Bạn có bao giờ ngạc nhiên khi nghe người nào đó xin kèm một “tẩy” khi gọi nước chưa? “Tẩy” này có phải ‘tẩy bút chì”, “tẩy chay” không nhỉ? Hãy cùng Tiếng Việt giàu đẹp tìm hiểu nhé!

Thực ra, “tẩy” là từ mà người miền Nam dùng để chỉ ly đựng nước đá, thường được gọi kèm với các đồ uống lạnh.

Có thuyết cho rằng cách gọi “tẩy” bắt nguồn từ chữ “bouteille” (đọc tựa như “bu-tây”) trong tiếng Pháp, có nghĩa là “cái chai”. Người Việt xưa kia mời rượu thường dùng chai, còn người Pháp thường dùng ly. Trong quá trình giao lưu đã xảy ra sự lẫn lộn, vậy nên mới có chuyện “bouteille” vốn chỉ cái chai lại biến thành “tẩy” để chỉ cái ly. Ngược lại, từ “verre” trong tiếng Pháp vốn chỉ cái ly lại được phiên âm thành “ve” và dùng để chỉ cái chai (ve chai). Thuyết này nghe thì thú vị nhưng không hợp lý vì thực tế người Việt rất ít khi dùng chai để mời rượu, và “tẩy” cũng chỉ chuyên dùng cho ly đựng nước đá chứ không phải ly rượu hay ly nói chung.

Thực tế, “tẩy” trong “tẩy đá” vốn bắt nguồn từ cụm từ “pạc tẩy xỉu phé” (白底小啡), âm Hán Việt là “bạch để tiểu phi” – tên món thức uống ít cà phê nhiều sữa của người Quảng Đông, mà người Việt gọi ngắn gọn là “bạc xỉu”. Trong đó, “bạch” nghĩa là “trắng”, “để” là “đáy”, “tiểu” là “ít” và “phi” là cách nói tắt của “gia phi” nghĩa là cà phê. Vậy “tẩy” có nghĩa gốc là “đáy” (như trong “đáy sông”, “đáy giếng”, v.v.), ở đây được hiểu là “phần ở dưới”, tức phần sữa đặc dưới đáy ly. Qua thời gian, “tẩy” được hiểu thành cái có sẵn ở trong ly (nước đá) để uống kèm với các loại nước giải khát, rồi mở rộng để chỉ “ly nước đá”.

Tóm lại, “tẩy” bắt nguồn từ tên gọi món “bạc xỉu” trong tiếng Quảng Đông, về sau mở rộng nghĩa để chỉ ly có cục nước đá sẵn, dùng kèm với các loại nước giải khát. Từ “tẩy” (底) này vốn có nghĩa là “đáy”, khác với “tẩy” (抵) với nghĩa “chống cự” trong “tẩy chay”.