Với hơn cả ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn tự hào là một quốc gia kiên cường, độc lập với những giá trị cố hữu lâu đời. Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy những giá trị ấy như một lời nhắc nhở con cháu đời sau về một thuở cha ông ta khi xưa đã dùng bàn tay và khối óc gây dựng nên. Những làng nghề truyền thống cũng vì thế mà được truyền lại từ đời này đến đời khác và lấy những tiêu chuẩn của cha ông xưa làm kim chỉ nam dựng nghiệp và phát triển. Bát Tràng là một trong những làng nghề ấy, vẫn tiếp tục tưới nước lên những hạt giống gốm sứ đã được gieo trồng mấy trăm năm nay.

Lưu bản nháp tự động

Dọc theo hướng cầu Vĩnh Tuy rồi rẽ phải đi lên đê khoảng 5 – 6 km, ta đặt chân đến xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi có làng nghề làm gốm đã có tuổi đời hơn 500 năm. Câu chuyện về gốm sứ không phải là câu chuyện mới, những gốm Bát Tràng không chỉ còn là cái tên cho môt làng nghề, mà còn là một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Xen qua những nếp nhà hoài cổ và những con ngõ hun hút đã nhuốm màu thời gian, ta như được lạc vào một thế giới nơi thời gian ngưng đọng, ở đó, mái đình xưa bên bờ sông Hồng vẫn hiên ngang đón chờ khách vãng lai, thi thoảng có tiếng trẻ con kêu đùa ríu rít và đặc biệt hơn cả, vẫn là một nếp sống nền nã đầy quy củ, một nguyên tắc làng nghề truyền dạy mà ngôi làng ấy nhất mực tuân theo. Theo nghĩa Hán Việt, chữ “Bát” (鉢) là bát ăn của nhà sư (theo tiếng Phạn là Patra), còn chữ “Tràng” (場) nghĩa là cái sân lớn, là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Phân tích sâu hơn về chữ “Bát” có bên trái là bộ Kim (金) – sự giàu có sung túc, đi kèm với chữ ” bản” (本) là nguồn gốc nguồn cội.

Người làng vẫn thường lấy cái tên này để dạy lại cho con cháu đời sau phải luôn biết giữ lấy cái gốc, cái rễ hình thành thì mới đạt được phồn vinh phú quý. Làng nghề Bát Tràng khởi phát từ thời nhà Lý, người dân theo chân vua Lý Thái Tổ từ huyện Yên Mô phủ Trường Yên (nay là huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình) dời đô về Thăng Long và lựa chọn huyện Gia Lâm thuộc Kinh Bắc trước đây để lập nghiệp. Trải qua các triều đại phong kiến, dù trong tình thế bị bế quan tỏa cảng hay chiến tranh liên miên, người dân vẫn tiếp tục bám lấy nghề làm gốm và âm thầm duy trì giá trị cổ truyền quý báu này. Ngày nay, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày một đa dạng và phong phú. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa,… kiểu mới, các loại vật liệu xây dựng hay đồ sứ cách điện hiện đại, những sản phẩm được đổi mới mẫu mã và trang trí để xuất khẩu nước ngoài. Bên cạnh đó, với công nghệ hiện đại, người dân ngày nay lại tiếp tục áp dụng để phục chế những món đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng, nước men từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc. Đó cũng chính là biểu hiện của con đường đi tìm về những tinh hoa nguồn cội, là lời khẳng định chắc nịch của người dân về lẽ sống “uống nước nhớ nguồn” đáng trân trọng.

Lưu bản nháp tự động

Đến với Bát Tràng là đến với một không gian văn hóa làng nghề cổ xưa mà hiện đại. Cổ xưa ở khí chất, ở nguyên tắc và cái tâm với nghề không mai một, nhưng xen lẫn là những kỹ thuật, máy móc hiện đại tăng cao năng suất lao động xã hội. Những quy trình sản xuất gốm đến hiện nay vẫn được tuân thủ đủ ba bước: tạo cốt gốm, trang trí hoa văn và phủ men, nung. Bước vào giai đoạn đầu, người nghệ nhân cần phải chọn được nguồn đất sét phù hợp. Một trong những lý do người dân tìm đến khu vực này để tiếp tục cơ nghiệp từ buổi đầu cũng là vì họ đã phát hiện ra nguồn đất sét trắng quý giá. Đến thế kỷ XVIII thì nguồn nguyên liệu này cũng dần đến cạn kiệt nên người nghệ nhân buộc phải đi tìm nguồn đất mới. Tiếp đó, họ xử lý đất bằng qua bốn bể khác nhau, bể ngâm để lọc tạp chất trong khoảng từ 3 – 4 tháng, chuyển sang bể lắng để lấy đất sét, bể phơi sẽ là quy trình thứ ba trước khi đất sét được chuyển sang bể ủ.

Ở đây, oxit sắt và các tạp chất sẽ được khử bằng phương pháp lên men với thời gian ủ càng lâu thì càng tốt. Sau khi đất đã được xử lý, người nghệ nhân sẽ tiến hành tạo dáng cho vật phẩm. Đây chính là lúc mà những chiếc bát, chiếc đĩa hay bình hoa được hoàn thiện dưới bàn tay tài hoa của con người. Trong khâu tạo dáng, người thợ thường sử dụng bàn xoay cùng với kỹ thuật “vuốt tay, be trạch” và trước đây thường do phụ nữ đảm nhiệm. Người thợ đắp nặn gốm đòi hỏi phải có kỹ thuật và mỹ thuật cao, ở đó, đôi bàn tay sẽ phải liên tục nhào nặn, vuốt dần lên để tạo dáng. Có lẽ hình ảnh người thợ làm gốm hiện lên đẹp nhất ở trong quy trình này. Một tay họ làm nghệ thuật trên bàn xoay, tay còn lại lau những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán. Dù lấm lem bùn đất nhưng chính sự cần cù lao động đã toát lên cả một vẻ đẹp sáng ngời. Và thành quả của khối óc và bàn tay lấm lem ấy chính là những tạo vật xinh xắn, cân đối và hữu dụng. Người thợ tiếp tục đem chúng đi phơi sấy cho khô sao cho không để sản phẩm bị nứt nẻ, méo mó gây ảnh hưởng đến hình dáng tổng thể, song, khi sấy xong họ lại cẩn thận đem chúng lên bàn xoay để chỉnh lại một lần nữa.

Tiếp đến chính là công đoạn trang trí hoa văn và phủ men, lại thêm một quá trình mà ta có thể coi người thợ gốm chính là những người nghệ sĩ thực thụ. Thông thường, họ sẽ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm. Tùy vào kiểu dáng và thể loại mà hoa văn vẽ cũng khác nhau sao cho phù hợp và hài hòa. Có thể nói, những chi tiết trên gốm đã đưa sản phẩm này lên đến ngưỡng độ nghệ thuật cấp cao, đòi hỏi con người phải khéo tay đến nhường nào. Qua từng thời đại khác nhau thì nét vẽ của người thợ cũng đổi khác, như thế kỷ XIV – XV nổi tiếng với kiểu khắc chìm, tô men nâu, thế kỷ XVII nổi bật lên với kỹ thuật chạm khắc, đắp nổi với những đề tài trang trí mới: bộ tứ linh, hổ phù, nghê, hạc,…

Đến thế kỷ XIX thì gốm hoa lam được phục hồi và nghệ thuật trang trí đã đạt đến đỉnh cao với việc sử dụng nhiều loại men khác nhau. Dạo gần đây, một vài kỹ thuật trang trí mới cũng đã được áp dụng, ví dụ như kỹ thuật hấp hoa, một lối trang trí có sẵn lấy decal in sẵn nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, phương pháp mới này không làm nên cái hồn của sản phẩm Bát Tràng và không toát lên được hết tinh túy của người thợ làm gốm. Đồ gốm sứ trao tay cho khách mua hàng, không chỉ là trao một món đồ thủ công hời hợt với vài đường in, mà là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ như bao tác phẩm nghệ thuật khác. Người mua gốm cũng như người mua tranh mua tượng, họ có quyền thưởng thức tinh hoa của lao động và bản thân người Bát Tràng cũng tự ý thức được cái tâm làm nghề khi họ sản xuất sản phẩm gốm theo phong cách truyền thống.

Sau khi sản phẩm thô hoàn thiện, người nghệ nhân sẽ nung ở nhiệt độ thấp, rồi tiến hành tráng men cho đồ gốm. Thông thường, sản phẩm trước khi tráng men sẽ được dùng chổi quét cho sạch bụi. Đối với những món đồ mà xương gốm có màu trước thì phải được phủ một lớp men lót để che bớt màu, đồng thời lúc ấy người thợ cũng phải tính toán nhiều đến tính năng của mỗi loại men định tráng, nồng độ men, thời tiết và mức độ khó. Sau cùng lại là những lần tỉ mỉ sửa sang lại từng món đồ trước khi đem vào quá trình nung, bước này được gọi là “sửa hàng men”.

Giữ trong tay những sản phẩm đẹp mắt men tráng đầy đủ, bước cuối sẽ quyết định thành quả của cả một quá trình thẩm mỹ và nghệ thuật. Người dân Việt Nam trong mọi nghề sản xuất đều để tâm rất nhiều đến bước đầu và bước cuối, đầu xuôi thì đuôi lọt, chính vì vậy mà ở giai đoạn này, kỹ thuật lành nghề, tay làm lâu năm là chưa đủ. Họ sẽ nhờ cậy một phần tổ nghề, thần thánh tứ phương để có được hỗ trợ tốt nhất, thiên thời địa lợi nhân hòa. Riêng ở làng Bát Tràng, trước khi đưa gốm vào nung, người thợ lâu năm kinh nghiệm nhất sẽ làm lễ cúng, thành kính cầu mong trời đất và vị thần Lửa trong tín ngưỡng dân gian phù hộ cho từng mẻ gốm được hoàn thiện chỉn chu nhất. Sau nghi lễ, họ bắt đầu đưa gốm vào bao nung và sắp xếp sao cho hợp lý để lửa có thể nung đều tất cả. Bao nung được ghép thành bởi các loại gạch vuông, sau hai ba lần sử dụng trong lò đến độ lửa cao và cứng gần như sành.

Tuy nhiên, gần đây bao nung thường được làm bằng loại đất sét chịu nhiệt có màu xám trộn với bột gạch hoặc bao nung hỏng nghiền nhỏ. Sau đó người nghệ nhân giàu kinh nghiệm sẽ đốt lò nung để ngọn lửa đạt đến nhiệt độ cao nhất. Lại một lần nữa hình ảnh người thợ hiện lên đầy trác tuyệt, nhưng không còn nằm trong giới hạn sáng tạo nghệ thuật nữa, mà nằm trong nét khỏe khoắn làm chủ ngọn lửa và sức nóng. Con người đứng đối diện với nguyên tố tự nhiên thuần thục và khéo léo. Từ lúc ánh lửa bập bùng trong lò đến lúc lò nguội cũng phải mất tới 3 ngày 3 đêm. Khi nung xong người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi và lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Sản phẩm lúc hoàn thành sẽ được đánh giá, phân loại cẩn thận cho tiêu dùng hay cho sửa chữa lại từ đầu. Đó cũng chính là lúc quy trình tạo nên gốm sứ Bát Tràng kết thúc.

Năm tháng đổi thay, công nghệ lên ngôi đem theo những giá trị mới, những phương pháp sản xuất bớt cầu kỳ hơn, hiệu quả và năng suất hơn nhưng không một phương pháp nào đem đến vẻ đẹp lao động mà quy trình truyền thống đem lại cho làng nghề gốm Bát Tràng. Đến với ngôi làng cổ truyền này, ta không chỉ cảm nhận cái nếp làng từ ngàn xưa vẫn đang sôi sục trong những trái tim từ già đến trẻ, ta còn thêm trân quý một sản phẩm thủ công đã được xếp vào hàng ngũ di sản của đất nước. Nếu trung tâm Hà Nội đại diện cho nhịp sống mới đang ngày một lan rộng, với con tim và khối óc kết hợp với công nghệ hiện đại tạo nên cái hối hả đô thị, thì làng Bát Tràng như một dấu lặng trong bản hòa ca huy hoàng, là nét lắng lại của thủ đô với nghề truyền thống làm gốm ngày ngày xoay quanh đất sét và củi lửa. Ở đó, nét đẹp lao động và nét đẹp con người hòa quyện hữu tình và là sợi dây gắn kết không thể tách rời.

Về Bát Tràng nghe câu chuyện gốm sứ là lắng nghe hơi thở nghệ thuật dân gian và lắng nghe cả một vùng trời lao động cống hiến không ngừng nghỉ.