Đường Catinet/TựDo/Đồng Khởi dài chưa đầy một km nhưng có nhiều cửa hàng, khách sạn sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn suốt 3 thế kỷ qua.

Đường Catinat – Tự Do – Đồng Khởi dài 630m, vốn có từ thời Nguyễn, là đường dành riêng cho vua đi thẳng từ thành Gia Định ra sông Sài Gòn. Sau này, người Pháp đã quy hoạch thành một trong những con đường chính của thành phố và được đặt tên là đường số 16.

Năm 1865, Đề đốc De La Grandière đổi đường 16 thành tên Catinat – tên một vị thống chế người Pháp ở thế kỷ 17, cũng là tên chiến thuyền đánh vào Đà Nẵng năm 1858 và Sài Gòn năm 1959.

Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên đường thành Tự Do. Sau năm 1975, con đường lại một lần nữa đổi tên thành Đồng Khởi.

Catinat được người Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa, tập trung nhiều các cơ quan quan trọng của chính quyền. Bức ảnh chụp năm 1900, ở đầu đường gần nhà thờ Đức Bà là hai tòa nhà cổ kính.

Căn nhà bên trái xây dựng năm 1881, từng là Sở thuế, Kho bạc. Năm 1917 là trụ sở của Sở Mật thám Nam Kỳ, nơi bắt giữ những người yêu nước. Người dân thường gọi cơ quan này là “bót Catinat” (nhạc sĩ Phạm Duy có thời giam bị giam trong bót này hồi thập niên 1940). Từ năm 1955 – 1975 là trụ sở Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại tòa nhà này là Sở Văn hóa Thể thao.

Tòa nhà bên trái là nhà ở công vụ của Sở Thuế, sau năm 1955 lần lượt là trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Xã hội của chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, chuyển thành Sở Lao động – Thương binh xã hội cho đến năm 1998 thì bị phá bỏ để xây dựng cao ốc.

Tính từ khu vực Nhà hát thành phố, nếu đầu đường Catinat chủ yếu là các cơ quan công quyền thì ở giữa đường hầu hết là khách sạn, cửa hàng, tụ điểm giải trí… sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn từ thế kỷ 19 đến nay.

Continental – khách sạn đầu tiên ở Sài Gòn hoàn thành năm 1880 – là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp đến công tác xứ thuộc địa. Từ năm 1955 nhiều nhà văn, nhà báo, chính khách nghỉ ở khách sạn để thảo luận, tình báo… về chiến tranh Việt Nam. Sau năm 1975, khách sạn đổi tên thành Hải Âu cho đến năm 1990 thì trở lại tên cũ.

Nhà hát lớn thành phố hoàn thành năm 1900, để phục vụ nhu cầu giải trí của sĩ quan, chính khách. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nơi đây được chuyển công năng thành trụ sở Quốc hội, cho đến năm 1975 mới được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật.

Bên hông nhà hát là khách sạn ba tầng được xây dựng khoảng năm 1881. Tầng trệt là quán Grand cafe de la Terrace, một trong những quán cà phê đầu tiên và nổi tiếng của Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19. Đến năm 1956, tòa nhà này phá bỏ để xây dựng khách sạn Caravelle, hoàn thành sau 3 năm.

Khi ấy, Caravelle là khách sạn sang trọng hiện đại nhất Sài Gòn với hệ thống phân phối nước nóng lạnh, máy phát điện, điều hòa, thang máy vận chuyển hàng hóa, kiếng chống đạn… Sau năm 1975, khách sạn đổi tên là Độc Lập và trở lại tên cũ sau 20 năm. Năm 1997, Caravelle được nâng cấp để kết nối vào cao ốc 24 tầng kế bên.

Đối diện khách sạn Cotinental là dãy nhà cửa hàng dọc theo đường Catinat. Tòa nhà ngoài cùng là quán cà phê de Lamusic năm ở góc Catinat – Bonard (Đồng Khởi – Lê Lợi ngày nay) hoạt động từ năm 1890. Năm 1922, quán cà phê chuyển thành nhà thuốc L.Solirène.

Khu vực này sau năm 1954 được xây dựng lại thành Thương xá Eden với hệ thống nhà hàng, quán xá, rạp chiếu phim sang trọng. Đến năm 2010 thương xá bị phá bỏ, thay vào là một trung tâm thương mại bao trọn bốn mặt đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn.

Ảnh chụp năm 1950, tòa nhà ba tầng ở giữa là tiệm thuốc Normale, cạnh đó là tiệm bán thịt A.Guyonnet, nổi tiếng và lâu đời nhất trên đường này. Phía xa là góc đường Catinat – Carabelli (Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp ngày nay). Khoảng 1960, hai khách sạn được xây dựng trên nền tiệm thuốc, tiệm thịt ngày xưa.

Tòa nhà văn phòng và nhà in tờ báo L’Impartial, ngay góc đường Catinat – D’Ormay (Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi) vào năm 1920. Năm 1970, căn nhà này bị phá để xây dựng khách sạn Astor, sau năm 1975 thì đổi tên thành Hương Sen.

Tòa nhà cao 4 tầng là khách sạn Grand xây dựng từ năm 1930 tại góc đường Catinat – Vannier (Đồng Khởi – Ngô Đức Kế), đến năm 1937 đổi tên thành Saigon Palace.

Bức ảnh chụp khoảng năm 1900, tòa nhà ba tầng ở giữa bên tay trái là Grand Hotel de France, đối diện là quán Café de la Terrasse (ngày nay là khách sạn Caravelle). Cạnh đó là các tiệm bán tạp hóa, quần áo, đổi tiền, đồ lưu niệm…

Vào những năm 1920 – 1930, Grand Hotel de France được mở rộng thành khu cửa hàng, căn hộ, văn phòng, rạp chiếu phim và tồn tại đến ngày nay.

Ảnh chụp năm 1920, tiệm Photo studio nằm sát khách sạn Cotinental, đối diện là các cửa hàng (sau này là khu Thương xá Eden). Năm 2002, tòa nhà có tiệm chụp ảnh phá bỏ để xây trung tâm thương mại.

Gần tiệm chụp ảnh là công viên Pages, thời Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Chi Lăng. Bức ảnh chụp năm 1967, công viên ở đối diện tòa nhà trụ sở Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa (hiện nay là Sở Công thương). Công viên được xây dựng năm 1935 trên gò đất cao ở góc đường Catinat – Espagne (Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn). Năm 2002, công viên bị phá bỏ và nay chỉ còn là khuôn viên của một trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng.

Đoạn cuối đường Catinat hướng thẳng ra bờ sông Sài Gòn. Tòa nhà bên trái là Hotel d’Annam tồn tại đến năm 1925 thì phá để xây khách sạn Majestic. Tòa nhà bên phải là Hotel de la Rotonde, trụ sở của các công ty, lãnh sự quán. Đến năm 1980, tòa nhà này được xây dựng lại với hình dáng như hiện nay.

Theo Quỳnh Trần (Vnexpress)

Tuyển chọn những ảnh màu đẹp nhất của đường Tự Do trước năm 1975 

Nguồn hình ảnh: manhhai flickr

Saigon Hotel Palace ở góc Tự Do – Ngô Đức Kế, năm 1965

Ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh năm 1961

Phía trước là ngã tư Tự Do – Ngô Đức Kế

Góc Tự Do – Lê Lợi năm 1963

Tự Do 1962

Công viên Chi Lăng trên đường Tự Do

Tự Do 1971

Tự Do 1965

Đường Tự Do nhìn ra sông Sài Gòn

Tự Do 1962, góc ngã 3 Thái Lập Thành (nay là Đông Du)

Tự Do về đêm, 1963

Tự Do 1966

Tự Do 1967

Tự Do 1967

Tự Do 1967

Góc Nguyễn Văn Thinh – Tự Do

Tự Do 1968

Tự Do 1969

Tự Do gần ngã 3 Thái Lập Thành (nay là Đông Du)

Đường có cây xanh bên phải là Tự Do

Góc Tự Do – Hồ Huấn Nghiệp năm 1965

Tự Do 1968

Tự Do 1968

Tự Do 1972