Với người Việt ta ngày nay, muôi là vật dụng để múc canh, phổ biến đến mức chẳng nhà nào thiếu. Chỉ có điều kiểu dáng của muôi giờ đây mấy ai lưu tâm vì rất thực dụng, không kiểu cách, ngoài múc canh, hiếm khi người ta dùng vào việc khác. Có nhà báo từng nhận xét rằng Việt Nam là một dân tộc quen ăn canh và canh phải nóng, vì vậy mà không thể thiếu chiếc muôi trên mâm cơm… Muôi Việt ta được chế tạo từ bao giờ nhỉ?
Chẳng ai rõ. Nhưng thật bất ngờ: muôi đồng thời Đông Sơn là những sản phẩm tuyệt mỹ, gây ấn tượng mạnh. Ngắm nghía những hiện vật cổ sơ ấy, chúng ta nhìn ra được những giá trị đa diện: thẩm mỹ công nghệ tài khéo của người Đông Sơn, tổ hợp hoa văn trang trí hình học hóa kỳ diệu, sự gắn kết chi tiết điêu khắc đầy bất ngờ thú vị… Đó là những cổ vật xứng đáng tự hào cho nền nghệ thuật kỳ lạ của tổ tiên ta cách đây trên dưới 2000 năm…
1 – Suy đoán về nguồn gốc cấu tạo của muôi
Những chiếc muôi đồng còn lại ngày nay trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân khá nhiều và phong phú về tạo hình. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì tạo dáng muôi đẹp chủ yếu ở phần tay cầm, còn phần để múc nước thì cơ bản có 2 dạng: khum tròn và trụ tròn cắt ngang. Hình dạng ấy từ đâu ra nhỉ? Thật may là cho đến tận cuối thế kỷ XX vẫn còn có mấy dân tộc vùng cao sử dụng vỏ quả bầu khô cắt bớt một phần ở chỗ phình ra rồi làm muôi múc canh. Cũng như vậy, có nơi cưa ngang ống tre hay nứa, nhưng chừa lại một phần làm cán cầm để múc rượu. Trên cơ sở ấy, ta có thể suy đoán thoạt tiên người ta đã sử dụng vật liệu thiên nhiên như ống nứa và vỏ bầu khô rồi sau đó, khi công nghệ đúc đồng phát triển, tổ tiên ta đã dựa theo dáng bầu và tre để tạo kiểu cho các muôi đồng. Đây cũng là cách chế tạo vật dụng của tất cả các nền văn minh sơ khởi của nhân loại. Hình minh họa của chúng tôi sẽ cho các bạn thấy rõ hơn về cách hình dung này.
2 – Những chiếc muôi đồng được tạo dáng đầy biểu cảm
Nếu chỉ để múc canh không thôi thì có lẽ chả có gì đáng nói dù vẫn tự hào về tổ tiên ta cách đây hơn 2000 năm đã có công nghệ đúc đồng cao tay. Nhưng điều đáng kinh ngạc ở đây là người Đông Sơn cổ xưa đã tạo dáng những chiếc muôi – vốn là đồ vật thực dụng – thành những tác phẩm mỹ nghệ kỳ diệu. Trước hết về tạo dáng, nghệ nhân Đông Sơn đã biến hóa phần cán muôi thành những mũi thuyền uốn cong với nhiều chi tiết tinh xảo hoặc thành đầu trâu có đôi sừng cong vểnh. Đó chắc chắn là những hình ảnh tiêu biểu của cuộc sống thời Đông Sơn đến mức xứng đáng trở thành biểu tượng. Thuở ấy hệ thống các sông Hồng, Mã, Lam chảy tự do qua các miền châu thổ, tạo ra vô số sông, ngòi, rạch, lạch nước, hồ, đầm… mà chưa hề có hệ thống đê bao nên giao thông phổ biến của người Việt cổ là bằng thuyền. Đa số các hình thuyền ấy hiện diện trên các tang trống đồng hay phiến giáp che ngực thường có đầu mũi thuyền uốn cong điệu đà.
Còn con trâu là vật nuôi hết sức quen thuộc của người Việt ta từ thuở xưa, tới mức có thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu kéo cày, bừa giúp người nông dân Việt sản xuất lúa gạo. Vừa có ích vừa đẹp với đôi sừng cong vểnh nên đầu và sừng trâu được tạo dáng trên cán muôi đồng Việt cổ cũng là hết sức hợp lý.
Riêng chiếc bên phải hiện ở Bảo tàng hoàng gia Mariemont, nước Bỉ, sưu tập từ năm 2001, dài khoảng 22cm.
Một số cán muôi khác còn được kết cấu phía chót cán hình cong xoắn rất điển hình cho phong cách hình học hóa của thời Đông Sơn.
Lại có loại cán muôi khác nữa được tạo hình thêm những đám mây đầy biểu cảm. Có một số tài liệu nghiên cứu mỹ thuật Việt cổ cho rằng hoa văn mây Việt xuất hiện từ thời Lý. Tất nhiên đó là sự nhầm lẫn vì hình mây xuất hiện từ thời Đông Sơn, trước đó hơn nghìn năm!
3 – Hoa văn hình học hóa trên các muôi đồng
Người Đông Sơn rất thích trang trí hoa văn trên bề mặt đa số các đồ đồng của họ. Mà phải là hoa văn hình học hóa, được cách điệu cao: lấy các đường nét hình học cơ bản như thẳng, vuông, chéo, cong đều, tròn vành vạnh… để biểu tả (chứ không phải diễn tả) những ý niệm về cuộc sống… và vì vậy có nhiều công phu cũng như chất lượng nghệ thuật đáng nể.
Khi trang trí hoa văn, nghệ nhân Đông Sơn đã kết hợp tài tình các vạch dài, ngắn với các hình tròn và chấm cũng như các đường xoáy trôn ốc để tạo thành các dải, băng hay diềm hoa văn. Họ có thể xếp các băng hoa văn này xuôi theo chiều cán muôi nếu cán dẹt hay vòng quanh bầu múc và cán muôi nếu đó là những hình ống. Có khi chỉ một băng nhưng cũng có khi kết hợp vài băng hoa văn thành các tầng hoa văn rất vui mắt. Chỉ là các vạch thẳng ngắn nhưng do biết kết hợp kiểu song song, vuông góc, đan chéo, ziczac… mau hay thưa mà các tổ hợp vạch đó sinh động hẳn lên. Chỉ là chấm nhưng nếu các chấm vào đúng tâm hình tròn hay rải đều theo vạch thẳng xen kẽ trong các tổ hợp vạch khiến các băng hoa văn thêm phong phú. Chỉ là các vòng tròn nhưng khi xếp liên tiếp thành hàng, lại có chấm tâm và vạch tiếp tuyến chéo, thậm chí biến hóa thành các xoáy trôn ốc khép kín triệt để thì chúng có thể góp thêm gợi cảm mềm cho các tổ hợp hoa văn toàn vạch vốn gợi cảm cứng. Mà cũng có thể dùng các vòng tròn ấy gợi hình mây, sóng cuộn, tạo cho đầu chót của cán muôi đạt đến độ thăng hoa của hình tượng – dù đó vốn chỉ là những hình hình học cơ bản.
Táo bạo hơn nữa, không chỉ có các hoa văn nét lõm hay nổi trên mặt phẳng, đôi khi chúng còn được đúc như các chi tiết 3 chiều hay trổ thủng trên cán muôi – kiểu hoa văn đặc và rỗng này là cách tạo hình thăng hoa đặc sắc của nghệ thuật trang trí đồng thời Đông Sơn. Hãy ngắm cán muôi cong vuốt như đầu thuyền có tượng con vạc hay bồ nông mini đang đậu- bạn sẽ thấy đó là cả một công trình nghệ thuật kỳ diệu, vượt khỏi tầm mỹ nghệ thông thường!
Cũng xin lưu ý: diềm hoa văn hình tam giác nhỏ liên tiếp được các nhà nghiên cứu gọi là hoa văn “răng cáo” và hoa văn gồm các vòng tròn liên tiếp, nối nhau bởi các vạch tiếp tuyến chéo là 2 trong số các kiểu hoa văn điển hình của nghệ thuật trang trí trên đồ đồng thời Đông Sơn. Cả 2 đều hiện diện trên các muôi đồng Đông Sơn.
4 – Tượng mini gắn trên cán muôi đồng Đông Sơn
Có thể thấy được tình yêu nghệ thuật đắm say của người Đông Sơn: họ không đành lòng sản xuất hàng loạt các dụng cụ chỉ đơn thuần thực dụng mà luôn cố gắng tạo dáng đẹp nhất có thể và thêm thắt vào đó các hoa văn trang trí. Hơn thế nữa, các nghệ nhân còn gắn kết tài tình các tượng mini trên cán muôi. Khi thì là con chim hay thú bé xíu – vốn đông đàn bạt ngàn thời hoang sơ, khi thì là chuỗi các lục lạc xinh xắn – vốn hay được các chủ nhân gắn trên vòng tay, chân khi nhảy múa,… Nhưng đôi khi các tượng mini này trở nên đặc sắc đến mức điển hình. Đó là tay cầm muôi được tạo thành hình con hươu ngậm miệng vào vành muôi; tượng voi được gắn ở chót cán muôi Làng Vạc; tượng vạc (hay bồ nông) đậu trên cán muôi hình đầu thuyền cong vút… Nổi tiếng nhất trong số đó là tượng người thổi khèn trên cán muôi đồng Việt Khê. Tượng nhỏ tí xíu này chưa hẳn tinh vi nhưng chân thực và được gắn ở vị trí “đắc địa”, tả một nhạc công đang ngồi bó gối, ung dung tựa khèn vào vòng xoáy tròn ở đầu chót cán muôi và dường như say sưa thổi điệu dân ca cổ sơ nào đó một cách đầy gợi cảm. Chính các tượng mini kỳ diệu ấy đã nâng tầm mấy chiếc muôi đồng thành các tác phẩm nghệ thuật Việt cổ đỉnh cao.
5 – Cũng xin lưu ý: đó là những sản phẩm đúc đơn chiếc
Vì đang sống ở thời hiện đại nên tôi thiển nghĩ đa số chúng ta sẽ tin rằng muôi đồng nói riêng hay các đồ đồng Đông Sơn nói chung là sản phẩm được đúc hàng loạt. Điều này vừa đúng vừa sai. Dù hết sức tài nghệ, song do hạn chế kỹ thuật của thời đại, các nghệ nhân Đông Sơn chỉ đúc được hàng loạt các sản phẩm có tạo hình đơn giản như đầu mũi tên, mũi giáo, lưỡi rìu ít hoặc không hoa văn và dáng sơ giản… Còn những sản phẩm phức tạp và có chủ đích nghệ thuật như các muôi đồng kể trên thì họ đành đúc ra sản phẩm đơn chiếc. Do tạo hình nhiều chi tiết nên tạo khuôn cũng phải nhiều mang khuôn, khi lấy sản phẩm ra đành đập vỡ khuôn – lúc này đã thành đất nung do độ nóng của nước đồng đã nấu chảy. Vì vậy, mỗi chiếc muôi đồng kể trên là một tác phẩm đơn chiếc – có một không hai – cũng vì thế mà trở thành báu vật trong lịch sử nghệ thuật dân tộc!
6 – Có ý kiến cho rằng đây là những chiếc muôi để thờ cúng
Bởi sự phức tạp của kết cấu cán muôi và cũng bởi vẻ tuyệt mỹ của chúng mà đã có ý kiến cho rằng đây là những chiếc muôi thờ. Chúng quá đẹp, ai nỡ chỉ dùng múc canh một cách thông thường? Mà nếu cố dùng thì sẽ rất dễ gẫy, rơi rụng hay long mất các chi tiết, nhất là các tượng mini – thế thì thà dùng muôi thường còn hơn! Rất tiếc đó chỉ là giả thuyết bởi rất khó chứng minh – nhưng là giả thuyết thuộc loại đáng suy ngẫm…
7 – Giá trị đa diện của những chiếc muôi đồng Đông Sơn
Trước hết đó là giá trị thực dụng: dùng để múc canh. Người ta làm ra chiếc muôi ban đầu vì công năng của nó rồi sau mới nghĩ đến làm sao cho nó đẹp hơn. Thứ hai là tạo dáng: rất phong phú, đặc biệt là dáng tay cầm có biến hóa, khi thì kiểu đầu trâu, khi thì kiểu mũi thuyền uốn cong, lúc lại thành con nai đang uống nước… Tay cầm có thể bẹt mà phẳng hay cong khum khum hoặc thậm chí hình ống. Thứ ba là hệ thống trang trí hoa văn: không chỉ là các nét chìm hay nổi mà còn vươn ra thành các chi tiết như răng lược, lục lạc treo thành dàn… hoặc thậm chí hoa văn đục thủng trên cán muôi. Thứ tư là giá trị điêu khắc: những tượng mini gắn trên cán muôi luôn rất thú vị vì giàu biểu cảm, nào là chú chim nhỏ vô danh hay con vạc, con bồ nông lưng gù… cho đến người thổi khèn say sưa. Thứ năm và cuối cùng là giá trị công nghệ: thợ đồng Đông Sơn đã làm chủ kỹ thuật – dù là thủ công mà không hề đơn giản để đúc ra những chiếc muôi rất phức tạp, nhiều chi tiết. Chỉ xin lưu ý: đã cách đây trên dưới 2 thiên niên kỷ rồi đó, thuở sơ khai, khi tổ tiên ta mới bắt đầu định hình dân tộc và xây nền quốc gia.