Ở đây chúng tôi đang nói đến một tính từ chỉ sự hồi hộp, lo lắng hoặc nôn nao do có nhiều công việc. Tuy được phổ biến một cách rộng rãi nhưng không phải ai cũng biết cách viết đúng từ này. “Chộn rộn” hay “trộn rộn” mới là chính xác?
Khi nói tới tình trạng có nhiều công việc, hoặc có nhiều cảm xúc đan xen, người ta dễ hình dung đến động từ “trộn”, tức “làm cho đảo lộn các vị trí để cho các thành phần lẫn vào nhau” (từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, 2003). Chính vì vậy mà có nhiều ý kiến cho rằng “trộn rộn” mới là từ chính xác. Thực tế, các tư liệu chính thống đã phản ánh điều ngược lại.
Về từ này, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng rất ngắn gọn như sau: “Chộn rộn: Rộn rịp. Chộn rộn nhiều việc”. Học giả Lê Văn Đức giải thích chi tiết hơn: “Chộn rộn: (Tính từ) rộn rịp, lộn xộn. Chộn rộn điên đầu. (Động từ): Chàng ràng, làm rối trí người. Đừng chộn rộn…”. Gần nhất, từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng đồng tình: “Chộn rộn: (phương ngữ) 1. Nhốn nháo, lộn xộn. Tình hình đang chộn rộn. 2. Rối rít, rộn ràng. Không khí chộn rộn ngày giáp Tết. Thấy chộn rộn trong lòng”.
Như vậy hầu hết các tài liệu đều có sự thống nhất cao rằng “chộn rộn” mới là cách viết đúng. Có thể thấy đây là một từ láy, vì vậy không thể tách riêng “chộn” và “rộn” ra để cắt nghĩa từng chữ, nhưng với sự đồng tình của các chuyên gia ngôn ngữ thì ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tính chính xác của từ này. Còn “trộn rộn” chỉ là sản phầm của sự nhầm lẫn mà thôi.