Họ Công Sách(1) sắp tế. Trong các lễ vật bỏ quên không đặt con sinh(2), Khổng Tử nghe thấy chuyện, nói rằng:

– Trong hai năm nữa, họ Công Sách thế nào cũng mất quan. Năm sau, họ Công Sách quả nhiên mất quan thật.

Môn nhân(3) hỏi rằng:

Lưu bản nháp tự động

– Trước họ Công Sách sắp tế bỏ quên con sinh mà thầy nói trong hai năm nữa thì mất quan, nay sự quả nhiên. Dám hỏi vì nhẽ gì mà thầy biết trước như vậy?.

Khổng Tử nói: ”Việc tế là việc người con có hiếu tỏ hết lòng thương nhớ cha mẹ, mà lúc sắp tế, bỏ quên con sinh, thì các công việc khác bỏ quên, bỏ sót chắc nhiều lắm. Như thế mà không mất quan thì không có lý”

Gia Ngữ

Lời bàn:

Việc tế lễ là việc rất thận trọng, tức là việc giao tế thần minh. Chỉ có người tận tâm và tận thành thì mới cảm cách được, con sinh là lễ vật rất thiết yếu, mà đến lúc tế, lại quên cả con sinh thì sự sơ suất không phải là nhỏ. Người như thế không thành tâm, công việc như thế là công việc không chu đáo. Xét một sự mà suy ra muôn sự. Khổng Tử suy xét mà biết, há có phải là tiên tri đâu. Nhưng suy xét chắc chắn mà phán đoán trúng việc thì có khác gì tiên tri.

—————

(1) Công Sách: học trò một ông quan đời Xuân Thu

(2) Sinh: con muông dùng làm việc tế lễ như lợn, dê, trâu, bò. (3) Môn nhân: học trò của một ông thầy.