Nghệ sĩ Ba Vân đã hết lời tán thán cô (Năm Phỉ) như sau: “Theo tôi, cô Năm là thiên tài trong lãnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật.

Lê Thị Phỉ còn được gọi là cô Năm Phỉ, sanh năm 1908, tại xã Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường, nay thuộc phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cô là con gái của ông Lê Tấn Công, một trong những trí thức Tây học của Mỹ Tho hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Ngay từ thời còn nhỏ, mặc dầu sanh ra trong một gia đình khá giả, và cha mẹ đều là những trí thức, nên họ đều muốn cho cô Năm Phỉ ăn học cho đến nơi đến chống. Tuy nhiên, ngay từ buổi thiếu thời, cô Năm Phỉ đã không thiết tha gì đến chuyện học hành, đèn sách, mà chỉ muốn theo nghiệp sân khấu cho thỏa chí bình sanh. Cha cô thường khuyên can, nhưng cũng không quyết liệt chống đối việc cô theo nghiệp cầm ca. Tuy nhiên, ông cũng nói mé cho cô biết rằng “Xướng Ca Vô Loại” và lúc nào ông cũng nhắc cô 2 câu ca dao dước đây:

“Trồng trầu để lộn dây tiêu,

Con theo hát bội mẹ liều con hư.”

Dầu cha có khuyên can thế mấy, có cấm đoán thế mấy, đến năm vừa 10 tuổi cô đã bỏ nhà đi theo gánh hát. Như trên đã nói, cô chẳng thiết tha gì đến việc học, nên phải thực tình mà nói, dầu là con của một trí thức Tây học bậc nhất xứ Mỹ Tho, cô Năm Phỉ không biết chữ, chỉ có thể ký được cái tên của mình mà thôi. Nhưng kỳ thật, ông Trời cũng rất công bình, không cho cái này thì cho cái khác, cô Năm Phỉ có một trí nhớ phi thường khó ai sánh kịp. Mỗi lần tập một vở diễn, cô chỉ cần nghe người ta đọc cho cô một lần, là cô nhớ ngay chứ không bao giờ hỏi lại lần thứ hai. Thậm chí ngay cả lúc nói chuyện với khách, cô vẫn có khả năng nghe người đọc tuồng mà không bị phân tâm. Trong thời kỳ đầu thế kỷ thứ XX, chỉ có 2 người có khả năng này là Cô Năm Phỉ và Út Trà Ôn mà thôi.

Sau đó Cô Năm Phỉ gia nhập gánh Nam Đồng Ban (?) với kép chánh xuất sắc khác là cậu Hai Giỏi, con của ông chủ gánh Hai Cu. Cặp đào kép này nổi tiếng như cồn với các vở: “Cô Ba Lưu Lạc”, “Chí Thiện Chí Hiếu”, “Ơn Đền Oán Trả”, “Tham Phú Phụ Bần”, “Thiện Ác Hữu Báo”, vân vân. Chính trong thời gian đóng chung với cậu Hai Giỏi, ngôi sao Năm Phỉ trở nên rực sáng, tiếng tăm lừng lẫy. Sau đó họ thành hôn và trở nên cặp trai tài gái sắc lừng danh nhất Nam Kỳ. Nhưng hạnh phúc không ở với họ được bao lâu thì cậu Hai Giỏi qua đời và gánh hát của ông Hai Cu tan rã. Cô Năm Phỉ phải gia nhập đoàn Tái Đồng Ban, vừa mới thành lập. Nhưng đến năm 1926 thì Tái Đồng Ban lại tan rã. Cô Năm Phỉ lại chuyển qua hát cho gánh Văn Hý Ban của ông Huỳnh Văn Vui.

Sau đó, cô lại qua hát cho gánh Phước Cương của ông bầu Nguyễn Ngọc Cương, rồi tái giá với ông bầu này. Lúc này thì tiếng tăm của cô Năm Phỉ đã vang dội khắp Việt Nam với giọng ca bẩm sinh và lối diễn xuất hết sức độc đáo qua những vai diễn trong các vở “Phụng Nghi Đình”, “Xử Án Bàng Quý Phi”, “Lan Và Điệp”, “Tơ Vương Đến Thác”, “Tứ Đổ Tường”, vân vân. Từ đó cô Năm Phỉ nghiễm nhiên chiếm trọn cảm tình của nhiều thế hệ khán giả trong nước, nhất là những khán giả của Đất Phương Nam. Vào những năm của thập niên 1930s, gánh Phước Cương còn ra tận Hà Nội trình diễn. Khán giả Hà Nội vô cùng mến mộ cô đào Năm Phỉ trong các vở “Tơ Vương Đến Thác” và “Sắc Giết Người”. Đặc biệt qua vai “Bàng Quý Phi” trong vở “Xử Án Bàng Quý Phi”. Năm 1931, đoàn qua Pháp trình diễn và tại đó cô Năm Phỉ đã nhận được 4 huy chương, trong đó có huy chương Kim Tiền của vua Bảo Đại, 1.009 danh thiếp và thư từ khán giả mến mộ gởi tặng. Tại Pháp lúc này, báo chí đã viết tổng cộng 42 bài ca ngợi; và số tiền thù lao của cô trong khoảng thời gian lưu lại trình diễn tại Pháp là 230.000 quan Pháp, tương đương với khoảng 1.000 lượng vàng. Thế mới biết công chúng say mê và ngưỡng mộ Cô Năm Phỉ đến mức nào.

Trong dòng họ của cô Năm Phỉ, còn có những người anh em bà con khác theo nghiệp cầm ca như bà Bảy Nam, Chín Bia, Mười truyền, vân vân. Nhưng nghệ sĩ Ba Vân đã hết lời tán thán cô như sau: “Theo tôi, cô Năm là thiên tài trong lãnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói không quá đáng, cô là người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất. Mỗi khi nhận vai tuồng, cô Năm Phỉ thường suy nghĩ rất nhiều về cách diễn, nghiên cứu rất kỹ từng bước đi, đứng, ngồi và mọi sự di chuyển trên sân khấu, sao cho mỗi động tác đều phải thể hiện rõ và đúng tâm trạng của nhân vật mà mình đóng…” Trong khi đó, học giả Vương Hồng Sển, trong quyển “Hồi Ký Năm Mươi Năm Mê Hát,” tr. 69-70, cũng nhận định về cô Năm Phỉ như sau: “Trong tuồng Cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quý Phi nỉ non màu mè tình tứ bao nhiêu, thì Cô Ba Lựu xuất sắc trong vai bà Địch Thiên Kim bấy nhiêu, thêm kép Bảy Nhiêu đương thời xuân trẻ, thủ vai Tống Chơn Tôn muồi mẫn, làm vua như vầy đàn bà không ai ghét. Bộ ba này quả có máu nghệ sĩ, cho đến nay hát lại tuồng ấy chưa ai bì kịp.”

Ông lại nói thêm về Cô Năm Phỉ như sau: “Một tấm thân mảnh khảnh, nhỏ người nhưng không ốm yếu, với một đài trán chứa đựng sự thông minh không bờ bến, với một đôi mắt sáng ấp ủ cả một trời thanh tú, cô là hiện thân của tình tứ, của mơ say, của một tâm hồn nghệ sĩ. Còn một đặc điểm khiến người ta phải để ý đến cô là trái với các cô đào khác nổi tiếng, cô có chất giọng khàn khàn, có phải giọng đồng chăng? như mệt nhọc, như nghẹn ngào, như tức tưởi, nên nghệ thuật của cô thêm một ý vị đậm đà tha thiết.”

Cô Năm Phỉ qua đời tại Sài Gòn ngày 2 tháng 6 năm 1954 trong sự tiếc nhớ của hàng triệu con tim Việt Nam. Nhưng điều đặc biệt đáng lưu ý nhất là trong đám tang của cô Năm Phỉ, nhạc sĩ Chín Trích đã khóc lớn và nói: “Cô Năm chết rồi, từ nay Chín Trích sẽ không còn đàn cho ai ca nữa.” Nói xong ông đã đập nát cây đàn của mình ngay bên quan tài của cô Năm. Nghe nói người nhà của cô Năm Phỉ đã cho chôn cây đàn chung trong huyệt mộ của cô để ghi nhận tình cảm sâu đậm của nhạc sĩ Chín Trích. Phải nói cuộc đời chưa quá 50 năm của người nghệ sĩ tài hoa Lê Thị Phỉ đã để lại trong lòng người quá nhiều thương cảm và ngưỡng mộ.