Kinh Thi là một bộ tổng hợp thi ca từ thời Xuân Thu, là kinh điển Nho gia thường được cổ nhân dùng để giáo dục học trò, con cái. Thậm chí trong nhiều triều đại thịnh trị, các quan viên cũng được yêu cầu phải thông tỏ Kinh Thi. Trong Kinh Thi chứa đựng rất nhiều đạo lý làm người, đối nhân xử thế khác nhau. Dưới đây xin nêu ra 4 đạo lý để chúng ta cùng suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Vài đạo lý làm người sâu sắc trong Kinh Thi
Khổng Tử và học trò. (Tranh qua violet.vn)

1. Trong có lễ, ngoài có nghi

Lễ và nghi thường đi đôi với nhau, bổ trợ lẫn nhau. “Lễ” là yếu tố bên trong, là thái độ tôn trọng của mọi người đối với chính bản thân mình và đối với những người khác. Đó cũng là quy phạm và chuẩn tắc làm người. Còn “Nghi” là biểu hiện bên ngoài, là thể hiện của “Lễ” thông qua một hình thức nhất định. Do đó, “Nghi” là biểu hiện bên ngoài, phù hợp với “Lễ” ở bên trong.

Khi nội tâm một người tuân thủ lễ thì cử chỉ, hành vi và biểu hiện bên ngoài mới tự nhiên trang nhã, đứng đắn. Nếu nội tâm một người không tuân theo lễ mà chỉ làm ra dáng vẻ bề ngoài thì đó là hình thức hóa, nhìn qua là có thể biết giả tạo.

Sách “Yến Tử Xuân Thu” kể rằng, một lần nọ, Yến Tử đi sứ nước Lỗ.

Tử Cống trở về và thắc mắc với Khổng Tử: “Trong Lễ có quy định rằng: ‘Lên bậc thềm không được nhảy bậc, trước đại điện không được đi nhanh, trao ngọc thì không được quỳ’. Vậy mà Yến Tử đều vi phạm.”

Sau khi Yến Tử bái kiến vua nước Lỗ thì dành riêng một buổi tới gặp Khổng Tử. Khổng Tử nhân cơ hội ấy mới mở lời: “Trong Lễ có quy định rằng: ‘Lên bậc thềm không được nhảy bậc, trước đại điện không được đi nhanh, khi trao ngọc thì không được quỳ.’ Nhưng khi ngài bái kiến quân vương nước Lỗ, đều không làm theo lễ, là cớ làm sao?”

Yến Tử đáp rằng: “Ta nghe nói, giữa cột phía Đông và phía Tây trong đại điện, thì quân vương và các thần tử ai nấy đều có vị trí của mình, quân vương sải một bước thì thần tử cũng phải bước hai bước. Vua Lỗ đi rất nhanh, nên ta bước lên bậc thềm vô cùng nhanh là vì để kịp đến vị trí. Khi vua nước Lỗ tiếp nhận ngọc quý, người hơi cúi xuống, nên ta quỳ xuống trao ngọc cho ngài. Nếu không, vua nước Lỗ sẽ sẽ cúi thấp hơn là ta đứng, đó là quân ti thần tôn, há chẳng phải là thất lễ quân thần hay sao?”

Khổng Tử im lặng không trả lời. Yến Tử đứng dậy cáo từ, Khổng Tử dùng lễ nghi tiễn Yến Tử ra cửa.

Câu chuyện của Yến Tử là minh họa đẹp cho vấn đề lễ nghi trong xã hội hiện đại. Trong tâm có sự tôn trọng người khác, thì thể hiện ra tất sẽ khiến người ta cảm động.

Trong Kinh Thi viết: “Kỳ nghi nhất hề, tâm như kết hề”, nghĩa là người quân tử có nội tâm và vẻ bề ngoài nhất quán với nhau. Người được xưng là chính nhân quân tử có đức hạnh tốt đẹp thì dáng vẻ bên ngoài trước sau như một, nội tâm kiên định giữ gìn đức hạnh. Bên trong thì thủ lễ, bên ngoài có nghi. Đây là điển phạm lý tưởng về làm người, đối nhân xử thế.

2. Nhận lễ phải nhớ đáp lễ

Trong “Lễ Ký. Khúc lễ thượng” có viết: “Chịu nhận ân huệ của người khác thì phải báo đáp ân huệ của họ. Nếu nhận ân huệ của người mà chẳng báo đáp thì là không hợp với Lễ. Nếu nhận sự báo đáp của người khác mà không ban ân huệ cho người thì cũng là không hợp với Lễ.”

Con người sống trong một xã hội phải chú ý quy phạm kết giao. Tri ân báo đáp, có qua có lại là một trong những nguyên tắc chung sống giữa người và người. Nếu có thể tuân thủ được quy tắc ấy thì mối quan hệ đôi bên mới đạt được tuần hoàn tốt đẹp và lâu bền.

Trong Kinh Thi viết: “Đầu ngã dĩ đào, báo chi dĩ lí”, nghĩa là người tặng ta quả đào, ta báo đáp lại quả mận. Câu này cũng đã trở thành một thành ngữ được sử dụng cho đến ngày nay nhằm khuyên răn mọi người sống phải biết đáp lễ lẫn nhau, cho dù là người thân cận cũng phải có cho đi có đáp trả.

Trong việc nhận lễ và đáp lễ, có một câu chuyện vô cùng đẹp gọi là: “Người quân tử kết giao đạm nhạt như nước”.

Tiết Nhân Quý là danh tướng thời nhà Đường. Từ nhỏ, ông đã chuyên tâm luyện văn luyện võ nhưng gia cảnh lại vô cùng bần hàn. Thời điểm chưa được công thành danh toại, vợ chồng Tiết Nhân Quý sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. May mắn là vợ chồng người bạn của ông là Vương Mậu Sinh thường xuyên tiếp tế cho họ. Hai người họ còn kết nghĩa làm anh em.

Về sau, Tiết Nhân Quý đi theo Đường Thái Tông chinh chiến nhiều năm, lập được chiến công hiển hách, nhờ đó mà được phong làm Bình Liêu Vương. Ngày Tiết Nhân Quý nhậm chức, văn võ bá quan trong triều đến chúc mừng ông, nhưng Tiết Nhân Quý đều khước từ không nhận quà của mọi người, chỉ nhận hai vò “rượu ngon” của Vương Mậu Sinh đưa đến.

Vừa mở vò rượu ra thì quan chấp sự Khải Phong giật mình sợ hãi, bởi ông phát hiện ra vò rượu bề ngoài nhìn như rượu ngon nhưng bên trong lại toàn là nước lã. Vị quan nói: “Khởi bẩm Vương gia, người này thật to gan lớn mật, dám trêu đùa cả Vương gia. Xin Vương gia trừng phạt thật nặng!” Tiết Nhân Quý nghe xong, chẳng những không tức giận mà còn lệnh cho quan chấp sự mang bát ra, trước mặt mọi người uống ba bát nước trong mà Vương Mậu Sinh đưa tới.

Văn võ bá quan thấy vậy, lấy làm khó hiểu, Tiết Nhân Quý lúc này mới nói: “Lúc trước, khi ta khốn khó, tất cả đều nương nhờ vào sự giúp đỡ của vợ chồng Vương Mậu Sinh. Nếu không có sự giúp đỡ của họ sẽ không có vinh hoa phú quý của ta ngày hôm nay. Hiện giờ hậu lễ của các vị, ta không nhận, lại cố tình nhận lấy nước trong do Vương huynh đưa tới, bởi vì ta biết Vương huynh bần hàn. Tặng ta nước trong cũng là tâm ý tốt của Vương huynh, đây gọi là người quân tử kết giao đạm nhạt như nước.”

Tặng quà gì, giá trị nhiều ít ra sao không phải là điều quan trọng nhất, mà điều quan trọng hơn chính là sự trân trọng, sự quan tâm và biết ơn lẫn nhau. Qua cách đối nhân xử thế, qua thái độ đáp lễ, người ta sẽ hiểu được tình cảm và tấm lòng chân thành của đối phương đối với mình.

3. Hiếu đễ hữu ái, gia đình hòa thuận

Gia đình hòa thuận là mong ước của tất cả mọi người. Đó cũng là môi trường tốt nhất cho một cá nhân lớn lên và trưởng thành, đồng thời là nền tảng để xã hội hài hòa.

Kinh Thi nhắc rất nhiều đến sự cảm kích, lòng biết ơn và ca ngợi ơn dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Ví dụ, “Cức tâm yêu yêu, Mẫu thị cù lao”, ý nói con nhỏ còn non yếu thì cha mẹ còn nhiều cực nhọc. Hay “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao”, nghĩa là thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc. Những câu nói chất phác mà thâm sâu về công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ cũng chính là lời nhắc nhở người làm con phải hiếu kính cha mẹ. Về chuyện này, có một ghi chép lịch sử về nguyên nhân Đường Thái Tông cả đời không mừng sinh nhật như sau.

Năm Trinh Quán thứ 17, Hoàng đế Đường Thái Tông nói với thị thần: “Hôm nay là ngày sinh nhật trẫm, dân gian cho rằng vào ngày sinh nhật có thể vui vẻ giải trí, nhưng mà cứ đến ngày này, tâm trạng trẫm lại ngược lại, càng thêm nhớ thương cha mẹ hơn. Hiện giờ trẫm đã là vua của một nước, thiên hạ giàu có, nhưng trẫm muốn được phụng dưỡng cha mẹ thì lại vĩnh viễn không được nữa. Trẫm thật giống như người học trò Tử Lộ của Khổng Tử, trong lòng ôm theo nỗi ân hận không mang được gạo cho cha mẹ mình. Trong Kinh Thi có nói: ‘Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao’, sao có thể vì cha mẹ khổ cực mà trong ngày này cử hành yến tiệc vui đây! Việc làm này rất trái với lễ.”

Một ghi chép kỳ lạ về nạn châu chấu thời Đường
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Ngoài lòng hiếu thảo với cha mẹ ra, giữa anh chị em phải có lòng cung kính, yêu thương. Anh cả yêu thương em trai, em gái giống như bảo vệ chính đứa con của mình. Em trai, em gái kính trọng anh cả phải gần như với cha mẹ.

Trong Kinh Thi còn viết: “Thê tử hảo hợp, như cổ sắt cầm”, tức là cùng vợ hòa hợp như gảy đàn sắt đàn cầm. Giữa vợ chồng phải đồng tâm đồng đức, tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau. Trong mối quan hệ hôn nhân, vợ chồng phải yêu thương hòa thuận thì mới êm ấm, hạnh phúc.

Trong gia đình, con cháu phải hiếu kính bậc trưởng bối, vợ chồng phải đồng lòng tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, anh em phải đoàn kết một lòng, hòa ái yêu thương, người lớn phải chăm sóc bảo vệ con trẻ. Cho dù xã hội ngày nay đã có nhiều biến đổi, nhưng đây vẫn là đạo chung sống để gia đình hòa thuận, vĩnh viễn không thay đổi.

4. Thận trọng lời nói, minh bạch đúng sai

Lời nói có thể giúp người hướng thiện, cũng có thể khơi mào một cuộc chiến tranh. Vì vậy, nói điều gì, nói như thế nào là rất quan trọng.

Trong Kinh Thi viết: “Nói chuyện phải cẩn thận, hành vi cử chỉ phải đoan chính. Trên bạch ngọc có vết dơ thì có thể thông qua mài giũa mà trở nên sáng bóng, nhưng nếu nói chuyện mà có vấn đề thì sẽ không có cách nào bổ cứu được.” Cho nên, bất kỳ ai cũng không thể không thận trọng lời nói và việc làm, tránh vì bất cẩn mà đưa đến tai họa.

Ngô Hạ là một học giả nổi tiếng của triều đại nhà Tống. Mẹ của ông là Tạ Thị, là người mẹ có phương pháp giáo dục con vô cùng nghiêm khắc. Trong rất nhiều câu chuyện kể về cách dạy con của Tạ Thị, có một câu chuyện được hậu nhân nhắc đến rất nhiều như sau:

Một ngày nọ, mẹ của Ngô Hạ tình cờ nghe được Ngô Hạ nói chuyện với một vị khách đến chơi nhà về những thiếu sót khuyết điểm của những người khác không có mặt tại đó. Bà đã trở nên rất nóng giận và sau khi người khách rời đi, bà đã đánh Ngô Hạ một trăm roi.

Một người họ hàng đã cố trấn tĩnh bà và nói: “Nói về những điểm mạnh hay những thiếu sót khuyết điểm của người khác là điều bình thường của những người đọc sách. Có gì sai đâu? Sao bà lại đánh con đến như vậy?”

Mẹ của Ngô Hạ thở dài và nói: “Tôi nghe nói rằng nếu cha mẹ thực sự yêu con gái của họ, họ phải cố gả con gái mình cho một học giả mà rất thận trọng về những điều mà anh ta nói ra. Tôi chỉ có một mình nó là con trai. Tôi đang cố gắng làm cho nó hiểu về đạo nghĩa và những luân lý đạo đức làm người. Nếu nó không thận trọng về những điều được nói ra, tức là nó đang quên mẹ của nó. Nó hiện giờ như vậy thì nói gì đến đạo xử thế lâu dài được đây?”

Mẹ của Ngô Hạ sau đó đã khóc và không ăn uống gì.

Dưới sự dạy dỗ và nghiêm khắc của mẹ, Ngô Hạ cuối cùng đã trở thành một trong những học giả nổi tiếng nhất trong thời đại của ông và trong lịch sử Trung Hoa.

Ngoài thận trọng với lời nói của bản thân, còn cần thận trọng với lời nói của người khác. Kinh Thi viết: “Nhân chi vi ngôn, cẩu diệc vô tín”, người ta nói gì thì chớ có vội tin là như thế. Trong cuộc sống, không nên dễ dàng tin vào những lời đồn đại, gièm pha. Làm người phải có năng lực phân biệt đúng sai, phải trái, đồng thời phải biểu đạt thái độ chính nghĩa khi cần thiết. Ngoài ra, còn cần có một nội tâm thuần tịnh, không dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.

Quản tốt cái miệng của bản thân chính là thiết lập cho mình một cánh cửa để xuất ra lời nói. Dùng năng lực để phán đoán, phân biệt những lời nghe được là đúng hay sai, thì chính là quản tốt cái tai của mình. Điều này không chỉ có lợi cho bản thân, gia đình mà còn cho cả người khác.