Hôm nay chúng ta kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu, theo quan niệm chung của chúng ta là kỷ niệm một nhà văn. Nhưng theo sự thực lịch sử, trên căn bản, trước phải nhận Nguyễn Đình Chiểu là nhà nho, một nhà nho chân chính. Bởi vì, căn cứ tình trạng xã hội Việt Nam khoảng một trăm năm trước, có là một nhà nho chân chính thì mới là một nhà văn chân chính. Nếu không là nhà nho chân chính mà cũng gọi được là nhà văn, thì Tôn Thọ Tường cũng là một nhà văn.

Nước ta ở vài ba thế kỷ trước, từ Lê trung hung về sau, nhà nho gặp một cái cảnh ngộ rất khó xử. Ban đầu là Lê-Trịnh, rồi đến Lê-Tây Sơn, rồi đến Lê-Nguyễn, làm cho cái lập trường “trung thần bất sự nhị quân” của nhà nho mất chỗ đứng. Đừng nói bọn Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích vì thờ Tây Sơn mà bị đánh đòn. Cả đến Nguyễn Kháng, Lê Quý Đôn… danh vọng là thế, mà cũng phải tự lấy làm xấu hổ trong khi nhớ đến mình đồng thời vừa làm tôi vua Lê, vừa làm tôi chúa Trịnh. Khổ tâm nhất là bọn ông Phạm Quý Thích, Nguyễn Du, Võ Trinh, Phạm Đình Hổ, biết là không nên mà cứ phải vào Huế chịu quan chức của triều Nguyễn để khổ thân mang lấy hai câu thơ chế nhạo: “Nhất đội Di Tề hạ Thú Dương, cọng ngôn vi khổ bất kham thường”. (1) Trừ ra một mình Chu Doãn Trí, tục gọi là ông Chiêu Dộc, người Bắc Ninh, cả đời giấu tên, đi làm ông lang dạo, ông thầy gõ đầu trẻ, là không mắc vào tròng. Có thể nói rằng các nhà nho nước Việt Nam từ đó mất uy tín đối với xã hội.

May cho nhà nho Nam Bộ bấy giờ khỏi gặp cái cảnh ngộ ấy. Họ thủy chung làm tôi chúa Nguyễn, tuy có Tây Sơn quật khởi, nhưng chính quyền ở đó không vững chãi, hai lần lập lên rồi đổ xuống, nên nhà nho ở đó không đến nỗi bị hiếp dâm.

Vả lại, Nam Bộ tuy là đất mới của người Việt Nam, mà cái nho học Nam Bộ không phải ở Bắc truyền vào. Hơn ba trăm năm trước, có một số học giả văn nhân Trung Quốc, bọn ông Trần Thượng Xuyên, không chịu thần phục Mãn Thanh, rủ nhau sang lưu ngụ và truyền bá nho học tại đó, thành thử nho học Nam Bộ chịu ảnh hưởng của họ rất lớn. Không bao lâu, dấy lên một vị đại sư là Võ Trường Toản, đào tạo ra một mớ nhân tài có thực học, có thao thủ, có văn chương như bọn các ông Trịnh Hoài Đức, Trương Quang Định, làm cho văn vật Nam Hà cũng theo kịp Bắc Hà. Điều này trong sách Vũ biên tạp lục và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đều có ghi chép và thành thật để lời khen ngợi.

Đến thuở Minh Mạng, Tự Đức, trong khoảng ấy, Nam Bộ có xuất hiện nhiều nhà nho đặc sắc. Người đã ra quan thì như Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông; người chưa ra làm quan thì như thủ khoa Huân, cử Trị. Thủ khoa Huân, cử Trị, chúng ta đã biết tiếng rồi. Còn Nguyễn Thông, từng làm bố chính Quảng Nghĩa, vì chống lại Tự Đức mà bị đuổi về; (2) Phan Thanh Giản, tuy bị mang tiếng là một trong hai người “mại quốc” (3) nhưng ông vốn là người liêm chính cương trực, cái chết của ông cũng đủ tỏ ra cái nhân cách của ông.

Ở trong cái truyền thống nho học riêng của Nam Bộ mấy trăm năm như thế, chịu ảnh hưởng tốt của thầy bạn chung quanh như thế, hoàn cảnh ấy đẻ ra Nguyễn Đình Chiểu.

Tôi nói như thế là căn cứ ở sự thực lịch sử. Khắp cả nước, có nhà nho nào sống suốt một triều Tự Đức đến triều Đồng Khánh, là lúc thực dân Pháp bắt đầu xâm lược và cuối cùng chiếm cả toàn quốc, mà thủy chung một lòng yêu nước, chống giặc, không chịu khuất phục, không chịu thỏa hiệp, có văn chương lưu truyền cho đời sau như Nguyễn Đình Chiểu không? Hình như không có một người thứ hai. Mà quả thật, không có một người thứ hai. Vậy trong nước Việt Nam từ xưa đến nay có được bao nhiêu nhà nho chân chính thì phải kể Nguyễn Đình Chiểu là một trong đám nhà nho ấy.

 

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1.7.1822. Cha là Nguyễn Đình Huy, nguyên là người Thừa Thiên, vào làm thơ lại trong nha tổng trấn dưới quyền Lê Văn Duyệt, lấy vợ hai là Trương Thị Thiệt, đẻ Đình Chiểu ra tại làng Tân Khánh (nay thuộc về châu thành Sài Gòn). Năm 1833, sau khi Lê Văn Duyệt chết, Nguyễn Hữu Khôi (4) nổi loạn, giết bố chánh Bạch Xuân Nguyên, chiếm cứ thành Gia Định. Nguyễn Đình Huy trốn về Huế, bị cách chức. Sau trở vào Sài Gòn dắt Đình Chiểu về Huế, gởi ở nhờ một người bạn cho ăn học. Bấy giờ Đình Chiểu 12 tuổi. Tám năm sau, Đình Chiểu trở về quê mẹ; sang năm 1843, gặp khoa thi hương Quý Mão đời Thiệu Trị, thi tại trường Gia Định, đỗ Tú tài. Thuở ấy, Tú tài còn gọi quen theo thời nhà Lê là Sanh đồ, cho nên từ đó người ta gọi ông là đồ Chiểu.

Năm 24 tuổi, Đình Chiểu ra Huế, nơi bổn quán của mình, chực thi hương lần nữa vào khoa Ất Dậu tại trường Thừa Thiên để lấy Cử nhân. Chưa tới kỳ thi thì được tin mẹ mất ở Sài Gòn, Đình Chiểu phải trở về. Dọc đường mang bệnh đau mắt nặng, Đình Chiểu tìm vào ở chữa bệnh tại nhà một ông thầy thuốc tên là Trung. Bệnh nặng quá, không chữa được, phải mang tật mù, nhưng trong thời gian đó, Đình Chiểu nhờ thầy Trung dạy cho học thuốc.

Năm sau về đến nhà, Đình Chiểu mở trường ngồi dạy học. Cho đến năm 1858, quân xâm lược Pháp đánh hạ thành Gia Định, Đình Chiểu bỏ chạy về quê vợ ở Cần Giuộc; và đến năm 1861 Cần Giuộc bị thất thủ, ông chạy đến Ba Tri (thuộc tỉnh Bến Tre ngày nay). Sau hai năm, 1863, thì triều đình nhà Nguyễn cắt ba tỉnh phía đông Nam Kỳ nhường cho Pháp.

Ba Tri cách Sài Gòn độ một trăm cây số, gần bờ biển, Đình Chiểu định đến ở đó cho cách xa quân địch. Nhưng đến năm 1867, quân Pháp chiếm nốt ba tỉnh phía tây, Ba Tri bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long, một trong ba tỉnh ấy, thành ra Nguyễn Đình Chiểu vẫn phải mắc trong vòng thống trị của Pháp. Lúc bấy giờ Đình Chiểu đã 45 tuổi rồi. Ông ở luôn tại Ba Tri cho đến ngày 3.7.1888 thì chết.

Từ khi quân xâm lược Pháp bắt đầu đánh Nam Kỳ cho đến sau khi chiếm toàn cõi, nhân dân luôn nổi lên chống cự, hết lớp ấy đến lớp khác. Nguyễn Đình Chiểu cũng luôn luôn đứng về phe kháng chiến. Ông vì mù, không hoạt động được bằng những người khác, như khi Trương Định khởi binh, mời ông gia nhập bộ tham mưu, ông từ chối, tuy vậy chứ ông có công giúp cho kháng chiến rất nhiều về mặt cổ động bằng văn thơ.

Về văn thơ, lát nữa sẽ nói đến. Đây nói nốt những năm về già, Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri có thái độ như thế nào.

Vào khoảng ấy, có một lần, báo chí Pháp ở Sài Gòn đồn lên, như lấy làm thương hại, rằng Nguyễn Đình Chiểu gần nay đã đui mà còn thêm điếc. Nhưng chưa chắc, có thể là ông giả điếc.

Năm 1883, vào thượng tuần tháng 11, chủ tỉnh Bến Tre Pông-sông (Ponchon) đến thăm Nguyễn Đình Chiểu tại nhà, mặc hắn nói chi thì nói, thông ngôn thuật đi thuật lại, ông vẫn làm thinh không trả lời, cuối cùng tỏ ý rằng vì điếc không nghe gì hết.

Lần thứ hai, Pông-sông đến thăm nữa. Đình Chiểu nói có bệnh không tiếp, Pông-sông vào tận giường bệnh hỏi thăm và nhờ một người nhà nói quen cho Đình Chiểu có thể nghe được rằng: “Ruộng đất của ông ở Tân Thới, “chính phủ” đã xét ra và trả lại cho ông rồi, mời ông ra nhận”. Đình Chiểu trả lời: “Đa tạ, nhưng nước chung còn mất thay, huống chi đất riêng của tôi, mất còn có nghĩa gì, tôi không nhận đâu”.

Lần cuối cùng, Pông-sông lại tới thăm và ngỏ ý giúp cho một số tiền dưỡng già, Đình Chiểu cảm ơn nhưng nhất quyết từ chối.

Sống vẫn bằng nghề dạy học ở Ba Tri 29 năm, Đình Chiểu được dân chúng mến phục lắm. Đám tang của ông, theo lời truyền lại, người đi đưa, khăn tang trắng cả một cánh đồng.

Ông có bảy người con vừa trai vừa gái. Một con trai là Đình Chiêm, sống đến khoảng trước sau năm 1940, Phan Văn Hùm còn được gặp. Ông này cũng hay chữ, có đặt mấy vở tuồng hát bội, có người đem in ra một vở ở Bến Tre, đề là Tuồng Tống Nhạc Phi, Phong ba đình. Một con gái là Nguyệt Anh, năm 1924 có làm chủ bút báo Nữ giới chung, tờ báo đàn bà Việt Nam trước nhất ra ở Sài Gòn do bọn ông Lê Đức sáng lập; bà thường ký tên là Sương Nguyệt Anh, vì bà góa chồng sớm mà thủ tiết.(5)

Xem đó, cái đời Nguyễn Đình Chiểu cũng chỉ bình thường, nhưng trong cái bình thường ấy tỏ ra là có khí cốt. Do cái khí cốt ấy phát ra làm văn chương, nên nhân cách của ông còn chói lọi trong văn chương của ông đến ngày nay. Có nhà nho chân chính Nguyễn Đình Chiểu mới có nhà văn chân chính Nguyễn Đình Chiểu. Có kẻ đã nói: văn tức là người; nhưng có thể nói ngược lại: người tức là văn, vì có người mới có văn.

***

Ngoài những bài thơ bài văn chưa thành tập, Nguyễn Đình Chiểu có ba tác phẩm lớn đã được in ra, là: Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, và Ngư tiều vấn đáp y thuật, đều bằng tiểu thuyết văn vần.

Dương Từ – Hà Mậu có lẽ viết vào hồi quân xâm lược Pháp mới đến, nhà nho Nam Bộ đã có một bọn phân hóa đi theo giặc như Tôn Thọ Tường, cho nên Đình Chiểu viết truyện này đả kích bọn ấy và để nêu lên cái nho học chân chính. Nhớ ở đầu truyện có một câu rằng:

Những người theo đạo nho ta

Tiếng đồn thì khá, thế mà lăng nhăng

Nhưng tôi hiện không có cuốn truyện trong tay, không bình luận được.

Ngư tiều vấn đáp y thuật, một tiểu thuyết chuyên nói về nghề làm thuốc, chắc viết vào sau lúc Nam Kỳ đã hoàn toàn thuộc Pháp. Mở đầu có câu:

Kể từ Thạch Tấn lên ngôi

U Yên mấy quận cắt bồi Khiết Đan (6)

Ấy là ám chỉ việc triều đình nhà Nguyễn cắt nhượng cả sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Tuy nó là sách thuốc, chứ cũng có những điều đáng nói đến, sẽ nói kèm vào dưới đây.

Đây tôi chuyên bình luận về Lục Vân Tiên là cuốn truyện rất được dân chúng hoan nghinh nhưng lại bị khinh rẻ trong hạng người tri thức.

Trong quyển Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông Hoài Thanh đưa ra những câu:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái, ta là phận trai

– Ai ai cũng ở trong đời

Gặp nhau lời đã cạn lời thời thôi

– Than rồi lấy tượng vai mang

Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay

Rồi ông cho rằng “đáng buồn cười”.

Đáng buồn cười thật. Chẳng những thế, mà còn:

Xảy đâu gặp bạn cố tri

Đều bày tên họ một khi đặng tường

Đã là “bạn cố tri” thì sao lại còn phải “bày tên họ” mới “đặng tường”? Những câu như thế, trong truyện Lục Vân Tiên không phải ít.

Tuy vậy, lấy con mắt thuần nghệ thuật mà xem thì nó có nhiều chỗ vụng về thật, nhưng xét về nội dung, thì tư tưởng của truyện Lục Vân Tiên có nhiều điểm tiến bộ lắm. Sở dĩ dân chúng hoan nghinh là vì họ chú trọng ở nội dung tư tưởng mà ít để ý về nghệ thuật như hạng người tri thức.

Nguyễn Đình Chiểu có một sức sáng tạo rất mạnh mẽ. Không như những người khác viết truyện phần nhiều căn cứ vào truyện cũ Trung Quốc, ông tự bịa ra. Mở đầu Lục Vân Tiên:

Trước đèn xem truyện Tây Minh

Thật chẳng có “truyện Tây Minh” nào hết; cũng như mở đầu Ngư tiều vấn đáp y thuật:

Ngày nhàn xem truyện Tam công

Thật chẳng có “truyện Tam công” nào hết. Trong Lục Vân Tiên, những tên người tên đất, cho đến tên nước Sở, nước Ô Qua, đều là dựng lên giữa khoảng không. Ông từng nói:

Ở đây nào phải trường thi

Ra đề, hạn vận, một khi buộc ràng

Trượng phu có chí ngang tàng…

Nội mấy câu đó đủ thấy cái khí phách nhà văn Nguyễn Đình Chiểu. Ra đề, hạn vận, còn chẳng chịu thay, huống chi là mô phỏng theo người xưa.

Trong Lục Vân Tiên, trừ ra chuyện anh chàng họ Lục mù mắt vì khóc mẹ, Nguyễn Đình Chiểu dùng để ảnh xạ vào chính mình, còn thì ông định nói chi? Lấy một vài tia sáng lịch sử soi vào, thấy phần cốt yếu của truyện nầy là để công kích sự bạo ngược tham ô của vua quan thời đó.

Bạch Xuân Nguyên làm bố chánh Gia Định, là do vua Minh Mạng sai vào điều tra những việc gọi là phi pháp mà Lê Văn Duyệt đã làm. Vào đến nơi, Bạch Xuân Nguyên bắt bọn tay chân của Lê Văn Duyệt như Nguyễn Hựu Khôi hạ ngục. Từ trong ngục, bọn Nguyễn Hựu Khôi nổi dậy, bắt Bạch Xuân Nguyên “bó đèn” trước đền thờ Lê Văn Duyệt. Việc ấy, dân chúng lấy làm hả dạ, vì Bạch Xuân Nguyên ỷ thế có con gái làm cung phi, đã làm nhiều điều tham bạo đối với dân chúng.

Cái loạn Nguyễn Hựu Khôi về sau lan ra khắp lục tỉnh, hầu ba năm mới dẹp yên. Trong ba năm ấy, những người dân bị nghi là “tùng ngụy” và bị giết hại cũng nhiều, họ thảy đều ta oán.

Sau đó, có những việc này xảy ra, tuy việc nhỏ mà cũng thấy cái “đức chánh” của nhà vua đối với dân Nam Bộ như thế nào.

Một ông hoàng tử sai một bọn “phủ thuộc” (7) vào Nam Bộ kén con hát. Chúng vào đến nơi, đi khắp các tỉnh, thấy nhà ai có con gái đẹp cũng đòi bắt, có tiền đút thì tha, đi bắt nhà khác. Viên tổng đốc Gia Định đem chuyện ấy tâu lên. Vua Minh Mạng hạ lệnh đem tên cầm đầu phủ thuộc “tựu địa chánh pháp”, nghĩa là chém ngay tại chỗ. Còn ông hoàng tử nọ thì chỉ phạt bổng mấy tháng. Thế là xong chuyện. Những nhà bị mất tiền hay có con gái bị bắt, không biết kêu vào đâu.

Một ông hoàng tử khác sai vào Nam Bộ kiếm một con cá sấu đem về nuôi. Một con cá sấu đem từ Nam Bộ về đến Huế, phải biết là làm khổ người ta nhiều lắm. Nuôi thế nào để con cá sấu xảy ra cắn chết người. Việc phát giác, cố nhiên ông hoàng tử ấy cũng bị phạt bổng, nhưng liên lụy đến bao nhiêu người dân Nam Bộ: những người bắt cá sấu, những người đưa cá sấu đi thuyền ra đến Kinh đô. (8)

Trong Lục Vân Tiên, Hán Minh kể chuyện cho Vân Tiên nghe khi biệt nhau xuống kinh đi thi:

Đi vừa tới phủ Ô Minh

Gặp con quan huyện Đặng sinh là chàng

Sang giàu ỷ thế làm ngang

Gặp con gái tốt qua đường bắt đi

Tôi bèn nổi giận một khi

Vật chàng té xuống bẻ đi một giò.

Các bạn nghe có lấy làm khoái ý không? Có lấy làm đáng kiếp không? Người ta không ai có thể nổi giận bâng quơ. Trước mặt Đình Chiểu có những việc đáng nổi giận. Ông muốn bẻ giò của mấy ông hoàng tử ấy, cả đến giò của ông bố họ nữa.

Chẳng những thế thôi, mấy năm rốt triều Minh Mạng, sang đến triều Thiệu Trị nữa, sai bọn Trương Minh Giảng xâm lược Cao-miên, cất vua quan họ đi, đặt phủ huyện khắp cả nước, đem người Việt lên cai trị, toan chiếm Cao-miên làm đất thực dân. Nhưng cuối cùng bị người Cao-miên chống đánh riết quá, phải rút quân về. Việc ấy kéo dài đến chín mười năm, hao tổn mất bao nhiêu là người là của, nhân dân Nam Bộ chịu khốn khổ hơn đâu hết.

Đến triều Tự Đức, giữa lúc quân Pháp đang chiếm đoạt Nam Kỳ thì ở Huế, vua Tự Đức từ năm 1864 đến năm 1867 xây dựng sở Vạn Niên, làm cho nhân dân nguyền rủa với câu ca dao: “Vạn Niên là vạn niên nào, thành xây xương lính hào đào máu dân”.

Vì đó, trong Ngư tiểu vấn đáp y thuật, Nguyễn Đình Chiểu có mấy câu buộc tội triều Nguyễn rất đanh thép:

Muôn dân ép ráo mỡ dầu

Ngày trau khí giới tháng xâu điện đài

Thêm bầy gian nịnh chen vai

Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong

Như thế còn ai có thể lấy lẽ gì bênh vực cho ba ông vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức được nữa? Chúng ta thấy rõ rằng sở dĩ có nạn ngoại xâm của giặc Pháp, theo Nguyễn Đình Chiểu, là tại nội chính của các vua triều Nguyễn hủ bại.

Cho nên, trong truyện Lục Vân Tiên, tác giả cũng một mực oán ghét bọn vua chúa bạo ngược mà tỏ ý thương dân. Tác giả đã mớm lời cho ông quán nói:

Quán rằng ghét việc tầm phào

Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm

Ghét đời Kiệt Trụ đa dâm

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang

Ghét đời U Lệ đa đoan

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần

Ghét đời Ngũ Bá phân vân

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn

Ghét đời Thúc quí phan bang

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng dối dân

Ai là bạn, ai là thù, trong óc Nguyễn Đình Chiểu phân minh lắm. Trong bốn câu trên, câu nào cũng có chữ “dân”. Tác giả coi bọn bạo chúa ấy là thù, coi dân là bạn.

Cũng bởi cái ý ấy, Nguyễn Đình Chiểu xây dựng nhân vật điển hình trong truyện thành hai phe đối lập nhau: ông Quán, ông Tiều, vợ chồng ông Ngư, Tiểu đồng là khẳng định; Thái sư, Võ công, Quỳnh Trang, Thái Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm là phủ định. Dưới ngòi bút tác giả, những kẻ nghèo nàn hèn mọn đều trong sạch hiền lành, còn những kẻ tai to mặt lớn, ăn trắng mặc trơn lại đều là chó má.

Có một điều đáng để ý nhất mà hình người đọc Lục Vân Tiên ít để ý đến, là rốt truyện, tác giả cho Lục Vân Tiên lên làm vua thay Sở Vương. Nhà nho thông thường rất trọng cái nghĩa quân thần, lắm người vẫn cúi đầu thờ bạo chúa. Sao lại phải thế? Nguyễn Đình Chiểu bảo: Lục Vân Tiên đã cứu nước giúp dân được thì để Lục Vân Tiên lên làm vua đi. Thật, một nhà nho chân chính có khác, Nguyễn Đình Chiểu tức Mạnh Tử, cái người từng chủ trương “Dân vi quý, quân vi khinh”.

Nói đến một vài phương diện khác.

Có người bảo: trong truyện Lục Vân Tiên, những chuyện du thần cứu Vân Tiên, Quan Âm cứu Kiều Nguyệt Nga, là tuyên truyền mê tín, phản khoa học.

Lời phê bình ấy thật là oan cho tác giả. Sao chúng ta lại không biết coi những chuyện ấy như thần thoại? Khoa học ngày nay không hề thủ tiêu thần thoại, vẫn có thể đem chuyện thần thoại kể cho trẻ con nghe. Còn Nguyễn Đình Chiểu, chính là người công kích mê tín hơn ai hết. Trong Lục Vân Tiên, ông vạch mặt tên lang băm Triệu Ngang với hai tên thày bói, thầy pháp thông lưng nhau để bóc lột tiền bạc của tiểu đồng; và trong Ngư tiều vấn đáp y thuật, còn lên án cả thầy địa lý nữa, sao lại bảo là tuyên truyền mê tín?

Cuối cùng, có một điều đáng kể nhất, là Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên đã tha thiết đòi giải phóng cho phụ nữ về mặt luyến ái.

Phụ nữ Việt Nam, từ đời xưa, cả đến ngày nay nữa, về mặt luyến ái không được tự do, điều đó ai cũng biết rõ, không cần nói. Trước đây một trăm năm, tác giả Lục Vân Tiên đã mạnh bạo giải phóng cho họ bằng một cách kín đáo.

Kiều Nguyệt Nga gặp Vân Tiên lần thứ nhất, đã nói rõ về việc cha mình là Kiều công, làm tri phủ, ở Hà Khê:

Sai quân đem bức thư về

Đón tôi qua đó định bề nghi gia

Làm con nào dám cãi cha

Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành

Thế có phải là Nguyệt Nga đã hứa giá rồi không? Đã có fiancé (9) rồi không? Và trong câu “Làm con nào dám cãi cha” , chúng ta thấy là một cuộc nhân duyên ép uổng, chính Nguyệt Nga có lẽ không bằng lòng nhưng không dám cãi.

Lúc hai anh chị gặp nhau, bên Nguyệt Nga nói:

Trong xe chật hẹp khó vô

Bên Vân Tiên nói:

Khoan khoa ngồi đó chớ ra

thật họ giữ lễ là “cái bờ lớn giữa trai gái” (10) với nhau đúng lắm, đúng lắm. Thế mà vì cảm nhau thế nào đó không biết, Nguyệt Nga về đến chỗ cha ở, thì:

Chữ tình càng tưởng càng thâm

Muốn pha khó lạt muốn dầm khó phai

là cái lý gì chứ? Cái lý gì mà gái có fiancé rồi lại dám còn có tình với người khác chứ?

Nhưng tác giả Nguyễn Đình Chiểu cứ để mặc, không một lời phê bình nào hết, cứ để mặc cho Nguyệt Nga mê tít lấy Vân Tiên. Nguyệt Nga, dầu có là họa sĩ đại tài như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung chăng nữa, là Lục Vân Tiên đã không có trước mặt rồi, cũng không làm sao vẽ tượng được, thế mà cứ để mặc cho Nguyệt Nga vẽ tượng. Thật đáng “buồn cười quá” như ông Hoài Thanh nói, nhưng Nguyễn Đình Chiểu không “buồn cười” tí nào hết, cứ để mặc cho Nguyệt Nga yêu một cái yêu vô lý, làm một việc làm vô lý. Thậm chí bắt Kiều công sau phải chiều lòng con gái, để cho sang nhà Lục ông tạ ơn, lại còn một lần nữa, sang nhà Lục ông làm chay bảy ngày cho Vân Tiên. Trong miền Nam chúng tôi có cái thành ngữ để chế nhạo cô con gái nào suồng sã, là “làm dâu chỉ nguyện”. Như cô Nguyệt Nga của ông Nguyễn Đình Chiểu thật là “làm dâu chỉ nguyện” đó.

Nhà nho chân chính Nguyễn Đình Chiểu đến chỗ này bất chấp nho giáo, bất chấp “phụ mẫu chi mạng, mai ước chi ngôn”, cứ để cho chúng ta yêu nhau tự do. Hai văn hào thời cổ của Việt Nam gặp nhau ở chỗ đó. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng tha hồ cho Thúy Kiều như thế, như tôi đã chỉ ra trong bài Phê bình “Truyện Kiều chú giải.

Cái nội dung của truyện Lục Vân Tiên là thế, cái tư tưởng của nó tức là tư tưởng của nhân dân Việt Nam, cho nên mặc dầu hạng người trí thức xem khinh xem thường nó, mà nhân dân thì cứ nhắc mãi nó, múa nhảy chung quanh nó:

Vân Tiên Vân Tiển Vân Tiền

Ai cho tôi tiền, tôi nói Vân Tiên

Vân Tiên của nhân dân thành ra một người mù mà có hiếu với mẹ:

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Vấp phải cột nhà, cõng mẹ đi vô

Vân Tiên cõng mẹ đi vô

Vấp phải cái bồ, cõng mẹ đi ra

***

Ngoài ba cái tiểu thuyết bằng văn vần, Nguyễn Đình Chiểu còn có ba bài văn tế, một bài Hịch đánh chuột và nhiều bài thơ thất ngôn luật, đều làm trong thời kỳ Nam Bộ (11) kháng chiến chống quân đội xâm lược Pháp, hoặc giả có một số ít làm trước hay sau đó.

Bài Hịch đánh chuột và ba bài văn tế: 1/ Tế nghĩa dân, 2/ Tế Trương Định, 3/ Tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, đều thấy dẫn ra từng đoạn từng câu trong những bài báo, những tập sách; những bài thơ cũng vậy. Chúng ta đang nêu lên cái khẩu hiệu “Sưu tầm vốn cũ”, (12) về những tác phẩm này, rồi đây thế nào chúng ta cũng phải sưu tầm cho đầy đủ cả nguyên văn, hiệu chính và xuất bản, hiệp với ba tác phẩm kia thành ra Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, thế mới xứng đáng đối với cái người đã viết ra nó.

Xin bình luận về mấy tác phẩm này một ít.

Bài Hịch đánh chuột cũng vẫn cái ý đả kích vua quan tham bạo đương thời đó, giống như bài thơ Thạc thử trong Kinh Thi mà kịch liệt hơn. Cử ra đây mấy câu đầu và cuối:

Nay có con chuột

Lông mọc xồm xàm…

Nghe hơi động vội vàng chạy mất, nhát quá mẹ cheo,

Chờ đêm khuya lén lút rủ nhau, liến hơn cha khỉ…

Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối biết bao nhiêu;

Vắn dài râu mọc hai chìa, vắng mặt chủ lung lăng đà lắm lúc…

…………

Chớ để con nào sơ lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành;

Đừng cho chúng nó sảy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc.

Tôi thấy như Nguyễn Đình Chiểu sở trường về thể văn tế. Đọc ba bài văn tế của ông không những là không “đáng buồn cười” mà còn có thể khóc được. Một câu trong bài văn tế Trương Định:

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.

Thật là lâm ly bi tráng, chẳng kém những câu hay nhất trong bài văn tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành mà giữa chúng ta vẫn truyền tụng.

Bài Tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh có mấy câu này đọc lên nghe đau đớn và ghê rợn:

Số dù theo sau nẻo luân hồi,

Khí còn để trăm năm ức uất.

Trời Gia Định ngày chiều ráng bắn, âm hồn theo con bóng ác dật dờ;

Đất Bình Hòa đêm vắng trăng mơ, oan quỷ nhóm ngọn đèn trời hiu hắt.

Du-hà-quận đương khi bạch trú, gió cây vụt thổi, cát xoáy bay con trốt

dựng bên thành;

Long-tương-giang mỗi lúc hoàng hôn, khói nước sông mù, lửa đốm nhóm

binh ma chèo dưới vực.

Bài Tế nghĩa dân, đã có tác dụng về lòng địch khái của cả nước lúc bấy giờ. Khi nó truyền ra đến Huế, từ ông hoàng bà chúa cho đến sĩ dân đều thông cảm và biểu đồng tình với tác giả. Việc ấy còn lưu dấu vết lại trong Diệu Liên thi tập của Thuận Đức công chủ và Thương Sơn thi tập của Tùng Thiện vương. Vả lại, ngay khi ấy, vua Tự Đức cũng có xuống chỉ cho sao lục toàn văn phát hành khắp các tỉnh.

Về bài này, tôi đã biết từ hồi còn nhỏ. Mới rồi viết một bài về Nguyễn Đình Chiểu cho báo Nhân dân, tôi có trích dẫn bốn câu mà chỉ có hai câu nầy đúng với nguyên văn:

Đêm thấy buồm bong dương trắng lợp, muốn tới ăn gan;

Ngày xem ống khói chạy đen sì, toan ra cắn cổ.

Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều;

Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế dật dờ ngoài ngõ.

Còn hai câu kia, tôi nhớ lõm bõm, thành phải tự ý bịa thêm cho đủ câu, xin thú thật ra giữa đây, và xin hứa sẽ có dịp cải chính.

Nói đến thơ. Thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng có thể gọi là “thi sử”. Ngày nay đọc những bài thơ của ông, có thể biết được hồi đó giặc Pháp đốt phá giết hại như thế nào, triều đình Huế bất lực như thế nào, và cuộc kháng chiến của nhân dân dự bị ra làm sao. Đây là bài Chạy giặc có lẽ làm vào trận đầu tiên Nguyễn Tri Phương chống quân Pháp bị thất bại:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Bỏ nhà lũ trẻ lơ thơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dát bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này.

Lại một bài trong mười bài khóc Trương Định:

Quân thần còn gánh nặng hai vai

Lỡ dở công trình hệ bởi ai?

Trăm đám mộ binh vầy lớn nhỏ

Một gò cô lũy chống hôm mai

Lương tiền nhà ruộng ba mùa trước

Thuốc đạn ghe buôn bốn biển ngoài

Hay dở phải chăng trời đất biết

Một tay chống chọi mấy năm dài.

Thưa các bạn,

Để kết luận cho buổi nói chuyện này, tôi xin nhấn mạnh ở chỗ Nguyễn Đình Chiểu thủy chung chống lại cái thế lực ác và nhất định không thỏa hiệp với kẻ địch. Có cái nhân cách cao quý như thế, ông mới có được cái văn chương cao quý. Đó là điều căn bản mà chúng ta nên học tập.

Tuy vậy, Nguyễn Đình Chiểu là nhà nho chân chính. Có chân chính đi nữa cũng chỉ là nhà nho, cái nhân sinh quan của họ một tram năm trước không còn hợp với ngày nay, cho nên chúng ta không phải học tập làm một nhà nho chân chính như Nguyễn Đình Chiểu. Ở ngày nay, chúng ta có cái nhân sinh quan khác với nhà nho. Nhưng chúng ta phải học tập cho có được cái nhân cách cao quý như Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta phải làm được một người mác-xít chân chính thì mới làm được một nhà văn chân chính. Tôi mà nói câu này, thì nghe như là có hơi “dởm”, nhưng thật đấy, nếu không có được cái phẩm cách đúng đắn của người mác-xít thì không làm được một nhà văn.

Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 132 (2.8.1956), tr. 3; s. 133 (9.8.1956), tr. 3.

Chú thích:

(1) Hai câu này nghĩa là: Một lũ Di Tề xuống khỏi núi Thú Dương, đều nói rau vi đắng không thể ăn được. Lấy điển Bá Di, Thúc Tề không chịu thờ Chu Võ Vương, lên ở núi Thú Dương hái rau vi ăn để sống, nhưng dụng ý ngược lại. Trong sách nào đó nói hồi Lê mạt Nguyễn sơ có hai câu thơ ấy, nhưng tôi thấy trong một sách của Trung Quốc có nói hai câu xuất hiện hồi đầu nhà Thanh chế nhạo các di thần nhà Minh làm tôi nhà Thanh. (nguyên chú của Phan Khôi)

(2) Về Nguyễn Thông có nhiều cái đáng nhắc lại lắm, đợi lúc nào tôi sẽ viết ra. (nguyên chú của Phan Khôi)

(3) Lúc Trương Công Định khởi binh chống Pháp, đề cờ là: “Phan Lâm mại quốc, triều đình khí dân”. Lâm là Lâm Duy Hiệp. (nguyên chú của Phan Khôi)

(4) Nguyễn Hựu Khôi vốn cùng họ với vua triều Nguyễn, một đằng là Nguyễn Phúc, một đằng là Nguyễn Hựu, khác phái nhau. Sau khi Khôi thất bại, vua Minh Mạng bắt đổi họ Khôi theo Lê Văn Duyệt, gọi là Lê Văn Khôi. (nguyên chú của Phan Khôi)

(5) Một đoạn trên đây căn cứ ở “Tiểu sử Đồ Chiểu” của Phan Văn Hùm trong sách “Ngư tiều vấn đáp y thuật” và một vài tài liệu linh tinh khác. (nguyên chú của Phan Khôi)

(6) Thạch Tấn là Thạch Kính Đường ở đời Ngũ Đại, chiếm cứ Trung Quốc lên làm vua, hiệu nước là Tấn. Thạch Tấn nhờ Khiết Đan giúp binh lực cho, bèn lấy U Yên mười sáu châu phía bắc Trung quan lót cho Khiết Đan. (nguyên chú của Phan Khôi)

(7) Mỗi ông hoàng tử ở riêng một phủ. Những người hầu hạ, được ăn lương nhà nước, gọi là “phủ thuộc” (nguyên chú của Phan Khôi)

(8) Hai việc này thấy trong sách “Minh Mạng chính yếu”, tôi nhớ mà kể ra, chi tiết hoặc có sai, nhưng đại khái thì không sai. (nguyên chú của Phan Khôi)

(9) fiancé (chữ Pháp): chồng chưa cưới, vị hôn phu.

(10) Kinh Lễ: Lễ giả, nam nữ chi đại phòng (nguyên chú của Phan Khôi).

(11) Trong bài này tác giả dùng danh xưng “Nam Bộ” là địa danh mới chỉ xuất hiện trong địa lý hành chính thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ tháng 9/1945). Đương thời Nguyễn Đình Chiểu, người ta gọi bằng địa danh “Nam Kỳ”.

(12) Chỗ này có lẽ tác giả nhắc tới mục “Tìm trong vốn cũ”, xuất hiện trên báo Văn Nghệ từ giữa năm 1956, trong đó thường công bố lại những tác phẩm cũ được sưu tầm phát hiện lại, ví dụ các câu ca dao dân ca Thừa Thiên, Nam Bộ, các tác phẩm của Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu, đôi khi là hình ảnh các tác phẩm kiến trúc cũ, ví dụ di tích chùa Giạm, Bắc Ninh, do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung tìm và chụp hình đưa in báo Văn Nghệ.