Nhắc đến hai chữ Tân Định thì những ai sinh ra, lớn lên hoặc đã từng sống tại đây đều cảm thấy phấn chấn, sẵn sàng mở lòng trao đổi dăm câu chuyện. Chỉ con đường Hai Bà Trưng cũng biết bao điều để kể. Bài viết này gợi nhớ đến các cửa hiệu đã tồn tại trước năm 1975 trên con đường Hai Bà Trưng

Đường Hai Bà Trưng TP. HCM xưa và nay - Cuối Tuần Của Tui

Chợ Tân Định

A. Bên số chẵn (lề phải) đường Hai Bà Trưng có:

1. Tường bao nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nay là mặt chính công viên Lê Văn Tám.

2. Văn phòng phẩm An Pha số 204: chuyên cung cấp văn phòng phẩm cho quân đội.

3. Cà phê Jean Martin số 206: bán cà phê xay hiệu Jean Martin, thuốc lá, bia 333, bia con cọp, nước ngọt nhưng chủ yếu là cà phê xay.

4. Cà phê Hòa Sanh số 208: bán cà phê xay, bánh kẹo và đồ hộp nhập ngoại nhưng chủ yếu là cà phê xay.

5. Bột nhi đồng Đức Thịnh số 210: bán và xay bột gạo, ngũ cốc. Từ năm 1970 cho Kỹ nghệ lạnh Lê Thái thuê (ông Thái có chiếc xe Chevrolet Camaro Z28 1967 màu vàng có lẽ duy nhất ở Sài Gòn và miền Nam lúc bấy giờ).

6. Cà phê Kỳ Sanh số 212: bán cà phê xay, bánh kẹo và đồ hộp nhập ngoại nhưng chủ yếu là cà phê xay. (Hàng ngày từ 17 giờ trước nhà này có ông già người Tàu bán xe bò bía).

7. Tiệm sắt Năm Tấn số 214: làm cửa, cổng và các vật dụng bằng sắt. (Hai cua-rơ nổi tiếng thập niên 1960 Trần Gia Thu, Trần Gia Châu của đội Tổng tham mưu sống tại đây). Năm 1974 cà phê Kỳ Sanh mua lại và mở cà phê Phước Lai.

8. Ronéo Lửa Hồng số 216: chuyên in ronéo, đánh máy chữ. Năm 1970 có thêm quầy bán bút máy hiệu Pilot, Parker, Sailor, …. và máy photocopy.

9. Tiệm bán sơn và ống sắt, thép hình Đức Thành số 218. Năm 1973 chuyển ngành là Cà phê Đức Thành với logo cô gái mang tạp dề rót cà phê.

10. Hẻm 220: xưởng Năm Thái gia công đồ sắt số 218/7 của ông Nguyễn Hữu Thái (là cha của tiến sỹ toán Nguyễn Hữu Anh đậu tiến sỹ năm 24 tuổi, 1973 tại Hoa Kỳ, báo Sài Gòn có đưa tin, ông Anh là học trò của giáo sư Đặng Đình Áng). Gia đình ông Thái ở số 220B.

10c. Số 220C tư gia ông trung tá Nguyễn Chí Đức, giám đốc đài truyền hình trước 1975.

11. Nhà thêu Fatima số 222: thêu cờ, áo và bán tượng nhà thờ công giáo.

12. Tiệm hòm Tobia số 224: cung cấp quan tài cho giới thượng lưu Sài Gòn, đặc biệt quan tài kẽm cho quân nhân Mỹ tử trận, tiệm có xưởng ở cuối hẻm 220.

13. Tiệm điện Mai Anh số 226: sửa chữa, quấn mô tơ điện. Là nhà thầu phụ xây cầu Kiệu năm 1970.

14. Bưu cục Tân Định số 230, nay là Bưu điện Tân Định.

15. Tiệm Aba-jour Bùi Huy Mông số 232: bán chụp đèn các loại.

16. Trinh’s Shoes số 234: bán giày nữ.

17. Thuốc lào 888 số 236.

18. Ảnh viện Thịnh Ký số 238-240: chụp hình, rửa hình, đặc biệt in hình lên đĩa sứ.

19. Tiệm may mui nệm xe hơi Mỹ Lợi số 242.

20. Pharmacie (nhà thuốc tây) Kim Kính số 246.

21. Tiệm uốn tóc Moderne (Mô Đéc) số 248.

22. Xe xi rô đá bào chú Hòa đầu hẻm 250. Trong hẻm có vài nhà chuyên đóng giày, dép da.

23. Tiệm vàng Đức Thái số 252.

24. Nhà sách Việt Trí số 254.

25. Tiệm ảnh Công Thắng số 256.

26. Tiệm vàng Kim Phụng số 258.

27. Giày Tiến Đạt số 260.

28. Trại hòm Vạn Thọ số 268: thành lập từ những năm 1945-1950.

29. Tiệm kính Kính Tiên với logo quả địa cầu mang mắt kính số 274.

30. Trường dạy đánh máy chữ Lectason số 278.

31. Phòng răng nha sỹ Nguyễn Văn Đởm (đại úy quân y) số 282.

32. Giày Bata số 284-286.

33. Khách sạn Đức Hưng số 288-290 (sau là khách sạn Hai Bà Trưng).

34. Ảnh viện Luyến số 292.

35. Xe mắt kính ông Kế trước số 292.

36. Vô tuyến điện Quang Lộc số 294.

37. Nhà thuốc Đông Cao Các – Kim Khuê số 298: bán thuốc đông y (có chưng con cọp nhồi bông).

38. Xe mắt kính ông My trước số 298.

39. Nhuộm Thủ Đô số 300: nhuộm quần áo và chuyên bán áo montagout.

40. Tạp phẩm Vĩnh Chanh: bán vật dung và có tủ kem phía trước.

41. Lò bánh mì điện Vĩnh Thái số 308.

42. Tiệm thuốc bắc Kỳ Hòa Đường số 310.

43. Tiệm mì hủ tiếu số 312.

44. Chợ Tân Định: được xây dựng vào năm 1926 trên khu đất bao quanh bốn con đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Đượm – Mã Lộ – Nguyễn Hữu Cầu, là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn, trung tâm thương mại cho cư dân của khu Tân Định và các vùng lân cận. Chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến (heo quay, giò chả, v.v…), thực phẩm khô, ăn uống, giày dép, trái cây và vải vóc. Là địa điểm tham quan mua sắm cho các du khách.

45. Đường Nguyễn Văn Đượm (nay là Nguyễn Văn Nghĩa): có các sạp bán trái cây, thịt heo quay, …

46. Nhà thương Tân Định (nay là Bệnh viện quận 1) số 338.

47. Tiệm chạp khô số 340-342.

48. Tiệm thịt bò Thanh Thế số 348.

49. Ảnh viện Mỹ Quang số 366.

50. Quán bida …………… số 390.

51. Phở bò Xuân Hiệp số 402.

52. Tiệm xe đạp Trần Xuân Cường số 404.

53. Hãng gạch bông Vân Sơn góc HBT-TQK.

54. Tiệm vấn khăn đống Tiến Hưng số 462.

B. Bên số lẻ (lề trái) đường Hai Bà Trưng có:

1. Xưởng cơ điện Nguyễn Văn Búp số 205-207.

2. Tư thục Nguyễn Công Trứ số 261-261B.

3. Lò bánh mì Boitou số 259A.

4. Chi nhánh Tín Nghĩa ngân hàng với logo thần tài cầm hai xâu tiền (tượng trưng cho sự giàu sang phú quý) của ông Nguyễn Tấn Đời (chủ hãng gạch Đời Tân) số 265-267. Tư gia ông Đời ở số 121 Yên Đỗ.

5. Nhà in Việt Hải số 269.

6. Hớt tóc Thời Trang số 271.

7. Ảnh viện Đức Lan số 273 (thập niên 1980 bán lại cho nhà may Phú).

8. Nhà may Đô Hội – Paris Mode số 275: chuyên may veston. Năm 1974 chuyển về đường Pasteur (góc Pasteur – Lê Thánh Tôn).

9. Cà phê sân vườn Thu Hương số 279: bán thạch chè, nước giải khát, cà phê phin, cà phê chế biến theo gu Pháp quốc, cà phê pha ra có màu nâu và trong. Thợ rang là ông Sáu (nhà ở đường Bạch Đằng, xéo rạp Cao Đồng Hưng – Bà Chiểu). Buổi tối quán thường mở nhạc Pháp bằng đĩa than. Năm 1971, con rể ông Thu Hương là một trong những người khởi xướng phong trào nuôi chim cút, bán cút giống, trại cút đặt ở cuối biệt thự.

10. Phở bò Nghĩa Lợi số 281 (còn gọi là phở bà Béo): phở bò nấu đúng khẩu vị bắc, người gốc bắc thường đến đây thưởng thức. Vợ chồng nhạc sỹ Văn Phụng thường đi ô tô Mustang đậu trước nhà 216 rồi đi bộ qua đường dùng phở. Năm 1973 sang quán thành phở Minh Chí.

11. Công ty xuất nhập khẩu ……………….. số 285 (sau là trường mầm non Tuổi Thơ).

12. Nhà sách công giáo Caritas số 289.

13. Đại Nam ngân hàng số 289.

14. Xe bột chiên ông ……….. bán buổi chiều trước Đại Nam ngân hàng.

15. Nhà thờ Tân Định số 289: (xem thêm trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Nhà thờ đổ chuông vào: 5 giờ, 12 giờ và 18 giờ.

16. Thiên Phước học đường số 295 (nay là trường THCS Hai Bà Trưng) với bảng tên Nữ tu dòng thánh Phaolô – Thiên Phước học đường – Tiểu học Trung học đệ I cấp – Cô nhi viện: trường nằm trong họ đạo Tân Định, do các nữ tu dòng thánh Phao-lồ thành lập và điều hành gần 100 năm (tính đến năm 1973). Đầu tiên chỉ là trường Sơ cấp nhỏ, theo thời gian, trường đã phát triển và mở lần lên các lớp tiểu học rồi trung học đệ nhất cấp đến trung học đệ nhị cấp. Năm 1973 trường có 45 lớp với sỉ số hơn 2.700 học sinh. Dạy bậc trung học có 54 giáo sư (trong đó có 9 nữ tu); dạy bậc tiểu học và mẫu giáo có 46 giáo viên (trong đó có 14 nữ tu). Sœur Aimée de Jésus Trần Thị Phước là hiệu trưởng.

Mục đích của trường là gieo vãi lời Chúa trong các tâm hồn, hướng dẫn tinh thần học vấn trong suốt 13 năm học từ mẫu giáo đến tú tài. Ngoài sự học vấn, các em đã hăng hái tham gia các công tác xã hội như đi thăm viếng và ủy lạo các chiến sĩ ngoài tiền đồn cũng như các thương bện binh tại các bệnh viện. Về văn nghệ, các em đã sốt sắng tổ chức các buổi trình diễn để gây quỹ xã hội học đường, kết quả rất tốt đẹp. Về thể dục – thể thao, các em được luyện tập một cách đều đặn suốt các năm học. Với mục đích của nhà trường, cũng như sự tận tâm hướng dẫn của ban Giám đốc và giáo sư, chúng tôi hy vọng các em sẽ trở thành các tông đồ nhiệt thành trong giáo hội và những công dân hữu ích cho nước nhà. (trích Kỷ yếu Thiên Phước 1973).

17. Xe mắt kính ông Tố cuối trường Thiên Phước.

18. Tạp phẩm Kim Thịnh số 297.

19. Nhà thuốc Kim Tân số 309, biểu tượng ông già sáu múi: bán thuốc đông y (có chưng con gấu nhồi bông).

20. Hẻm Mỹ Thái Hằng số 311: bên phài hẻm có xe mắt kính ông Nghĩa. Bên trái hẻm có tiệm cho thuê sách (tiểu thuyết, truyện chưởng Kim Dung, ….) và bán tạp phẩm như dây thắt lưng, hộp quẹt, bút máy, …

21. Phòng răng Nha công …… số 313.

22. Nhà thuốc Quý số 315.

23. Tiệm bánh …………………. số 317.

24. Alimentation Nguyễn Minh số 321.

25. Bazar …………… số 339.

26. Tiệm đồng hồ …………… số 341.

27. Sửa ống nước ……………

28. Tiệm đồng hồ ……………

29. Cơm gà Hồng Phát số 385.

30. Rạp hát Kinh Thành số 387-389: rạp chỉ có ghế gỗ. (nay là Fahasa Tân Định).

31. Tiệm điện …………………….. số 395.

32. Bác sỹ ……………………… số 411.

33. Gas Thái Lai (sau là thạch chè Thái Lai) số 413.

34. Ngân hàng BFC – Banque Française Comerciale số 415.

35. Nhà bảo sanh Lương Kim Vy số 437-439-441.

36. Thuốc cam Hàng Bạc – Nhơn Phong Đường số 447B.