Khi nói đến phát triển thương hiệu, thiết kế logo là vua. Một logo tốt sẽ khơi dậy những cảm xúc tích cực và khiến những khách hàng tiềm năng chú ý hơn đến sản phẩm và dịch vụ của công ty. Đó có thể là một hình khối đơn giản nhưng sẽ không hề đơn giản để tạo ra được những logo hiệu quả như thế. Bạn sẽ cần một sự hiểu biết sâu sắc không chỉ về lịch sử, văn hóa của khu vực mà còn cả thói quen và tâm lý của nhóm khách hàng tiềm năng.

1. Cách chúng ta bị ấn tượng bởi hình khối logo

Để ra quyết định mua hàng, con người chúng ta sử dụng cùng lúc hai hệ thống tư duy: Một là tư duy cảm tính với thói quen, sở thích và ấn tượng bên ngoài sẽ giúp định hướng việc chúng ta sẽ chọn sản phẩm cụ thể nào đế xem xét. Hai là tư duy lý tính với con số và suy luận hợp lý sẽ giúp chúng ta biết được có nên mua món hàng hay không. Cốt lõi của tư duy cảm tính là tiềm thức, sau đó được mở rộng nhờ sự cộng hưởng giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa của cộng đồng với thói quen, tâm lý và trải nghiệm của từng cá nhân.

Tiềm thức của chúng ta sẽ đáp ứng theo những cách khác nhau với những khối hình khác nhau. Đường thẳng, vòng tròn, đường cong và bờ viền đều thể hiện một ý nghĩa riêng. Bằng việc kết hợp chúng, nhà thiết kế logo có thể giúp người xem dễ dàng suy ra được những phẩm chất đặc biệt của sản phẩm. Biểu tượng Nike Swoosh là một ví dụ hoàn hảo: sự kết hợp của các đường cong và điểm nút nhọn tạo ra cảm giác về một chuyển động đang được thúc đẩy mạnh mẽ – một yếu tố không thể thiếu cho những sản phẩm thể thao.

– Vòng tròn, hình oval và hình elipse có xu hướng gợi nên những cảm xúc tích cực. Vòng tròn biểu tượng có thể gợi ý về cộng đồng, tình bạn, tình yêu, mối quan hệ và sự thống nhất. Hình nhẫn là hàm ý về kết hôn và hợp tác, cho thấy sự ổn định và sự bền bỉ. Các đường cong khác lại tạo cho chúng ta có cảm giác về sự nữ tính nhiều hơn.

– Những hình gồm nhiều nét thẳng như hình vuông và hình tam giác cho thấy sự ổn định và cũng hay được dùng sử dụng để ngụ ý sự cân bằng. Các đường thẳng đơn cũng là một sự truyền tải ý niệm về sự chính xác, tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chúng được kết hợp với màu sắc tối như màu xanh và xám, chúng có thể tạo ra cảm giác lạnh lùng và không được chào đón. Kết hợp với những đường cong hoặc những màu sắc tươi sáng có thể chống lại điều này và gợi nên một cảm giác thú vị hơn.

– Hình tam giác cũng gợi cho chúng ta những liên tưởng tốt với quyền lực, khoa học, tôn giáo và luật pháp. Đây thường được coi là những thuộc tính của phái mạnh, do đó, không phải ngẫu nhiên khi bạn sẽ dễ dàng bắt gặp chúng được làm nổi bật trên biểu tượng của các sản phẩm hướng đến người sử dụng là nam.

– Tiềm thức của chúng ta cũng thường liên kết các đường thẳng đứng với sức mạnh bạo lực, sự khảng khái và sự chủ động của cá nhân, trong khi các đường ngang lại được liên kết với sự bình tĩnh, êm đềm và hướng đến những giá trị cộng đồng nhiều hơn.

– Hiệu ứng tâm lý của khối hình cũng xuất hiện ở các phông chữ. Phông chữ có góc cạnh lởm chởm gợi nên vẻ năng động hoặc hung hăng, trong khi các chữ cái tròn, mềm mại lại thu hút mọi người bằng sự trẻ trung của mình. Những sản phẩm có phông chữ nhiều nét cong và chữ viết tay chủ yếu dành cho phụ nữ, trong khi các sản phẩm sử dụng phông chữ in và đậm nét được những người nam giới ưa dùng.

2. Sử dụng hiệu ứng tâm lý của khối hình trong thiết kế logo

Trước khi bạn bắt đầu thiết kế logo cho khách hàng, hãy viết ra một danh sách các giá trị và thuộc tính mà logo cần phải truyền tải. Bạn sẽ cần trao đổi thẳng thắn và kĩ lưỡng với đối tác về các giá trị cốt lõi, mục tiêu phấn đấu và định hướng phát triển sản phẩm của doanh nghiệp. Đôi khi việc này sẽ chiếm hầu hết thời gian và công sức của quá trình thiết kế; đặc biệt là với những doanh nghiệp lớn và lâu đời đang cần tái cơ cấu hệ thống của mình để bắt nhịp với thị trường hôm nay.

Khi bạn có được thông điệp cần truyền tải đến mọi người, việc của bạn lúc này là xây dựng các mẫu logo phù hợp bằng cách diễn giải chúng thành các khối hình tương ứng. Lúc này, hãy nhớ rằng bạn có thể kết hợp hình dạng logo với màu sắc và kiểu chữ để tạo nên một hình ảnh hài hòa. Ví dụ: nếu bạn chọn một hình khối mạnh mẽ nhưng khách hàng lại thấy nó quá nam tính, bạn có thể thêm màu dịu để làm giảm sự nam tính đi.

3. Lý thuyết Gestalt

Để mở rộng việc sử dụng hiệu ứng tâm lý của hình khối, bạn cần phải tìm hiểu hiểu sâu hơn về tâm lý học, đặc biệt là nắm vững lý thuyết Gestalt. Được các nhà tâm lý Đức đưa ra từ những năm 1920, lý thuyết cho rằng bộ não con người có xu hướng liên kết các yếu tố thị giác rời rạc trước mắt thành một hình thể thống nhất và cố gắng liên tưởng hình thể này với những khối hình có sẵn trong trí nhớ để diễn giải ý nghĩa của mẫu hình. Như bạn có thể thấy ở trên, logo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới là hình ảnh của một con gấu trúc – một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng – mặc dù các khối hình không được liên kết hoàn toàn với nhau

Lý thuyết Gestalt (từ tiếng Đức có nghĩa là hình dạng, hình dáng) đầy đủ bao gồm sáu nguyên tắc cơ bản: Tương tự (Similarity), Liên tục (Continuation), Bao gói (Closure), Lân cận (Proximity hay grouping), Hình/nền (Figure/ground), Đối xứng và thứ tự (Symmetry and order). Liên tục và Bao gói là hai nguyên tắc được sử dụng nhiều nhất trong thiết kế biểu trưng như bạn có thể thấy ở biểu trưng của Gestalt. Bạn có thể tìm hiểu thêm về lý thuyết này ở đây và ở đây.