Trong bài viết này, xin mời các bạn xem lại những tấm hình thú vị được chụp để so sánh góc ảnh tại cùng 1 vị trí của Sài Gòn xưa và nay. Những hình ảnh này của tác giả Tim Doling và những đồng sự khác được đăng trong group Saigon Then And Now.

Hình bên trên được chụp từ tháng 10 năm 1945, trụ sở của Sở Hỏa Xa (địa chỉ ở số 2, Đại lộ de la Somme) điều hành hệ thống tàu lửa của thành phố Sài Gòn. Hình phía sau được chụp năm 2019, cùng một vị trí đó, tòa nhà vẫn còn giữ nguyên những đường nét chính, và chức năng của tòa nhà vẫn như cũ: Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn tại địa chỉ 136 Hàm Nghi.

2 tấm hình bên trên được chụp cách nhau khoảng 75 năm. Tấm ảnh trên được chụp vào thời Pháp thuộc, khoảng 1943, hình ảnh một tàu hỏa (đầu máy chạy bằng hơi nước) đang chạy ngang qua Nhà hát Thành Phố (Saigon Municipal Theatre) trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi).

Hình dưới được chụp năm 2019, hình ảnh Nhà hát Thành Phố được phục chế lại với hoa văn đúng với nguyên mẫu ban đầu.

Hình trên được chụp vào những năm đầu thập kỷ 1950 tại giao lộ Bonhoure và Tổng Đốc Phương (nay là Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm). Ngôi nhà bên trái là tòa chung cư đến nay vẫn còn.

Cùng vị trí này, đến nay là bùng binh trước Bưu Điện Chợ Lớn với tượng đài Phan Đình Phùng đã có từ trước năm 1975. Hình ảnh Phan Đình Phùng tượng trưng cho “thánh tổ quân cụ” của quân lực VNCH.

Hình trên là con đường lớn và lâu đời hàng đầu của vùng Sài Gòn. Đây là đoạn từ Cầu Khánh Hội đến công trường Mê Linh (tượng đức Trần Hưng Đạo). Thời Pháp giai đoạn đầu (khoảng 1865), đoạn đường này được đặt tên là Quai de Donnai, sau đổi thành Quai Napoléon, năm 1870 đổi là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers.  Năm 1955, chính quyền Sài Gòn nhập đoạn đường Le Myre Vilers với đoạn Argonne (là đoạn chạy dọc theo bến sông) và đặt tên là Bến Bạch Đằng. Đến năm 1980, chính quyền mới nhập Bến Bạch Đằng với đường Cường Để để trở thành đường Tôn Đức Thắng như ngày nay.

Trong bức ảnh chụp trắng đen vào thập kỷ 1920 ghi lại hình ảnh một đoàn tàu được chạy bằng đầu hơi nước của công ty CFTI chạy tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn.

Hình bên dưới là chụp cùng 1 góc ảnh vào năm 2019, đoạn bến Bạch Đằng nhìn về phía tượng đức Trần Hưng Đạo.

Hình phía trên (trắng đen) là ảnh chụp vào thập niên 1940, ghi lại tuyến tàu điện từ Sài Gòn đi Chợ Lớn, đang chạy trên đường des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo. Gần 1 thế kỷ trước, nội đô Sài Gòn đã leng keng tiếng xe điện rộn ràng khắp các đường phố. Có thể nhận thấy biển quảng cáo trên đầu của tàu điện, thể hiện sự “không kiêng cử” gì của người xưa, khi quảng cáo cả trại hòm trên phương tiện giao thông công cộng.

Hình bên dưới là chụp cùng 1 góc ảnh với hình xưa, đường Trần Hưng Đạo năm 2019, nhìn về phía Lương Nhữ Học và Châu Văn Liêm.

Hình trên chụp năm 1954, năm cuối cùng của thời kỳ Pháp thuộc với bệnh viện Clinique Saint-Paul tại địa chỉ số 280 Legrand de la Liraye. Từ năm 1955, đường này đổi tên thành Phan Thanh Giản.

Bệnh viện Saint-Paul còn có các tên khác là Dưỡng đường Saint-Paul, Bệnh xá Saint-Paul, là bệnh viện tư nhân hoạt động từ năm 1938.

Nguyên thủy ở Sài Gòn thời Pháp thuộc có dưỡng đường Angier (Clinique Angier) hoạt động từ năm 1908. Vào thập niên 1930, mẹ bề trên dòng tu Saint-Paul-de-Chartres cùng bác sĩ Roton hợp tác mở dưỡng đường Saint-Paul, thay thế dưỡng đường Angier. Vị trí cơ sở mới nằm trên đường Legrand-de-la-Liraye gần ngã tư đường Pierre-Flandin (Sau 1955, ngã tư này đổi thanh Phan Thanh Giản – Bà Huyện Thanh Quan, từ 1976 đổi tên thành Điện Biên Phủ – Bà Huyện Thanh Quan). Bố trí tòa nhà xếp thành chữ U, đầu hai cánh uốn vòng là nơi đặt giường bệnh nhân với hàng cửa chớp giảm ánh nắng để giữ nhiệt độ mát mẻ; kiến trúc tòa dưỡng đường lúc bấy giờ có tiếng là thanh lịch, hiện đại.

Ngày khai trương nhằm ngày Giáng sinh năm 1938, có sự hiện diện của thống đốc Nam Kỳ Rivoal. Tháng Hai 1939 hoàng hậu Nam Phương ngự giá thăm dưỡng đường. Bệnh viện Saint-Paul hoạt động liên tục đến năm 1976 thì bị quốc hữu hóa và đổi thành Bệnh viện Mắt như hiện nay.

Ở tấm hình dưới được chụp năm 2020, có thể thấy cái tên nguyên thủy Clinique Saint-Paul vẫn còn được giữ lại. Kiến trúc của cổng và bên trong cũng không thay đổi nhiều. Ngày nay, nhiều người vẫn gọi đây là bệnh viện Xanh Pôn.

Hình phía trên là đường Hai Bà Trưng, đoạn gần công trường Lam Sơn năm 1969. Phía bên tay phải là nhà máy chế biến nha phiến cũ thời Pháp. Đến nay, kiến trúc cổng vào chỗ này vẫn còn giữ lại phần nào.

Hình bên dưới là cùng 1 góc ảnh ngày nay. Bên trái là khách sạn Park Hyatt. Nếu để ý kỹ thì chúng ta có thể thấy cổng vào nhà máy (màu trắng, gần giữa hình) vẫn còn giữ nét cũ.

Hình chụp năm 1953. Tòa nhà này là của La Maison Diethelm – một công ty chuyên sản xuất thiết bị cơ khí. Địa chỉ tòa nhà lúc này là số 29 – Quai de Belgique. Sau năm 1955, đường này đổi tên thành Bến Chương Dương, và tòa nhà trở thành trụ sở của ngân hàng Pháp Á. Ngay bên phải tòa nhà là đầu đường Pasteur.

Hình sau là hình chụp 2019, tòa nhà từ lâu trở thành trụ sở của ngân hàng Vietcombank, nhưng hiện nay tạm đóng cửa. Con đường này cũng đổi tên thành Võ Văn Kiệt.

Tòa nhà chung cư cũ trong tấm hình 2019 đã được xây dựng từ cuối thập niên 1960, làm nơi ở cho nhân viên của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Hình trên là góc ngã 3 Nguyễn Thiếp – Tự Do được chụp khoảng năm 1965-1966.

Hình dưới là hình chụp 2020, đường tên Nguyễn Thiếp đã bị đổi sai thành Nguyễn Thiệp. Còn đường Tự Do đổi tên lại thành Đồng Khởi.

Về tên đường Nguyễn Thiếp hay là Nguyễn Thiệp mới là đúng? Theo lịch sử thì Nguyễn Thiếp là danh sĩ thời Tây Sơn, có tên là Minh, tự là Quang Thiếp. Sau đó vì kiêng húy vua chúa nên đổi tên thành Thiếp.

Như vậy tên đúng của ông phải là Nguyễn Thiếp, giống như tên đường đã đặt từ trước 75. Không hiểu vì sao sau này tên ông lại bị đổi thành Nguyễn Thiệp, và bảng tên đường cũng bị ghi sai.

Giao lộ Tổng Đốc Phương – des Marins thời Pháp. Sau 1955, des Marins đổi tên thành Trần Hưng Đạo. Sau năm 1976, đường Tổng Đốc Phương đổi lại thành Châu Văn Liêm

Hình dưới là hình ảnh cùng 1 góc chụp năm 2019, nay là ngã 3 Châu Văn Liêm – Trần Hưng Đạo. Có thể thấy dãy nhà vẫn còn nguyên sau 70 năm.

——————————–

Bài và lời giới thiệu: Đông Kha
Nguồn ảnh: Group facebook: Saïgon Chợ Lớn Then & Now
Flickr: Việt Nam Then & Now
Website: historicvietnam.com
Tác giả: Tim Doling