Điều kiện sống tốt, con người tuyệt vời và dễ dàng tiếp cận là những lý do biến nước Mỹ trở thành “miền đất hứa”, niềm mơ ước được đặt chân đến của rất nhiều người. Việc đến Mỹ có rất nhiều mục đích như để học tập, làm việc, sinh sống hay đơn giản đến để du lịch, phục vụ những chuyến công tác ngắn ngày. Bài viết sau sẽ chia sẻ cho bạn các thủ tục đi Mỹ cần thiết bạn nên biết.
1. THỦ TỤC ĐI MỸ DẠNG NHÂN THÂN
CHUẨN BỊ CÁC GIẤY TỜ CẦN THIẾT
Giấy tờ người thân cần phải gửi về Việt Nam
- Thư mời sang thăm viếng bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, trong thư nêu rõ mục đích, thời gian và cam kết tài chính cần thiết.
- Nếu chuyến đi của bạn được đài thọ toàn bộ từ người thân tại Mỹ cần có thư cam kết bảo lãnh tài chính có công chứng. Trường hợp bạn có thể tự lo chi phí cho chuyến đi thì không cần đến lá thư này. Ngoài ra, người bảo lãnh của bạn cũng cần nộp Bản Khai thuế năm vừa qua hoặc bằng chứng tài chính quan trọng chúng tỏ họ có thu nhập hợp pháp tại Mỹ.
- Bằng chứng về tình trạng cư trú hợp pháp của người thân tại Mỹ.
- Bản photocopy toàn bộ trang trong hộ chiếu của người thân.
- Lịch trình và chi tiết chuyến viếng thăm Mỹ của bạn.
Giấy tờ người xin visa cần có
- Đơn xin cấp visa.
- Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác chứng minh quan hệ gia đình/huyết thống.
- Bản gốc hộ khẩu của người thân.
- Giấy chứng nhận đang công tác để làm ràng buộc về xã hội và nghề nghiệp.
- Các bằng chứng về sở hữu, tài sản chứng minh bạn có khả năng chi trả chi phí chuyến đi.
- Nếu bạn hoặc người thân có tham gia sinh hoạt Tôn giáo cần xin một giấy giới thiệu từ Linh mục địa phương hoặc sư chủ trì.
- Tờ xác nhận đơn DS – 160 có mã vạch.
- Hóa đơn nộp lệ phí visa.
PHỎNG VẤN XIN VISA
Bạn cần nộp hồ sơ xin phỏng vấn tại Lãnh sự quán, nếu đơn xin phỏng vấn của bạn được chấp thuận, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ sẽ liên lạc qua địa chỉ thư điện tử xác nhận rằng du khách có thể đến phỏng vấn vào bất kỳ ngày làm việc nào.
Khi đến Lãnh sự quán, bạn không được mang theo các thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại di động. Sau khi thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ xin định cư Mỹ, lấy dấu vân tay, bạn sẽ lấy số tại phòng chờ và chờ gọi số để phỏng vấn.
Trong quá trình phỏng vấn, bạn cần trả lời câu hỏi một cách lưu loát, logic bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Bạn phải chứng minh được mình có giấy tờ ràng buộc tại Việt Nam và sẽ quay trở về nước đúng thời hạn. Visa đến Mỹ thăm nhân thân sẽ có thời hạn 1 năm và được phép ra vào nhiều lần không giới hạn.
Nếu cuộc phỏng vấn của bạn thành công, Lãnh sự quán sẽ cấp visa cho bạn.
2. THỦ TỤC ĐI MỸ ĐỊNH CƯ
Có nhiều diện định cư Mỹ, mỗi diện lại có thủ tục và hồ sơ xin định cư Mỹ khác nhau. Chúng tôi xin cung cấp cho bạn những quy định và lưu ý chung về thủ tục đi Mỹ định cư.
HỒ SƠ XIN ĐỊNH CƯ MỸ CẦN CHUẨN BỊ
Hồ sơ của người bảo lãnh
- Mẫu đơn bảo lãnh đi Mỹ thân nhân I-130
- Mẫu đơn nhân thân G-325A
- Bản sao quốc tịch/thường trú
- Bản sao hộ chiếu
- Bản sao giấy ly hôn/khai tử
- Bản sao giấy chứng nhận kết hôn
- Khai sinh của Người bảo lãnh
Hồ sơ đương đơn:
- Thư mời phỏng vấn
- Mẫu đơn G-325A
- Mẫu đơn DS-230
- Khai sinh, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân
- Phiếu lý lịch tư pháp
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐI MỸ ĐỊNH CƯ
- Bước 1: Nộp hồ sơ bảo lãnh nộp vào sở di trú. Theo dõi tiến trình hồ sơ từ Sở di trú – Trung tâm thị thực – Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ.
- Bước 2: Hoàn thành các giấy tờ công chứng, dịch thuật và đăng kí cuộc hẹn phỏng vấn trên website cơ quan ngoại giao Mỹ. Sắp xếp các hồ sơ, thủ tục theo đúng trình tự.
- Bước 3: Tiến hành phỏng vấn tương tự như phỏng vấn xin visa dạng thăm nhân thân đã nêu trên.
3. THỦ TỤC ĐỊNH CƯ MỸ DIỆN ĐẦU TƯ EB5
Chương trình EB5 là chương trình đầu tư để định cư tại Mỹ được rất nhiều người quan tâm. Đây là con đường định cư Mỹ rất rộng mở cho cả gia đình, nhà đầu tư tham gia chương trình đầu tư EB5 sẽ được cấp thẻ xanh để thường trú và nhà đầu tư sẽ sang Mỹ với vợ hoặc chồng cùng con cái dưới 21 tuổi chưa kết hôn của mình. Quy trình và thủ tục đi Mỹ theo diện đầu tư chương trình EB5 theo các bước sau đây:
- Bước 1 – Tìm kiếm dự án: Chọn dự án phù hợp với số tiền đầu tư. Lưu ý nên lựa chọn các dự án đến từ trung tâm vùng uy tín để đảm bảo tính khả thi, an toàn.
- Bước 2 – Nộp tiền đầu tư: Người đầu tư nộp khoản vốn nhất định vào dự án mà họ chọn lựa. Bước này thường được thực hiện với sự trợ giúp của các đơn vị tư vấn đầu tư định cư để đảm bảo tính chính xác.
- Bước 3 – Nộp hồ sơ xin cấp visa: Nhà đầu tư sẽ cần chứng minh nguồn vốn hợp lệ, sau đó chuẩn bị đầy đủ giấy tờ có thông tin cá nhân của mình và gia đình. Hồ sơ sẽ được luật sư nộp lên Sở Di Trú Xin Visa (đây là giai đoạn xin xét duyệt đơn I-526).
- Bước 4 – Tiến hành phỏng vấn: Đại sứ quán Mỹ hẹn nhà đầu tư và gia đình đến để tiến hành phỏng vấn khi hồ sơ đã được chấp nhận. Trước đó cả gia đình sẽ cần tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát.
- Bước 5 – Thường trú có điều kiện thời gian 2 năm: Khi đã phỏng vấn thành công, người đầu tư sẽ được cấp visa có điều kiện. Cả gia đình người đầu tư sẽ có thể đến Mỹ bất cứ lúc nào trong vòng 180 ngày sau khi cấp visa.
- Bước 6 – Thường trú không điều kiện: Sau khi qua Mỹ từ 21 tới 24 tháng, người đầu tư và gia đình sẽ được nộp đơn xin hủy visa có điều kiện. Nếu đơn này được chấp nhận thì người đầu tư và cả gia đình sẽ được cấp visa vĩnh viễn, hay còn là thường trú nhân Mỹ.
- Bước 7 – Nộp đơn thi quốc tịch Mỹ: Sau khi sống ở Mỹ 5 năm thì người đầu tư và gia đình sẽ được quyền tham gia thi nhập quốc tịch Hoa Kỳ.
4. THỦ TỤC ĐI DU LỊCH, CÔNG TÁC MỸ
Visa du lịch, công tác Mỹ thường là visa có thời hạn ngắn B-2. Để làm thủ tục xin visa này, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Chuẩn bị mẫu DS-160 trên website của đại sứ quán Mỹ, khai báo thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác.
- Hộ chiếu còn hạn đến 6 tháng trước ngày bạn dự định đi Mỹ.
- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, …
- Giấy tờ đảm bảo ràng buộc của bạn tại Việt Nam.
- Giấy tờ đảm bảo điều kiện kinh tế.
- Giấy tờ chứng minh bạn sẽ quay trở về Việt Nam đúng thời gian quy định: giấy mời hội thảo, chương trình tour du lịch, …
Khi hoàn tất các loại giấy tờ cũng như hồ sơ xin định cư Mỹ, bạn sẽ xin hẹn phỏng vấn và tiến hành phỏng vấn tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ.