Nếu dịch đúng ra Hán Việt, là “Sài Gòn đã biên lô” vẫn chưa ai hiểu là gì? Tả, tạp là “đả”, đánh; Pín – có hai nghĩa: “pín” là đuôi sam thằng Chệc đời Mãn Thanh, nhưng đây pín có nghĩa là “biên” (Hán tự) và “bên, gần bên” (Nôm). Lù là lò, lò lửa.

Tạp pín lù, là “đả biên lô”, tức là món ăn nấu chín gần bên lò lửa; cũng như “ăn sán lẩu” là ăn thịt sống nhúng vào nước sôi bắt trên lò lửa nóng. Số là người Tây bày ra một từ khí làm bằng chì, thiếc, vật kim khí có chân cao giữa khoét lỗ đặt vài cục than cháy, chung quanh là nồi chứa nước thịt ngọt, khách ăn tự lựa từng món ngon: mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi trường, tự gắp bằng đũa và nhúng vào nước thịt đang sôi, rồi tự gắp qua chén và không cần biết món nhúng đã chín hay còn sống sượng. Rồi thì rượu cay, rau sống ngốn nghiến chàm ngoàm cả miệng không thốt ra lời được, món ăn ấy gọi “ăn sán lẩu”, dịch ra Hán tự là sán – sanh (thức ăn còn sống, chưa chín), “lẩu”: lò (lô), ăn Sanh lô, nhưng nếu nói: “sanh lô” ba Tàu không hiểu, phải nói theo họ “ăn sán lẩu”, hoặc ăn “cù lao” vân vân.

Sài Gòn Tạp Pín Lù - Mỗi ngày 1 cuốn sách

Tiếng miền Nam rắc rối pha chè, người ngoài vô đây, xin khuyên đừng ham “nói chữ”.

Sài Gòn tạp pín lù, nôm na là Sài Gòn thập cẩm, Sài Gòn tào lao, Sài Gòn ba lăng nhăng, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Sài Gòn sán lẩu cũng được, nhưng tạm dùng danh từ tạp pín lù. Nếu nói theo Bắc thì “Sài Gòn thập cẩm; nếu nói theo Trung thì “Sài Gòn tào lao”, nhưng tác giả sanh tại Sóc Trăng (Nam Kỳ) nên: tập nầy danh gọi Sài Gòn tạp pín lù là vì vậy.