Tôi về trong một buổi chiều hanh nắng. Cơn mưa rào vừa dứt, thỉnh thoảng vài hạt lắc rắc rơi trên tấm kính xe như dọa dẫm tôi: “À há, bữa ni mi lại về Huế, tau cho mi biết tánh tình khắc nghiệt và vô chừng của tau, người mà mi e sợ, người mà mi khiếp đảm nhìn qua khe ván trong căn nhà rường nghiêm trang và cô quạnh…”
Tia nắng vàng xuyên qua bụi trúc thì thầm: “N. ơi, đừng để ý tới mụ O già ế chồng nớ, ta sẽ dẫn con về trên con đường kiệt xanh tươi, ta sẽ dẫn con đi trên cái cầu tre lắt lẻo, nắm tay con thật chặt như con bé ngày xưa lắt lẻo đuôi gà chạy tung tăng bên ta mỗi lần ra chợ…”

Đám mây xám nhạt cuồn cuộn bay nhanh sau lũy tre, những mái chùa cong cong rực rỡ, trang trí hoa mỹ thấp thoáng bên đường lộ.

“Chào cô chú, cô chú lại về Huế chơi lần nữa…” Tôi mỉm cười bâng quơ không trả lời, để Tuấn làm các công việc giao tiếp, công việc của tôi chỉ là mơ mộng. Tuấn cũng hiểu thế, chuyến nào anh về Huế là cũng vì chiều theo ý tôi.


Sông Hương

“Huế vừa mới lụt xong cô chú à, lần này không lớn, nước chỉ xăm xắp, tuy nhiên con sông Hương mình bị đỏ, không biết khi mô mới trong lại được.”

Tôi đưa mắt buồn rầu nhìn dòng nước đỏ ngầu chảy dưới chân cầu, vài chiếc thuyền mong manh lướt trôi trên dòng. Từ lan can phòng ngủ, tôi chống tay lên má, nhìn qua cầu Tràng Tiền, giờ này thiên hạ vừa bãi sở, trên cầu lúc nhúc xe gắn máy và xe đạp. Bên kia là chợ Đông Ba, tôi mơ màng tưởng tượng ra dáng mẹ gầy guộc, mong manh như liễu, tay nắm chặt hai con bé gái tóc thắt bím hai bên, ngồi trong lòng thuyền. Một con bé ấy là tôi đấy, bao nhiêu năm về trước, những năm rất ngắn ngủi nhưng đã thắt chặt đời tôi với xứ Huế oan kiên.


Đường quê

Mở cửa xe bước xuống, những đôi mắt chòm xóm láng giềng thấp thoáng ẩn dấu trong những khe cửa, sau các tấm liếp đã nhận ra tôi. Bầu không khí tuy âm thầm nhưng những làn điện thông tin đã rèn rẹt chạy trong không gian. Tôi cảm nhận điều ấy vì đột nhiên có nhiều bóng người lảng vảng qua lại đầu ngỏ. Tôi thò đầu vào khung cửa tối tăm nhỏ hẹp gọi vang:

“Chú ơi, chú có nhà không?”

“Ơi, đứa mô rứa? Con N. đó hỉ? Về khi mô rứa?” Tôi biết chú ngạc nhiên nhưng chú không tỏ lộ ra. Trí óc chú chỉ có một chiều, mà cái chiều ấy nó chỉa về phương nào thì không ai đoán được.

Thấy chú lục đục tận trong xa, tôi rướn cổ nhìn vào căn phòng tối.

“Chú đang làm chi rứa?”

Hai tay chú đang dầm trong thau nước, cầm một đồng tiền xưa lớn hơn bàn tay tôi, chú đang chùi rửa, mài giũa một cách thận trọng.

Chú chìa đồng tiền ra cho tôi xem:

“Nì, mi đoán thử đồng tiền ni được mấy lượng?”

Tôi thò tay cầm đồng tiền sáng loáng, màu giống như đồng xu mới của Mỹ.

“Con không biết mô!”

“Thì mi cứ đoán thử.”

“Bốn lượng”

“Trật lất, đồng tiền vàng ni nặng tới sáu lượng, mà mi có biết một lượng vàng là mấy không?”

Biết ông chú mình có bệnh tâm thần, tôi tính kế thoát thân một cách khôn khéo, biết rằng thế nào ông cũng nhờ mình đem đồng tiền kẽm đi bán cho ông để ông lấy đô la.

“Con không biết giá vàng vì có đeo vàng vòng chi mô?”

“Mi cứ cầm ra tiệm hỏi cho chú”.

“Thôi chú ơi, đồng tiền ni có giá trị lắm, chú giữ cho kỷ, con cầm đi lỡ mất thì phiền”.

“Ừ thôi, để tau cho mi thứ ni, mi đi bán lấy tiền tiêu vặt”.

Chú quay vô buồng, lục lọi mấy phút, cầm ra một cục kim khí màu đồng, móp méo như ai lấy mấy lá vàng ròng mà vo lại cho nhăn nheo.

“Mi đem cái ni về bên nớ mà bán”.

Tôi lắc đầu từ nan:

“Con không cầm đi được, lỡ bị quân gian theo dõi, hắn cắt cổ ăn cướp vàng thì mệt lắm, mà nếu không gặp quân gian, qua phi trường người ta cũng lấy mất”.

Nghe lời tôi chí lí, chú lục đục đem vàng đi cất.

O Sa, người đàn bà góa chú cho ở trọ trong góc vườn biết tôi về, bưng qua một khay trà thơm ngát. O rót cho tôi một tách trà sen trong cái chén hột mít rất dễ thương nhưng đã sờn cũ lắm. Nhìn cái chén con thanh nhã trên tay, tôi ngậm ngùi nhớ lại những ngày xa xưa, tựa bên sập gụ, nhìn ông nội uống trà. Những lúc ấy đôi mắt ông xa xăm chi lạ, chắc ông cũng đang nhìn vào một quá khứ nào huy hoàng và hùng tráng lắm.

“Chà, chị lại đem áo quần về cho ôn nữa, ôn có thiệt nhiều áo quần đẹp”.

O Sa nhìn bao quà tôi đem về cho chú. Chú khoác tay:

“Tau cần chi áo quần mà bây đem về cho mệt”.

“Trong nớ có mấy thứ chú thích chớ mô phải là áo quần thôi, có mấy cây viết cho chú viết, có hình ảnh, và có cái cặp bằng da để chú cất các giấy tờ quan trọng…”

Tôi bông đùa:

“Khi mô chú viết di chúc cho con thì cất vô trong nớ cho khỏi ướt”.

Chú gật đầu:

“Phải rồi, mấy thứ nớ thì được.”

Chú bổng trầm ngâm nhìn tôi:

“Mấy đứa bây có khi mô muốn về đây ở không?”

Tôi ngẫm nghĩ, nói sự thật thì sợ chú buồn, tương lai của tôi không có chữ Huế, mà xứ Huế trong tâm tư tôi thì toàn là các nỗi dằn vặt quá khứ. Một mai khi chú không còn nữa, tôi còn lưu luyến Huế hay chăng?

“Bây giờ con chưa biết chú à, biết mô khi già rồi thì lại có quyết định khác!”

“Rứa còn mấy đứa kia, con D. thằng H. ???”

Làm sao tôi trả lời cho chú được khi H. đã nặng nợ vợ con, đang xây dựng cuộc đời cho mấy đứa con trên vùng đất mới. Làm sao giải thích cho chú hiểu rằng D. đang thành khẩn nguyện cầu cho chóng được ra đi, để hy vọng từ bỏ được nếp sống cơ hàn, mấy mươi năm không ngóc đầu lên nổi.

“Chú ơi, con thật không biết tụi nó muốn gì cả.”

Trong thâm tâm chú, từ một ngõ ngách sáng suốt nào đó trong trí, chú cương quyết ôm chầm mảnh đất bà Cố để lại, mấy mươi năm chính quyền và xóm giềng manh tâm chiếm đoạt nhiều lần nhưng vô hiệu. Tuy chú bị trêu ghẹo vì bệnh tâm trí nhưng bệnh của chú là bệnh “Autistic Savant”(1), chú chọn lựa cho mình những lối suy tư kỳ lạ, chú thông thái tiếng Tây, tiếng Mỹ và tiếng Nhật, chú viết những tập bản thảo dày cộm về kinh tế, chính trị và thị trường chứng khoán rồi dấu trong cái rương gỗ to có ràng dây xích, không cho ai thấy trừ tôi ra, vì chú muốn tôi đem đi xuất bản cho chú. Anh Thu, người cháu rể sống bên cạnh nhà cười ngặt nghẽo khi kể cho tôi nghe những điều ngộ nghĩnh về chú:

“Chị biết không, năm ngoái lụt rất lớn, em bơi xuồng về nhà thấy chú ngồi ôm cái rương không chịu đi. Chú noái là mi phải đem cái rương ni đi thì tau mới đi, không thôi tau ngồi đây tau chết”.

Thằng Bi, con anh kể:

“Mỗi lần cô gửi tiền về, cháu đều ký nhận giùm ôn nhưng ôn hay lấy tiền đi mua đồ tầm bậy phí lắm, mua trái cóc, trái ổi về để cho hư thúi chơ có ăn uống chi mô. Ôn thương tụi cháu lắm nhưng ôn chỉ nghe lời con bé Ly thôi. Chỉ có hắn mới kêu ôn đi tắm rửa được, mấy năm ni hắn lớn, bận học hành bè bạn nên không tắm cho ôn nữa cho nên ôn không bao giờ tắm. Ôn dữ lắm, ôn không cho bé Ly có bạn trai, đứa mô tới chơi thấy ôn cầm cái đùi (2), đi qua đi lại là bữa sau hết dám tới. Hôm nọ, bạn gái con Ly, tóc ngắn, tới học bài chung, trời chạng vạng, ôn không thấy đường, ôn chỉ thấy hai cái đầu chụm vô nhau, ôn giơ cái đùi lên tính đập, may thay bọn hắn thấy được, la lên nên ông đập hụt, chút nữa thì bể đầu…

Chuyện tụi nhỏ kể làm tôi cười chảy nước mắt.

Vẫn loay hoay gọt giũa đồng tiền, chú ngước mắt nhìn tôi:

“Rứa mi có biết Bác Toàn mất rồi không? Mi về đám bác Toàn hả?”

“Không, con không biết bác Toàn chết, con về đây để thăm chú, nhưng chắc phải qua viếng tang gia”.

“Có con bác là anh Hoàng bên Mỹ về lo đám cho bác, chắc túi ni mới tới”.

“Nếu rứa thì mai con qua phúng điếu”. Hôm qua, trước khi đến Huế anh Tuấn nhẹ nhàng nhắc nhở tôi:

“Lần này về Huế, em nên hỏi chú cần thứ gì, đem chú đi phố mua sắm cho chú, dẫn chú đi ra tiệm ăn, chớ mấy lần trước anh thấy em chẳng làm gì cho chú cả”.

Tôi ậm ừ cho anh vui lòng nhưng hiểu rằng, anh nói thế vì anh không biết chú nhiều. Riêng tôi, tôi biết chú sẽ không bao giờ đi cùng tôi mua sắm và ăn uống như những người bình thường khác. Tôi và các em tôi chẳng phải là những người đã thay ba mạ để lo lắng cho chú mấy mươi năm qua hay sao. Chúng tôi là ngân hàng của chú, là những tên chú đem ra dùng như thẻ tín dụng tại các quán tạp hóa để lấy gạo, lấy mắm, lấy thuốc xịt muỗi…Trong mấy mươi năm, cái ngân hàng tại Mỹ Quốc của chú chẳng bao giờ để chú cạn tiền. Tuy nhiên tôi cũng mời chú đi ăn cho anh Tuấn vừa lòng.

“Không, tau mắc việc không đi được!”

“Rứa ngày mai chú có muốn qua nhà bác Toàn không, con cho xe tới rước đi”.

“Không, mi đi với anh Thu đi”.

Biết tánh chú, tôi không nài nỉ nữa.


Đò trên sông Hương

Tối hôm ấy, ngồi ăn bên bờ sông Hương với gia đình anh Thu, tôi tò mò hỏi anh:
“Có khi mô chú đi ra khỏi nhà không anh?”

“Có chơ, thỉnh thoảng chú đi ra chợ Cống mua sắm, khi nào trong họ có ai chết thì chú đi đưa đám một khúc rồi về.”

Thằng Bi cười ngắt nghẻo:

“Mỗi dịp đầu năm ôn đi cúng trong Tôn Nhân Phủ (3), ôn mặc áo dài the đen, quần trắng, đội khăn đóng, mang giày da và xịt nước hoa thơm phức. Ôn kêu một chiếc xích lô, trả thật nhiều tiền, bắt chở ôn đi chơi cả ngày, tới tối mới về. Mỗi năm một lần như rứa.”

“Nước hoa ôn mua hả?”

“Không, mạ cháu bán còn dư đem cho ôn dùng”.

“Ừ, ôn không tắm nên cần phải xịt nhiều nước hoa, rứa là ôn giống các người Pháp ở Paris đó”. Tôi trả lời cho Bi và mọi người cười khúc khích.

Tôi đưa mắt nhìn ra cầu Tràng Tiền, dạo này vì mục đích làm đẹp cố đô, thành phố được dọn dẹp khá sạch, các công viên cây cỏ xanh tươi, ban đêm mười hai nhịp cầu được bắt đèn màu, thay đổi màu sắc rất đẹp. Tôi hình dung chú tôi, một ông già rất Huế, thanh nhã và thượng lưu trong bộ áo dài the, quần lĩnh trắng, khăn đóng chững chạc bước dưới cửa Ngọ Môn, hoài vọng lại một thời hoàng kim xa tít. Tâm trí chú lúc ấy nghỉ gì, nhớ gì, tôi không thể nào tưởng tượng ra cả.


Hòa Nam trước chùa Diệu Đế

Tôi đi chơi với Hòa Nam, người con gái Huế tôi vừa gặp qua sự trung gian của cô tiếp tân trong khách sạn.

“Để em kêu bạn em, đến chở chị đi chụp ảnh, chiều hắn mới đi làm”.

Hòa Nam mặc áo dài hoa cà, chở tôi trên chiếc xe gắn máy của cô và hai đứa chạy qua Bao Vinh. Chiếc ba lô máy ảnh và chân ba càng treo trên lưng, tôi ôm hờ vòng eo bé nhỏ của cô cho khỏi ngã trong khi cô khéo léo chạy len lỏi trong đám xe gắn máy và xe đạp trên các con đường nhỏ hẹp. Qua phố Bao Vinh, tôi thất vọng vì các căn nhà cổ không còn nữa, rải rác một vài nhà còn sót nằm lạc lõng bên những căn phố tân trang. Qua khỏi cầu Bao Vinh, chúng tôi ngừng tại một cổng Tam Quan, tôi và Hòa Nam gửi xe rồi lội bùn vào bờ sông. Thấy không có cảnh đẹp, tôi băng qua đường vào chùa Ông. Một người đàn ông câm điếc trong chùa chạy ra múa may loạn xạ, ý muốn chúng tôi vào chùa lể Phật, nhưng tôi chỉ muốn vãng cảnh chùa bên ngoài và chụp vài tấm ảnh thôi nên anh ta giậm chân tỏ ý thất vọng lắm.


Cầu ngói Thanh Toàn

Rời chùa, tôi và Hòa Nam tìm thuyền qua sông. Nơi bến thuyền một nhóm phụ nữ đi buôn đang ngồi chờ thuyền chuyện trò vang rân, mi tau ỏm tỏi. Mấy đứa học trò cũng kiên nhẫn chờ và đem cả xe đạp theo. Giá qua sông chưa tới mười xu, thuyền rất bẩn vì chở đủ thứ kể cả đất cát. Hòa Nam chỉ cho tôi thấy con rắn nước đang ngoằn ngoèo bơi lội, tôi trèo lên thuyền một cách thận trọng, không muốn lọt xuống sông để bơi cùng con rắn ấy. Qua bên kia sông, chủ thuyền bảo tôi:

“Cô có muốn thuê chiếc thuyền kia đi chơi trên sông không? Hai mươi ngàn thôi”. Ông ta chỉ vào một cái thuyền khác, có mui và băng ghế.

Hai mươi ngàn đồng chỉ tương đương với 1.25 đô la Mỹ nên tôi đồng ý. Tôi và Hòa Nam đổi thuyền, thuyền bơi dọc ven hai bờ sông, tôi chụp ảnh thật là thỏa thích.

Rời Bao Vinh, tôi đi ven sông, chụp ảnh các đứa trẻ sống trên thuyền. Hòa Nam cho tôi biết là những đứa trẻ này thường rất nghèo, quanh năm suốt tháng sống trên thuyền và ít đứa được đi học. Thấy tôi cầm máy ảnh, bọn chúng vui vẻ leo lên mũi thuyền vẫy tay và làm điệu bộ. Có những bé gái nhỏ thật xinh xắn dễ thương nhảy theo tôi thoăn thoắt từ thuyền này qua thuyền khác. Mấy đứa bé nhỏ xíu mới chập chững biết đi, không theo chị được, ôm cửa khóc lóc inh ỏi làm các bà mẹ trong khoan tò mò, chui ra nhìn chúng tôi.

Tôi và Hòa Nam vô chùa Diệu Đế, một người đàn bà đứng tuổi nhìn Hòa Nam:

“Màu áo dài tím dễ thương lắm.” Nhìn lên khuôn mặt đơn sơ hiền lành của Hòa Nam bà tiếp lời..” rứa mới tỏ ra cái hạnh (4) của gái Huế.” Tôi mỉm cười nhìn bà cám ơn thay cho Hòa Nam vì biết cô đang mắc cỡ. Chao ôi, khó cho tôi thật, làm sao tôi diễn tả được cái hạnh của người con gái Huế trong tác phẩm mình? hay tôi chỉ tả được những khuôn mặt ngây thơ của lũ trẻ con nghèo đang sống hồn nhiên một cuộc đời sông nước.

Tôi và Hòa Nam đi ăn cơm trưa tại một quán ăn ven đường rất đông khách. Nơi đây Hòa Nam và các bạn cô thường ghé ăn trưa nên tôi không ngại ngùng chi mà cũng nhào vô cái bàn trống, kéo hai cái ghế nhựa xanh. Hòa Nam kêu cá thu kho lạt, rau muống xào, thịt heo, mắm tôm, dưa giá cho tôi ăn cơm. Cô dịu dàng lau muỗng đũa trong khi tôi chăm chú tò mò nhìn các món ăn dọn ra cho các thực khách khác, tôi nhìn những khuôn mặt Huế ấy như hy vọng tìm thấy hồn mình vương vấn đâu đây. Trên bàn, muỗng đũa để sẵn, khăn mặt thơm ngát, nước rót sẵn sàng. Tôi nhìn gương mặt Hòa Nam và chân thành bảo cô:

“Cô làm tôi ước mong có được cô con dâu Huế”.

Cái hạnh của con gái Huế là như vậy, phải không bà cụ Huế tôi thoáng gặp bên đường? Hôm nay đi chơi, dù chẳng quen biết chi tôi nhiều, thế mà Hòa Nam cứ dành trả các khoảng phí tổn lặt vặt bằng những tờ giấy bạc trong cái ví khiêm tốn của cô. Thấy vậy tôi bảo cô cứ trả hết mọi thứ rồi tôi sẽ gửi lại cô sau cuộc đi chơi. Tôi nhờ cô cho tiền những kẻ xin ăn tội nghiệp, các đứa trẻ vòi tiền ăn kẹo. Có bà cụ già ngồi đơn côi bên hiên đã vui vẻ cho tôi chụp ảnh. Mấy anh thợ mộc đang làm hòm thấy vui vui nên ngừng làm việc, họ nhao nhao trêu cụ:

“Mệ cười đi cho đẹp nghe mệ…, bữa ni mệ được làm tài tử điện ảnh …” Nụ cười mệ hiền lành, nhưng trên khuôn mặt nhăn nheo của mệ tôi thấy một nỗi u buồn phảng phất.

Hòa Nam đưa tôi vào thành nội để mua bánh su sê và bánh ít đen, mấy món tôi ưa thích, thấy cổng thành cổ kính, tôi nhờ cô ngưng lại cho tôi chụp ảnh các cô gái đi xe đạp trên đường phượng bay.

Tôi chụp ảnh Hòa Nam trước cổng thành xám đen rêu phủ, màu áo hoa cà tươi đẹp như một điểm thanh tú trên nền đá xám cổ xưa. Thì ra tôi đang mải mê đi tìm cái linh hồn cố đô mà cái hồn ấy đã và đang bao phủ tôi bằng bàn tay linh diệu, êm ái như những giọt mưa thu trên tầng tháp cổ, tươi mát như những lá phượng xanh đang cùng nhau rải lá trên mái tóc thề của Hòa Nam.

Trước khi về khách sạn tôi dúi vào tay Hòa Nam tờ giấy bạc để trả các phí tổn tôi đã nhờ cô gánh vác, bảo cô giữ cả tờ giấy bạc, cô nhìn tôi từ chối:
“Cô cho em nhiều quá không được, em chỉ muốn giúp chở cô đi chơi cho vui thôi!!!”

Tôi mỉm cười:

“Cô cứ giữ đi, sắm cho mình một món quà lâu nay cô từng ước mơ nhưng chưa có, cho cô món quà này cũng như tôi cho con gái tôi, có giữ lại tôi cũng tiêu đi mất”

“Vậy thì em cám ơn cô”.


Tối nay Thảo, cô em họ ở gần bên chú tôi, đóng cửa hàng, về sớm để đi ăn tối. Nửa bữa cơm, sau món cá trê đồng nướng ăn với dưa môn, Thảo nói:
“Chị đừng lo lắng quá cho Chú, tuy tâm trí chú như rứa mà thể chất chú còn rất khỏe mạnh. Khi chú bệnh, chú viết tên thuốc ra tờ giấy, biểu O Sa cầm tiền đi mua, chú cầm từng viên thuốc lên, đọc tên cẩn thận rồi mới uống, chú sợ người ta bỏ thuốc độc. Chú ăn cơm nhiều và khỏe, có cái là hay ăn các thứ tả pí lù, thứ chi cũng trộn đại vô với nhau rồi mới ăn…”

“À thì ra đó là cái món màu đen đen chú mời tôi ăn lúc chiều”

“Rứa chị có ăn không? Đau bụng chết!”

Tôi cười:

“Ai mà dám ăn!”

“Rứa chị thấy mấy chục chai thuốc xịt muỗi bên chái không?”

“Có, thuốc mô mà nhiều rứa?”

“Chú mua đó, chú xịt lung tung, hít vô phổi hoài mà sao thấy cũng mạnh khỏe. Hôm nọ chú bị cái mụt lớn trên lưng, không mặc áo được vì đau lắm, chú lấy thuốc xịt muỗi xịt vô, rứa mà lại lành”.

Thảo rùng mình:

“Thấy chú làm nhiều chuyện bắt dễ sợ”.

Tôi nhìn Thảo:

“Thế nhưng Thảo thấy chú có vui vẻ không?”

“Thì chú cũng vui vẻ bình thường, chú hay nhắc tới các anh chị lắm”.

Tôi nhìn bâng quơ ra dòng sông Hương tối đen, vài chiếc đèn hoa đăng còn dật dờ trôi trên mặt nước, nghe giọng mình rẩy run, vắng xa như từ miền nào vọng lại:

“Chú vui vẻ là được rồi”.


Hoàng Thành

Buổi sáng tôi đến chào chú ra đi, chú cầm cái áo len của mình ra đưa cho tôi:

“Mi cầm cái áo ni lên máy bay mặc cho ấm”

“Không, bên ni trời nóng lắm con không mặc áo len được”

“Cái ni là của tau cho mi, mi không lấy tau từ mi, lần sau không gặp mi nữa”. Đôi mắt chú ướt nhòe, tôi vội vã cầm cái áo trên tay.

Chợt chú đổi giọng, tươi tỉnh:

“Mi có biết Bill Clinton là cháu của chú không? Hắn không đem con Chelsea về thăm chú chi cả, mi về bên nớ, đem con Chelsea qua đây thăm tau”.

“Dạ được rồi, thôi con xin phép chú con đi, về bên nớ con phải đi làm thêm giờ phụ trội để lấy tiền mua vé máy bay cho con Chelsea, con nhỏ đó chỉ đi vé máy bay hạng nhất, con chưa có đủ tiền mua cho nó”.

Tôi nghiêng đầu hôn lên má chú, chú đưa tay ôm đầu tôi, không biết đang mê hay tỉnh, chú thầm thì:

“Mi cẩn thận hỉ, coi chừng hắn (?) cắt cái đầu của mi là coi như vĩnh biệt hỉ???

Lời nói chú đem một luồn hơi lạnh chạy dọc theo xương sống tôi. Chú đang ở thời điểm nào? 1945,1954, 1968 hay1975? Tôi bổng nhận ra rằng chú là một tàn tích của cuộc chiến triền miên trong quá khứ. Những mảnh sầu đau còn hiện diện đâu đó bổng trồi ra và hoành hành tâm não chú. Tôi chợt nhớ lời con Ly:

“Ôn đưa cho con coi cục đá, noái là ôn lượm được cái trứng con rồng, ôn noái là cái đầu con rồng sắp sửa chui ra…”

Con rồng đâu chẳng thấy, tôi chỉ những cái đầu rắn chứa đầy nọc độc, ẩn nấp đâu đó trong tâm não chú, cứ ngoi cái đầu ra mà hành hạ chú hoài.

Ra khỏi ngõ, tôi ghé lại nhà O Sa, đưa lại O cái áo len, nhờ O len lén trả lại cho chú. O nhìn tôi:

“Chị đừng lo, ôn còn mạnh, em coi chừng ôn cho chị”.

Tôi nghẹn ngào quay đi, bụi trúc đầu hè đang lung linh bóng nắng, con sông An Cựu bình lặng trôi, các con thuyền nhẹ nhàng lướt theo dòng. Đám lục bình hoa tím nhạt bồng bềnh trên sông. Đời chú tôi cũng trước sau như một. Chú yên bình nơi đây với bà con lối xóm hơn tám mươi năm, như cục đất, như cây mai vàng, như bức bình phong, như cái nhà rường sắp sập theo dấu thời gian.

“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Thay đổi làm sao được! Thôi, tôi cũng để “cho dòng đời ấy, cuốn người theo…” (5)
Chú thích:

(1) Người bị bệnh tâm thần nhưng có nhiều khả năng về nhạc, ngôn ngữ, trí nhớ ..ví dụ như anh Raymond trong phim Rain Man.

(2) Cây gậy

(3) Nhà thờ của các Tôn Thất, dòng họ Nguyễn Phước trong Đại Nội.

(4) Công, Dung, Ngôn, Hạnh

(5) Nhạc Vũ Thành An