Có phải “Phù Nam” là hai chữ Hán dùng để phiên âm tiếng Campuchia “phnom” có nghĩa là núi hay không? Tại sao lại lấy tiếng “núi” để gọi tên một nước?

Năm 1911, L. Finot đã đề xướng cách giải thích cho rằng Phù Nam là hình thức phiên âm bằng tiếng Hán của tiếng Khmer phnom, có nghĩa là núi. Ý kiến này sau đó đã được nhiều người tán thưởng, mà người đã góp phần truyền bá nó một cách rộng rãi có lẽ là G. Coedès khi học giả này khẳng định như sau: “Những ông vua của xứ sở này (tức Phù Nam – AC) có tước hiệu (diễn đạt bằng) một nhóm từ có nghĩa là vua núi, tiếng Sanskrit là parvatabhāpāla hoặc çailarāja, tiếng KhmerKurung bnam”.(1) Bnam nay là phnom và Kurung bnam, theo Coedès là vua núi. Với cách giải thích trên đây, người ta đã mặc nhiên đồng ý với nhau rằng Phù Nam là tên gọi cổ xưa của nước Campuchia. Trong nhiều thập kỷ qua, ý kiến này đã từng được xem như một giáo điều không có gì cần phải bàn cãi.

Nhưng Claude Jacques đã nhận xét một cách chí lý rằng khi nói về Campuchia tiền Angkor, các tác giả thường thích dùng cái tên Phù Nam vốn là cách gọi của người Trung Hoa hơn là dùng chính cái tên “Campuchia” hoặc một trong những tên bản xứ của nó, nói cho đúng ra là những cái tên bằng tiếng Sanskrit đã trở thành tên bản xứ, mặc dù một số tên chẳng hạn như Bhavapura, đã được biết rõ từ lâu. Claude Jacques nhấn mạnh rằng cách giải thích đang lưu hành về danh xưng Phù Nam, tuy có vẻ ổn thoả về phương diện ngữ âm nhưng lại không chắc chắn. Cách gọi tên như thế cho thấy rõ rằng lịch sử của nước Campuchia tiền Angkor đã được dựng lại bằng cách dựa vào những nguồn ký tải của Trung Hoa nhiều hơn là vào các văn bia tìm thấy được tại chính Campuchia. Đã thế, về sau các học giả lại còn cố lấp những lỗ hổng của cái sườn tổng quát, mà họ đã dựa vào những cứ liệu của Trung Hoa để cấu thành, bằng những dữ kiện do văn bia Campuchia cung cấp; những văn bia này được phát hiện càng ngày càng nhiều. Lẽ ra phải đặt vấn đề hoài nghi những điều ghi chép của Trung Hoa, họ lại điều chỉnh những sự kiện mới phát hiện được qua văn bia theo cái sườn tổng quát kia. Bằng cách đó – Claude Jacques khẳng định dứt khoát – người ta đã phạm những sai sót rất căn bản về lịch sử, những sai sót ngày nay càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng bởi chúng đã được in ấn trong từng quyển sách yếu lược. (2)

Đúng như lời cảnh báo trên đây của Claude Jacques, cho đến năm 1978, tại Việt Nam, người ta vẫn còn đọc được, chẳng hạn như sau:“Vương tước của Phù Nam là Xai-la-ra-gia (Sailarāja), hay Pác-va-ta-bu-pa-la (Parvatabhūpāla), theo chữ Phạn, hay Cu-rungbơ-nam (Kurung Bnam), theo tiếng Môn-Khơme, có nghĩa là Vua Núi”(3). Rõ ràng là giáo điều của G. Coedès đã có ảnh hưởng đến nhiều người mặc dù nó thực sự không có căn cứ. Claude Jacques đã vạch rõ rằng cụm từ “Kurung bnam không hề xuất hiện trên một văn bia nào của Campuchia, còn từ Sanskrit “parvatabhāpāla” thực chất cũng chỉ xuất hiện có một lần trên một văn khắc nơi trụ cửa. Từ này được dùng ở số nhiều để chỉ những ông vua đã bị vua Bhavavarman (đệ nhất hoặc đệ nhị) đánh bại. Vậy parvatabhāpāla không chỉ vào vua của Phù Nam, mà nhiều ông vua đồng thời với nhau, còn địa điểm những vương quốc của họ thì văn bia tuyệt nhiên không hề nói đến. Tóm lại, đó cũng chẳng phải là tước hiệu của các ông vua Phù Nam như G. Coedès đã suy diễn và khẳng định một cách hoàn toàn võ đoán.

Với sự phát giác trên đây của Claude Jacques, ta có thể thấy rõ ràng rằng cơ sở của luận điểm do Finot và Coedès đưa ra rất là bấp bênh, mặc dù uy tín của họ thì quá lớn. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Claude Jacques khi tác giả này viết: “Sẽ là không tôn trọng các học giả lỗi lạc lão thành nếu chúng ta chỉ đơn thuần chấp nhận giả thuyết của họ mà không thảo luận gì. Chắc hẳn là họ sẽ từ bỏ một số trong những giả thuyết đó nếu có người trình bày cho họ những lý lẽ đủ sức thuyết phục”(4).

Lạ một điều là người ta không tự hỏi xem tại sao người Trung Hoa lại lấy núi làm đặc trưng của nước mà họ gọi là Phù Nam, trong khi chính nước của họ mới trùng trùng điệp điệp những sùng sơn tuấn lĩnh. Thấy rõ điều dị kỳ này, một tác giả Việt Nam là Lương Ninh đã bắt đầu điều chỉnh lý thuyết của Coedès mà viết như sau:

“Chủ nhân của nước Phù Nam hẳn là một bộ lạc Môn cổ – một bộ lạc Pnong. Tên gọi Phù Nam có lẽ đã được phiên âm từ tên tộc người đó. Hơn nữa, từ Phnom (Núi) trong từ vựng Khmer sau này cũng có thể chỉ là sự tiếp nhận và chuyển hoá từ Môn cổ Phong với ngữ nghĩa gần giống nhau. Phong là phiên âm ngày nay; giữa thế kỉ XIX, P.C.E. Bouillevaux phiên âm là Penong, Bunong, ngày nay có bộ phận còn được gọi là Bnơm. Trong từ vựng Khmer, phnom (Núi) được phát âm là nam hay bnam từ thế kỉ VII. Như thế vào đầu Công nguyên, bnam hay nam vừa có nghĩa là Núi, vừa có nghĩa là “dân miền Núi”, nhưng chủ yếu là để gọi tên tộc một bộ phận Môn cổ. Hiểu như thế, hi vọng có thể gỡ được mối băn khoăn của một số nhà nghiên cứu về việc tại sao các thư tịch Trung Hoa lại gọi tên một nước ngoài bằng cách phiên âm một từ xem ra có vẻ “vớ vẩn”: Núi”(5).

Tuy Lương Ninh đã có ý điều chỉnh cách giải thích của Coedès, chúng tôi vẫn không cho rằng cách điều chỉnh này có nhiều sức thuyết phục hơn là cách giải thích của chính Coedès. Chỉ riêng về mặt ngữ học, nó đã vấp phải ba điều sau đây. Thứ nhất, ai cũng thừa nhận rằng tiếng Khmer và tiếng Môn là cùng một gốc. Vậy nói rằng phnom của tiếng Khmer cùng một gốc với phong của tiếng Môn sẽ thuận lý hơn là nói rằng phnom của tiếng Khmer lại là “tiếp nhận và chuyển hoá từ Môn cổ Pnong”. Thứ hai, theo hiểu biết thông thường về việc chuyển nghĩa và việc tạo từ phái sinh, có hình thái hoặc phi hình thái, thì từ có nghĩa là “người núi” phải bắt nguồn ở từ có nghĩa là “núi” chứ không phải là ngược lại như Lương Ninh đã nói (tên tộc “người núi” trong tiếng Môn là Phong đã đưa đến sự phát sinh của danh từ Khmer phnom có nghĩa là “núi”). Vậy lẽ ra phải nói danh từ tiếng Môn Phong là một ethnonyme, tức một nom ethnique (= tên dân tộc phái sinh từ tên một địa phương), phái sinh từ danh từ phnom (= núi) của tiếng Khmer. Thứ ba, nếu quả thật người Trung Hoa đã phiên âm tên tộc người Phong sang tiếng của họ như Lương Ninh đã nói thì đó sẽ là *Phù nang chứ không phải “Phù Nam”. Khó có thể viện lý rằng vì người Trung Hoa, nhất là người Trung Hoa phương Bắc, hay nhầm lẫn các phụ âm cuối nên trong vẫn có thể được họ phiên âm thành nam. Không, tiếng Bắc Kinh chỉ nhầm lẫn m với n ở vị trí cuối âm tiết đưa đến sự đồng hoá của m vào n còn ng [n] ở vị trí cuối âm tiết thì xưa vẫn là một âm vị riêng biệt trong phương ngữ trên đây của tiếng Hán. Nó không hề bị lẫn lộn.

Tóm lại cách hiểu hai tiếng Phù Nam như là một hình thức phiên âm hình như đã tỏ ra bế tắc. Chúng tôi cho rằng hợp lý nhất là nên sử dụng một trong những cái tên do chính văn bia của Campuchia cung cấp như Claude Jacques đã gợi ý. Còn việc lựa chọn tên nào cho đúng thì lại là công việc của các nhà chuyên môn.

  1. Histoire ancienne des états hindouisés d’Extrême-Orient, Hanoi, 1944, p. 44.
  2. Xem “Funan” “Zhenla”: The Reality Concealed by these Chinese Views of Indochina, in Early South East Asia: Essays in Archaeology, History and Historical Geography, New York – Kuala Lumpur, 1979, p. 371.
  3. Võ Sĩ Khải, “Khảo cổ học và văn minh Phù Nam”, Khảo cổ học, số
  4. Sdd, tr 375, 378
  5. Óc Eo và Phù Nam, Khảo cổ học, số 1, 1987, tr. 55.