Có nhiều vị “giả Tàu” có vẻ tức tối với chuyện này, mỉa mai là “thấy người sang bắt quàng làm họ” hay “chủ nghĩa tự tôn dân tộc quá khích”, thậm chí còn lớn tiếng mạt sát các sử quan Đại Việt đã bịa chuyện v.v… Chẳng qua là học giọng điệu trịch thượng kiểu con trời ! Thần Nông đâu phải dân Hán gốc ở lưu vực Hoàng Hà, mà là dân Bách Việt ở lưu vực Trường Giang, ngôn ngữ của thị tộc Thần Nông có khả năng rất giống tiếng Việt cổ (tất nhiên không phải tiếng Việt-Mường ngày nay, mà là proto Việt-Katu khoảng hơn 4000 năm trước).
Vài thông tin đáng lưu ý, lấy từ chính sử Tàu hoặc các trang mạng của Tàu:
Sử ta ghi rõ Lạc Long Quân là cháu xa đời của Thần Nông.
1. Sách Hậu Hán Thư, một trong các sử chính của Tàu, trong truyện Tang Cung cho biết người Lạc Việt từng cư trú ở huyện Trung Lư, nay là huyện Nam Chương, thủ phủ là Tương-Phàn thị.
Các bạn trẻ ít đọc sử chắc không rõ “Tương Phàn thị” là ở đâu, nhưng nếu lấy truyện kiếm hiệp Kim Dung ra nói Tương là thành Tương Dương, nơi đại hiệp Quách Tỉnh và Dương Quá đại chiến với quân Mông Cổ, và Dương Quá một cái búng tay giết tươi vua Mông Cổ là Mông Kha (anh của Hốt Tất Liệt) thì chắc rất nhiều Kim-Dung-Tàu-Đệ-Tử biết ngay. Còn Phàn là Phàn Thành, đối diện Tương Dương ở bờ bắc sông Hán Thủy cũng được nhắc nhiều trong truyện Tam Quốc, là nơi Quan Công xả nước vào thành, bắt sống Bàng Đức …
Điều lạ lùng là huyện Trung Lư ở ngay gần Liệt Sơn, quê hương của Thần Nông, lị sở vốn là Tương Phàn Thị chỉ cách Liệt Sơn có 60-70km đường chim bay.
Nếu người Lạc Việt vốn ở đó từ 4-5 ngàn năm trước, cùng thời với Thần Nông và định cư ở bên cạnh thị tộc Thần Nông suốt hơn 2 ngàn năm cho tới lúc được Hậu Hán thư ghi chép … thì không lẽ không học được nền văn minh lúa nước của thị tộc Thần Nông, không hề ảnh hưởng lẫn nhau về ngôn ngữ-văn hóa, không có sự pha trộn về huyết thống ? (tại hạ muốn giữ bài viết nhã nhặn lịch sự, tránh khiêu khích nên không muốn hỏi ngược lại là phải chăng chính thị tộc Thần Nông học nghề trồng lúa nước của người Lạc Việt ?
2. Trang mạng của Tàu (http://www.12edu.cn/lunwen/wxlw/200902/246579.shtml) khi khảo cứu về ảnh hưởng của thi ca dân gian Lạc Việt trong thơ Khuất Nguyên đã ghi rõ vùng Tương Giang, phía nam hồ Động Đình, tức phía nam của tỉnh Hồ Nam, nơi Khuất Nguyên bị đi đày và sáng tác ra các tác phẩm Li Tao, Thiệp Giang … nổi tiếng, vốn là đất cổ Lạc Việt.
Điều bất ngờ hơn nữa là lăng Viêm Đế (Thần Nông) lại nằm chính trên đất cổ Lạc Việt này, ở huyện Viêm Lăng, cách Hành Dương thị khoảng 150km về phía đông nam. Sử kí sách ẩn của Tư Mã Trinh cũng nói Viêm Đế Thần Nông sinh ở Hồ Bắc, táng ở Hồ Nam, vùng Trường Sa, nhưng không nói cụ thể là ở vùng lưu vực sông Tương, khá xa về phía Nam, gần với Ngũ Lĩnh hơn là phía hồ Động Đình. Xem bản đồ, Viêm Lăng phiên chữ Latinh là Yanling:
[map:http://maps.google.com/?z=8&ll=26.518425,113.738708&om=0 600 450]
Chú ý rằng vua Sở Hùng Cừ từng “hiên ngang” tuyên bố “Ta là người Man, ta không chịu nhận thụy hiệu của vua nhà Chu”, tức người Sở vốn không phải Hán tộc, vậy mà vùng sông Tương lại còn ở xa hơn nữa về phía nam của nước Sở. Theo một thông tin trên diễn đàn viethoc.org/phorum thì khoảng 400 năm trước công nguyên nước Sở mới chiếm được vùng Hồ Nam và Tương Giang của người Việt, lúc Khuất Nguyên bị vua Sở đày xuống vùng này thì nơi đây vẫn còn bị coi là vùng đất biên thùy hoang vu nơi ở của các giống dân “dã man”: ở lõa, khắc trán, giao chỉ (chéo chân hay chéo ngón chân ?) .
Như vậy suốt 2 ngàn năm từ thời Thần Nông cho tới khi vùng đất Tương Giang thuộc Sở rồi thuộc Hán, thì vùng này là chỗ định cư của người Lạc Việt, lúc đó Hán tộc chính thống còn quanh quẩn ở lưu vực Hoàng Hà ! Vậy nhóm tộc nào đã coi sóc, bảo tồn lăng Thần Nông suốt 2 ngàn năm đó ? Phải chăng thời đó người Lạc Việt chưa có tinh thần “chống Hán-bài Khựa” như người Việt Nam hiện nay, hay đơn giản là người Việt đã nhận Thần Nông là gốc tổ của mình ngay từ thời đó và coi sóc lăng đó, chứ không phải đến thời Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mới bịa đặt ra chuyện Lạc Long Quân là cháu chắt của Thần Nông ?
Sử Việt nói: Đế Minh là cháu 3 đời của Thần Nông đã phân đất cho hai người con, Đế Nghi là anh được nối ngôi ở phương bắc, Kinh Dương Vương Lộc Tục là em được cho cai quản vùng đất phía nam, gọi là nước Xích Quỷ, đến đời Lạc Long Quân Sùng Lãm là con của Kinh Dương Vương mới xuống định đô ở Phong Châu, thuộc châu thổ sông Hồng. Phải chăng Xích Quỷ thời đó chính là vùng Tương Giang và Quảng Tây ngày nay ? Chú ý lúc đó vùng đồng bằng cửa sông Châu Giang (Tây Giang) ở Quảng Đông có lẽ còn ngập chìm dưới mực nước biển do hiện tượng biển tiến Flandri đạt cực đại cách nay khoảng 6000 năm, nên tạm thời không kể đất Quảng Đông vào nước Xích Quỷ.
3. Vừa rồi lại có thông tin về việc tìm thấy chữ biểu ý Lạc Việt ở khu di chỉ “Xẻng đá lớn” ở huyện Bình Quả, tỉnh Quảng Tây, niên đại hơn 4000 năm tức là phù hợp với thời đại sau Thần Nông tiếp đến các đời Đế Minh, An Dương Vương, Lạc Long Quân … (xem thông tin ở bài “Chữ biểu ý Lạc Việt niên đại hơn 4000 năm” trong web này). Hơn bốn ngàn năm tức là cổ hơn loại chữ Giáp Cốt đời Thương đến hơn ngàn năm !
Vấn đề ai là chủ nhân của chữ viết này còn chưa rõ ràng, nhưng chính sách Tàu (Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 519—581) thì đã viết rõ Lạc Việt là ở Giao Chỉ, tức miền Bắc VN, nguyên văn: “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu…”. Về chữ Lạc Việt, trước đây chỉ biết Hậu Hán Thư là sách sớm nhất đề cập, ví dụ trong Mã Viện truyện có viết: “Viện thích ngựa, giỏi phân biệt giống ngựa, vào Giao chỉ lấy được trống đồng của người Lạc Việt bèn đem đúc ngựa”, riêng chữ “Lạc” thì từng có trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, trong Nam Việt Úy Đà truyện đã nhắc tới địa danh Âu Lạc ví dụ thông tin “Triệu Đà chiếm Âu Lạc sau khi Cao hậu chết 1 năm” . Gần đây trên trang “Lạc Việt” của TQ có bài của Đàm Thánh Mẫn (www.luoyue.net) , có dẫn ra nguồn sớm hơn trong Lã Thị Xuân Thu, tức là thời Lã Bất Vi (292-235 TCN), sớm hơn Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN) hơn một thế kỷ . Nguyên văn Lã Thị Xuân Thu như sau “和之美者:阳朴之姜,招摇之桂,越骆之菌 hòa chi mĩ giả: Dương phác chi khương, Chiêu dao chi quế , Việt Lạc chi khuẩn ” Cao Dụ 高诱 chú “越骆,国名。菌,竹笋”= “Việt Lạc: quốc danh. Khuẩn: măng trúc”, Đàm Thánh Mẫn giải thích Việt-Lạc cũng là Lạc-Việt, do thứ tự cú pháp tiếng Việt đặt ngược với tiếng Hán mà ra.
Các thông tin trên cũng không mẫu thuẫn với việc sử Việt từng ghi rõ là “nước” ban đầu của Kinh Dương Vương là nước Xích Quỷ ở đâu đó ngay phía nam hồ Động Đình trải dài xuống phía Nam, còn cương vực nhà nước Văn Lang của Hùng vương thì phía bắc đến tận Hồ Động đình.
Vùng Ngũ Lĩnh (Vạch màu xanh lá cây):
Kết nối các thông tin trên chúng ta thấy rõ bản đồ định cư của người Lạc Việt tiếp nối liên tục suốt từ vùng đất Trung Lư gần Liệt Sơn ở Hồ Bắc, qua vùng Hồ Động Đình và vùng lưu vực sông Tương ở Hồ Nam, rồi qua vùng núi Quảng Tây, tới vùng châu thổ Sông Hồng (Hà Nội), không có khoảng đứt đoạn nào cách xa quá vài trăm cây số.
4. Về quan hệ ngôn ngữ của các nhóm Lạc Việt cũng có những điểm ảnh hưởng đến nhau khá rõ. Cụ thể là giữa nhóm ngữ hệ Thái-Kadai của các tộc Choang, Lê, Tày, Nùng, Thái với ngữ hệ Môn-Kmer của người Việt, Mường, tham khảo bài viết: (http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,56592)
Ở đây chỉ tóm tắt lại vài thông tin:
– “Ngựa” đa số các nhóm Choang-Lê-Thái đều gọi là “mã” như người Hán, nhưng nhóm Choang ở Lang Giá, Quý Châu, gọi là “nga” như người Việt.
– “Ngủ” đa số các nhóm Choang đều gọi là “nòn”, nhưng nhóm Lục Chi và Ba Cáp gọi là “ngu” như người Việt.
– “Con bò” phần nhiều các nhóm Choang đều gọi là “ngú” (liên qua tới ngưu của tiếng Hán ?), nhưng có một số nhóm lại gọi là “bo/po” gần với tiếng Việt, hay “mo” gần với tiếng Mường…
– Con lợn tiếng Choang, Tày Nùng, Thái đều gọi là “mu”, nhưng riêng nhóm Choang vùng Liễu Giang và Nghi Sơn gọi là “hjai” gần với “hợi 亥”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông thì “hợi” có nguồn gốc từ “cúi” của người Việt.
Khả năng những từ trên là vay mượn hay chịu ảnh hưởng của tiếng Việt, chẳng hạn “ngựa”, trong các nhóm Việt-Môn-Khmer vốn là từ song tiết “ma-ngơ”, còn lưu tích trong cách đọc “bà ngựa” ở thơ quốc âm Nguyễn Trãi: “Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn … ”
Tất nhiên đã nói về ảnh hưởng Việt Mường trong các ngôn ngữ Choang-Thái thì để công bằng cũng phải xét tới chiều ảnh hưởng ngược lại từ các nhóm Thái-Kadai tới tiếng Việt, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn từng đề cập vấn đề này trong cuốn “Lịch sử ngữ âm tiếng Việt”. Trong phạm vi bài viết có tính cách “blog” này tại hạ chỉ xin dẫn vài ví dụ về các từ kép Việt-Thái:
– Chó má
– Tre pheo
– Chân cẳng
– Áo xống
– Súng ống
– Gà qué …
Trong các từ này thì chữ đứng sau chính là các từ gốc Thái-Kadai, đồng nghĩa với chữ tiếng Việt đứng trước, cấu trúc kết hợp hai từ này biểu thị nghĩa khái quát chỉ chung về loại vật đang nói. Các từ gốc Thái này đã du nhập vào tiếng Việt từ lâu đời, và ngày nay một số đã bị đào thải nên người Việt cũng không hiểu nếu nó đứng tách riêng (như “ma” tiếng Thái và tiếng Choang, Tày, Nùng đều có nghĩa là “chó”, “xống” có nghĩa là áo mà tiếng Thái vùng Sơn La đọc là “xuổng” ). Cũng có những từ như “pheo” hay “cẳng” thì người Việt vẫn hiểu khi đứng riêng, nhưng ít được dùng hơn, điều đó chỉ ra gốc ngoại lai của chúng …
Tranh minh họa: Tôn Bùi.
Tham khảo các bài trên trang “Lạc Việt” của Đàm Thánh Mẫn 覃圣敏:
瓯骆古都及其南迁Kinh đô cổ của người Âu-Lạc và sự di chuyển về phía nam của nó [www.luoyue.net]
西瓯骆越新考 Khảo cứu mới về Tây Âu-Lạc Việt [www.luoyue.net]