TÓM TẮT

Với tài liệu khảo cổ hiện thời, có vẻ thực tiễn để kết luận rằng Đông Sơn đã là điểm tựa trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN của liên bang văn hóa này, dựa trên sự phát triển liên tục tại chỗ (in situ) từ thời Đá Mới sang Thời Đồ Đồng Thiếc và các niên đại định tuổi bằng carbon kế tiếp. Xã hội Văn Lang đại diện cho một khuôn mẫu phổ biến và ngày càng có hệ cấp của phức hợp chính trị và xã hội và sự tập trung hóa, với bằng chứng về sự chuyên môn hóa công nghiệp, các công trình dẫn nước tưới tiêu trên quy mô lớn, và ít nhất một trung tâm đô thị nguyên mẫu. Tại Vân Nam, sự vắng bóng các địa điểm cư trú, hay khác hơn những địa điểm chôn cất, còn gây nhiều thắc mắc và biện luận cho một xã hội theo chế độ tù trưởng hay được phân chia đẳng cấp tiên tiến tại vùng Điền Trì, nơi mà sự kiểm soát và phân phối các sản phẩm mang lại uy tín giữa các nhà lãnh đạo bộ lạc đã duy trì sự giàu có và các sự khác biệt về vị thế mà chúng ta tìm thấy tại các mộ chôn cất nhằm phục vụ cho việc bảo tồn các liên minh chính trị cả bên trong vùng lẫn liên vùng (Dewall 1984: 216-217).


Văn hóa Thời Đồ Đồng Đông Sơn (East Mountain) tại châu thổ sông Hồng miền bắc Việt Nam đã được hay biết từ thập niên 1930. Các sự khám phá nguyên thủy có niên đại trong thời thực dân và đã được trình bày một cách đáng kể bởi Goloubew (1929, 1937) và Janse (1958). Chúng bao gồm các trống đồng và các vũ khí giờ đây trở nên quen thuộc và tiêu biểu, các bình (hũ, chậu, vại, chum, thùng) mai táng (các bình bằng đồng và đồ gốm có hình thùng, chậu), và các mẫu hoa văn trang trí đồng tâm. Sự nghiên cứu nối tiêp, kể cả khối lượng công trình phong phú gần đây bởi chính người Việt Nam (Hoàng và Bùi 1980), phát hiện rằng phức hợp văn hóa Đông Sơn như một trung tâm phía bắc của một phức hợp đồng/sắt phổ biến được tìm thấy khắp Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á. Nó tượng trưng cho một sự phát triển tại chỗ (in situ) đi trước các giai đoạn Đá Mới (Neolithic) tại các vùng lân cận của các hệ thống sông Hồng, sông Mã và sông Cả.

Giữa các năm 1955 và 1960, 50 ngôi mộ được khám phá tại Thạch Trại Sơn, Tấn Ninh (Shizhai Shan, Jinning), tỉnh Vân Nam (Hình 1). Vùng đất xa xôi này được biết là vương quốc Điền [Việt] trong thời Tây Hán (206 TCN (Trước Công Nguyên) – 9 SCN (Sau Công Nguyên)). Các cuộc điều tra khảo cổ học đã phát hiện một nền văn hóa Thời Đồ Đồng phong phú với các sự tương đồng dưới nhiều hình thức, kể cả một số có thời khoảng cùng lúc với Đông Sơn ở về phía đông nam. Các cuộc khai quật tiếp tục tại Vân Nam và miền tây Tứ Xuyên đã mở rộng một cách lớn rộng các căn bản cả về địa dư lẫn văn hóa vật liệu của xã hội xứ Điền, nhưng mối quan hệ của nó với các bộ lạc và các quốc gia đồng thời trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN tại miền bắc Đông Nam Á vẫn còn mù mờ. Mục đích của bài viết này là nhằm khảo sát một cách hệ thống các dây liên hệ giữa phức hợp Điền Trì tại tỉnh Vân Nam với phức hợp văn hóa Đông Sơn tại miền bắc Việt Nam.

Việt Nam và các lân bang

BẮC VIỆT NAM

Châu Thổ sông Hồng tại miền bắc Việt Nam đã từng là đề tài của nhiều sự suy đoán về sự phát triển chính trị bản địa. Các quan điểm truyền thống, được dựa nhiều phần trên công tác khảo cổ học được thực hiện trong thời thực dân Pháp, cho rằng Việt Nam đã có một trình độ sơ khai về văn hóa vào lúc nó bị sáp nhập bởi Trung Hoa trong thế kỷ thứ nhất SCN, hay cho rằng nó, trong căn bản, là một nền văn hóa vay mượn, học tập phép làm nông và phép luyện kim từ các nguồn gốc bên ngoài. Tuy nhiên, công tác khảo cổ học gần đây hơn – ngoài một nỗ lực có phối hợp về phía các sử gia, các nhà dân gian học, và các nhà khảo cổ Việt Nam đi tìm kiếm các căn nguyên chính trị – văn hóa có niên đại trước thời nhà Hán – đã đưa đến một sự giải thích về sự phát triển quốc gia ban sơ liên quan đến các sự khởi đầu có tính chất truyền thuyết với bằng chứng cụ thể vững chắc (Phạm Huy Thông 1983).

Tác giả O’Harrow (1979: 140) lập luận rằng lịch sử dân tộc học và khảo cổ học phải phục vụ lẫn nhau để cung cấp một sự phác họa lịch sử hợp lý của xã hội Việt Nam cho tới lúc có sự áp đặt sâu rộng đầu tiên quyền lực của Trung Hoa lên trên khu vực này trong thế kỷ đầu tiên SCN. Ông đã đặt ra từ ngữ Proto-Vietnamese: người Việt Nam Nguyên Mẫu để chỉ nhóm hay nhiều nhóm dân tộc Việt tại vùng châu thổ Sông Hồng và các khu lân cận của nó, trải dài về phía bắc lên tới miền nam Quảng Đông và Quảng Tây, và xuống phía nam xuyên qua tỉnh Thanh Hóa ven biển (142). Họ là sắc dân có chung nền văn hóa vật thể được minh chứng bởi Đông Sơn và các sự khám phá liên hệ của nó – một dân tộc là các kẻ thừa kế, trong nửa sau của thiên niên kỷ thế nhất TCN, của Văn Hóa Phùng Nguyên đá mới trước đó, và có lãnh địa xem ra phù hợp với quốc gia Văn Lang thời tiền văn tự [protohistorical: chỉ thời kỳ nằm giữa tiền lịch sử và lịch sử, trong đó một văn hóa hay một nền văn minh chưa phát triển ra chữ viết, nhưng các văn hóa khác đã sẵn ghi nhận sự hiện hữu của nó trong các văn bản của chúng, theo Wikipedia, chú của người dịch].

Văn Hóa Phùng Nguyên được chia thành ba thời kỳ — Phùng Nguyên, Đồng Dậu và Gò Mun – bắt đầu ngay từ 3000 năm TCN và chấm dứt trong nửa đầu của thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Phần nửa đầu của nền văn hóa đã có một kỹ thuật làm đồ đá tỉ mỉ, các đồ trang sức bằng ngọc thạch, dệt vải, và đồ gốm chế tạo có bàn quay được trang trí tỉ mỉ; nhiều hoa văn trang trí kỷ hà học rõ ràng là tổ tiên của các chủ đề của Đồng Sơn sau này. Vào thiên niên kỷ thứ nhì SCN, phép luyện đồng thiếc (bronze) đã được phát triển một cách hoàn hảo, với các loại chế tác phẩm và kỹ thuật tương tự như vật dụng từ miền đông bắc Thái Lan (Bayard 1980: 97).

Các địa điểm Phùng Nguyên được phân rải trên một khu vực rộng lớn bao gồm cả các đồng bằng và một phần núi non; chúng tập trung dầy đặc tại vùng giao điểm của sông Hồng và Sông Đà ở Hạc Trì, sát phía bắc Hà Nội. Cho đến nay hơn 30 địa điểm đã được xác định. Các hạt lúa gạo và xương của các con lợn, gà, và trâu bò có niên đại từ thiên niên kỷ thứ ba TCN đã được thu hồi. Sự kiện rằng các thú vật đó có lẽ đã được thuần hóa được biểu thị hơn nữa bởi sự hiện diện của các tượng trâu bò, chó, lợn, và gà bằng đất sét nung trong sưu tập khảo cổ (Nguyễn B. K. 1980: 27-44; Hoàng và Bùi 1980: 56-57).

Có lẽ điều quan trọng nhất về văn hóa Phùng Nguyên là bằng chứng nó mang lại cho các sự khởi đầu bản địa của nền văn minh Việt Nam. Trước đây, vương quốc cổ truyền Văn Lang (2800-700 TCN) và triều đại Hùng Vương (700-258 TCN) được nhìn là truyền thuyết. Các địa điểm Phùng Nguyên, trùng hợp với vùng Mê Linh được gán cho vương quốc, đem lại sự hậu thuẫn của khảo cổ học cho sự hiện diện của một xã hội tiên tiến ở khu vực rất lâu trước khi có các sự tiếp xúc với Trung Hoa trong các thế kỷ thứ nhì và thứ nhất TCN. Trong khi các niên đại của các nhà vua còn phải được tra vấn, tuy thế chúng trùng hợp với các niên đại được gán cho phức hợp văn hóa. Tác giả Nguyễn Bá Khoách (1980: 47-49) nêu ý kiến rằng rất có thể, sự thành lập, phát triển và chấm dứt vương quốc Văn Lang nằm đâu đó trong khoảng từ cuối Phùng Nguyên đến Đông Sơn (1100-300 TCN).

Theo huyền thoại nguồn gốc Việt Nam (được ghi lại trong thế kỷ thứ mười lăm), Văn Lang được cai trị bởi các Vua Hùng, các kẻ tự nhận từ dòng dõi Lạc Long Quân, một anh hùng đến các đồng bằng sông Hồng từ ngoài biển; ông đã khuất phục được tất cả các yêu quái xấu xa trong vùng đất này và đã khai hóa dân chúng, dạy cho họ trồng lúa và mặc quần áo. Lạc Long Quân và Âu Cơ (vợ của một kẻ xâm nhập từ phương bắc) được xem bởi người Việt Nam như là các tổ tiên của chủng tộc của họ. Trong một phiên bản khác, người con trai cả trong 50 người con của Âu Cơ đã được chọn làm vua nước Văn Lang. Nước được chia thành 15 bộ phận, với mỗi người em của nhà vua cai quản một quận.

Tác giả Taylor (1983: 3), trưng dẫn một nghiên cứu về Việt Nam, nêu ý kiến rằng danh xưng Hùng phát sinh từ một tước hiệu vùng Úc-Á chỉ giới tù trưởng (trưởng bộ lạc), trong khi Văn Lang được liên kết về mặt phát âm với các từ ngữ tương tự có nghĩa “dân tộc” và, bởi sự nới rộng, chỉ “quốc gia”. Chính vì thế, truyền thuyết có thể không tượng trưng cho lịch sử của một triều đại hay vương quốc duy nhất cho bằng sự củng cố các dòng họ hay bộ lạc thành các chế độ tù trưởng/tộc trưởng (chiefdom). Theo tác giả Wheatley (1983: 11), ”các chế độ tù trưởng biểu lộ trong các mức độ cá biệt của chúng sự lãnh đạo tập trung hóa, tương đối thường trực, và các sự dàn xếp quy chế thế tập theo hệ cấp được chỉ dẫn bởi tập quán của giới quý tộc”. Bằng chứng khảo cổ học cho các thời kỳ Phùng Nguyên qua thời Đông Sơn làm liên tưởng đến một sự tiến hóa từ một sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ các sự kết hợp các dòng họ và bộ tộc thành một xã hội có hệ cấp hơn đặt căn bản trên làng xã tương đối nhỏ hay các nhóm gia đình. Các địa điểm chôn cất từ thời Đông Sơn, có nhiều đồ mai táng bằng đồng thiếc, cho thấy rằng các sự khác biệt rõ rệt đã hiện diện trong xã hội giữa tầng lớp cai trị và người bị trị. Chính thời kỳ này của xã hội, ở một trình độ của sự kết hợp chính trị dựa trên các sự ràng buộc địa phương nêu trên, và ít nhất trên một số mức độ nào đó của hệ cấp, được các học giả Việt Nam xác định là thời khoảng của các vua Hùng và vương quốc Văn Lang.

ĐÔNG SƠN

Phong cách Đông Sơn là sự thể hiện cổ điển của phép luyện đồng thiếc thời tiền sử và thời giữa tiền sử và lịch sử (protohistoric) tại Đông Nam Á, và các đồ vật cùng thể điệu diễn ra tại Thái Lan, bán đảo Mã Lai, Đông Dương, và xuyên khắp Indonesia đi xa mãi đến mỏm phía tây của đảo Irian Jaya. Đông Sơn được biết chính yếu từ các đồ vật bằng đồng thiếc; sắt, trong khi hiện diện tại các địa điểm trên đất liền quan trọng hơn, được sử dụng chính yếu cho các khí cụ thực dụng và các vũ khí không có các hoa văn trang trí. Các chế tác phẩm nổi tiếng nhất là trống bằng đồng thiếc với một mặt trống trên cùng bằng phẳng, vành trống phình cong hình củ tỏi, thân thẳng đứng, và chân xòe rộng, được tìm thấy khắp nơi trên toàn thể khu vực phân tán (Phạm Minh Huyên và các tác giả khác 1987; Kempers 1988). Các họa tiết trên các trống đồng thiếc trang trí cao độ này phản ảnh một xã hội hướng ra biển. Chúng đã được tìm thấy cùng với các tập hợp đồ mai táng quan trọng và phong phú tại địa điểm được dùng để đặt tên gọi Đông Sơn gần Thanh Hóa, tại Việt Khê gần Hải Phòng, và cũng lại Thạch Trại Sơn (Shizhai Shan) gần Hồ Điền (Điền Trì) tại Vân Nam.   Trong sự trang trí, các chiếc trống mang lại cả sự chuyên nghiệp lớn lao lẫn sự khảo chứng nghi lễ và xã hội cao độ cho một thời kỳ, mặt khác, chính yếu thuộc vào thời tiền sử (Bellwood 1979: 183-189).

Các chế tác phẩm đồ đồng thiếc khác tại Đông Sơn bao gồm các bình hình chậu với các dải hoa văn mang chủ đề đặc thù Đông Sơn, các bình nhỏ bé tinh xảo, các chuông nhỏ bé tinh xảo, và các đồ vật hình cuộn chỉ (spool-shaped), các rìu có ổ tra cán, các rìu hình giầy ống cao cổ, các mũi giáo và mũi tên có ổ tra cán, các chiếc mai (thuổng) hay cuốc có ổ tra cán, các mũi tên có đuôi để tra thân tên (tanged arrowhead), và các dao ngắn (dao găm). Các đồ vật bằng đồng thiếc cũng gồm vòng đeo tay, các móc và khóa dây thắt lưng, và các tấm hình vuông và hình chữ nhật trang trí có thể được may đính trên vải (Bellwood 1979: 187). Ngoài rạ có các đĩa xoay (bàn quay) trục suốt bằng gốm, các cục chì bằng đá có rãnh buộc dây căng và kéo [đĩa xoay], và đồ gốm. Các thành phần trang trí của truyền thống đồ gốm Đông Sơn được hiện diện trực tiếp nơi truyền thống đồ gốm miền bắc Việt Nam, thuộc truyền thống in dấu bằng dây thừng ban sơ của miền tây nam (Pearson 1962: 37-40).

Địa điểm Đông Sơn đã được mô tả bởi Janse (1958) và Goloubew (1937). Chiều sâu của chất liệu văn hóa cho thấy rằng địa điểm đã hiện hữu trong một thời gian lâu dài trước khi có sự tiếp xúc với người Trung Hoa thời nhà Tần và nhà Hán. Địa điểm điển hình, tọa lạc tại tỉnh Thanh Hóa, dọc theo sông Mã, bao gồm cả các nhà ở lẫn các nơi chôn cất. Phần còn lại của các nhà sàn với mái bằng tranh đã được tái dựng. Tại tầng thứ nhì của địa điểm, các đồ vật bằng đồng thiếc được tìm thấy. Đồ tùy táng thông thường tại Đông Sơn bao gồm một ít vũ khí bằng đồng thiếc, chẳng hạn như các ngọn giáo, đầu mũi tên, các chiếc rìu, cũng như các chiếc trống, chuông, ống nhổ, các bình (thường có dạng thu nhỏ tinh xảo), và đôi khi một thanh kiếm hay một dao ngắn bằng sắt. Các tượng bằng đồng thiếc của Đông Sơn, thường tạo thành các phần chuôi của các dao ngắn, có tóc dài được búi lại ở gáy cổ, một khố che đít, bầu ngực tròn trịa, và bàn tay chống vào bên hông. Các chiếc trống luôn luôn trình bày một hoa văn hình ngôi sao trên mặt đánh trống và đôi khi [cảnh?] bị giết để tế thần [sic, phần cuối câu có ý nghìa khó hiểu, chú của người dịch]. Các họa tiết chủ đề trang trí thì thay đổi nhưng thường trình bày các hình vẽ đồng tâm, các con chim mỏ dài, các nhạc sĩ, và các cảnh tế lễ với sự phức tạp lớn lao. Các đồ vật trao đổi với Trung Hoa được tìm thấy trong số lượng nhỏ ở các địa tầng bên trên (Pearson 1962: 29-31). Toàn bộ vật liệu từ địa điểm Đông Sơn mang lại một định nghĩa khá đầy đủ về văn hóa, và địa điểm vẫn còn được xem là phong phú nhất được báo cáo cho thời kỳ của nó tại miền bắc Việt Nam (Bellwood 1979: 188). Cho đến 1979, một tổng số 90 địa điểm văn hóa Đông Sơn đã được xác định từ các châu thổ của sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Điều rõ ràng rằng các địa điểm văn hóa Đông Sơn đã được sử dụng để sinh sống lẫn chôn cất và tạo thành một văn hóa khả dĩ nhận thức được đã kéo dài hơn 2,000 năm. Đối với người Việt Nam, Đông Sơn đại diện trung tâm phía bắc của một phức hợp đồng thiếc/sắt ban sơ phổ biến. Đông Sơn đã là đỉnh điểm của văn hóa cuối đồ đồng thiếc/sắt tại ba châu thổ của các đồng bằng hạ du miền bắc. Các trung tâm phi Đông Sơn khác đã được xác định tại miền trung và miền nam Việt Nam, ở Sa Huỳnh và Dốc Chùa (Hoàng và Bùi 1980).

Ý kiến đã từng được nêu ra rằng nhu cầu kiểm soát các dòng nước của vùng châu thổ sông Hồng đã mang lại sự thúc đẩy dẫn đến một sự hợp tác lớn hơn và sau hết, sự thành lập quốc gia (Nguyễn Duy Hinh 1984: 185). Theo tác giả Taylor (1983: 12-13), Lạc (“ditch: hào dẫn nước” hay “canal: kinh đào”) là tên ghi chép sớm nhất chỉ dân Việt Nam, và chính vì thế sẽ thích đáng để nói Văn Hóa Đông Sơn như xã hội dân Lạc. Sự hiện diện của việc tưới tiêu theo thủy triều phát lộ một kỹ thuật nông nghiệp tương đối tiên tiến, lớn nhất tại khu vực Tây Vu, trung tâm đất thấp của xã hội đồng ruộng dân Lạc. Các hạt của giống lúa gạo sớm nhất được tìm thấy tại Á Châu (Oryza fatua) đã được khai quật từ các văn hóa Đá Mới xưa nhất ở mọi miền của Việt Nam ngày nay. Người Việt Nam cổ thời làm việc trên đất đai với các chiếc cuốc bằng đá mài nhẵn; ngay từ nửa sau của thiên niên kỷ thứ nhì TCN, các lưỡi liềm và các dụng cụ gặt hái khác đã có các lưỡi hái bằng đồng thiếc; vào thời kỳ Đông Sơn, các chiếc cuốc, lưỡi cày, và các lưỡi hái đều được làm bằng đồng thiếc. Kinh tế của thời kỳ Lạc được đặt trên việc trồng lúa nước, sử dụng các con vật kéo cầy. Các kỹ năng của các nông dân thì đủ để hỗ trợ cho một tầng lớp cai trị được xác định một cách rõ ràng.

Các vua Hùng chỉ kiểm soát một cách vững chắc tại vùng Mê Linh nơi hội tụ của sông Hồng và hai phụ lưu lớn của nó, sông Đà và sông Chảy, tại nơi mà sông Hồng thoát ra từ các ngọn núi. Ngoài khu vực này, các vua Hùng ở một số mức độ nào đó, lệ thuộc vào sự cộng tác của các Lạc Tướng. Các vua Hùng xem ra đã bảo vệ các Lạc Tướng chống lại các sự đột kích và các sự xâm lăng từ vùng núi non, trong khi các Lạc Tướng ủng hộ các vua Hùng bằng nhân lực và sự giàu có của họ. Tác giả Henri Maspero (1918: 9), phỏng đoán từ các xã hội thượng du của miền bắc Việt Nam trong thời đại của ông, đã mô tả xã hội này như một xã hội có hệ cấp đặt nền tảng trên đặc quyền thế tập, nghĩa vụ hỗ tương, và lòng trung thành cá nhân. Dân chúng đã sinh sống tại các làng xã hay các cộng đồng thân thích nhỏ bé dưới sự cai trị của các Lạc Tướng. Các Lạc Tướng thụ hưởng các mức độ khác nhau về đặc quyền và thẩm quyền, từ các kẻ đứng đầu làng xã cho đến các nhà lãnh đạo cấp miền báo cáo trực tiếp với các vua Hùng. Các vua Hùng đã duy trì mang lại uy tín của họ với một đời sống cung đình thịnh vượng, tạo thuận lợi cho các quan hệ hòa bình với các dân tộc miền núi lân cận. Các truyền thống theo truyền thuyết và các ngôi mộ Đông Sơn được khai quật có khuynh hướng xác nhận bức tranh này về xã hội dân Lạc. Xã hội dân Lạc tương đối tiên tiến và rõ ràng tự kiềm tỏa. Nó đã phát triển cách xa các trung tâm chính trị bành trướng của Trung Hoa phương bắc và Ấn Độ phương nam và ngang ngửa với bất kỳ sự đe dọa nào phát sinh từ các lãnh thổ chung quanh. Tình trạng này đã bắt đầu sáng tỏ với sự đến nơi của quyền lực của Trung Hoa trên Biển Nam Trung Hoa hồi thế kỷ thứ tư TCN. Phần lớn các học giả đã nhấn mạnh đến vị thế quan trọng của các phụ nữ trong xà hội Lạc (Maspero 1918: 12; Taylor 1983: 13; O’Harrow 1979: 159). Trong mọi giả thiết, một hệ thống song phương hay lưỡng hệ đã hiện hữu, trong đó các quyền thừa kế có thể được chuyển giao qua cả phía cha lẫn phía mẹ. Điều này sẽ có các hàm ý đáng kể cho sự kiểm soát chính trị sau này của Trung Hoa (thí dụ, cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng trong năm 40 SCN). Trong năm 257 TCN, An Dương Vương đã thay ngôi vua Hùng cuối cùng, và vương quốc Văn Lang ngưng hiện hữu. Sử ký Việt Nam truyền thống kể lại rằng An Dương Vương đến từ Pa Shu (Ba Thục) (thường được nghĩ tại tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Vương quốc Âu Lạc kế ngôi tượng trưng cho một sự hỗn hợp của các vị tướng dân Âu (Ou) (biên giới) với các Lạc Tướng cư dân và làm liên tưởng đến sự kết hợp người Việt Nam thuộc vùng thượng du với các người ở các đồng bằng. Âu Lạc tượng trưng cho một sự chuyển đổi, cả về mặt địa dư lẫn chính trị. Các tổng hành dinh mới đã được chuyển từ vùng trung du đến Tây Vu, khu vực truyền thống của sức mạnh dân Lạc. An Dương Vương được nghĩ theo truyền thống là kẻ đã xây dựng thành Cổ Loa, là nơi mà ông đã cai trị cho đến khi thất trận trước tay Triệu Đà, nhà lãnh đạo vương quốc Nam Việt. Thành Cổ Loa được xây dựng để phản ảnh một xã hội cam kết bảo vệ cả đất liền lẫn biển cả, và có năng lực của một cơ sở kinh tế để ủng hộ cho các công việc như thế. Các kích thước của nó thì gây nhiều ấn tượng – chu vi vòng ngoài cùng của ba thành lũy dài khoảng 8 cây số. Phức hợp bao gồm chín lũy bằng đất có tường xây theo hình vỏ ốc, chứa chấp một doanh trại quân đội, một chợ trung tâm, và một số loại kiến trúc hành chính – tôn giáo bằng gạch và ngói nung. Được kiên cố bởi các vọng gác và các công sự phòng thủ, các bức tường vươn cao từ 3-4 mét và được bổ túc bởi các mương rãnh như đường hào sâu rộng dẫn đến sông Hồng, rõ ràng có ý định tạo thuận lợi cho sự phối hợp các sự phòng thủ đất liền và hải phận. Sự sử dụng gạch và ngói nung lò trong sự xây dựng tòa thành, cũng như các sự khám phá đáng kể các vũ khí bằng kim loại tại khu vực chung quanh, chỉ càng làm tăng thêm ấn tượng mà người ta có được về một dân tộc khác biệt với những người mà người Trung Hoa mô tả một cách khinh thị trong các sự tiếp xúc của họ (O’Harrow 1979: rải rác). Cổ Loa tượng trưng cho một đơn vị chính trị và xã hội được tổ chức chặt chẽ, cam kết và có khả năng phòng vệ các quyền lợi của nó. Sự hiện diện của thành lũy đáng nể ở Cổ Loa đã dẫn dắt O’Harrow (1986: 256-257) đến việc ức đoán vượt quá các khái niệm được đề xuất về sự thống nhất và liên minh chinh trị đến một số hình thức của ngôn ngữ chung cho sự truyền thông khắp vùng trong thời tiền-Trung Hoa.

Bằng chứng từ các châu thổ sông Hồng và sông Mã tại miền bắc Việt Nam, khi đó, thật rõ rệt. Các sự duyệt xét hiện nay về khảo cổ học Việt Nam (Davidson 1975; Nguyễn Phúc Long 1975; Hà 1980) xác nhận các bộ lạc hay các quốc gia nguyên mẫu thời tiền Hán trong khoảng giữa của thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Thời Đông Sơn cho thấy sự khởi đầu của sự tập trung hóa chính trị và sự thiết lập vương quốc Văn Lang cổ truyền, trước đây bị xem là truyền thuyết. Từ năm 500 TCN trở đi, xã hội Văn Lang biểu lộ một tổ chức hệ cấp nhiều hơn, được phô bày bởi các ngôi mộ cá nhân với các mức độ giàu có khác nhau. Nghệ thuật và kỹ thuật đồ đồng thiếc đã vươn tới đỉnh điểm (các trồng đồng); sắt và sơn mài đã xuất hiện kế tiếp, minh chứng cho các cơ xưởng ngành nghề chuyên môn hóa. Đông Sơn bản thân đã là một thành phố hải cảng tích cực trên sông Mã với các sự tiếp xúc khắp vùng Đông Nam Á. Các công trình tưới tiêu đại quy mô xảy ra tại châu thổ sông Hồng trong thời kỳ này cùng với các sự tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp đi kèm về đồ đồng thiếc và đồ sắt. Sự xây dựng thành Cổ Loa (khoảng 225 TCN) xác nhận sự tinh vi về kinh tế, xã hội, chính trị và ngôn ngữ cần thiết cho sự thành lập quốc gia. Davidson (1979: 306) kết luận rằng vào năm 208 TCN, thị trấn này như một không gian chính trị, xã hội, và kinh tế đã được thiết lập hoàn hảo tại châu thổ sông Hồng, giúp cho cả các cư dân thành thị (tầng lớp không sản xuất) lẫn các nông dân đạt được một mối quan hệ cộng sinh. Ngay cả vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhì TCN, khi bá quyền Nam Việt trên danh nghĩa đã được thiết lập trên các phần đất của người Việt Nam, điều nhấn mạnh cần phải được nêu ra về bản chất quy mô nhỏ của các hoạt động này trong mọi giai đoạn của nó (như các nhà mậu dịch với ít cư dân gốc Trung Hoa). Chưa có các di tích khảo cổ được phát hiện để hậu thuẫn cho bất kỳ sự giả định về sự chiếm đóng hay kinh doanh kiểu Trung Hoa đại quy mô tại miền bắc Việt Nam trong suốt thời kỳ này. Các đồ vật được tìm thấy tại các ngôi mộ ở Đông Sơn làm liên tưởng đến một mức độ nào đó của sự mậu dịch với phương bắc, nhưng phần lớn đồ vật là của nhà chế tạo địa phương, được làm bằng vật liệu địa phương và trong cách diễn đạt địa phương. Các Lạc Tướng tiếp tục cai trị trong một cung cách ít nhiều không bị ngăn trở vào lúc này. Chúng ta chứng kiến sự tiến hóa chậm chạp của mối quan hệ từ một loại các loạt mậu dịch thuần túy thành một loại kiểu triều cống. Năm 111 TCN và sự sụp đổ của vương quốc Nam Việt thường được nhìn như thời điểm mà Việt Nam được kết hợp một cách lỏng lẻo vào đế quốc Hán-Hoa thành các quận Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng), Cửu Chân (Thanh Hóa), và Nhật Nam (Huế). Phải đợi mãi đến năm 43 SCN, với sự thất trận của hai bà Trưng và liên minh 65 thành, sự kiểm soát hành chính và quân sự thực sự của nhà Hán mới được thiết lập.

MIỀN TÂY NAM VÂN NAM VÀ VĂN MINH XỨ ĐIỀN [VIỆT]

Khoảng 50 ngôi mộ đã được khám phá giữa các năm 1955 và 1960 tại Shizhai Shan: Thạch Trại Sơn, dọc theo ngoại vi phía đông của Điền Trì (Lake Tien) thuộc tỉnh Vân Nam. Được biết là vương quốc Điền trong thời Tây Hán (206 TCN – 9 SCN), nền văn minh này được phô bày đã sở đắc một văn hóa Thời Đồ Đồng Thiếc cho đến nay hoàn toàn không được hay biết đối với các nhà khảo cổ học và các sử gia về Trung Hoa thuộc người Hán. Kể từ 1955, các sự khai quật khác tại Vân Nam đã trợ lực vào việc hoàn tất và chứng thực các sự khám phá phong phú này. Một ngôi mộ cổ Thời Đồ Đồng Thiếc trước thời các ngôi mộ Thạch Trai Sơn, được khai quật tại làng Dapona, đông nam Đại Lý, trong năm 1964. Trong vòng bán kính 40 cây số của Tấn Ninh (Jinning), hai địa điểm khác thuộc cùng thời kỳ, cũng liên hệ đến vương quốc Điền [Việt], đã được khám phá: Taiji Shan trong năm 1964 (17 ngôi mộ) và Lijia Shan (Lý Gia Sơn) trong năm 1972 (27 ngôi mộ). Trong cùng vùng này, 117 ngôi mộ khác từ Shibei Cun đã được khai quật cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 (Dewall 1984: 215). Xét đến bằng chứng nguyên bản tương đối sơ sài của các sử gia người Hán đương đại, các ngôi mộ được khám phá quanh Điền Trì tạo thành một nguồn thông tin đặc biệt quý báu. Văn minh xứ Điền, theo các sự khám phá khảo cổ học, các nguồn sử liệu, và một số sự so sánh dân tộc học, được đặc trưng bởi một nhóm cụ thể các sản phẩm vật chất và các đặc tính văn hóa. Các điều này bao gồm tầm quan trọng của thú nuôi (ngựa, và trâu bò), hình thức và sự trang trí nơi ở, y phục, các tập quán chiến tranh, một số di tích của “quyền hạn người mẹ”, tục săn bắt và chặt đầu người, một số dùng con người để làm vật tế lễ, sự sử dụng trống đồng, một thị hiếu quý tộc về đồ trang sức, và một danh mục toàn thể thú vật vừa cho tính chất biểu tượng lẫn trang trí, cũng như một cảm nhận về các sự kết hợp đặc biệt các mẫu trang trí theo kỷ hà học (Pirazzoli- T Serstevens 1979: 125).

Bản thân Thạch Trại Sơn cách Tấn Ninh 19 dặm Anh về phía nam tại Vân Nam. Địa điểm có thể đã từng có thời là một hòn đảo của Điền Trì. Một số dấu in hạt ngũ cốc được tìm thấy trên các mảnh sành cùng thời, nhưng cho thời kỳ này các di tích bao gồm gần như chỉ có các đồ vật tùy táng (Pearson 1962: 27-29). 20 ngôi mộ giàu có nhất của Shizhai Shan có thể là các ngôi mộ của vua xứ Điền và dòng họ ông ta. Các phong tục mai táng, cùng với thể cách và kỹ thuật của các vật tìm thấy tại các ngôi mộ này, cho thấy một sự tiến hóa ngắn theo niên lịch, xác định niên đại nghĩa trang hoàng gia này cho thời nhà Tây Hán, giữa các năm 150-120 TCN và 86 TCN, năm của đợt đầu tiên trong chuỗi các sự phản kháng và các sự đàn áp nặng nề theo sau sự thực dân hóa khởi đầu của Trung Hoa. Trong số các đồ vật ngoạn mục được khám phá ở đây gồm một triện có khắc dấu của vương quốc Điền [Việt]. Tại Thạch Trại Sơn, 706 dụng cụ đã được báo cáo – 558 đồ đồng thiếc, 92 đồ sắt, 43 đồ đá, và 13 đồ bằng đất sét (các đĩa xoay con suốt), kể cả 21 cái cày. Các dụng cụ bằng đồng thiếc bao gồm cày, cuốc, cưa, rìu, đục, liềm, và dao. Một số lượng khá lớn các rìu lưỡi vòm, rìu, dao – các vật dụng thực dụng – bằng sắt cho thấy một trình độ trong sự phát triển kỹ thuật bản xứ. Bản kiểm kê đồ kim loại cũng bao gồm: hai loại kích, năm loại giáo, các thanh kiếm hai cạnh lưỡi, các rìu hình quạt, các rìu có lưỡi hình trăng lưỡi liềm, cuốc đất, các mũi tên, ổ khóa thắt lưng mạ kim loại, các chiếc gương, các đồ trang trí hình chim bằng đồng thiếc có khảm vỏ xà cừ và rùa, xẻng, cung bắn tên, và các bộ chuông (Chang 1977: 458-463; Dewall 1979; Pearson 1962: 27-29).

Các đồ đồng thiếc, bao gồm cả các kiểu mẫu và các trống, đã không chỉ biểu lộ nghệ thuật tinh tế và kỹ năng kỹ thuật mà còn là một nguồn quan trọng cho sự tái dựng xã hội xứ Điền Thời Đồ Đồng Thiếc. Thí dụ, một chiếc trống bằng đồng, có hình 41 nhân vật đứng theo vòng tròn trên mặt trống. Một chiếc trống khác trình bày việc một tù trưởng lên ngôi, và một chiếc trống khác nữa trình bày một giáo phái bao gồm cả cảnh giết người để tế lễ, và một chiếc cột, với các con rắn quanh đỉnh cột và một con hổ trên đỉnh cột. Sự trang trí được chạm khắc ở thân trống cho thấy các tu sĩ, các thày tế lễ, và các thày pháp đội nón hình chóp cao, rung chuông và nhảy múa (Pearson 1962: 28). Một trống thu nhỏ với tượng thú vật trên mặt trống đã mang dấu vết về tới Đông Sơn.

Sử dụng các biểu tượng ẩn dụ và tạo hình này cùng với các tài liệu về khảo cổ học và lịch sử chủng tộc, chúng ta có thể kết luận rằng dân chúng xứ Điền trong giai đoạn cuối cùng thực hành nông nghiệp dẫn nước tưới tiêu. Trâu bò, cừu, chó, ngựa, gà và lợn (heo) được biểu hiệu trong nghệ thuất trang trí và tạo hình và vì thế hẳn phải đóng giữ một vai trò trong nền kinh tế. Các con ngựa được dùng để cưỡi và cho chiến tranh; trâu bò có thể được sử dụng làm chất thịt tế lễ. Các con chó có lẽ được dùng trong việc săn bắn và như một nguồn thực phẩm. Đồ thủ công của văn hóa Điền chắc chắn gồm có sản phẩm bình đựng rượu, bằng đồng và sắt đã luyện, sản phẩm bằng đá mắt mèo (opal), và đồ bằng da thú. Khung dệt nằm ngang được miêu tả, như thế việc dệt vải đã được biết đến, với gai trồng được là nguồn vật liệu để dệt. Ngoài ra, một bộ các đồ gia dụng hàng ngày tinh xảo được miêu tả (Chang 1977: 458-463).

Hàng trăm nghìn vỏ ốc tiền được tìm thấy trong các bình đựng hình trống tại một số mộ, cho thấy một hoạt động mậu dịch và hối đoái có lợi nhuận và phổ biến. Cảnh chợ cũng thường được miêu tả trong nghệ thuật tạo hình của xứ Điền. Một số tiền đồng, gương soi, đồ sơn mài, các chiếc kích kiểu ko [ko halberds, không rõ nghĩa, chú của người dịch], các mũi tên, và các chiếc kích kiểu chi (chi halberts) được nhập cảng từ miền bắc Trung Hoa. Các nhà ở dựng trên cột chống, được biểu lộ trong các mẫu tạo hình, là các chỗ nơi cư trú lợp mái tranh, có hai tầng, tầng trên dành cho người, tầng dưới dành cho các súc vật (Chang 1977: 458-463).

Một xã hội phân chia giai tầng xã hội nhiều phần hiện hữu, với ba giai cấp khác nhau dựa trên kiểu để tóc và y phục: giới quý tộc và các người giàu có, giới người dân tự do và các nô lệ. Một số lượng lớn các vũ khí, ngựa và thiết bị cho xe ngựa bằng đồng thiếc, và sự vẽ lại các cảnh bạo động (kể cả một số hình ảnh tra tấn) trong nghệ thuật tạo hình đều cho thấy sự hiện diện của chiến tranh trên một vài quy mô. Các xa xí phẩm bao gồm đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc thạch, đá mắt mèo, ngọc lam, và đồ sơn mài. Các cảnh nghi lễ, nhiều phần trong đó chưa được hiểu biết hoàn toàn, được trình bày trong các mô hình tạo hình bằng đồng thiếc hay trên các trồng đồng. Nhảy múa có lẽ là một phần của các nghi lễ này. Các nhạc cụ bao gồm các trống hình cái bát (kettledrums) bằng đồng thiếc, sênh (shen panpipes), sáo, và dàn 16 chuông sắp thành 2 hàng trên dưới (pien bells) (Chang 1977: 458-463).

Chúng ta không hay biết về nguồn gốc hay giai đoạn tiền trưởng thành của nền văn hóa này hiện nay. Một cuộc nghiên cứu về nghệ thuật của nó (Bunker 1972; Dewall 1972) cho thấy các thành tố vay mượn từ Trung Hoa thời nhà Chu và từ loại thú vật của các thảo nguyên. Nhưng tại Thạch Trại Sơn, các thành tố này xem ra bị đồng hóa một cách tuyệt hảo và bị kết hợp một cách tự do, điều dẫn đến giả định rằng một vài phân cảnh trước đó vẫn còn chờ được khám phá. Trong cùng cung cách này, thành phần chúng tộc của dân số gồm các nông dân – chăn nuôi không được hay biết. Ảnh hưởng từ các thảo nguyên (tức hình thức và sự trang trí của một số vũ khí, các sự trình bày về các trận đánh của thú vật, các sự liên kết kỷ hà học), tầm quan trọng của việc chăn nuôi súc vật, và liên hệ họ hàng gần gũi của các bộ lạc lưu động, tất cả nêu lên vấn đề về một nguồn gốc du mục đối với ít nhất một phần trong dân số xứ Điền. Ngoài ra, sự phổ biến chính xác văn minh xứ Điền vẫn còn khó để ấn định giới hạn với sự chuẩn đích. Từ quan điểm khảo cổ học, lãnh địa văn hóa của xứ Điền cho đến nay không thể được xác định vượt quá địa phương Thạch Trại Sơn và các địa điểm liên hệ chặt chẽ khác. Giai đoạn Đá Mới trước đó tại khu vực, với khá nhiều địa điểm quanh hồ Điền Trì, cho thấy một khuôn mẫu văn hóa khá đồng nhất, được biểu trưng bởi các tầng vỏ ốc phế thải nằm lẫn lộn với các mảnh gốm vỡ, chính yếu của một món đồ gốm màu đỏ chưa được nung tới đủ độ cứng, và bởi một loại rìu bằng đá kiểu thảo nguyên không được tìm thấy ở nơi nào khác của Vân Nam. Rất nhiều phần rằng chính môi trường sinh thái thuận lợi – hồ nước và đất khả dĩ canh tác quanh hồ — biện minh cho sự khác biệt của văn hóa Đá Mới địa phương này khi so sánh với các văn hóa khác xa hơn về phía tây (Dewall 1967: 8-9).

Trong khi các dây liên kết trực tiếp giữa các giai đoạn liên tiếp nhau bị mất tích trong vùng, các khu vực khác tại Vân Nam mang lại bằng chứng giải thích làm liên tưởng đến sự chuyển tiếp từ Thời Đá Mới sang Thời Đồ Đồng Thiếc như một tiến trình giao thoa địa phương hơn là một sự thay đổi bị ảnh hưởng bởi sự du nhập toàn bộ. Các địa điểm thời Đồng Thau [Chalcolithic, hay Cooper Age, một giai đoạn nằm trong Thời Đồng Thiếc (Bronze Age), trước khi khám phá ra việc pha thiếc vào đồng thau (copper) làm cho đồng cứng hơn (Bronze, tức đồng thiếc, chú của người dịch) của Haimen Kou và của Ma Lung trong vùng Đại Lý, các sự khám phá đồ đồng thiếc tản mạn giữa các lớp thời Đá Mới tại Ma Chang, và các sự khám phá đồ đồng thau màu đỏ trong khung cảnh đồ đồng thiếc của Dapona xem ra đại diện cho các giai đoạn khác nhau trong tiến trình này (Dewall 1967: 10). Mối quan hệ của các đồ đồng mới được khám phá hồi gần đây, nhưng chưa được báo cáo đầy đủ, tại tỉnh Tứ Xuyên lân cận không được hay biết. Hiện tại, chúng ta thiếu một khuôn khổ tổng quát cho việc định tuổi các sự khám phá này trên bất kỳ căn bản nào khác ngoài sự suy luận được rút ra từ các đặc tính vật liệu và thể loại, vốn đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa.

Với các sự khám phá của Thạch Trại Sơn, chúng ta đứng trên một nền tảng vững chắc hơn về phương diện niên lịch. Các sự kiện được tường thuật về vương quốc bản địa của xứ Điền bởi các nhà chép sử nhà Hán hoàn toàn phù hợp với các kết quả khảo cổ học – nông nghiệp như là căn bản của kế sinh nhai và các sự định cư vĩnh viễn, như được gợi ý bởi các sự khám phá ra các lưỡi cày, cuốc, và các dụng cụ nông nghiệp tương tự và bởi các mô hình các ngôi nhà được dựng trên các cột gỗ và của kích thước chứa chấp một gia đình; và các tù trưởng địa phương triều cống lên vương quốc Điền [Việt]. Sự cực kỳ phong phú của một số đồ đạc trong ngôi mộ ở Shizhai Shan có lẽ tượng trưng cho các thành viên của một tầng lớp thượng lưu, các thân thích trong dòng họ và các nghị thần liên hệ trực tiếp với triều đình hoàng gia.

Các sự chôn cất sau này ở đây và ở Taiji Shan thì khiêm tốn hơn và cho thấy một vị thế xã hội khác biệt dành cho giới quý tộc chiến sĩ, được xác định bởi vị thế và sự liên hệ của các đồ tùy táng (Dewall 1967: 14-19). Các trong ngôi mộ này, các dụng cụ nông nghiệp điển hình không có mặt, như là các loại liên hệ một cách quá rõ ràng với vị thế kinh tế nhiều thế lực của những kẻ được chôn cất tại các ngôi mộ lớn hơn (tí dụ, các bình, lọ chum, vại đựng tiền vỏ ốc có hình trống đồng hay các chậu (bình …) bằng đồng thiếc tương tự). Cùng với các đồ đồng được trang trí một cách khéo léo hơn và các hình tượng xinh đẹp được điêu khắc khắp các mặt, các vật này chỉ được tìm thấy trong các ngôi mộ lớn hơn, giàu có. Từ sự chứng nhận khảo cổ học, cũng không có thể nghi ngờ rằng bất kỳ đồ vật trao đổi với nhà Hán thực sự được gạn lọc xuyên qua tầng lớp cao hơn của giới quý tộc là các kẻ xem ra hăng hái để bảo tồn các độc quyền tư thế và mậu dịch của họ (Dewall 1967: 19-20).

THẢO LUẬN

Mối quan hệ giữa các nền văn hóa sông Hồng và Điền Trì chưa được điều nghiên một cách có hệ thống. Các luận điểm tổng hợp sớm nhất về lịch sử văn hóa Đông Nam Á rút ra nguồn gốc của phong cách Đông Sơn là từ “các sự di dân Pontic [vùng Hắc Hải: Black Sea, chú của người dịch]” thuộc Đông Âu Châu (Heine Geldern 1937) hay từ văn minh nhà Chu đặt cơ sở ở trung lưu sông Dương Tử (Karlgren 1942). Tương tự, Watson (1970) nêu ý kiến rằng Vân Nam thực ra là trung tâm của sự phát triển thể cách Đông Sơn, nơi mà từ đó các trống đồng, các rìu có hình dạng bàn chân (pediform axes), và các dao ngắn được xuất cảng đến phần còn lại của Đông Nam Á. Bởi vì các ngôi mộ Thạch Trại Sơn xuất hiện sau niên đại có sự chinh phục của Trung Hoa năm 109 TCN, Watson cảm thấy rằng Đông Sơn vì thế nhiều phần không xưa hơn 100 năm TCN. Quan điểm này không được hậu thuẫn bởi công tác khảo cổ và các niên đại theo xét nghiệm chất carbon sau này từ Dông Nam Á và Việt Nam (Bellwood 1979: 189).

Tác giả Pearson nhìn nhận sự hợp nhất trong bản chất của văn hóa vật liệu của Thạch Trại Sơn và Đông Sơn, đặc biệt trong các trống đồng và các vũ khí. Ngoài ra sự bổ túc trọn vẹn các chế tác phẩm Đông Sơn chỉ hiện diện tại miền bắc Đông Dương và miền tây nam Trung Hoa. Các trống đồng, cuốc, dao ngắn, rìu, vòng tay (xuyến), và nhẫn bằng đá là các sản phẩm duy nhất được phổ biến đến các khu vực rộng lớn hơn của Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông nhận xét rằng khu vực được giả định bởi nhiều người thuộc vào vùng Đông Sơn cho thấy “không có sự đồng nhất về văn hóa” (44). Đúng hơn ông nhận thấy một khu vực hạt nhân của các truyền thống lâu dài, có hiệu năng với một khu vực bao quanh rộng lớn. Đông Sơn chủ yếu là một trung tâm mậu dịch và tế lễ tại trái tim của một xã hội, một bộ tộc hay một tiền quốc gia hay quốc gia nguyên mẫu (protostate) phân chia đẳng cấp. Điều này phù hợp với ý tưởng của Janse (1958) về Đông Sơn như giai đoạn đầu tiên của sự thành lập một Việt Nam hợp nhất văn hóa.

Trong sự trình bày và phân tích của ông, Pearson đã nhìn nhận rằng ít nhất tại trung tâm của nó, Đông Sơn là một xã hội phân cấp thực sự. Các mộ chôn cất ở cả Đông Sơn lẫn Thạch Trại Sơn cho thấy một nhóm người hiển nhiên đã kiểm soát khối của cải lớn lao, hoặc dưới hình thức tiền bằng vỏ ốc hay các vũ khí và các chậu (vại, bình, thạp) bằng đồng thiếc. Vị thế của vị nữ tế hay nhà cai trị không có tính chất độc đáo của các xã hội này; các cá nhân khác, trên căn bản các phẩm chất khác hơn sức mạnh thể lực và sự sở đắc pháp thuật, có khả năng tự thể hiện khác biệt với các nông dân (Pearson 1962: 46).

Các người sử dụng các dụng cụ Đông Sơn tại các vùng nội địa là các nhóm bình đẳng hay các xã hội phân chia cấp bậc (rank society) [theo sự gần gụi trong quan hệ thân thích với tộc trưởng, chú của người dịch], các kẻ thụ đắc các sản phẩm kể cả các đồ đồng thiếc qua ngả mậu dịch trong bối cảnh của uy tín hay các nền kinh tế tái phân phối của họ. Sự chấp nhận việc tưới tiêu tại Vân Nam và cơ cấu liên xã (làng) lỏng lẻo sẽ làm liên tưởng rằng các dòng tộc mạnh mẽ hoạt động tại đó. Các dòng tộc này có các người đủ giàu có để có khả năng mua sắm các trống đồng. Tuy nhiên, trong cộng đồng Đông Sơn, toàn thể khối tài sản kết tập qua sự thừa kế đã nắm quyền kiểm soát sự giàu có (Pearson 1962: 46). Pearson đã tin tưởng rằng tiền bằng vỏ ốc đã được sử dụng trong các sự giao dịch giới hạn – rằng Đông Sơn, xuyên qua sự kích thích của quốc gia nhà Chu tại vùng trung lưu sông Dương Tử ở miền đông nam Trung Hoa, chỉ hướng một cách rất chậm chạp đến sự hội nhập được mang lại bởi một nền kinh tế thị trường.

Dewall (1967: 17-20) lập lại các khái niệm này trong cuộc thảo luận của bà về hàng hóa trao đổi với nhà Hán xuyên qua các hàng ngũ cao cấp hơn của giới quý tộc Thạch Trại Sơn như là một cơ chế để bảo tồn các độc quyền về vị thế và mậu dịch. Nhưng sự xâm nhập thương mại từ các trung tâm mậu dịch và văn hóa Trung Hoa không phải là tác động duy nhất từ bên ngoài được hấp thụ bởi giới tinh hoa địa phương, đã không ảnh hưởng đến tầng lớp thấp hơn. Tại các ngôi mộ tráng lệ của Thạch Trại Sơn, với các đường nét ngoại quốc nổi bật, trong cả các kỹ thuật luyện kim lẫn các phong cách nghệ thuật, cũng nói lên các sự trao đổi với lãnh địa của phong cách súc vật du mục tại miền tây bắc và với văn minh Đông Sơn tại phía đông nam.

Trong một sự phân tích lịch sử nghệ thuật và so sánh hai nền văn hóa, Bunker (1972: 319-321) truy tìm rìu hình bàn chân đặc trưng – vật dụng có nhiều thí dụ được tìm thấy tại Vân Nam và Đông Dương – về tới khu vực văn hóa Đông Sơn của Việt Nam. Bà còn xác định niên đại tập hợp chế tác phẩm của Thạch Trại Sơn cho thời Tây Hán trên căn bản các tiền đồng, triện ấn, và các tấm gương thu hồi được trong khung cảnh khảo cổ từ cuối thế kỷ thứ nhì TCN cho đến phần tư cuối cùng của thế kỷ đầu tiên TCN.

Tác giả Chang (1977: 466-467) đã viết rằng tầm quan trọng của Thạch Trại Sơn (và các địa điểm Taiji Shan và Lijia Shan (Lý Gia Son) gần đó) khó có thể bị uớc lượng thái quá. Sự gần cận với địa điểm kinh điển của Đông Sơn cạnh Vịnh Bắc Việt và nhiều sự tương đồng về thể loại mà ba địa điểm này cùng chia sẻ, có thể chỉ cho thấy chúng đại diện cùng một nền văn hóa, được đặc trưng bởi các thành phần có cùng phong cách: các trống định âm hình cái bát (kettledrums) bằng đồng thiếc, các rìu bằng đồng hình chiếc giầy và hình quạt, nghệ thuật đồ đồng tạo hình như một vật bổ túc trang trí cho các đồ tế lễ, các chế tác phẩm của giới có uy tín cao, và các hình thức vũ khí giống nhau; trâu bò và chim mỏ cong như sừng súc vật (hornbills) như các chủ đề trang trí được ưa chuộng với các hàm ý tế lễ; và một số chủ đề trang trí riêng biệt khác nào đó, chẳng hạn như các vòng tròn đồng tâm nối liền nhau, đường xoắn ốc, các hoa văn hình râu con mối (moth antenna) và các khuôn mẫu hình chữ S. Về mặt xã hội và kinh tế, ông đã kết luận, không có gì thắc mắc rằng Đông Sơn đã có một xã hội phân chia đẳng cấp và tinh vi cao độ và sự chuyên môn hóa công nghiệp sâu rộng. Mặt khác, nó dường như không có chữ viết, và các địa điểm cư trú được xác định cho đên nay cho thấy không có bằng chứng về sự đô thị hóa hoàn chỉnh (Chang 1977: 466-467).

Họ Chang cũng là người đầu tiên nhìn nhận rằng phần phía tây của văn minh Tứ Xuyên có chung cùng với văn minh đương thời của Vân Nam và Đông Sơn nhiều chủ đề trang trí và các loại dụng cụ, cũng như trống định âm (1977: 442-453). Điều không rõ rằng phân khu đông-tây của văn minh (xứ Thục) Tứ Xuyên có được phân định một cách rõ ràng hay không. Tứ Xuyên như một tổng thể có chung nhiều đặc điểm thể loại với cả nước Chu (trung lưu sông Dương Tử) và xứ Điền (Vân Nam). Họ Chang đã kết luận rằng nền văn minh này hẳn phải có một tổ chức chính trị phức tạp và một sự phân chia đẳng cấp xã hội tinh vi tiến đến các trình độ của một cơ cấu quốc gia. Các tài liệu lịch sử nói rằng Tứ Xuyên rơi vào sự kiểm soát của nhà Tần trong năm 329 TCN. Điều này cũng có thể gợi nhớ rằng An Dương Vương, người thành lập nước Âu Lạc và kẻ xây dựng thành Cổ Loa trong thế kỷ thứ ba TCN, đến từ vùng đất này, theo sử ký cổ truyền của Việt Nam.

Thời kỳ 1960-1970 đã chứng kiến các sự khai quật rộng lớn và báo cáo bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam (Davidson 1975, 1979; Nguyễn Phúc Long 1975; Hà 1980; Hoàng và Bùi 1980; Solheim 1980), cũng như sự áp dụng có hệ thống và sự công bố các niên đại định tuổi bằng xét nghiệm chất carbon cho nhiều địa điểm Việt Nam (Kohn và Quitta 1978; Bayard 1984). Theo dấu sự bùng nổ thông tin này, Bayard đã viết một bài kiểm điểm về tình trạng của khảo cổ học Đông Nam Á (1980) rằng Đông Sơn và xứ Điền, mặc dù xuất hiện hơi muộn về thời gian, rõ ràng đã tiên tiến không kém và chắc chắn đã tham gia vào sự trao đổi đáng kể cả về hàng hóa lẫn tư tưởng. Khác với các sự phản ảnh mờ nhạt của nền văn minh Trung Hoa phương bắc, cả hai xã hội xuất hiện ngang bằng – ngoại trừ có lẽ việc không có chữ viết – với các nhà Chu và nhà Hán cùng thời. Quan điểm trình bày trong thực chất tương tự như quan điểm từ Thái Lan và Miến Điện đương thời: một sự phát triển phần lớn có tính chất bản xứ về kỹ thuật và xã hội (Bayard 1980: 98). Tương tự, Kempers (1988: 311-326) ghi nhận rằng trống Vân Nam, ngoại trừ một số trống kim loại giống loại Heger 1, từ nền tảng khác biệt với nhiều loại trống định âm khác nhau được tìm thấy tại phần còn lại của Đông Nam Á. Vân Nam có thể là một trung tâm địa phương sau này của đồ kim loại, nơi một sự bùng nổ cá biệt cao độ của một loại đúc đồng thiếc đã xảy ra.

Dewall (1984) đã có một cái nhìn bao quát hơn về các sự tiếp xúc bộ lạc với người Hán Hoa tại miền tây nam Trung Hoa trong thiên niên kỷ đầu tiên TCN. Bà đã nhìn nhận các sự khác biệt trong sự can dự xã hội nơi ba loại khám phá – các đồ nhập cảng có nguồn gốc Trung Hoa, các công cụ chế bằng sắt, và các trống định âm từ các khung cảnh chôn cất – trên một dải đất rộng của miền tây nam Trung Hoa, bao gồm Vân Nam, Tứ Xuyên, và miền tây Quý Châu và Quảng Tây. Diễn biến của hàng nhập cảng gốc Hán trong khung cảnh bộ lạc đòi hỏi một sự kiện “cài cắm và sự chấp nhận” như một hậu quả của sự gặp gỡ và tiếp xúc (188-189). Ngược lại, chế tạo đồ sắt đại diện cho thành quả bên trong, trước khi có sự tiếp xúc với người Hán, và truyền tải sự chấp nhận và chấp thuận sự canh tân và cải thiện trong nghệ thuật thủ công trước bối cảnh đã có trước của kỹ thuật sử dụng đồng thiếc. Trống định âm và các trống tương đương của nó, như các sản phẩm của nghệ thuật, các đồ vật dùng cho tế lễ, và các vật chuyên chở ý nghĩa tượng trưng có “các phẩm chất riêng biệt của sự ủng hộ xã hội gắn liền với các tầng lớp tương phản của các loại đồ vật”, chẳng hạn như các công cụ, vũ khí, và các đồ trang trí, vốn tạo thành khối lớn trong các bản kiểm kê bộ lạc thời cuối Đồ Đồng tại vùng nội địa (188-189).

Các cung cách cá biệt của việc kết hợp ba loại khám phá này vào cơ cấu kinh tế, chính trị và xã hội bộ lạc của thiên niên kỷ thứ nhất SCN có thể khác biệt một cách rõ rệt từ đơn vị này sang đơn vị khác. Nhưng người ta có thể lập luận cho một sự tự lực bền vững một cách xuất sắc trong phạm vi xã hội bộ lạc – một sự liên lập văn hóa. Các sự thách đố từ bên ngoài (sự bất quân bằng chính trị ở cả hai bên) và các sự phát triển từ bên trong (sự tái định hướng tách rời khỏi các thị tộc địa phương có cơ cấu theo hàng dọc và các nhóm định cư) dường như đã ngăn chặn các xã hội tiền quốc gia này khỏi việc tự thể hiện chính trị sau đó tại vùng kề cận và theo nhịp với các quốc gia Đông Nam Á ban sơ.

Các sự tiếp xúc giữa Vân Nam, đông nam Trung Hoa, và miền bắc Việt Nam trong thời kỳ Thạch Trại Sơn khiến chúng ta nghĩ rằng đã có hiện diện vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất TCN một loại liên bang văn hóa bao gồm ít nhất ba trung tâm: Việt [Đông và Tây] (đông nam Trung Hoa), Đông Sơn (bắc Việt Nam), và Thạch Trại Sơn (Vân Nam). Mỗi một trong ba trung tâm này đưa ra các đặc điểm riêng và màu sắc địa phương của nó, được nhận thấy ngay trong các sự biểu lộ chung của ba nhóm (Pirazzoli-T’Serstevens 1979: 126-127). Sự hợp nhất của văn hóa vật liệu từ Đông Sơn và xứ Điền đã là tiêu điểm của bài viết này. Các nguồn gốc văn hóa chung của Phùng Nguyên – Đông Sơn và Sham Wan [?] – Kỷ Hà Học Duyên Hải Việt của miền đông nam Trung Hoa đã được lập luận một cách thuyết phục bởi Meacham (1977). Hơn nữa, người ta tìm thấy bằng chứng làm liên tưởng đến một mối quan hệ vật chất giữa miền bắc Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên hiện nay với các đồ vật được đào lên tại Thạch Trại Sơn như một hành lang khả hữu dẫn đến các sự nối kết với vùng tây bắc ở đó và có thể xa hơn nữa (Chang 1977: 442-453).

Để giải thích hiện tượng này, O’Harrow (1988 thông tin cá nhân) nêu ý kiến về toàn thể vùng Tứ Xuyên, Vân Nam, đông nam Trung Hoa, và bắc Đông Dương như một tầng lớp nông dân định cư, ổn cố gắn liền với đất, với một tầng lớp chiến sĩ lưu động tinh hoa luôn di chuyển. Những gì chúng ta tìm thấy đã tạo ra, xuyên suốt một vành đai văn hóa bao quát, khi đó, là một chuỗi các xã hội chủng tộc có chung nhiều nét văn hóa, nhưng hiện hữu tại các điểm khác nhau của một phức hợp xã hội-chính trị dọc theo một diễn tiến liên tục từ quốc gia đến chế độ tù trưởng đến bộ lạc.

John Tessitore
Department of Anthropology, University of Hawaii, Manoa

Nguồn: John Tessitore, View from the East Mountain: An Examination of the Relationship between the Đông Sơn and Lake Tien Civilizations in the First Millennium B.C., Asian Perspectives XXVIII (1), 1988-1989, các trang 31-44.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

BAYARD, DONN T.

1980 The roots of Indochinese civilisation. Pacific Affairs 53(1): 89-114.

1984 A checklist of Vietnamese radiocarbon dates, trong tạp chí Southeast Asian Archaeology at the XV Pacific Science Congress: 305-322, biên tập bởi Donn Bayard. University of Otago Studies in Prehistoric Anthropology 16. Dunedin.

BELLWOOD, PETER S.

1979 Man’s Conquest of the Pacific. New York: Oxford University Press.

BUNKER, EMMA C.

1972 The Tien Culture and some aspects of its relationship to the Dong-Son Culture, trong quyển Early Chinese Art and Its Possible Influence in the Pacific Basin, Vol. 2:291-328, biên tập bởi Noel Barnard. New York: Intercultural Arts Press.

CHANG, KWANG-CHIH

1977 The Archaeology of Ancient China. ấn bản lần thứ 3, New Haven: Yale University Press.

DAVIDSON, JEREMY H. C. S.

1975 Recent archaeological activity in Viet-Nam. JHKAS 6:80-99.

1979 Archaeology in northern Viet-Nam since 1954, trong quyển Early South East Asia: 98-124, đồng biên tập bởi R. Smith and W. Watson. New York: Oxford University Press.

DEWALL, MAGDALENE VON

1967 The Tien Culture of south-west China. A 41 : 8-21.

1972 Decorative concepts and stylistic principles in the bronze art of Tien, trong quyển Early Chinese Art and Its Possible Influence in the Pacific Basin, Vol. 2:329-372, biên tập bởi Noel Barnard. New York: Intercultural Arts Press.

1979 Local workshop centres of the Late Bronze Age in highland South East Asia, trong quyển Early South East Asia: 137-166, đồng biên tập bởi R. Smith và W. Watson. New York: Oxford University Press.

1984 Tribal contact with Han Chinese civilization and sociocultural change in China’s southwestern frontier region, trong tập Southeast Asian Archaeology at the xv Pacific Science Congress: 188-217, biên tập bởi Donn Bayard. University of Otago Studies in Prehistoric Anthropology 16. Dunedin.

GOLOUBEW, VICTOR

1929 L’age du bronze au Tonkin et dans Ie Nord-Annam. BEFEO 29: 1-46.

1937 L’Archeologie du Tonkin et les Fouilles de Dong-Son. Hanoi: Ecole Française d’Extreme-Orient.

HA VAN TAN

1980 Nouvelles recherches préhistoriques et protohistoriques au Vietnam. BEFEO 68: 113-154.

HEINE-GELDERN, H. ROBERT

1937 L’art prébouddhique de la Chine et de I’Asie Sud-est et son influence en Oceanie. Revue des Arts Asiatiques 11(4): 177-206.

HOANG XUAN CHINH AND BUI VAN TIEN

1980 Dongson Culture arid cultural centers in the Metal Age in Vietnam. AP 23(1): 55-65.

JANSE, OLOV R. T.

1958 Archaeological Research in Indochina, Vol. III: The Ancient Dwelling-Site of Dong-Son (Thanh Hoa, Annam). Bruges: Institut Beige des Hautes Etudes Chinoises.

KARLGREN, BERNARD

1942 The date of the early Dong-Son Culture. BMFEA 14: 1-28.

KEMPERS, A. J. BERNET

1988 The Kettledrums of Southeast Asia: A Bronze Age World and Its Aftermath. MQRSEA 10.

KOHL, G., AND H. QUITTA

1978 Berlin radiocarbon dates V. Radiocarbon 20(3): 386-397.

MASPERO, HENRI

1918 Etudes d’histoire d’Annam, IV: Le royaume de Van-Lang. BEFEO 18(3): 1-36.

MEACHAM, WILLIAM

1977 Continuity and local evolution in the Neolithic of South China. CA 18(3): 419-440.

NGUYEN BA KHOACH

1980 Phung Nguyen. AP23(1): 23-53.

NGUYEN DUY HINH

1984 The birth of the first state in Viet Nam, trong tập Southeast Asian Archaeology at the XV Pacific Science Congress: 183-187, biên tập bởi Donn Bayard. University of Otago Studies in Prehistoric Anthropology 16. Dunedin.

NGUYEN PHUC LONG

1975 Les nouvelles recherches archeologiques au Vietnam. Arts Asiatiques (special number) 31.

O’HARROW, STEPHEN

1979 From Co-Loa to the Trung Sisters’ revolt. AP 22(2): 140-163.

1986 Men of Hu, men of Han, men of the Hundred Man. BEFEO 75:249-266.

PEARSON, RICHARD

1962 Dong-Son and its origins. BIEAS 13:27-50.

PHAM HUY THONG

1983 The dawn of Vietnamese civilization: The Dong Son archaeological culture. Vietnamese Studies 2(72): 43-77.

PHAM MINH HUYEN, NGUYEN VAN HUYEN, và TRINH SINH

1987 Trống Đông Sơn (The Dong Son Drum). Hanoi: Institute of Archaeology.

PIRAZZOLI-T’SERSTEVENS, MICHELE

1979 The bronze drums of Sizhai Shan: their social and ritual significance, trong quyển Early South East Asia: 125-136, đồng biên tập bởi R. Smith and W. Watson. New York: Oxford University Press.

SOLHEIM, WILHELM G. II

1980 Review article. AP 23(1): 9-16.

TAYLOR, KEITH W.

1983 The Birth of Vietnam. Berkeley: University of California Press.

WATSON, WILLIAM

1970 Dong Son and the Kingdom of Tien, trong quyển Readings in Asian Topics: 45-71. Scandinavian Institute of Asian Studies Monograph 1. Copenhagen.

WHEATLEY, PAUL

1983 Negara and Commandery. University of Chicago Department of Geography Research Papers Nos. 207-208. Chicago.