Cái mà chúng ta có thể học từ sự nghiệp lẫy lừng trong cuộc mở nước của Hoàng Đế Lê Thánh Tông chính là trong bối cảnh còn nhiều nguy cơ và đe dọa thì việc phát triển kinh tế, văn hóa là chưa đủ mà cần phải phát huy sức mạnh nội lực của đất nước để xây dựng một đất nước hùng mạnh về quân sự, khôn khéo về ngoại giao…
Khi còn học sử trong nhà trường, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã được dạy về Vua Lê Thánh Tông (hay Lê Thánh Tôn như người Nam Bộ gọi) và biết đến ngài như là một vị Vua sáng qua các di sản và tư tưởng ngài để lại như “Bộ Luật Hồng Đức”, “Thiên hạ bản đồ”, “Thi đàn nhị thập bát tú”, hay coi “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” trong trị Quốc.
Tuy nhiên bên cạnh tài năng và chính trị vượt trội đó, Ngài còn là một Hoàng Đế vĩ đại của nước Nam ta trong việc mở mang bờ cõi và củng cố nền Độc lập của đất nước theo nhiều hướng khác nhau – Một lĩnh vực mà lịch sử trong nhà trường đã không hề nhắc đến trong một thời gian dài.
Nếu ai đã từng đọc chuyện “Trạng Lợn” chắc có nhớ tới chi tiết Chàng trai con nhà đồ tể được báo mộng đến giờ đấy, ngày đấy cứ đi ra của tây thành (Thăng Long) chờ khi có cháy trong thành và nếu thấy một người mặc áo xanh thì cứ vác lên vai mà chạy. Người thanh niên mặc áo xanh được cứu đó chính là Hoàng Tử Lê Tư Thành, khi chạy loạn “Lạng Sơn Vương” (Lê Nghi Dân) và sau này được các triều thần đưa về tôn làm Vua Lê Thánh Tông lúc Ngài 18 tuổi. Cũng nhờ công lao này mà người thanh niên con nhà hàng thịt, với vốn Hán tự hầu chỉ đủ đọc được các số đếm nhưng sau đó vẫn được phong làm “Trạng” trên danh nghĩa mà đời sau hay gọi là Trạng Lợn (truyền thuyết dân gian). Chắc do vận nước Nam ta lúc đo đang thịnh nên người được các Triều Thần như Nguyễn Xí, Đinh Liệt dựng lên đấy lại là người có tài “Kinh bang tế thế” ngàn năm mới có một của nước Việt chúng ta. Con cháu Nguyễn Trãi và cả chúng ta ngày nay phải đội ơn Ngài lắm vì nhờ sự giải oan kịp thời của Lê Thánh Tông mà các tác phẩm của Ức Trai mới được thu thập lại và truyền cho hậu thế. Tài năng của Lê Thánh Tông trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và cả thơ ca nữa chắc hẳn không cần nhắc đến nhiều, vì trong quãng thời gian ngài trị vì (1460-1497), Nước Việt ta thuộc dạng cực thịnh nhất (nếu so sánh tương quan với các nước láng giềng) trong lịch sử từ khi lập Quốc. Cái mà tôi muốn đề cập ở đây là công lao mở mang bờ cõi và tạo dựng uy thế của nước Nam dưới thời Lê Thánh Tông.
Khi nói đến Miền Nam Việt Nam, đa số mọi người đều nghĩ đến công lao của Nhà Nguyễn, khởi đầu là Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng trong hành trình mang gươm đi mở cõi của mình. Tuy nhiên, để Nguyễn Hoàng có thế xin Trịnh Kiểm vào trấn giữ đất Thuận Hóa vào thời điểm đó (và qua đó dựng nghiệp ở Miền Nam) thì có nghĩa là trước đó vùng đất này đã được nhập vào Đại Việt rồi và thế lực Chiêm Thành đã hầu như không còn gì nữa. Trong lịch sử đầy hào hùng của người Việt, ngoài việc phải luôn luôn chống chọi lại với người láng giềng phương bắc thì Chiêm Thành luôn là mối đe dọa, là cái gai trong mắt của các triều đại. Lê Hoàn sau khi thay nhà Đinh nắm quyền đã từng đào sông (đến nay vẫn còn ở Thanh Hóa, Nghệ An – song Nhà Lê)) và làm đường nối Châu Hoan, Châu Ái với Châu Ô, Châu Lý để đem quân đi đánh Người Chiêm. Thời Nhà Lý, Nguyên Phi Ỷ Lan nhờ có công trông nom triều chính cho Vua Lý Thánh Tông mấy lần đi đánh Chiêm Thành mà ngày nay tiếng tốt còn để lại khắp nơi.
Nhà Trần chắc có lẽ là triều đại có nhiều duyên nợ nhất với Chiêm Thành. Từ việc phải gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân của thành Đồ Bàn (sau đó sai Trần Kim Chung đi cướp về khi Chế Bân chết) đến việc vua Trần Duệ Tông tử trận khi đi đánh Chiêm Thành (bị trúng kế giả hàng của vua Chiêm) rồi thì việc Vua tôi ôm nhau khóc lóc khi tiễn Trần Khát Chân ra trận chống lại Chế Bồng Nga, trong bối cảnh cứ vài ba năm quân Chiêm lại vào cướp Thăng Long một lần (rất may cho Đại Việt là trong trận chiến với Trần Khát Chân đó, Chế Bồng Nga đã bị một người hầu phản bội và bị hỏa lực của Nhà Trần bắn chết).
Thấm nhuần các bài học của Tiền Nhân, Lê Thánh Tông sau khi cũng cố được vị thế của mình, đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị chinh phạt Chiêm Thành với mục đích rất rõ ràng là thôn tính quốc gia này để trừ hậu họa cho đời sau. Năm 1471, Hoàng Đế Lê Thánh Tông đã mang theo khoảng 200.000 quân (một lực lượng hùng hậu) tiến vào thành Đồ Bàn và bắt vua Chiêm Thành cùng hơn 30.000 người Chiêm và hơn 1500 cung nữ đem về Đại Việt. Các cung nữ Chiêm sau đó được bố trí sống xung quanh Hồ Tây còn đa số tù bình Chiêm được sinh sống xung quanh kinh thành thuộc địa phận Hà Tây.
Có lẽ thế nên ngày nay nhiều người cho rằng ở những vùng này bây giờ vẫn còn có đôi nét văn hóa Chiêm Thành như trước nhà trồng các hàng cau thẳng hay tiếng nói khác các vùng còn lại ở Miền Bắc? Để làm yếu đi thế lực của Chiêm Thành, sau khi chấp nhận sự đầu hàng của vua Chiêm mới, Lê Thánh Tông đã chia phần còn lại của đế chế này (từ đèo Cả trở vào) thành 3 nước nhỏ, phân tán họ và dần dần với sức ép của người Việt, dân tộc Chăm hùng mạnh một thời phải lùi dần lên vùng cao nguyên, yếu dần về kỹ năng lẫn quy mô và cuối cùng tàn lụi vào thời các Chúa Nguyễn. Vùng đất chiếm được sau cuộc chiến năm 1471 này được đổi tên thành Thừa tuyên Quảng Nam và Vệ Thăng Hoa và là Thừa tuyên (Châu) thứ 13 trong Thiên Hạ Bản Đồ của Nhà Lê. Như vậy có thể nói, chính cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông là cột mốc (như tấm bia Ngài cho dựng ở Đèo Cả) chấm hết cho Đế chế Chiêm Thành và mở ra một Việt Nam rộng lớn hơn về quy mô cũng như ổn định hơn do không phải lo canh chừng mặt nam nữa.
Theo các nguồn sử liệu, ngoài chinh phạt Chiêm Thành ra, Hoàng Đế Lê Thánh Tông còn một lần cho quân chinh Tây đánh Lan Xang (Luang Prabang bây giờ), quân Đại việt đã vượt qua cả sông Mekong vào tận biên giới Miến Điện khiến mọi người khiếp sợ. Một lần Ngài xa giá thân chinh đem quân đi đánh Bồn Man (thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, Lào ngày nay) khiến quân nổi loạn chỉ nghe nghe tên Ngài đã bỏ chạy hết trước khi quân Đại Việt tới nơi. Theo đánh giá của người Phương Tây trong một vài nghiên cứu, thì vào thời Lê Thánh Tông, trình độ về thuốc súng của quân Đại Việt đã có thể xét vào dạng đỉnh cao của khu vực. Kết hợpg giữa tài năng quân sự và sự vững mạnh về kinh tế, đã giúp cho vua Lê Thánh Tông đánh đâu thắng đấy và khiến cho Nhà Minh dù không hài lòng nhưng cũng chỉ trách cứ qua các sứ thần chứ không làm gì được.
Khi Đại Việt chiếm Chiêm Thành, vua Minh đã nhiều lần đòi Lê Thánh Tông trả lại đất cho người Chiêm nhưng Vua Lê không trả. Lê Thánh Tông còn thể hiện tinh thần độc lập rất ràng của mình khi trách sử gia Ngô Sĩ Liên: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang của Trung Quốc thời xưa, thế là người theo đường chết, mang lòng không vua”. Nhà Vua còn cho chúng ta thấy được Tầm nhìn vượt xa các ông vua thời phong kiến khi thường xuyên nhắc nhở con cháu và triều thần rằng: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo” – Đây chính là tinh thần “Thượng tôn pháp luật” mà đến tận ngày này chúng ta vẫn đang cố gắng tạo dựng.
Lịch sử là lịch sử, là những thứ chúng ta không thể thay đổi được, nhưng lại có thể là tấm gương để chúng ta nhìn vào đó, gạn lọc những giá trị tốt đẹp của Tiền nhân để phát huy đồng thời rút kinh nghiệm từ các sai làm trong quá khứ để rút ngắn quãng đường phát triển phía trước. Tuy không có ý định cổ xúy cho chủ nghĩa bành trướng hay thực dân trong việc phát động các cuộc chiến xâm chiếm láng giềng vì ngày nay bối cảnh đã khác. Cái mà chúng ta có thể học từ sự nghiệp lẫy lừng trong mở nước của Hoàng Đế Lê Thánh Tông chính là trong bối cảnh còn nhiều nguy cơ và đe dọa thì việc phát triển kinh tế, văn hóa là chưa đủ mà cần phải phát huy sức mạnh nội lực của đất nước để xây dựng một đất nước hùng mạnh về Quân sự, khôn khéo về ngoại giao, đa dạng về văn hóa để sẵn sàng “Tiên hạ thủ vi cường” trong bất cứ hoàn cảnh nào nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm tàng, giúp Việt Nam ngày nay có thể không hổ thẹn là con cháu của hiền nhân.