Viết về sự nghiệp thi ca của thi sĩ Tản Đà (1889-1939), sách Tự Điển văn học (tập II, 1984) chép: “Nhiều bài thơ của Tản Đà đã bước đầu “phá cách vứt điệu luật”, có dáng dấp gần gũi các bài Thơ mới. Tản Đà là nhà thơ giao thời giữa thế hệ thi ca cổ điển và thế hệ các nhà thơ mới trước Cách mạng tháng Tám. Ông có một địa vị quan trọng trong văn học Việt Nam thời kỳ cận đại”. (sđd, tr.329 ).

Khi biên soạn tập Thi nhân Việt Nam (Nxb Văn học,1996), hai nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân đã đặt Tản Đà là người đầu tiên khai bút cho “Hội Tao đàn Thơ mới” với câu đề tựa “Cung chiêu anh hồn Tản Đà” và những câu chữ rất trọng thị:

“Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo. Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa”. (sđd, tr. 11).

Cuối lời giới thiệu, hai soạn giả đã giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu trong số hàng chục bài thơ của ông; đó là Thề non nước và Tống biệt. Cả hai bài thơ đã được đưa vào chương trình giảng dạy môn Văn của học sinh Trung học từ hàng chục năm nay. Riêng bài Tống biệt, từ khi mới ra đời đã được đông đảo người hâm mộ thơ ca đón nhận.

Tống biệt: tin tức, hình ảnh, video, bình luận

Bài Tống biệt được trích trong vở chèo Thiên Thai do chính Tản Đà sáng tác năm 1922. Nội dung vở chèo diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân Tết Đoan ngọ (còn gọi là Tết Đoan dương) ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu – Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì không còn thấy các nàng tiên đâu nữa…Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích. Đoạn trích trong vở chèo khi Lưu, Nguyễn xin về, hai tiên nữ tống biệt như sau:

“Hai tiên nữ nói: Hai chàng nay đã nhớ đến quê hương mà muốn về, chúng tôi nghĩ giữ lại làm sao cho tiện! Vậy xin kính đưa ra tới cửa động này mà có nhời thưa rằng:

Hai chàng,

Bởi tiền thế nhiều phần phúc đức,

Nên ngày nay kết bạn tiên cung.

Nhưng nợ trần vướng vít gỡ chưa xong,

Xui cõi tục mơ mòng còn tưởng nhớ!

Nay đến lúc kẻ đi người ở,

Thôi từ nay vĩnh cách tràng ly.

Ngãi trăm năm còn một khúc ca thi,

Dâng quân tải để làm nghi tống biệt.

Ngâm: Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,

Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai,

Ước cũ duyên thừa có thế thôi.

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ đây xa cách mãi.

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi..

Được rút từ vở chèo Thiên Thai, bài Tống biệt được nhiều nhà nghiên cứu văn học xếp vào loại Từ khúc theo điệu Hoa phong lạc và được coi là một bài thơ toàn bích về nội dung lẫn hình thức. Nội dung xoáy quanh chuyện vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi) nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữa cảnh trời đất mênh mông…

Có thể nói vài câu thơ ngắn nhưng đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật của nhà thơ. Giọng thơ sâu lắng, suy tư nhưng không làm mất đi tính ngông rất riêng trong thơ ông. Sự tài tình được thể hiện trong việc sử dụng những động từ mạnh tiễn, đưa” làm nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình; hay việc sử dụng những từ cùng trường liên tưởng. Nói tóm lại, bài thơ đã xây dựng thành công trên cả hai phương diện về “ý” và “lời”, xứng đáng là bài thơ hay nhất về đề tài ly biệt.

Trong tập Giảng luận Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Nxb Văn học, 2001, tr.109), thi sĩ Bùi Giáng đã viết:

“Lá rơi – Hình ảnh của lìa tan, của ly biệt…Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng…Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữ Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt…

Sực tỉnh rồi…còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy. Huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời…đem đi mộng cũ của lòng ta…Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi…

Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng-Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời…”[2]

Nhà thơ người Mỹ Richard Puz đã viết trong tác phẩm The Carolinian: “Cái chết để lại một trái tim đau đớn không ai chữa lành. Tình yêu ra đi để lại một vùng ký ức không ai có thể đánh cắp” . (Death leaves a heartache no one can heal, love leaves a memory no one can steal.). Cuộc ly biệt của tiên nữ và Lưu-Nguyễn qua ngòi bút của Tản Đà đã dâng trào một cảm xúc khó tả với bạn đọc mọi thời đại, đến cuối cùng họ cũng không được gặp lại nhau. Chính vì dư âm đó mà trải qua biết bao thế kỷ, cuộc chia tay đau buồn này vẫn gây thương nhớ như một vết thương lòng. Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả phân tích:

“Ngậm ngùi” là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xét lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ: Nửa năm tiên cảnh/ Một bước trần ai…

Diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trọc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ “Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy, huê trôi…”cốt nói thêm rằng cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. “Cái hạc” không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút. Tiếng “thơ thẩn” như tả một người đi lẻ loi. “Bóng trăng” có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình duyên đẹp nhất và cũng bi thương nhất…Về mặt nghệ thuật, chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng”.[3]

Tống Biệt là bài thơ ngắn ngủi, ít câu, ít chữ, tuy nhiên khi được nhạc sĩ Võ Đức Thu phổ nhạc thành bài hát cùng tên thì rất thành công. Đặc biệt, nhạc sĩ khi phổ nhạc đã giữ nguyên văn bài thơ không thay đổi, hay thêm bớt bất kỳ một chữ nào. Từ câu mở đầu bằng âm giai Dm (Rê thứ), nhịp ý dìu dặt, nhẹ nhàng, nhạc sĩ đưa người nghe men theo lối đá mòn gieo rắc của Thiên Thai. Từ từ, và thật chậm rãi, ông dẫn người nghe bằng những giai điệu trầm lắng; từ suối tiễn chim oanh đưa, rồi ngậm ngùi trước cảnh Tiên, mà lòng Trần chưa dứt… Và thật tài tình khi nhạc sĩ chuyển đoạn sang cung trưởng, trong sáng, bao la, cao xa mà bâng khuâng, ray rứt:

Ca khúc được nhiều người đánh giá là mang giai điệu sang trọng, quý phái. Nhạc sĩ chú ý đến cách ngân nga và ngắt câu vì thế đã nâng cao thêm ý nghĩa của lời thơ về cảnh tượng của một tình yêu đẹp phải chia xa. Những câu thơ ngắn lại bị ngắt đôi, và được cất lên bằng những nhạc điệu du dương đến chơi vơi, với ngôn ngữ và hình ảnh thanh nhã mà cũng rất đỗi mơ màng. Câu thơ – điệu nhạc như vẽ nên bởi khói sương huyền ảo nơi tiên giới. Chất tài hoa, lãng mạn của thi nhân và nhạc sĩ là ở chỗ: dựng nên cảnh tống biệt mà tịnh không có bóng dáng con người. Chỉ thấy ngân lên như tiếng vọng ai hoài, chất chứa đầy tâm trạng. Đấy là nỗi niềm tiếc nhớ cảnh Bồng lai hay cũng chính là tiếc nhớ Cái – Đẹp, Cái – Tình đã tuột khỏi tầm tay….

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, 1996, tr. 11.

1- Bùi Giáng, Giảng luận Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nxb Văn học, 2001, tr.109).

2- Theo Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, tr. 511, 512 và 514.

3 Kiều Thu Hoạch, Người mở đầu thơ Việt Nam hiện đại.