Ngày đó, xe lửa không qua được 2 con sông Vàm Cỏ. Vì thế, tới bờ sông, xe lửa dừng lại. Các toa xe được tách rời ra rồi theo đường ray nối với phà lần lượt lên phà để sang bên kia bờ.

Những chuyến tàu đầu tiên

Một chuyến tàu đợi khách trong sân ga

Ít ai biết sân trước của rạp hát Long An bây giờ là sân ga xe lửa Sài gòn – Mỹ tho hơn 130 năm trước.

Ông Sáu Tâm (90 tuổi, TP Tân An) kể lại: “Sân ga Tân An trước 1975 được dùng làm đồn Quân cảnh tư pháp. Khi tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho còn hoạt động, nơi đây hàng ngày rất đông người đến và đi bằng phương tiện hiện đại nhất thời bấy giờ là xe lửa.

Tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho được xây dựng từ năm 1881 khi giao thương giữa Sài Gòn và các tỉnh miền tây chỉ có đi ghe và xe ngựa.

Sau khi toàn bộ miền Nam trở thành thuộc địa, người Pháp nhìn thấy rõ tiềm năng kinh tế của miền Tây nên đã quyết định xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua Nam kỳ lục tỉnh.

Tuy nhiên do mức vốn đầu tư quá lớn, họ chỉ làm được đến Mỹ Tho có chiều dài 70km với khổ đường 1m. Tuyến đường sắt này là tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu bước mở đầu của đường sắt trên toàn cõi Đông Dương.

Chuyến tàu “mở hàng” tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho vào ngày 20/7/1885. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP)

Sau 4 năm xây dựng ngày 20/7/1885 chuyền tàu đầu tiên rời ga Sài Gòn hụ còi vang rền tiến về Mỹ Tho. Tuy nhiên, một trở ngại đã làm chậm chuyến đi do sự ngăn cách của 2 con sông Vàm Cỏ Đông qua Bến Lức và Vàm Cỏ Tây của Tân An.

Trong 4 năm xây dựng đó nhà thầu là công ty Société Générale des tramways à vapeur de Cochinchine (SGTVC) đưa toàn bộ vật liệu xây dựng từ Pháp sang. Họ đã huy động một lực lượng lao động lên đến 11.000 người để phục vụ công trình. Chính phủ Pháp cũng đã hỗ trợ thêm nhiều sĩ quan công binh, kỹ sư công chánh. Tốn phí cho tuyến đường này lên đến 12 triệu Francs (đơn vị tiền tệ của Pháp)”.

Ông Sáu Tâm nói tiếp: “Sau khi chiếm toàn bộ Việt Nam và đặt Nam kỳ là xứ thuộc địa, người Pháp nghĩ ngay đến việc phát triển giao thông để tận thu tài nguyên.

Ý tưởng ban đầu của họ không phải chỉ một đoạn ngắn từ Sài Gòn đến Mỹ Tho mà muốn nối tuyến xuyên Việt kéo dài sang tận Phnom Penh, Campuchia.

Thế nhưng do trở ngại bởi địa hình. Hai con sông Tiền và sông Hậu đã ngăn bước tiến của người Pháp nên đường sắt chỉ dừng lại ở ga cuối cùng là ga Mỹ Tho, nằm sát bờ sông Tiền.

Mặc dù chỉ là một đoạn đường ngắn nhưng tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho trong suốt 70 năm đã phục vụ một cách thiết thực nhu cầu đi lại của người dân”.

Phà “cõng” xe lửa qua sông

Câu chuyện này ông Sáu Tâm nghe ông nội của ông kể lại. Ông cho biết thêm, ngày đó, trong suốt năm đầu tiên, xe lửa không qua được 2 con sông Vàm Cỏ. Chính ông nội của ông đã từng đứng ở bờ sông Vàm Cỏ Tây xem họ đưa xe lửa qua sông.

Cõng tàu qua sông

Xe lửa tới bờ sông dừng lại. Các toa xe được tách rời ra rồi theo đường ray nối với phà lần lượt lên phà. Chiếc phà này khá lớn chạy bằng hơi nước mỗi chuyến chở được 10 toa. Trên phà có một thiết bị khi sang bờ bên kia sẽ làm động tác nối với đường ray trên đất để tàu lên bờ.

Hồi đó, xe hơi chưa ra đời. Giao thông từ nơi này sang nơi khác chỉ có đi ngựa hoặc ghe. Vì vậy, khi thấy đoàn tàu hỏa chạy băng băng trên đường ai cũng thích thú, lại còn được “cõng” qua sông một cách ngoạn mục như thế thì quả là chuyện có nằm mơ cũng không thấy được.

Phà “cõng” toa tàu không phải là giải pháp hay, chẳng qua là chữa cháy trong lúc chờ đợi. Người Pháp vừa thi công công trình vừa đặt hãng Eiffel khi đó chế tạo nên 2 cây cầu gồm cầu sắt Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) cho xe lửa qua sông.

Tháng 5/1886, 2 cây cầu sắt Bến Lức và Tân An hoàn thành. Tuyến tàu hỏa Sài Gòn – Mỹ Tho chạy suốt không cần phải trung chuyển qua phà và rút ngắn được thời gian. Từ đó người Sài Gòn đến Mỹ Tho và ngược lại sử dụng tàu hỏa rất thuận tiện, nhanh chóng.

Ông Sáu Tâm dứt lời, bùi ngùi nhìn về hướng sân ga cũ. Giờ này, chuyến tàu thứ 2 sắp đi qua. Ông nói: “Hồi đó, tiếng còi tàu như đồng hồ báo giờ. Giờ nhìn lại nơi đây sân ga không còn nhưng tiếng còi tàu vẫn còn vang mãi trong ký ức…”.