Ở trong một xóm cuối làng, dân cư lơ thơ, nhà ở xen với những đám ruộng thổ, một nếp nhà tranh đôi khi ở trong rừng mía rậm, ấy là nhà của thầy tôi và cũng là trường học đó.

4

Người nào có gia tài đáng chừng một vài ba trăm bạc, tôi tưởng người ta chắc không ở vào nơi hẻo lánh như thế. Duy thầy tôi là trang quân tử thanh bần, thiên hạ đều biết, quân trộm cướp cũng đã thấy mà chê rồi, nên dù ở đó cũng chẳng ngại chi. Còn có một lẽ nữa là cái cảnh tĩnh mịch đìu hiu lại rất lợi cho sự học.

Cái nhà ba gian hai chái, sườn bằng gỗ, rộng lòng căn. Trong nhà trừ ba gian bàn thờ và một cái buồng ở góc, còn thì liệt ván cả. Một bộ ván cao ở giữa là chỗ thầy ngồi; còn bao nhiêu ván thấp, cho học trò.

Trường học ta thuở xưa thường chia học trò làm ba hạng: đại tập, hạng làm bài cụ thể, đi thi được; trung tập, hạng mới tập làm bài; tiểu tập, hạng mới học vỡ lòng. Trường tôi học đây dạy toàn học trò lớn cả. Có một mình tôi là nhỏ hơn hết, nhưng đã biết làm bài cụ thể nên cũng cho vào đại tập.

Đây tôi nói vào những năm từ Thành Thái nguyên niên đến thất niên, là những năm mà ở trường đó có đông học trò hơn hết. Những người thường ngày đi “nghe sách” có đến một trăm rưởi, hai trăm. Còn có một hạng không đi nghe sách, chỉ tới kỳ thi tập bài, cũng có đến bảy tám chục, một trăm nữa. Vậy kể hết thảy, bấy giờ học trò trường thầy tôi tới ba trăm: mỗi kỳ bài, thầy tôi phải chấm ba trăm cái quyển, kể cũng mất công và nhọc lắm.

Ba trăm học trò đó, phần nhiều là người ở các phủ huyện khác; cũng có kẻ ở tận trong Phú Yên, Bình Định, nghe tiếng trường lớn thì tìm ra thọ giáo. Họ ở trọ những nhà trong làng và mấy làng chung quanh. Nhờ vậy mà dân cư các vùng này trở nên vui vẻ và nho nhã lắm: cứ tối lại là tiếng đọc sách vang lên, đi một khoảng lại nghe.

Lúc đó tôi trọ ở nhà một người bà con tại làng Kỳ Lam, gần ga xe hỏa bây giờ. Từ đây đến trường cũng còn đi mất vài ba cây số. Mỗi buổi sáng, đi cho kịp nghe sách, tôi phải dậy ăn cơm lúc còn đèn. Nhờ được cái mỗi ngày chỉ đi học có một buổi nên cũng đỡ vất vả.

Tiếc tôi không có tài tả cảnh như các ông Khái Hưng để tả cái cảnh một buổi nghe sách của trường này, dù vậy tôi cũng ráng hết sức làm thử xem sao.

Sáng nào cũng vậy, lúc mặt trời mọc lên được vài chặng đòn gánh, ở cửa ngõ nhà trường đã thấy tốp năm người, tốp ba người, tốp mười người, khăn đen áo dài, đi vào nối đuôi nhau như xâu cá. Trên những dãy ván liệt dài theo mấy căn nhà, những chiếc chiếu vấy mực đen sì đã trải sẵn, họ phủi cẳng ngồi lên: kẻ xếp bằng tròn, kẻ bỏ thòng chân xuống đất. Họp nhau lại từng chòm, họ nói chuyện rầm rì. Cũng có những sự đùa nghịch nữa, nhưng con mắt mỗi người phải ngó chừng luôn luôn, và không dám để tiếng cười nói hay tiếng đấm cú nhau sẩy ra đến ngoài. Một quang cảnh hòa vui mà nghiêm nghị, nó như đương chờ một sự gì quan trọng sắp xảy đến.

Trong nhà mỗi lúc người một đông thêm. Đã lâu rồi mà ngoài ngõ không còn thấy có người vào nữa. Đó là những cái hiệu báo cho cuộc nói chuyện nào cũng phải dẹp lại, cuộc đùa nghịch nào cũng không được kéo dài ra.

Thình lình có tiếng rùng rùng… rùng rung… Hằng trăm con người đương ngồi lật đật tuột xuống đất mà đứng lên; kẻ tuột không kịp lại đứng ngay trên ván: Đứng dậy làm lễ thầy, vì thầy mới vừa ở chỗ nhà cầu là nơi người thường nghỉ, đạo mạo bước lên.

Một bộ ván cao kê giữa nhà, trên ván ngổn ngang những chồng sách với một cặp gối dựa bốn lá, một cái tráp chữ nhật sơn đen, một giỏ tích chứa nước trà nóng hổi và cái chén kiểu để trên đài. Trước ván có cái ghế “xuân ý”, trên ghế không gì khác hơn là cái nghiên son với ống bút son; và nếu giữa kỳ bài, có một chồng quyển để thường và mỗi ngày một chất thêm cao. Thầy bước lên thì ngồi đó, quay mặt ra phía ghế xuân ý, coi rất nghiêm, vì bao giờ cũng khăn đen áo rộng.

Sách giảng hằng ngày là kinh, truyện, sử, mà cứ ngày chẵn ngày lẻ đổi khác nhau. Như ngày chẵn: Kinh Thi, truyện Luận ngữ, sử Hán, thì ngày lẻ: Kinh Dịch, truyện Mạnh Tử, sử Đường. Rồi theo đó cứ luân lưu mà giảng tiếp.

Thầy ngồi yên rồi, dưới nầy một trò nào chẳng hạn, chiếu theo ngay mà mở ba cuốn sách, nhằm chỗ tiếp với hôm trước, theo thứ tự đè chồng lên nhau và đem đặt lên ghế xuân ý, trước mặt thầy.

‒ Đọc đi! ‒ Thầy truyền.

‒ Dạ!

Ai đó dạ cũng được; có khi đôi ba người hoặc đến nhiều hơn nữa dạ rập một lần. Rồi một người tốt giọng bắt đầu đọc. Đọc chậm rãi mà ngân ngợi. Được vài ba tờ, tới chỗ thầy bảo dứt thì dứt. Đến phiên thầy cắt nghĩa. Làm như thế xong quyển kinh; đến quyển truyện, quyển sử cũng lại làm như thế.

Thỉnh thoảng khi giảng xong một quyển, hoặc giữa khi đương giảng, thầy cũng có chọn một vài nơi khó hiểu mà hỏi bất kỳ trò nào thầy muốn hỏi. Hỏi để xem trò ấy có chăm chỉ mà nghe không, và có hiểu nghĩa lý trong sách không. Vì cớ ấy, người nào chăm học, trước khi nghe sách họ không nói chuyện, không đùa nghịch, để thì giờ mở xem bài sách sắp giảng, phòng lát nữa thầy có hỏi đến mình. Nhưng những người ấy thì lại thường bị bạn đồng học theo mà trêu chọc, chế báng.

Một lần nghe sách phỏng mất ba giờ đồng hồ. Theo tôi bây giờ mà đoán xét lại cái công tác của thầy trò chúng tôi hồi đó, thật chẳng ra chi. Thầy chỉ giảng theo các thuyết của thánh hiền và tiên nho, chữ đâu nghĩa đó, chứ chẳng hề có phát huy thêm được một chút gì. Thế đó mà cũng còn có nhiều người nghe như nghe chẳng lọt vào tai chứ đừng nói ghi vào dạ. Bạn đọc thử nghĩ: Như tôi, đi học với một ông thầy mười năm chẵn, mà cứ hết kinh, truyện, sử, lại kinh, truyện, sử, học đi học lại một bộ sách đến ba bốn lần, thế là học cái gì chứ? Mỗi ngày mất ba giờ đi nghe, rồi đến về nhà mất bao nhiêu giờ ngâm nga nghiền nghĩ nữa, mà tôi nhắm chừng chẳng có sở đắc gì tất cả!

Thường thường hễ giảng xong thầy gấp sách lại, là đứng dậy đi. Một đôi khi cũng có ngồi rốn lại, để hoặc trò nào hỏi gì thì đáp, hoặc thầy có chuyện gì đem nói cho cả trường nghe, nhưng sự ấy họa chăng mới có.

Bấy giờ lại bắt đầu có tiếng rùng rung… rùng rung… nữa. Hằng trăm người đứng lên một lượt ra về. Bỗng dưng mấy anh ngồi trên bộ ván phía chái sát tường lúc đứng dậy, anh nầy dính lấy anh kia, anh kia dính lấy anh nọ, kéo nhau nhùng nhằng nhủng nhẳng, ai nấy trông thấy đến tức cười. Thì ra trong lúc nghe sách, người nào chơi nghịch đã đem vạt áo trò này cột với trò kia, vạt áo trò kia cột với trò nọ, cột đến chín mười người ngồi chung một ván ấy!… Người chơi nghịch ấy là ai, phải chi là trường tiểu lập thì đã đem việc này “thưa thầy” và người ấy sẽ bị truy ra và bị trận đòn dữ dội; nhưng đây là học trò lớn thảy cả, những người bị cột áo dù tức cười, dù phát cáu cũng đứng lại mở lẫn cho nhau rồi ôm sách, xách nón ra về