Nhật kỳ vào thi của mỗi trường do triều đình ấn định từ trước, cách nhau bao nhiêu ngày tùy ở số học trò đông hay thưa. Mục đích là để các khảo quan có đủ thì giờ chấm quyển và yết bảng đúng hạn kỳ.

I – NHẬT KỲ

Trung bình mỗi khoa thi Hương gồm bốn kỳ thi, cũng gọi là bốn trường. Thí dụ :

Kỳ / Trường 1 : thi Kinh nghĩa ;

Kỳ / Trường 2 : thi thơ phú ;

Kỳ / Trường 3 : thi văn sách ;

Kỳ / Trường 4, còn gọi là Phúc hạch (khảo sát lại) : đề mục thay đổi tùy thời.

Thứ tự các kỳ không nhất thiết phải theo như trên. Năm Hương Hội Thịnh khoa 1779, bắt đầu bằng kỳ thi văn sách để lọc sĩ tử ngay từ đầu cho nhanh (1).

A – Thời nhà Lê

Nhật kỳ của mỗi trường thay đổi tùy sĩ số và tùy thời. Thí dụ, theo Khoa Mục Chí :

– Năm 1483, định rõ ngày thi như sau :

Các trường Kinh-bắc, Sơn-nam, Tam-giang, Hải-dương :

Kỳ 1 : 8 tháng 8

Kỳ 2 : 18 tháng 8

Kỳ 3 : 25 tháng 8

Kỳ 4 : 1 tháng 9

Yết bảng : 7 tháng 9.

Các trường Thanh-hoa, Nghệ-an :

Kỳ 1 : 8 tháng 8

Kỳ 2 : 15 tháng 8

Kỳ 3 : 22 tháng 8

Kỳ 4 : 26 tháng 8

Yết bảng : 1 tháng 9.

Các trường Yên-quảng, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Lạng-sơn, Thái-nguyên, phủ Phụng-thiên :

Kỳ 1 : 8 tháng 8

Kỳ 2 : 13 tháng 8

Kỳ 3 : 18 tháng 8

Kỳ 4 : 26 tháng 8

Yết bảng : 1 tháng 9.

– Năm 1678 Ban hành điều lệ ngày thi Hương :

Các xứ Thanh-hoa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương đều phải theo đúng nhật kỳ :

Trường 1 8 tháng 8

Trường 2 18 tháng 8

Trường 3 24 tháng 8

Trường 4 28 tháng 8

Còn phủ Phụng-thiên, các xứ Thái-nguyên, Hưng-hóa, Lạng-sơn, Yên-quảng, Thuận-hóa thì từ trường nhất trở đi không bắt buộc theo nhật kỳ ấy.

Lưu bản nháp tự động
Sĩ tử nhập trường Hà Nam – Khoa Nhâm Tý (1912)
(Khoa này bão lụt to, có người chết cóng trong trường thi, tay còn nắm chặt quản bút)

B – Thời nhà Nguyễn

– Lệ năm 1834 :

Các trường Thừa-thiên (sĩ tử từ Quảng-bình vào Phú-yên), Gia-định (từ Khánh-hòa vào Nam), Nghệ-tĩnh :

Nhập trường vào những ngày : mồng 1, mồng 6, 12 tháng 7

Yết bảng ngày 23 tháng 7.

Các trường Thanh-hoa (Thanh-hoa, Ninh-bình), Hà-nội (Hà-nội, Sơn-tây, Bắc-ninh, Tuyên-quang, Hưng-hóa, Thái-nguyên, Lạng-sơn, Cao-bằng), Nam-định (Nam-định, Hưng-yên, Hải-dương, Quảng-yên) :

Nhập trường : ngày mồng 1, mồng 6, 12 tháng 9

Yết bảng ngày 23 tháng 9.

– Năm 1891 Sang thời Pháp thuộc, khoa này Toàn quyền de Lanessan và Kinh lược Hoàng Cao Khải chủ tọa lễ khai mạc trường Nam-định với sự hiện diện của Tổng đốc Nam-định Ðào Trọng Kỳ và Công sứ Rodier. Sĩ tử hai trường Hà-nội, Nam-định hợp thí tại trường Nam-định, lại thêm có tin sẽ cải cách Khoa cử, phải thi chữ quốc ngữ và chữ Pháp nên nhiều người thi vớt những khoa cuối chữ Hán, sĩ số tăng lên tới 10 000 người, thời gian chấm thi phải kéo dài, mỗi kỳ cách nhau khá xa :

Trường 1 2/11/1891 (âm lịch 1 tháng 10 Tân Mão)

Trường 2 19/11

Trường 3 29/11

Phúc hạch 6/12

Bế mạc 16/12 với sự chủ tọa của Thống sứ Bắc kỳ Chavassieu và Kinh Lược Hoàng Cao Khải.

Ngày 18/12 Toàn quyền tiếp các Tân khoa tại phủ Toàn quyền ở Hà-nội (2).

– Năm 1894 sĩ số lên tới 11 000 người, thời gian chấm thi càng lâu hơn :

Kỳ 1 : 25/10/1894

Kỳ 2 : 15/11/1894

Kỳ 3 : 25/11/1894

Kỳ 4 : 2/12/1984

Xướng danh ngày mồng 8 /12/1894 (3).

Khoa này nho sĩ Trần Tế Xương đỗ Tú-tài đội bảng.

– 1909 Khoa cải cách đầu tiên do Thống sứ Bắc kỳ Simoni và Kinh lược Hoàng Cao Khải chủ tọa với sự hiện diện của Tổng đốc Ðỗ văn Tâm, Giám đốc nha Học chính Bắc kỳ Péralle vv. Nhật kỳ trường Nam-định rút ngắn lại bởi sĩ số chỉ còn 3068, nhiều người bỏ thi vì không thích học chữ quốc ngữ, cho là vọng ngoại :

Khai mạc 6/11/1909

Trường 1 13/11

Trường 2 25/11

Trường 3 2/12

Tình nguyện thi chữ Pháp 8/12

Phúc hạch 11/12

Xướng danh 16/11 với sự chủ tọa của Toàn quyền Klobukowski (4).

– 1912 Khoa này do Thống sứ Bắc kỳ Charles và phu nhân cùng Kinh lược Hoàng Cao Khải và Tổng đốc Nam-định Nguyễn Ðình Quang chủ tọa. Sĩ số là 1398 người.

Khai mạc 2/11/1912

Trường 1 9/11/1912 (1 tháng 10 Nhâm Tý)

Trường 2 19/11

Trường 3 25/11

Phúc hạch 29/11

Bế mạc 3/12 (25 tháng 10 âm lịch)

Khoa này kỳ 1 mưa to và lạnh đến nỗi có mấy người chết cóng trong trường thi.

– 1915 Khoa cuối ở miền Bắc, sĩ số là 1886 người.

Trường 1 30/11/1915 (24 tháng 10 Ất Mão)

Trường 2 7/12

Trường 3 13/12

Trường 4 18/12 thi chữ Pháp

Phúc hạch 18/12

Bế mạc 27/12 (21 tháng 11 âm lịch) (5).

II – LỀ ÐIỂM DANH

Lễ Ðiểm danh là lễ gọi tên học trò vào trường thi.

Thời Nguyễn, trước ngày thi độ 6, 7 hôm quan Ðốc học chuyển quyển thi của học trò đến trường thi. Sau lễ Tiến trường, ông Ðề tuyển Ngoại trường sai lại phòng biên tên học trò vào sổ, đóng dấu tên Thí trường, dấu Diện, lên mặt quyển thi, ông Ðề tuyển Nội trường phụ trách việc đóng dấu Giáp phùng lên giữa trang 2 và trang 3 (hai con dấu này để ở bộ Lễ, tới khoa thi chủ khảo lĩnh đem đi). Xong mới rọc phách, chia học trò ra bốn vi bằng cách chép tên học trò lên giấy trộn đều (cũng có chỗ chép là trộn quyển lẫn lộn) rồi chia ra bốn phần, chia xong dán tên lên bảng cửa tức bảng yết danh để yết trước cổng mỗi vi cho học trò biết ai vào vi nào. Quyển thì đóng hòm riêng, giao cho Ngoại trường để lúc Ðiểm danh phát cho học trò đem vào trường làm bài.

Trước một ngày, từ sáng sớm treo bảng yết danh và bảng Trường quy ở trước cửa mỗi vi.

Ngày thi, từ khoảng nửa đêm, sau 3 hồi trống báo hiệu, các ông Ngự sử Giám sát lên chòi canh, các Khảo quan mặc triều phục lên ghế tréo trước cổng mỗi vi để chứng kiến lễ Ðiểm danh. Ông Chủ khảo ngồi cửa vi Giáp, ông Phó Chủ kháo ngồi cửa vi Ất, hai vi Tả Hữu do các ông Phân khảo và Giám khảo chia nhau ngồi.

Trước cửa mỗi vi có hai cây đình liệu cháy ngùn ngụt chiếu sáng như ban ngày. Trên bục cao, một người lại phòng cầm quyển sổ ghi danh sách học trò, đọc tên theo thứ tự cho người lính đứng bên bắc loa gọi to lên để những người ở xa cũng nghe rõ tên mình mà tiến vào trường. Nếu gọi mấy lần mà không ai thưa thì đặt quyển xuống, gọi tên người kế tiếp, gọi xong hết mọi người mới gọi trở lại những người không trình diện lần gọi đầu. Sĩ tử nghe gọi tên mình phải “Dạ” thật to rồi mang lều chiếu tiến vào cổng trường.

Học trò tiến đến cổng trường liền có lính canh khám xét kỹ, thấy không mang sách có chữ hoặc bài làm sẵn thì mới phát quyển cho vào trường tìm chỗ cắm lều.

Khoa Cử Việt Nam – Thi Hương – Phần 3: Chương 1 – Nhật kỳ - Lễ Ðiểm danh Trích
Một chiếc lều của Thí sinh
Trường Hà Nam – Khoa Nhâm Tý (1912)
Khung lều làm bằng tre vót nhẵn, uốn cong, cắm xuống đất. Áo lều bằng lá tơi chằm hoặc là một tấm bìa lớn phất cậy. Khung và áo cuốn thành một bó mang đi cho tiện. Cũng có khi lếu chỉ gồm một cái chõng có bánh xe kéo đi, khung cắm vào nhữ ng con cá bám hai bên thành chõng.

Lễ Ðiểm danh gọi từ nửa đêm đến tảng sáng mới xong. Học trò vào trường rồi, cổng trường khóa lại, có lính canh gác. Ngoài trường, Lãnh binh dẫn quân Hộ thành nai nịt gươm giáo, cưỡi ngựa tuần tiễu rầm rập chung quanh trường.

A – Luật lệ thời nhà Lê :

– Luật Hồng-đức định rằng hễ mang giấu sách vào trường xử phạt 60 trượng, trọn đời không được thi.

– Từ năm 1499 đến 1501, các quan Thí viện (Chánh, Phó Chủ khảo) phải khám xét trong trường không có dấu vết chôn sách, phải tự kiểm soát kỹ ở ngoài cổng trường, nếu học trò mang sách có chữ vào trường thì bị sung quân bản phủ 3 năm và trọn đời không được đi thi nữa.

Xã trưởng phải đến cổng trường nhận diện thấy đúng mới cho vào trường. Nếu biết là gian mà dung tình thì phải tội sung quân bằng ba ở bản phủ.

Các Giám sinh, Sinh đồ, có tang cha mẹ về quê cư tang thì phải đến nha môn bản phủ trình diện, khai tên. Nếu vắng mặt sẽ bị tội sung quân bản phủ. Nếu đi thi thay người khác, bị phát giác, sẽ phải tội đồ, suốt đời không được đi thi.

– Thời Trung Hưng, năm 1664 định lệ sĩ nhân vào trường thi khám xét 3 lần, cấm không được mặc áo kép e giấu văn bài làm sẵn vào giữa hai lần áo (6).

– Luật lệ thời nhà Nguyễn

– Năm 1807, định lệ lý trưởng phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Học trò vào trường không được mang theo sách vở, không được rời khỏi lều đi hỏi chữ hay thay đổi thẻ ghi tên. Mượn người làm bài hay làm bài thay cho người thì bị xử tội sung quân.

– Lệ năm 1825 định rằng các lại phòng phải chép tên học trò lên một mảnh giấy nhỏ, trộn đều rồi chia làm 4 phần cho 4 vi. Dán giấy có tên học trò lên bảng yết danh để học trò xem trước, biết mình phải vào vi nào mà đứng chực sẵn trước cửa vi ấy hôm Ðiểm danh. Những người cùng một nhà không được xếp cho ngồi cùng một vi. Ðến kỳ đệ nhị lại đổi (7). Tuy nhiên, lệ này không được áp dụng triệt để nên năm 1843 lại có lệnh trong trường hợp quan trường phê đỗ nếu có anh em ruột, anh em thúc bá, cha con hay chú cháu cùng vào một vi mà văn lý giống nhau đều phải nói rõ, không được vì hiềm nghi mà tự tiện đánh hỏng.

– Năm 1831 định lại : lệ trước mang sách có chữ vào trường chỉ phạt nhẹ rồi đuổi ra không cho thi. Bộ Lễ xin từ nay hễ mang sách có chữ vào trường, chép văn cũ hoặc ghi nghĩa sách thì xử tội gông một tháng, ngày mãn hạn đánh 100 trượng rồi tha. Nếu là người đã đỗ Tú-tài thì xóa tên trong sổ, vĩnh viễn không được thi, không được làm việc ở nha môn. Nếu khám thấy ở lều, hòm, tráp, khăn gói, có lẫn giấy có chữ xét ra không phải giấy chép nghĩa sách hay văn bài thì lập tức đánh 40 roi rồi cho vào trường làm văn. Biền binh nào bắt được thì thưởng ba lạng bạc (8).

CHÚ THÍCH

1 – N.T. Luật, Bốn con yêu…, tr. 119.

2 – Làng Hành-thiện…, tr. 230-2 – Trần văn Thảo, L’Ecole française en Indochine, tr. 25.

3 – N. Tuân, Chuyện Nghề, tr. 184.

Ð.H. Thụ, Làng Hành-thiện…, tr. 234-5, chép khoa này khai mạc ngày 29/10/1894, so với chi tiết của Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề, có chỗ không ổn vì Trường 1 đã vào từ ngày 25/10/1894, tức là 4 ngày trước lễ khai mạc.

4 – Concours triennal du Tonkin pour 1909.

5 – Làng Hành-thiện, khoa 1912, tr. 255-6 ; khoa 1915, tr. 259-60.

Kỳ 4 và Phúc hạch khoa 1915 cùng một ngày 18/12, không biết có nhầm không ?

6 – Khoa Mục Chí, tr. 29.

7 – Thực Lục, VI I, tr. 203-5.

8 – Thực Lục, X, tr. 293.

Theo Lê Thước (Ông Già Bến Ngự, 152) thì khoa 1897, Phan Bội Châu bị bọn lính canh thù oán, nhét giấy có chữ vào trong lều để vu oan nên can án “Hoài hiệp văn tự, chung thân bất đắc ứng thí “,

sau phải vào Huế xin xóa án, vì thế Phan Bội Châu mới được thi lại năm 1900 và đỗ thủ khoa trường Nghệ.

LỄ ÐIỂM DANH

“Khoảng đầu canh ba, tiếng ồn ào bắt đầu nổi ở nẻo xa xa. Rồi nó dần dần gần lại. Rồi nó dần dần rõ thêm. Rồi nó dần dần đưa đến những đám đèn đuốc lập loè như đám ma chơi. Học trò các nơi tấp nập kéo đến cửa trường.

Gió bấc thổi càng dữ.

Những cây đình liệu cháy càng nỏ.

Trên miếng đất giá lạnh của trời Ðông, bóng người chật như đám hội. Có người tóc đã bạc phơ. Cũng có người hồng mao còn ngất ngưởng trong vành khăn nhiễu. Có người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc so sới trong mảnh áo đơn. Cũng có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sù, hai hàm răng còn run cầm cập. Có người hai vai nặng trĩu, khuỷu tay còn đủ sức thích bên kia, gạt bên nọ, len từ ngoài vào trong cùng. Cũng có người cất cổ không lên, lều chiếu đều bị lôi sềnh sệch ở mặt đất. Vênh cái mặt dương dương tự đắc, đó là người mới thi lần đầu. Vẻ lo ngại hiện đầy trên bộ trán nhăn nheo, ấy là kẻ lảo đảo trường ốc.

Còn nữa. Và còn nhiều nữa. Tả không thể hết.

Ðêm càng khuya, học trò kéo ra càng nhiều. Ai vào vi nào lật đật tìm đến cửa vi ấy. Dưới hàng vạn nón chóp lố nhố đứng ở bốn cửa, hàng vạn con người cùng một lối trang sức như nhau : sườn này, cái chõng tre và bộ gọng lều ; sườn kia thì bộ áo tơi và cuộn áo lều hoặc một đôi chiếu cói ; trên ngực, quả bầu be và chiếc ống quyển ; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp son. Bấy nhiêu đồ vật, nặng có, nhẹ có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thẩy xúm lại và đu cả lên cái cổ yếu ớt của các ông thư sinh. Hình như trời cũng bắt tội nhà nho, trước khi bước lên đường công danh, đều phải tập làm việc của bọn phu trạo.

Kẻ chen vào, người đẩy ra, kẻ đu đi, người ấn lại, dưới ánh lửa sáng, đám người dồn dập bị xô đẩy cồn cộn như lớp sóng nước triều. Tiếng gọi nhau, tiếng hỏi nhau, tiếng chào nhau, tiếng mắng nhau, tiếng cãi nhau, tiếng rầm rầm nói chuyện với nhau. Các thứ tiếng ấy hợp lại làm cho bốn khu cửa trường ầm ầm như bốn cái chợ.

(…)

Thình lình trong nhà Thập đạo, kiểng đồng gióng với trống khẩu, dõng dạc đánh luôn ba hồi. Các bóng đèn lồng nhất tề lay động. Các áo thụng lam, các mũ cánh chuồn đồng thời rộn rịp như sân khấu rạp tuồng. Sau khi bốn ông Ngự sử đã đem chức trách đàn hặc lên bốn chòi canh, các ông Khảo quan tức thì cắt nhau mỗi người đi mỗi ngả. Cũng như mọi khoa, hai ông Phân khảo phải coi hai cửa Tả Hữu, ông Phó Chủ khảo được theo chiếc biển “Phụng Chỉ ” ra cửa vi Ất. Còn cửa vi Giáp thuộc quyền ông Chánh Chủ khảo và lá cờ “Khâm Sai ” của nhà vua ban.

Dứt mấy tiếng yết hậu của trống khẩu và kiểng đồng, hai hàng đèn lồng bắt đầu ở nhà Thập đạo từ từ tiến ra. Rồi đến một đôi lọng vàng cung kính rước lá cờ “Khâm Sai ” đi trước. Rồi đến ông Chánh Chủ khảo và bốn chiếc lọng xanh khúm núm theo sau.

(…)

Ðám rước ra đến cửa vi, người lính cầm cờ “Khâm Sai ” lễ phép leo lên chiếc ghế tréo và cắm cán cờ vào cái lỗ thủng sau ghế. Quan Chánh Chủ khảo tạm giữ cây hốt bằng tay trái để lấy tay phải vịn vào chân chiếc ghế tréo. Rón rén bước qua các bực và trèo lên ghế, ngài sẽ vén cái vạt sau của tấm phẩm phục rồi ngồi vào giữa mặt ghế. Cây hốt lại được trở lại phía trước mặt ngài với sự nâng niu của hai bàn tay súng sính trong đôi tay áo rộng như cái cống. Cả sáu chiếc lọng lần lượt nhô lên trên ghế. Những cái xanh che ông quan Chủ khảo. Còn những cái vàng che lá cờ “Khâm Sai “.

Khoa Cử Việt Nam – Thi Hương – Phần 3: Chương 1 – Nhật kỳ - Lễ Ðiểm danh Trích
Báo oán giả, tiên nhập !
Báo ân giả, thứ nhập !
Sĩ tử, thứ thứ nhập !
(= Những hồn muốn báo oán nhập trường trước tiên !
Những hồn muốn báo ân vào thứ nhì !
Sĩ tử nhập trường sau cùng !)

Tiếng ồn ào ở khu cửa trường tự nhiên im bặt. Mấy nghìn con mắt đều đổ dồn vào viên đại thần đứng đầu Khảo quan.

Thình lình ở trên lưng trời có tiếng ấm oé :

Báo oán giả tiên nhập ! Báo ân giả thứ nhập ! Sĩ tử thứ thứ nhập ! ”

Hồi loa dữ dội như muốn phá tan cái bầu tịch mịch, làm cho mọi người đều phải ngơ ngác. Dứt tiếng gầm hét, người lính đứng cạnh ghế tréo của ông Chủ khảo, theo miệng một người lại phòng cũng đứng chỗ đó với một cuốn sổ trong tay chìa loa gọi tên một người học trò.

Một tiếng dạ bựt lên trong đám đông.

Một chàng thiếu niên, với dáng bộ liều chết, cố lách được qua “vòng vây” để đệ các đồ kềnh càng đến khu đất trước ghế tréo của quan Chủ khảo.

Toán lính Thể sát bắt đầu làm việc.

Họ giở bó áo tơi và cuốn áo lều. Họ nhòm những cái “cái chõng”, chân chõng. Họ ghé vào ống đựng quyển và quả bầu be đựng nước. Họ lần dải lưng và vuốt các gấu áo, gấu quần của chàng thiếu niên. Họ cởi tung cả bộ gọng lều. Rồi họ lục soát đến cái tráp sơn của chàng ấy đeo ở trước rốn.

Ngoài một hộp mực, vài cái bút, vài cây sáp, một cái dùi với một tập giấy bản và mấy cái bánh giầy, mấy cái bánh giò, một nắm cơm, vài miếng chả trâu, vài miếng thịt rang, trong tráp không có vật gì khả nghi.

Chàng thiếu niên được phép lĩnh quyển đeo ở trước ngực, rồi tung tăng đi vào trong trường với các đồ đạc xúc xích bám quanh vai, quanh cổ.

Ðến lượt người khác tiến vào.

Khám trong lều chõng của người này cũng không thấy thứ gì gian lận, nhưng trong cái yên lại có một chiếc dầm đào cỏ. Bọn lính Thể sát ngạc nhiên và hỏi :

“Sao lại đem cái này vào trường ?”

Người ấy khẽ đáp :

“Thưa cậu, tôi mắc bệnh đi kiết !”

Bọn lính không hiểu lại hỏi :

“Ði kiết thì dùng cái đó làm gì ?”

Người ấy ngập ngừng :

“Thưa cậu, để khi làm văn, lỡ ra bị mót đại tiện thì đào nền lều mà tương nó xuống, rồi lại vùi đi. Chứ làm thế nào ? Trong trường chỗ nào cũng có lều của học trò, “đi” vào đâu được ?”

Bọn lính Thể sát hiểu công dụng của cái dầm, họ liền cho phép người ấy vào trường sau khi hắn đã nhận quyển thi bỏ vào ống quyển.

Người lính cầm loa lại bắc loa gọi :

(…)

Bọn lính Thể sát lại xúm lại lục đồ đạc.

Các vật cần dùng của người này không khác của mấy người trước. Riêng có thứ đồ đựng nước không phải là quả bầu be mà là một cái lọ sành rộng miệng. Ngạc nhiên, một người trong bọn liền thò cái que khoắng vào trong lọ, tức thì ở dưới trôn lọ có vật tròn tròn bềnh lên mặt nước. Cái gì thế nhỉ ? Người lính đó nghiêng cái miệng lọ và móc lấy vật ấy ra. Té ra một mớ giấy bản viết chữ nhỏ như con kiến, người ta vo lại và trát sáp ong ở ngoài cho khỏi thấm nước.

Của phi pháp liền bị tịch thu. Và cái tội “mang sách vào trường” liền tống ông học trò ấy ra khỏi cuộc thi cử.

Ngô Tất tố, Lều Chõng

BÁO OÁN

Ông Ðầu Xứ Anh (1) bụng buồn lắm mà không dám nói ra.

Ba năm trước, cũng ngày lễ tiến trường năm Mão, cảnh trời đất cũng âm thầm gần bằng ngày nay. Quan Chánh Chủ khảo khoa ấy, theo tục lệ quen của mỗi khoa thi, cũng cúng tam sinh khấn mời những oan hồn nên nhập vào trường trước hết để mà báo oán trả thù. Rồi ông Ðầu Xứ vào trường, rồi oan hồn hiện lên ngay ở kỳ đệ nhất. Một người đàn bà trẻ, sõa tóc, ẵm con, hiện ngay lên dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu gào giữ dịt lấy tay không cho viết. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ tóc sõa quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên và cười sằng sặc, lấy nghiên mực đổ vào quyển của ông. Lần ấy ông xin cánh quyển đến hai ba thứ. Vẫn người đàn bà quấy nhiễu không tha, để quyển ông cứ tỳ ố mãi. Lúc gần chiều, ông nổi một cơn đau bụng hoắc loạn, phải bỏ dở kỳ thi, nhờ người dìu về nhà trọ. Thế là ông bay ngay kỳ kinh nghĩa. Một người Ðầu Xứ hay chữ và được Quan Ðốc khen ngợi luôn mà hỏng ngay nhất trường thì có thảm thương không ? Cũng may mà còn có người lấy được cái bản thảo giáp bài của ông đem về, ông còn giữ được đến giờ, nếu không thì nhục cho gia giáo biết là chừng nào ! Ông cụ thân sinh ra ông, cụ Huấn, là người nổi tiếng một vùng, xem lại bản giáp, đưa cho các bạn đọc, ai cũng lấy làm tiếc. Hơi văn đi mạnh như thế, có vào đến kỳ Hội thí cũng cứ lọt, mọi người đều chặc lưỡi tiếc rẻ. Cái người bạn cùng một vi với ông, sau khi đem trả ông cái bản giáp đó, đã tìm đến phòng trọ đưa tạ ông ba chục quan tiền kẽm :

“Ðại huynh lúc không may lâm bệnh rời bãi trường, phải bỏ lại trên cỏ bản giáp bài kinh nghĩa. Là một người tự biết mình bất tài, tiểu đệ đã mạn phép hiền huynh điền vào quyển của đệ những lời gấm hoa, đanh thép bị bỏ phí kia. Nay được vào kỳ đệ nhị, gọi là có món quà mọn gửi lại, xin đại huynh nhận cho”.

Biết là có oan hồn hiện lên cố phá không cho mình mở mặt với thiên hạ, ông để tâm tra xét chuyện nhà. Thì ra, lúc sinh thời, cụ Huấn đẻ ra ông đã phạm vào một việc thất đức. Lúc sinh thời cụ Huấn, cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một người nàng hầu tài tình, nổi tiếng một thời. Người thiếp đó, lúc tự ải, đã có mang được sáu, bẩy tháng. Cái âm oán ấy còn theo đuổi ông mãi, nếu ông cứ còn lều chiếu ở cửa trường thi. Ðấy là lời người thiếp đó lúc ốp vào con đồng khi phụ lên. Nàng xưng là “cô” và gọi ông Ðầu Xứ Anh là “nó”, cười sằng sặc và giọng nói the thé :”Nó còn đi thi, cô còn báo mãi. Các người hỏi cô muốn những gì ấy à ? Cô muốn, cô muốn nó phạm húy cho nó bị tội cả nhà kia !”

(…) Cái bản giáp bài viết xong đã lâu rồi mà quái lạ, hễ cứ động đặt ngòi bút lên mặt quyển là ông Ðầu Xứ Em lại thấy đau bụng, đau quằn quại tựa chứng hoắc loạn, cứ như giùi vào từng miếng tì vị. Ông cựa quậy nhiều lắm, vừa ôm bụng, vừa giữ ống quyển. Cái chõng tre đặt trên bãi cỏ ngập, lún xuống dần dần. Giữa hai cơn đau bụng, những lúc trời ngớt mưa, từ khu nhà Thập đạo, vẳng lên những tiếng kêu nài :”Lạy các quan, còn chỉ có một khoa thi này, xin các quan thương cho anh em được đổi quyển. Trời mưa ướt lắm, anh em có muốn như thế làm gì…”

Thấy ở một vài lều chung quanh có khói lửa và tàn vàng bay ra, ông Ðầu Xứ Em sực nhớ đến thếp vàng cất trong tráp, bèn lấy ra gỡ từng tờ một, xếp ngay ở đầu mép chõng, một tay chận cơn đau nơi bụng dưới, một tay châm mồi lửa bùi-nhùi. Gió thổi vào đống vàng hóa bùng bùng, lửa kêu vù vù và trong tiếng ngọn lửa reo, lại có tiếng người nói cười lanh lảnh. Khói bốc lên tỏa xuống soai soải.

(…) Những vờn khói nhẹ đã đổ xuống nhanh đổi mầu rất mau chóng. Trước mắt ông Ðầu Xứ Em mê mệt và hoảng hốt, những vờn khói -thoảng mùi gây gây, khét và tanh lợm- bỗng sẫm hẳn lại thành một mớ tóc sõa và mớ tóc u hiển không chờ đợi ấy đóng khung lấy một khuôn mặt người. Lửa vàng gần lụn, vụt bùng lên và tiếng cười lanh lảnh trở nên the thé, rồi nấc lên mãi. Trời đất tối sầm xuống. Ông Ðầu Xứ Em cảm thấy bãi trường lạnh lẽo. Trường thi âm u và không quạnh. Gió thổi bay quyển thi xuống làn cỏ dầm nước. Ông Ðầu Xứ Em gắng nhoài người ra, muốn vớ lấy quyển bị gió thổi bốc khỏi mặt tráp. Nhưng ông hụt tay, chỉ đủ giữ mình khỏi ngã. Cơn đau bụng nổi lên dữ dội hơn hết những giờ phút vừa qua. Ông gục xuống tráp, thiếp dần.

… Ông tỉnh giấc, thấy trong người nhẹ hẳn, tưởng chừng như cơn đau dữ dội ban nẫy chỉ là một cơn ác mộng. Ông bỡ ngỡ, mất hết cả ý thức về thời gian và không gian. Ông ngơ ngác trước hoàng hôn. Từ một chòi nào, người ta đã điểm mau hồi trống ngoại hạn.

Ông Ðầu Xứ Anh ra đón ở cửa trường. Bỏ lại cả lều và chõng, cầm chỉ vỏn vẹn có một bản giáp, ông Ðầu Xứ Em đã rời bước trong một giấc mơ. Hai anh em gập nhau, lẳng lặng không nói một câu nào suốt từ cửa trường về đến nhà trọ.

Bữa cơm ấy, tại nhà trọ bà Phùng có một người hỏng thi đã uống hết ba bình rượu cúc… vào một đêm dài nhất trong một đời người.

Nguyễn Tuân, “Báo oán”, Vang Bóng Một Thời

1 – Ðầu Xứ là người thi Hạch đỗ đầu.