Khi cuộc tình đã xa, người tình đã bỏ ta mà đi, chúng ta chỉ biết nén nỗi đau âm thầm của từng vết kỷ niệm sẽ trở thành vết xước đằm thắm khi hồi tưởng lại. Các nhạc sĩ thì khác, khi tình yêu tan vỡ, họ đã có những nốt nhạc thất tình như có sẵn ở đâu đó để sẵn sàng gảy vang lên những giai điệu trút nỗi lòng mình. Nhạc sĩ Nguyễn Tâm đã có một khúc tình ca nổi tiếng trong số những sáng tác ít ỏi của ông:

Thà là rong rêu, lênh đênh trên biển.
Thà là chim bay vui theo tháng ngày.
Thà là mây trôi mênh mang giữa bầu trời.
Lang thang giữa cuộc đời mà vui.

Một ngày bên em, cho em hơi thở.
Từ dạo yêu em, con tim tan vỡ.
Để rồi đêm nay trên căn gác lạnh lùng.
Đêm thương nhớ một mình lẻ loi.

À ơi… người yêu ơi, da thịt mát tình nồng say.
Tìm đâu em hỡi, người yêu ơi, đêm hồng những lần hẹn hò.
Vòng tay buông lơi, tình yêu chơi vơi, nhớ người.

Chỉ vì yêu em nên anh vất vả
Chỉ vì yêu em nên anh mất cả.
Tình buồn em ơi, lang thang giữa cuộc đời.
Bên sông có một người nhìn theo.

Một ngày mưa rơi trên con phố nhỏ.
Chỉ mình anh thôi lang thang lối nhỏ.
Còn lại trong anh rong rêu tháng ngày dài.
Lê thê suốt một đời
Vì sao?

Thà là rong rêu, thà là chim bay, thà là mây trôi…Vì rong rêu còn có biển để lênh đênh bầu bạn, chim bay còn núi cũ để tìm về, mây trôi còn có bầu trời để kể nhau nghe chuyện mưa nguồn chớp biển. “Lang thang một mình giữa cuộc đời mà vui”… Dòng nhạc mở đầu cho tâm trạng đơn lẻ với những giai điệu chậm buồn buốt giá và những ca từ mênh mang lơ lửng như mây ngàn

Thà là rong rêu, lênh đênh trên biển.
Thà là chim bay vui theo tháng ngày.
Thà là mây trôi mênh mang giữa bầu trời.
Lang thang giữa cuộc đời mà vui.

Để khi nghe điệp khúc sau, chúng ta mới vỡ ra, thì ra một loạt điệp từ “Thà là” ở đầu của những câu trên để dẫn dắt đến bài thất tình ca “thương nhớ một mình lẻ loi” của tác giả. Một ngày bên em tưởng là cho em hết cả cuộc đời, không ai nghĩ đến một ngày “con tim tan vỡ”. Một mình với bóng đêm nhớ nhung ngày cũ đã trở thành mộng mị trăng sao ngoài khung căn gác xép lạnh lùng.

Một ngày bên em, cho em hơi thở.
Từ dạo yêu em, con tim tan vỡ.
Để rồi đêm nay trên căn gác lạnh lùng.
Đêm thương nhớ một mình lẻ loi.

Gọi mãi tên người những khi kỷ niệm trở về xâm chiếm hồn rồi dày vò nỗi nhớ. Tác giả đã rất khéo khi dệt thành những chuỗi ca từ “da thịt mát tình nồng say” “đêm hồng những lần hẹn hò” để tả cuộc tình mặn nồng khi đang còn say đắm bên nhau.

Tìm đâu em hỡi cổng thiên đường đã khép những ngày vui hò hẹn. Khi tay trong tay tưởng như ngày hạnh phúc ríu rít oanh ca. Khi “vòng tay buông lơi, tình yêu chơi vơi” anh mới biết ngày tháng ấm nồng kia đã buông lơi để một mình chới với nhớ người

À ơi… người yêu ơi, da thịt mát tình nồng say.
Tìm đâu em hỡi, người yêu ơi, đêm hồng những lần hẹn hò.
Vòng tay buông lơi, tình yêu chơi vơi, nhớ người.

Trong thi ca cũng như âm nhạc, dùng từ không sáo mòn, không lặp lại của những người đi trước đã là thành công của người viết. Trong ca khúc này, hơn thế nữa nhạc sĩ đã sử dụng tính từ “vất vả” rất hay trong câu “chỉ vì yêu em nên anh vất vả”. Vất vả ở đây nên hiểu theo nghĩa anh đã dồn hết tin yêu cuộc sống cho cuộc tình.

Tin yêu để rồi khi xa người là anh đã mất tất cả… Chỉ còn một mình lang thang giữa đường đời tưởng như vô định. Tình yêu đối với nghệ sĩ quá lớn như ánh sáng định hướng cho loài hoa hướng dương, khi mất em rồi thì anh như bóng núi lịm tắt bóng mặt trời ngày vui.

“Bên sông có một người… nhìn theo”. Ai nhìn theo ai vậy? Có đôi khi người nghe nhạc tự hỏi như vậy, nhưng có là ai đi nữa thì đó là một hình ảnh tượng hình cho niềm luyến thương của người tình về một cuộc tình, dẫu tan vỡ nhưng đã để lại thương vết êm đềm mỗi khi nhớ về nhau.

Chỉ vì yêu em nên anh vất vả
Chỉ vì yêu em nên anh mất cả.
Tình buồn em ơi, lang thang giữa cuộc đời.
Bên sông có một người nhìn theo.

Chỉ mình anh trên lối nhỏ ngày mưa. Mưa càng gợi nhớ càng gợi thêm niềm cô đơn xa vắng. Mưa như đồng lõa với kỷ niệm rơi trên phố cũ từng giọt xót xa. Mưa còn có khi dứt hạt còn nỗi nhớ người biết đến bao giờ cho vơi?

“Còn lại trong anh rong rêu ngày tháng dài”. Suốt một đời một người chắc phải lê thê nỗi nhớ một người. “Vì sao?” – Một dấu hỏi kết thúc bài như lơ lửng để người nghe tìm tòi và tưởng tượng, không cụ thể là hỏi người tình hay tự hỏi với chính mình

Một ngày mưa rơi trên con phố nhỏ.
Chỉ mình anh thôi lang thang lối nhỏ.
Còn lại trong anh rong rêu tháng ngày dài.
Lê thê suốt một đời
Vì sao?

Lần đầu tiên nghe ca khúc “Rong Rêu” của cách đây 10 năm, tôi lấy làm lạ vì dòng nhạc có nhiều ca từ đẹp này tại sao bây giờ mình mới biết! Cứ tưởng như của một nhạc sĩ nào quen thuộc, sau này tôi mới biết tác giả có tên rất lạ không nằm trong các nhạc sĩ quen thuộc: Nguyễn Tâm. Chỉ nghe lần đầu tiên thôi, “rong rêu” đã xanh ngay trong trí nhớ của tôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Tâm xuất hiện trên Asia 51

Ca khúc “Rong Rêu” được nhạc sĩ Nguyễn Tâm sáng tác khoảng thập niên 1980, và nhanh chóng được công chúng đón nhận, yêu mến. Trong 2 thập niên 1980, 1990, rất nhiều nam ca sĩ nổi tiếng hải ngoại đã hát Rong Rêu, như cố ca nhạc sĩ Duy Khánh, Vũ Khanh, Duy Quang, Elvis Phương, Thái Châu, Anh Khoa, Tuấn Anh, Nguyễn Hưng, Kenny Thái, Đức Huy… sau này còn có thêm Đan Nguyên, Nguyên Khang… nhưng có thể nói chỉ có Tuấn Ngọc mới lột tả được sự bơ vơ, cô đơn của một chàng trai vừa bị “mất cả” trong tình yêu.

Nguyễn Tâm là nhạc sĩ định cư ở Oklahoma City, có sáng tác một số ca khúc, trong đó phổ nhạc nhiều bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhưng có lẽ “Rong Rêu” là sáng tác nổi tiếng nhất (hoặc duy nhất) của ông. Vì tên tuổi Nguyễn Tâm tương đối lạ, nên nhiều người nhầm tưởng rằng Rong Rêu là một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm – là tác giả của bài hát “Tháng Sáu Trời Mưa”. Hoàng Thanh Tâm có thể xem là một nhạc sĩ cùng trang lứa với Nguyễn Tâm. Nếu như Nguyễn Tâm có: “da thịt mát tình nồng say” thì Hoàng Thanh Tâm cũng có câu hát gần tương tự là: “da em trắng anh chẳng cần ánh sáng” trong ca khúc nổi tiếng được phổ từ thơ Nguyên Sa. Có lẽ vì vậy mà người ta nhầm Nguyễn Tâm là Hoàng Thanh Tâm chăng?