Đây là những hình ảnh cảm động và có thể khiến ta ngạc nhiên. Năm 1960, vào cuối tháng 10 có ba buổi biểu diễn thời trang nhỏ do Trung tâm Khuếch trương Tiểu thủ công nghệ tổ chức tại Sài Gòn. Nơi tổ chức là Gian hàng Công nghệ Việt Nam tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), quận 1. Mục đích là giúp cơ quan từ thiện “Hội bạn người mù”.

Điểm đặc biệt là các sản phẩm thời trang biểu diễn được may bằng nguyên liệu và sản phẩm ở miền Nam: tơ tằm, đũi Quảng Nam, vải dệt của người dân tộc ít người… khán giả được thấy các thứ lụa nội hóa với in hay thêu bông, thêu bướm, in hoa tuyết hay thêu cườm. Các đồ trang sức làm bằng các nguyên liệu có nhiều trong nước như cói, đay, dây dừa, lá buông, trai ốc, đồi mồi, da thuộc. Thảm trải để các “người mẫu” biểu diễn bằng cói dệt tay…

Bà Đàm Thị Hiếu trình diễn y phục phụ nữ miền Bắc khoảng từ 1840 – 1900. Ảnh: Ngọc Tùng

Hai trăm năm mươi khách đến xem, đa số là phụ nữ, một số người nước ngoài và quan chức nhà nước. Họ thích thú khi bà Đàm Thị Hiếu, phụ trách gian hàng lên phát biểu khai mạc trong trang phục nón quai thao, nón nhiễu hồng lồng áo the thâm, yếm thẳm, thắt lưng màu, dây tích bạc, quần lãnh và guốc đen… Đó cũng là tiết mục biểu diễn đầu tiến.

Sau đó là 44 kiểu trình diễn trang phục phụ nữ năm 1960-1961. Trang phục biểu diễn là đồ đi chơi, dạ hội, đi biển, thể thao… Người mẫu, có cả người nước ngoài, không ai thuộc giới biểu diễn chuyên nghiệp trừ Nghệ sĩ Kiều Chinh. Trước khi trình diễn trang phục đương đại, khán giả được xem các kiểu áo thông dụng của miền Bắc từ khoảng năm 1840 và 1900, trang phục của thôn nữ và trang phục của thiếu nữ miền Nam thông dụng khoảng thập niên 1930.

Sau đợt trình diễn ba ngày, tất cả trang phục, các loại vải mới đều được đem ra bán để đóng góp quỹ từ thiện. Trong bài phát biểu khai mạc, có câu: “Chúng tôi không có tham vọng tổ chức một buổi trình diễn lộng lẫy thuộc các loại do các cửa hàng may danh tiếng tổ chức tại các nước tân tiến.

Chúng tôi chỉ muốn chứng minh những khả năng hiện hữu với những ý kiến và sáng tác của giới công nghệ Việt Nam. Chúng tôi cố hết sức dùng nguyên liệu và sản phẩm nội hóa… Vài thứ hàng vải đã được vẽ riêng để may áo trình bày ở đây cho quý vị thấy những mẫu hàng để may áo phụ nữ hoặc sơ mi đàn ông. Thị trường tiêu thụ loại vải này có hy vọng bành trướng ngay trong xứ”.

Đọc lại lời phát biểu ngắn gọn, chân thành và tâm huyết, chúng ta thấy niềm tự hào, trân trọng sản phẩm Việt xuất phát từ tâm thức tốt đẹp, đã hình thành từ rất lâu tại thành phố này.