là ngoại lệ, còn nói chung thì đều đi lối âm nhu theo đường nhân chủ và đã thăng hoa ra lễ thành đinh nơi Lạc Việt, tức là lúc người trai trẻ chấm hết tuổi Xuân xanh để bước vào thời Ðinh tráng. Trong lễ không hề có đánh đập mà chỉ có các cuộc thi: thi trèo cây, thi chạy, thi vừa chạy vừa nấu cơm v.v… Ðến lễ gia quan thì đã thăng hoa cùng cực, chỉ còn có những lời cha nói với con cách hoàn toàn an vi nhân chủ như: “Cư thiên hạ chi quảng cư. Lập thiên hạ chi chính đạo. Phú quí bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy võ bất năng khuất” Tuyệt nhiên không một lời hứa hẹn hay để lại nào. Nhân chủ đến vậy là cùng cực. Trong nghĩa tương đối ta có thể gọi đây là thời vàng son của con người. Ngoài xã hội không có chế độ nô lệ, không có vô sản. Trong gia đình có lể nghi trao lại quyền tự chủ cho con cái đến tuổi trưởng thành./.


CHƯƠNG IX: NHỮNG HUYỀN SỐ CỦA THỜI LẬP ÐỨC LẬP CÔNG

33.

Những điểm trên chứng tỏ lễ điểm đạo đã đặt chân vào ngưỡng cửa tâm linh. Xin nhắc lại triết An vi chia tâm thức con người ra ba giai đoạn: Bái vật, Ý hệ, Tâm linh. Từ bái vật lên tâm linh phải đi qua lý trí, nếu không qua lý trí bằng học hỏi phản minh thì dễ rơi vào cảnh trầm không u tịch. Nếu dính vào duy ý thì ra ý hệ mà truyện cổ Việt gọi là con ba ba vì ngậm hạt ngọc nên không tiến được. Những người theo chủ thuyết nào mà dính vào đó thì bị chủ thuyết bịt mắt không thấy được chi ngoài. Còn qua được giai đoạn đó thì lên Tâm linh. Dấu qua được là có cơ cấu. Cơ cấu cũng là một thứ hệ thống, nhưng hệ thống mà không hệ thống, tức vẫn để quyền tự do quyết định cho mọi người: chẳng phải theo chủ thuyết hay luật pháp nào, chỉ có dăm ba bộ số chi đường. Các số đó không chỉ số lượng, mà chỉ những chân lý nền tảng. Sách Ðại đái lễ ký ghi: 1 trời, 2 đất, 3 người. Theo đó thì trời số lẻ, đất số chẵn, người tổng hợp cả hai chẵn lẻ. Chẵn lẻ rất quan trọng để chỉ hai đối cực, và vẫn đi đôi để chỉ sự Thái Hòa lưỡng nhất riêng biệt của Việt Nho. Bộ số quen được dùng hơn là 2, 3, 5 trong đó trời 3, người 5, đất vẫn số 2. Số có thể thay đổi nhưng chẵn lẻ thì y nguyên: lẻ nhỏ là trời, lẻ lớn là người. Mỗi khi gặp những tập hợp kỳ lạ thì nên tìm ý nghĩa chứ đừng lo đo đếm, thí dụ 18 đời Hùng vương, Bàn Cổ cai trị 18 ngàn năm. Chim Lạc Ðịch có 8 cánh 1 chân… thì phải tìm ra ý nghĩa, nhưng cũng không nên ép nghĩa vì cũng có trường hợp số chỉ xuất hiện như con dấu chỉ chân lý quan trong, hoặc như con dấu chủ quyền.

34.

Thế là chúng ta đã liếc nhìn về thời thái cổ tuy rất vắn tắt, nhưng tạm đủ tóm thâu được nét cốt yếu hơn hết trong thời uyên nguyên mà sau Nho gọi là thời Ðại Ðạo, Cái Ðại Ðạo ấy gọi là Ðường đi = the Way, là Ði = the Going hiểu là chỉ có làm, làm tự động, tự cường, làm đến chỗ cùng kỳ cực. Hầu không có lời. Cái có thể gọi là kinh điển cũng không có lời, không có chữ, nên gọi là “kinh vô tự” thí dụ Sách Ước Gậy Thần chỉ có vài biểu tượng, như hàm ý rằng chỉ cần vài ba dấu hướng dẫn rồi tự mình mình làm, thành ra việc làm toàn vâng theo những chỉ dẫn căn bản Tai họa về sau là nói nhiều, càng ngày càng nhiều lời thêm, làm che mất Ðại Ðạo và trở nên thường nghiệm, nghĩa là làm theo những mệnh lệnh cấp tình cảm hay lý trí. Ðó gọi là vong thân, cũng gọi là vong bản, vong Ðại Ðạo, không đến được chỗ chí thiện. Ðường lên đến chí thiện phải trải qua Ý, Tình, Chí. Hầu hết con người khởi đầu bằng một thứ tình cảm chưa được gạn lọc xuyên qua lý trí, chưa đáng gọi là tình, mới là cảm xúc, nên đi vào nẻo Bái Vật (sùng mộ). Sau đó thấy bái vật thiếu nền mới đi hẳn sang lý trí đến độ duy trí: kết quả là rơi vào thuyết nọ thuyết kia rất rậm lời, rậm ý, tệ hơn nữa là rơi vào ý hệ làm cho mù quáng, chẳng còn thấy cái chi ngoài ý hệ mình theo. Hiện nay nhân loại đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, tức là đang vỡ mộng (desillusion) để sửa soạn vào thời “du ư nghệ” mà triết lý an vi gọi là “sống như chơi”. Ðó là con đường thường tình mà những dân văn minh trải qua, và thường trình bày thành bốn đợt: 1/’emotional. 2/ Metaphysique. 3/ desillusion. 4/ Esthetique. (Số 3 không cần, hoặc đã cho thì phải cho một nữa sau 1/. Bảng này về nội dung có thể gióng bảng của An Vi (1/Bái vật. 2/ Ý hệ. 3/ Tâm linh) miễn bỏ mục Vỡ mộng. Nên nhận xét rằng sở dĩ có Bái vật và Ý hệ là vì những nhu yếu không được đáp ứng. Ðâu có Nho là không có Bái vật về Ý hệ vì mọi nhu yếu thâm sâu đã được đáp ứng rồi.)

35.

Vậy khi về thăm quê mẹ ta không gặp thời Bái Vật hay Ý hệ, mà gặp liền giai đoạn sống như chơi (esthetique). Ðúng ra thì cũng có những tác động lẻ tẻ thuộc bái vật hay ý hệ nhưng không đủ để làm nên một thời hay môi sinh. Ở đây là môi sinh an vi thanh thoát như được minh họa cách rực rỡ trong trống Ðông Sơn: nơi có cuộc sống tung tăng như cá nước, và nhởn nhơ như chim trời, phản chiếu đúng cái vũ trụ quan không có trời đánh, thánh vật, mà chỉ có “Hóa nhi đa hí lộng” (Manitu của dân da đỏ, Leela bên Ấn đều cùng một gốc). Ðến lúc soát lại con đường đã đi thì quả là đúng Ðạo gồm đủ cả ba yếu tố là: Ý, Tình, Chí.

A] Ý: Ý thuộc Trí đi đầu, theo đúng thứ tự “trí, nhân, dũng”: Trí đầu tiên. Vì khởi bằng Trí nên tránh được Bái vật. Chứng cớ là không có thần thoại, chỉ có nhân thoại, và trong toàn khối hầu không có thần quyền chuyên chế.

B] Tình: Thi thật là chí tình. Còn gì thâm thiết và mênh mông cho bằng tình mẹ. Thật là bao là như biển Thái Bình Dương, và trong thực tế cả Thái Bình Dương bát ngát đều là vương quốc của Mẹ, nên hết mọi con đều được hạnh phúc sống dưới bóng Mẹ hiền: không một ai phải vô sản, hay phải nô lệ.

C] Chí: Chí đây là chí Nhân, chí tác, chí hánh của một nền nhân chủ oai nghi vô cùng đươc biểu lộ cách huy hoàng không thể hơn được : “Hỗn mang chi sơ Vị phân thiên địa”. Bàn cổ thủ xuất Thủy phán Âm dương.” Thật là nhân chủ cùng cực: tự cường, tự lực đến trời đất cũng không kể tới. Thật không thể mở đầu nguồn gốc một nền Minh Triết hay hơn./.

Trên đây là thời thái sơ Ðại Ðạo. Hai chương III và IV sẽ cho thấy từ Ðại Ðạo trụt xuống nhân nghĩa như thế nào. Chương III do duy lý, chượng IV do phản động lại lý trí..Chương V cố nói đạo xưa bằng đường ý, tình, chí.


CHƯƠNG X: TRỞ VỀ TÔ THẮM QUÊ MẸ

Cuộc du nhập từ phía tây nam

1.

Tây Nam đây là Ấn độ đối với tây bẳc là Âu châu. Ðó là hai nền văn minh đối lập như một không một có kẹp lấy Ðông Á ở giữa gồm cả có lẫn không. Bài III đã nói về cuộc xâm nhập của văn minh du nhập của cực vô từ Tây Bắc mang số 4-1. Chương này sẽ nói về cuộc du nhập của cực vô từ Tây Nam, mang số 1-4 với đại diện là Phật Giáo. Phật Giáo là một thực thể rất phiền toái vì vừa là một nền triết vừa là một tông giáo và tuy phát xuất từ Ấn Ðộ nhưng hồn lại từ Ðông Á, lại du nhập vào nhiều nơi như Tàu, miền Ðông Nam (các nước tiểu thừa) và Việt Nam. Chính sự du nhập ở nhiều nơi này giúp tìm ra những nét then chốt trong Phật Giáo, giúp cho thấy mối liên hệ giữa Phật Giáo và Việt Nam có tính cách họ máu hàng dọc, được chứng tỏ bằng những lâu đài văn hóa cao cả không đâu có được như vậy. Xứng đáng là mô thức cho các cuộc giao thoa văn hóa khác. Ta sẽ lần lượt xét sơ qua.

2.

Ấn là xứ tạp chủng gồm hai thứ dân chính là Dravidien và Aryan Dravidien là dân bản thổ cư ngụ trên đất Ấn đã từ rất lâu trước, với nền văn hóa nhân chủ của các dân cổ sơ Thái Bình Dương.

Rồi tới vài ba ngàn năm trước Tây lịch thì có dân Aryan từ phía Tây Bắc xâm nhập. Họ thờ thứ thôn giáo bái vật hoàn toàn vụ ở nghi lễ, không có chút chi kiểu thiền: hoàn toàn hữu vi thơ ba thần khí tượng là lửa, sấm, đất (Agni, Indra, Surya) với tính bốc đồng hay thay đổi, y như các thần khí tượng đầy óc chuyên chế, du mục. Chính óc du mục này đã hướng dẫn nền thống trị của Aryan trên đất Ấn bằng đặt ra đẳng cấp, tiêu diệt tinh thần nhân chủ của dân bản thổ bằng kết tinh trong nhân thoại Manusya và đã giúp cho Veda vươn lên đợt cao hơn thành Ấn Giáo với ba thần mới có tính cách vũ trụ đó là Brahma, Vichnou và Shiva. Tuy nhiên chưa được cao tột cùng, nên còn cần một cuộc cách mạng mới là Upanisad.

3.

Upanisad được dịch là “Áo nghĩa thư” hay là “sách rừng” vì chống nghi lễ tôn giáo Balamon, nên thầy trò phải nói nhỏ vào tai nhau, hoặc đưa ra nơi vắng vẻ (trên rừng, thí dụ) để tránh sự dòm ngó của thần quyền từ nay gọi là Balamon. Upanisad đã vươn lên tinh thần nhân chủ trong câu kết tinh “Tat van asi = cái đó chính là mày, chính mày là cái đó”. Âu này giống như câu trong nho “thiên lý tại nhân tâm”. Nhưng bên Nho không có tính chất cách mạng ví đây là miền của nhân chủ: ai cũng có thể cảm nghĩ như vậy rồi. Người nói lên được câu đó chẳng qua là có ý thức sâu sắc hơn, nên gọi tên sự thể ra được vậy thế thôi, không có nguy hiểm gì hết, vì không có thần quyền không có hàng tăng lữ. Còn Ấn Ðộ thì không những có hàng tăng lữ mà còn nắm cả quyền cai trị, nên cũng là một thứ vua thần, nhưng tỏa ra trong một đẳng cấp, nên nguy hiểm hơn cho cách mạng. Vì thế mà thầy trò phải rỉ tai nhau, nói kiểu bí mật gọi là “Áo nghĩa thư”, hay đưa nhau lên rừng gọi là “lâm thư”. Ðây là những kiểu đánh du kích ẩn ẩn nấp nấp, nên đã tác động mạnh làm cho Veda phải biến đổi dần để trở thành tôn giáo Balamon thay cho Veda. Chính nhờ vào sự va chạm với văn hóa Dravidien mà tôn giáo Veda bỏ được bộ mặt thô đại của đựt thần khí tượng để vươn lên đựt phổ biến. Nhưng đây là thứ phổ biến một chiều duy tâm, nên không gây ơn ích cho xã hội tức không phá nổi đẳng cấp, thành ra cũng không có dân chủ và đẳng cấp, cứ tha hồ đâm rễ sâu hơn đâu hết.

4.

Do đấy cần có đợt cách mạng thứ hai của Upanisad mà đỉnh cao chót vót là Ðức Thích Ca với câu nói đầy tự lực tự cường “Các bạn hãy tự thắp đuốc lên mà đi” câu này tương đương với câu “tại mình minh đức” trong Ðại học. Có thể đây là tiếng trả lời cho câu hỏi do Upanisad đặt ra. Upanisad biết được chính con người là “cái ấy”. Chính mình mang cái đức sáng ấy (minh đức), cái ánh linh quang của trời ngay trong mình. Vậy thì phải làm gì bây giờ đây? Thưa “hãy tự thắp đuốc mình lên mà đi” hiểu là sự cứu rỗi không ở trong việc tế thần lửa, không trong nghi lễ rườm rà tốn kém, mà chính ngay trong việc tự mình làm lấy, ai cũng làm được: ai cũng có Phật tính trong mình, chỉ cần nhận thức ra là được. Thế là nhất định nhận thức, nhất định thắp đuốc, nhưng thắp bằng cách nào? Thưa vào tăng hội đang được hình thành chung quanh Phật tổ, nếu có phải bên Ðông Á thì thưa tại “tu, tề, trị, bình”. Nhưng bên Ấn không có thứ môi sinh nhập cuộc đó mà chỉ có thứ môi sinh xuất thế do Phật tổ lập ra đó là tăng hội một trong tam qui: “Quy y Phật. Quy y Pháp. Quy y tăng.” Ðây là đợt phát triển đầu tiên gọi là tiểu thừa được khai mạc trong bài giảng chuyển phát luận.

5.

Ðợt sau gọi là đại thừa cho rằng tiểu thừa mới “độc thiên kỳ thân” còn có thể tiến xa hơn được, đó là đợt “tự giác nhi giác tha” với hạnh Bồ Tát là hoãn vào Niết Bàn, để cứu độ hết thảy chúng sinh trước đã. Ðó là quan niệm của đại thừa. Ðại thì to hơn tiểu rồi chứ gì, nhưng lại không được coi là cao hơn do tinh thần tiểu thừa còn đứng vững. Tinh thần này lấy việc thoát khỏi bánh xe luân hồi làm cứu cánh, nên không coi trọng bất cứ việc nào, vì hễ còn có việc thì còn sinh quả, mà đã có quả thì lại phải trả quả gọi là trả nghiệp: không vào được Niết Bàn. Có phải vì thyết đó hay là hoàn cảnh không cho phép mà Phật không lên án chế độ nô lệ đã được Balamon đặt vào cơ cấu tinh thần tức phải sinh ra tự thân thể Brahma mới được kể là người tự do. Theo ông W. Durant (Civ I. 396) Phật làm ơn cho Balamon trong đó nên tuy Phật giáo là một cuộc cách mạng, mà không làm lung lay nền tảng đẳng cấp do Balamon thiết lập. Về sau Balamon xuyên qua triết gia Shankara còn bòn rút hết tinh hoa Phật vào làm phong phú cho đạo mình. Có lẽ lý do sau này đúng tức Phật thấy không làm chi được Balamon nên không đụng đến cơ cấu triết lý để đổi đời, mà đi liền vào tu trì, đi vào tâm lý; còn về cơ cấu triết vẫn hầu như nhận hệ thống tứ tố của Samkya, mà đã không đổi cơ cấu thì xã hội vẫn nằm trong tình trạng cũ mặc dầu tinh thần đã đổi, nhưng không tác động được vào thể chế, nên kể là duy tâm và vẫn không phá được sự chia đôi hai bờ. Lẽ này có thể đúng hơn vì về sau ta thấy Balamon đã tống khứ Phật Giáo ra khỏi Ấn Ðộ (bằng cách cấm mọi nghề, chỉ cho làm giầy dép, nhưng giầy dép phải có da, muốn có da phải sát sinh… Phật giáo làm sao nổi) và Balamon vẫn nắm độc quyền văn hóa của kẻ thống trị tuyệt cùng. Tiếng Sanskrit đẹp thực, nhưng cũng là một quái tượng vì có những động từ lê thê, 34 mẫu tự dân chúng không thể hiểu. Còn di hại sâu xa ở chỗ rút tinh hoa Phật vào làm giầu cho Balamon khiến không ai thấy cần theo Phật vì những giá trị của Phật đã “có” trong Balamon rồi, không ai có thể dựa vào Phật mà công kích Balamon nữa. Dân làm sao hiểu được chỗ lắt léo đó.

6.

Phật Giáo là đạo từ bi cao độ, đầy ắp nguyên lý Mẹ, lẽ ra không có sự kỳ thị phụ nữ. Vậy mà sao lại có, thì đó là điều ta cần phải tìm biết mới hiểu được tầm mức cách mạng trong vụ Phật Mẫu bên Việt Nam. Vậy ban đầu Phật giáo không nhận đàn bà vào hàng tăng lữ là vì bầu khí của Balamon kỳ thị đàn bà như lối du mục duy dương. Sinh con trai thì nào kẹo, bánh, nào nến hoa chăng kèn thổi; còn sinh con gái thì chẳng có một tí gì, ông bố ngồi dài mặt ra thuồn thuột. Không buồn sao được vì sau này đi lấy chồng thì bị kể như “tài sản” của chồng, nhỡ chồng chết trước thì phải lên giàn hỏa (sutee) theo chồng. Chính vì óc kỳ thị phụ nữ nặng nề như thế mà ban đầu Phật không nhận đàn bà vào tu. Sau nể bà mẹ nuôi lắm đành phải nhận vào thì tiên tri là Phật giáo sẽ chỉ chinh truyền được có 500 năm thay vì 2500 năm. Và quả thật sau 500 năm thì Phật giáo bị Balamon tống xuất ra khỏi Ấn. Lúc trước họ sợ nhất là uy tín Phật tổ quá ư lớn lao, nên không dám động đến. Lâu ngày thì uy tín kia lu mờ thế là họ đuổi, và đuổi cách tàn nhẫn kể cả đốt sống, và do đó mà Phật Giáo tỏa lên Tây Tạng, sang Ðông Á tận Nhật Bản cũng như túa thêm xuống vùng Ðông Nam Á.

7.

Phía Ðông Nam như Miên, Thái, Mên, Lào v..v.. là một bản địa không thuận lợi lắm cho Phật vì chưa nhận được nho đã công thức, lại còn bị Balamon nên chỉ tiếp nhận được có tiểu thừa, lại còn bị dưới nữa thức chỉ có cái tên là Phật thôi, chứ nội dung là Balamon: rõ nhất nơi chùa tháp (Angkorvat) mà tiền nhân ta quen gọi rất trúng là “Ðế Thiên Ðế Thích”. Ðế Thiên tức là vua thần phát xuất từ bên Iran (Perse). Thần là thiên, còn đế là vua gọi là vua vũ trụ (chakravatin). Vua thần đi với những đền điện khổng lồ. Trên thế giới thì đền Angkor khổng lồ hơn hết.

  • Thứ đế l vẫn du mục cùng cực: không có một tượng nữ nào. Lệ thiêu sống bà gáo (Sutee) vẫn thi hành dài dài.
  • Thứ ba hướng về cõi chết. Angkorvat chính là mồ táng xác vua thần của Ðế Thiên. Còn Ðế Thích bị đày xuống hàng thứ, đã vậy còn khác cho cái tên chẳng Phật tí nào cả đó là Ðế Thích. Ðức Thích Ca đã từ bỏ ngai vàng rồi còn gán chức đế cho Ngài làm chi: đó chỉ là để làm bung xung che đậy chất du mục của Ðế Thiên nên dân vẫn là nô lệ gần như bên Ấn Ðộ. Vì những lẽ đó nên miền này chỉ tiếp nhận được có tiểu thừa tức là giai đoạn đầu, thiếu hẳn những mở mang sau này của Ðại Thừa như Bát Nhã. Duy Thức rời Mật giáo. Trái lại vẫn tiếp nối tính chất khổng lồ của du mục như tháp chùa Angkorvat và Borobodour bên Ấn Nê. Dân nước vẫn bị giam cầm trong đói túng, chỉ hơn Ấn Ðộ được có chút đỉnh.

8.

Khi tryền vào Tàu thì khá hơn nhiều, có cả tiểu thừa lẫn đại thừa, và đại thừa đi qua cả ba chặng Bát Nhã, Duy Thức và Mật tông. Lại đã đẩy Thiền đến trình độ cao đẹp nhất như chứng tỏ trong bài ca lừng danh “Tín tâm minh” của Tăng Sán tố thứ ba sau Ðạt Ma. Chính người Ấn Ðộ phải công nhận bài “Tín tâm minh” vượt xa Upanisad Isa mà Isa được kể là hay nhất trong số 108 Upanisad. Rồi có Quan Âm và Ðức Di Lạc với những lâu đài văn hóa cao đẹp như Thiên Thai tông hay Thiền tông của tổ Huệ Năng v..v.. đủ làm nên nền giáo Phật của Tàu mà không chỉ là Phật bên Tàu như ban đầu khi mới dịch từ Ấn Ðộ sang chưa kịp tiêu hóa. Tuy nhiên cũng chưa là lý tưởng vì còn gặp Khổng Giáo và Lão Giáo. Lão giáo ban đầu giúp Phật giáo rất nhiều danh từ trong việc dịch kinh sách, nhưng sau đã trở nên một tay cạnh tranh lợi hại gây ra hầu hết những cuộc pháp nạn sau này. Lại còn những đòn chống báng kết thành thuyết “Hóa Hồ” cho rằng về gia Lão đã sang truyền giáo bên Hồ (tức Ấn Ðộ) và trong số môn đệ thì có Thích Ca. Ðàng khác mấy lâu đài văn hóa như Thiên Thai, Quan Âm, Di Lặc đều phát xuất từ địa bàn tổ Việt, và đã được tiên tri ở trang huyền sử Man Nương Phật Mẫu của Việt rồi. Trong thực tế thì Phật giáo được truyền vào Việt Nam trước bên Tàu, và được chấp nhận liền ở đợt cao nhất của Ðại Thừa là cả Bát Nhã lẫn Mật Tông tức là đợt siêu việt hợp với tên Việt và nhất là đã không hề có chống đối mà còn đưa Phật giáo vào đời: hòa mình vào với việc xã hội làm cho Phật giáo nảy nở được hết khả năng tiềm ẩn chưa được phát triển ở các nơi khác, thì đến Việt Nam đã được phát triển đến độ đã kết tinh thành trang huyền sử thâm sâu “Man Nương Phật Mẫu” hàm ý rằng chỉ khi đến Việt Nam thì Phật giáo mới thực sự được sinh ra, tức được gặp môi trường thuận lợi nhất để nảy sinh những vĩ nhân cân đối siêu tuyệt như Trúc Lâm chính là vua Trần Nhân Tôn đã hai lần thắng quân Mông Cổ một đạo quân đã thắng trận cùng khắp nơi từ Âu sang Á mà khi xuống đến Việt Nam phải chịu thua. Chỉ vì xảy ra trong Việt Nam là một tiểu nhược quốc, nên người ta không chú ý đến sự vụ sách cân xứng, chứ thực sự đó là một kỳ công. Và kỳ công đó đã có là nhờ sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Ðông Tây: Ấn-Việt. Cuộc gặp gỡ đó được huyền sử gọi là biến Phật kim ra Phật mộc (xem Kinh Hùng khải triết hài Vang Vọng nước Văn Lang).

9.

Muốn hiểu chỗ sâu xa của câu trên ta phải nại đến cơ cấu “ngũ hành” mới thấy được ngũ hành là con số 5, mà số 5 thì có đầy trong các dân và được quí trọng lắm vì nó biểu thị phép hôn phối, nhưng lúc xét thấu đáo mới thấy không phải như thế, vì sự thực nó chỉ là tứ tố. Ðợi khi có thêm khí thứ 5 như Sankhya bên Ấn Ðộ hay Aristotle bên Hi Lạp thì là khí Ether, tuy có tinh tế hơn nhưng vẫn cùng trên bình diện khí, như vậy hôn phối cái nỗi gì: đúng là đồng tình luyến ái. Vì hầu hết cùng từ số 4 duy địa. Phải trở về Thái Bình Dương mới có phối hợp thực sự, và không còn là hôn phối mà là linh phối vì 5 là phối hợp giữa 2 với 3. Và 1 nằm ngầm trong 3 hay 5 chỉ thị số không không tức là rất khác biệt với có chỉ bằng số 2 hay 4. Và vì có với không giao thoa nên ta mới có ngũ hành chính tông, nó sẽ bao gồm cả mùa, cả phương, cả âm thanh, mùi, vị, đầy đủ như trong bản Nguyệt lệnh. Có thấy những điề u đó mới hiểu được tại sao nói Ngũ hành là một lâu đài văn hóa cao cả có thể dùng làm thước đo cuộc tiến hóa nhân loại, và dùng được làm lược đồ cho phương ngôn “Chí trung hòa”. Vậy mà Veda theo tứ tố./.


KẾT: HỘI CÁC MẸ CỦA ÐẠO THẤT

Văn minh nay quá nghiêng về lý trí với nguyên lý thống trị, đưa đến những cuộc đấu tranh đẫm máu giữa những xã hội xâu xé tranh giành, nên đang bị khủng hoảng trầm trọng. Cần tìm ra nền văn minh nào khác đặt cơ sở trên tình người, trên yêu thương với nguyên lý thân tộc.

Thiết nghĩ gốc rễ nền văn minh ấy có thể tìm được trong văn hóa Thái Bình dương, nơi còn giữ được nhiều ấn tích Mẹ hơn cả (sẽ được trình bày trong quyển Thái Bình Minh triết, một thứ triết thiết thực được diễn bằng châm ngôn, huyền thoại, đồ án, số độ, và đối chiếu kiểu cơ cấu luận với uyên tâm, và sẽ được đưa ra sống thư trong các Ðạo Thất. Hậu quả sẽ là những công thể có bầu khí gia tộc, hay là tình huynh đệ phổ biến nhưng không chỉ mộng tưởng mà được thực thi. Phương thức có thể là hệ thống Ðạo Thất. Ðó sẽ là những nhà của các Mẹ xây nên cho các con Mẹ ở đặng mà học nên người của văn minh mới làm bằng yêu thương chân thật. Ðúng ra phải nói cha mẹ, nhưng xin được chỉ chung bằng Mẹ cho hợp kiểu nói của Thái Bình Minh Triết, nơi cũng có xảy ra nạn quá lý trí, rồi Mẹ Nữ Oa phải đội đá sửa lại. Vì câu truyện tóm tắt tinh hoa văn hóa Thái Bình dương, cũng như gợi ý cho việc đi tìm cha mẹ đỡ đầu cho dự án Ðạo Thất, nên được kể lại trong một chương của quyển Thái Bình Minh Triết nhan đề để con có mẹ, để mẹ có con. Ðể dễ hiểu ý của huyền thoại Nữ Oa xin ghi nhận ít điểm sau:

Văn hóa quá lý trí chỉ bằng:

A/ số 1, hình tròn, phía Bắc. Có thể gọi là duy thiên, cột chống trời, hay núi không tròn chỉ cái biết một chiều duy tâm, duy trí hay duy lý.

B/ Số 4, hình vuông, phía Tây, Có thể gọi là núi không tròn chỉ cái biết một chiều duy địa, hay duy vật, cũng là duy ý, duy niệm, như ý hệ.

C/ Luyện đá Ngũ Hành là hòa hợp số 2 đất với số 3 trời thành 5. Hình “mẹ tròn con vuông” chỉ văn minh quân bình gồm cả tinh thần lẫn vật chất.

Tinh thần phải trên vật chất nói bóng là mẹ. Vật chất chỉ là con. Ðá Ngũ Hành cũng gọi là cái biết Chu Tri (holistic knowledge) sẽ chỉ huy nền giáo dục thi thố trong Ðạo thất gồm cả Ý, Tình, Chí.

  • Ngũ Hành được cơ cấu hóa như sau: (hình ngũ hành)
  • Thần Cộng công xúc Bất Chu Chi Sơn=chỉ nạn nhân của nền giáo dục một chiều, chỉ biết chúi đầu vào To Have, mà phế bỏ To Be, họac nói bóng bảy như ngạn ngữ Pháp là “ông Công bóp cổ bà Thông”= Mr.Le Fèbre étouffe Madame Le Sage”
  • “Ðội đá vá trời” chỉ lòng quảng đại bao là dám nhận lấy trách nhiệm nâng đỡ việc vá lại trời cũ quá dột chảy xuống toàn máu và nước mắt.
  • Nữ Oa thái mẫu= thái có nghĩa như Thái Bình= mênh mông cao cả, nên Thái Mẫu chỉ những Big, very Big Mothers or Supreme Mothers.
  • Let us pray: Hail Mary, you know well that we are shipwrecked and helpless, give us many big angels to be our Big Mothers like You. Amen.